Tiết Thanh minh và tục tảo mộ của người Việt

Thứ năm - 04/04/2019 20:02

Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, từ xa xưa Tết Thanh minh đã trở thành lễ hội quan trọng, thiêng liêng, đi sâu vào tiềm thức của biết bao người Việt Nam trong và ngoài nước.
 
b
Thanh minh đi tảo mộ (ảnh minh họa Internet)


Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.
(Truyện Kiều)


Tết Thanh minh mang ý nghĩa cội nguồn, nhắc chúng ta luôn nhớ tổ tiên, không quên hướng về quê cha đất tổ. Người dân nhiều nơi kết hợp Tết Thanh minh với Tết Hàn thực, tức ngày bánh trôi bánh chay, được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch. Tuy nhiên, trên thực tế tiết Thanh minh đi theo quy luật vận hành của mặt trời - lịch dương, chứ không theo lịch mặt trăng - lịch âm, thường rơi vào ngày 4 hoặc ngày 5 của tháng Tư dương lịch.

Tục Tảo mộ
Theo tục lệ nhiều nơi, cứ sau tháng Giêng Âm lịch là người ta đã lo việc đắp mộ cho những người quá cố. Trước đây, trước Thanh minh một ngày người ta chuẩn bị một bộ tam sinh, giấy ngũ sắc, nhang, đèn, giấy tiền, vàng bạc, quần áo giấy... và các loại bánh trái, thức ăn, thức uống khác tùy sở thích của mỗi nhà để hôm sau đưa ra mộ làm lễ tảo mộ. Ngày nay các thủ tục đó hầu như ít còn được áp dụng mà người ta chủ yếu chọn mua hoa cắm hoặc đặt trước mộ khi làm lễ.
Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ. Nhân ngày đầu tiết Thanh minh, con cháu mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của họ là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa tưởng nhớ linh hồn người đã khuất. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, săn sóc, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng, những người có lòng nhân đức không khỏi mủi lòng thường cắm một nén hương, đốt nắm vàng mã cho những ngôi mộ này.
Trong ngày Thanh minh, các khu nghĩa trang trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Mọi lớp người từ già đến trẻ, nam thanh nữ tú nhộn nhịp với các công việc sửa sang, quét dọn, nhổ cỏ, tỉa cây quanh các mộ phần, rồi cắm hoa, thắp hương, long trọng hành lễ tưởng nhớ tổ tiên.

Cũng có một số vùng, nhân dân không đi tảo mộ vào dịp Thanh minh mà mọi người ra đồng thắp hương tảo mộ vào dịp trước tết Nguyên đán. Đây là phong tục kết hợp việc thăm viếng, sửa sang phần mộ với việc thắp hương cung thỉnh Tổ tiên, những người đã khuất về ăn Tết với con cháu. Lễ tảo mộ thường được thực hiện trước ngày tết ông Công ông Táo 23 tháng Chạp.

Nên chọn loại hoa nào để đi tảo mộ trong Tết Thanh minh?
Đi tảo mộ là dịp con cháu bày tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên, với người đã khuất. Khi đi tảo mộ trong tiết Thanh minh, thông thường nên chọn những loại hoa mộc mạc, màu sắc không quá sặc sỡ, nên lấy màu vàng và trắng làm chủ đạo, cũng có thể xen thêm một chút sắc tím, sắc hồng. Người ta thường chọn các loại hoa thông dụng như hoa huệ, hoa cúc hay hoa hồng… để đặt trên mộ. Đòng thời, tùy vào từng đối tượng hoặc sở thích của người đã khuất mà người ta có thể chọn nhiều loại hoa cho phú hợp.

Chọn hoa theo ý nghĩa tiếc thương, tôn kính:
Bước vào tiết Thanh minh, vạn vật như bừng sống lại, những sự khởi đầu mới, những vòng tuần hoàn mới lại bắt đầu. Theo truyền thống, trước đây cành liễu mềm mại và hoa đào tươi thắm là 2 loại hoa cành thường được dùng trong lễ tảo mộ. Ngày nay, những loài hoa như hoa cúc, hoa hồng, hoa ly, hoa loa kèn trắng… lại được ưa chuộng hơn.
Mang ý nghĩa tượng trưng cho sự tiếc thương, kính trọng đối với người đã mất, nên những loài hoa màu trắng sẽ là thích hợp nhất cho việc tảo mộ. Một số người cũng thích chọn những loài cây bình dị và có sức sống mãnh liệt như cây hương thảo, cây sống đời… để mang ý nghĩa người ra đi sẽ sống mãi trong tim người ở lại. Hoa màu vàng, phổ biến nhất là hoa cúc vàng, cúc đại đóa cũng thể hiện sự đau buồn và nhớ nhung, nên cũng thường được chọn.

Chọn hoa theo tuổi tác hoặc sở thích của người đã mất:
Người ta cũng có thể chọn các loại hoa theo sở thích hoặc theo tuổi tác của người đã mất để cắm trên mộ trong dịp Thanh minh. Nếu người đã mất ra đi lúc tuổi đã cao thì có thể chọn nhiều hoa có màu đỏ, hồng – tông màu thể hiện tình cảm nhớ nhung nồng ấm của con cháu với người đã khuất. Nếu người đã mất ra đi lúc còn trẻ thì chọn nhiều loại hoa màu trắng vàng, đặc biệt với người mất lúc chưa lập gia đình thì nên chọn loại hoa trắng như tưởng nhớ tới sự trong trắng, trinh bạch của họ. Nếu người đã mất lúc còn sống thường hay thích một loại hoa nào đó thì ta cũng hoàn toàn có thể chọn loại hoa đó để cúng dâng. 

Một điều cần lưu ý, với những loại hoa có hương thơm quá nồng, màu sắc quá sặc sỡ thì không nên dùng để tránh đưa đến cảm giác không nghiêm trang, thiếu tôn trọng người đã khuất.
Hãy nhớ điều quan trọng là, loại hoa được chọn thể hiện được tình cảm của người sống với người đã khuất, còn chọn hoa gì, hoa màu nào đều không cần quá khắt khe, bởi tảo mộ trong tiết Thanh minh, tấm lòng nói lên tất cả chứ không có luật lệ nào bắt buộc.

Tết Thanh minh nhắc chúng ta nhớ về quê hương, nguồn cội. Phảng phất trong bóng dáng mỗi con người là tình cảm hướng về tiên tổ, là dấu ấn của quê hương. Quê hương, nguồn cội chính là tài sản tinh thần vô giá đối với mỗi cá nhân, không dễ phai mờ theo năm tháng. Nếu không có điều kiện trở về quê hương trong dịp Thanh minh xin hãy hướng về nơi thiêng liêng ấy, bởi quê hương đi theo chúng ta suốt cuộc đời, in đậm dấu ấn trong từng nhân cách. 

Bài tổng hợp


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập161
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm156
  • Hôm nay21,320
  • Tháng hiện tại240,444
  • Tổng lượt truy cập48,418,334
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây