Nghệ thuật thưởng trà - Thú vui tao nhã của người Á Đông
Thứ năm - 11/07/2019 18:04
Một tách trà cũng đủ gói trọn tinh hoa văn hóa Á Đông. Thưởng trà là một nghệ thuật, tổng hòa được sự tinh tế, tao nhã trong từng thao tác. Chính vì vậy, người Á Đông thường quan niệm rằng thưởng trà chính là ta đang đào sâu văn hóa để tìm đến sự tĩnh tại và bình yên trong tâm hồn.
Nhắc đến trà đạo, người ta thường nhắc đến không khí yên tĩnh, lắng đọng, tinh thần thư thái thoải mái, kỹ thuật pha chế đẹp mắt, tỉ mỉ. Thông qua tách trà, văn hóa quốc gia sẽ được bày ra trước mắt. Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam là 3 đất nước nổi tiếng về trà được nhiều người trên thế giới biết đến. Trà đã trở thành thức uống nuôi dưỡng tinh thần của người dân bản địa. Du khách đến đây, nếu không dừng chân thưởng thức những tách trà thơm nồng, chứa đựng trong đó tâm huyết của người nghệ nhân thì đều cảm thấy chưa trọn vẹn.
Chúng ta hãy cùng dạo vòng quanh và chiêm ngưỡng nghệ thuật pha trà và thưởng trà tại Châu Á.
Nghệ thuật trà đạo Nhật Bản
Người Nhật rất kỳ công trong việc thưởng trà. Khi uống trà, người ta không chỉ quan trọng vị thơm của trà mà còn đặc biệt chú trọng đến khâu pha chế. Với nhiều quy định nghiêm ngặt, thưởng trà Nhật Bản được nâng cao lên, trở thành một trong những môn nghệ thuật, vừa rèn luyện được sự nhẫn nại, kiên trì, tỉ mỉ, lại vừa thể hiện được sự tinh tế, tao nhã trong văn hóa. Người Nhật khá chú trọng khi chọn dụng cụ pha trà. Tách trà nhỏ nhắn, đơn giản nhưng lại được điểm xuyết bởi những đường nét tinh tế. Trà đạo, đặc biệt là trà đạo Nhật Bản rất kén chọn không gian. Sự tĩnh lặng phải là yếu tố ưu tiên hàng đầu. Tách trà không đơn thuần là một thứ thức uống, nó chứa đựng và truyền tải sự thư giãn, thể hiện sự hòa hợp với cây cỏ thiên nhiên và con người xứ sở anh đào.
Với những cử chỉ tỉ mỉ, cẩn thận, nhanh nhẹn và khéo léo, bạn sẽ thấy được cả một bầu trời văn hóa khi đến thăm nhà một người bạn Nhật và chứng kiến những kỹ thuật pha trà đỉnh cao.
Nghệ thuật thưởng trà Trung Hoa
Trung Quốc là một vùng đất thiên thời địa lợi, phù hợp với sự phát triển của cây chè. Chính vì vậy, quốc gia này cũng chính là cái nôi hình thành nên văn hóa thưởng trà.
Dù cuộc sống có thay đổi đến chóng mặt, những ngôi nhà cổ cũ kỹ được thay thế bởi những tòa nhà chọc trời thì Trung Quốc vẫn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống về trà.
Người Trung Quốc không giữ những quy tắc chuẩn mực và khắt khe như Nhật Bản. Tuy nhiên, trong trà đạo, nghệ thuật và sự tinh tế, đẹp mắt vẫn là điều không thể thiếu. Được chứng kiến đôi bàn tay hoa ngọc của những cô gái Trung Hoa tỉ mỉ xúc ấm, chọn chè, tráng chén,... du khách mới cảm thấu được vẻ đẹp đích thực đến từ văn hóa trà của quốc gia này. Nếu có dịp đến Trung Quốc, đặc biệt là Bắc Kinh, bạn đừng quên ghé chân một chút vào những quán trà nổi tiếng để thưởng thức hương vị trà và chứng kiến văn hóa trà độc đáo tại đây.
Nghệ thuật thưởng trà Việt Nam
Không cầu kỳ như trà đạo Nhật - Chanoyu hay Gongfucha – trà đạo Trung Hoa, trà đạo Việt Nam có phần đơn giản hơn trong cách pha chế. Tuy nhiên, người Việt đặc biệt là những người có kiến thức uyên thâm về trà, đặc biệt yêu cầu khắt khe về hương vị.
Từ rất lâu đời, uống trà đã trở thành một nét văn hóa truyền thống của người Việt. Pha trà như thế nào cho đúng cách là cả một nghệ thuật mà các bạn trẻ đang muốn lấy lòng bố mẹ chồng hoặc chuẩn bị ra mắt gia đình bạn gái cần lưu tâm. Tách trà trong văn hóa người Việt ngoài tác dụng dưỡng tâm, tĩnh trí còn là một trong những phép thử để các bậc cha mẹ đánh giá về tính cách, con người của chàng rể, nàng dâu tương lai.
Nếu như trước đây, trà chỉ được những gia đình quyền quý Việt sử dụng, thì nay văn hóa trà đã trở nên phổ biến và được nhân rộng khắp dân gian. Cùng với đó, cách pha trà cũng có nhiều biến tấu, tuy nhiên, tinh thần của tách trà thì không hề thay đổi. Trà vẫn là thức uống thanh tao giúp cho người thưởng thức thư giãn tinh thần, thể hiện sự hiếu khách của gia chủ mỗi khi bạn đến chơi nhà.
Pha trà như thế nào cho đúng?
Mỗi quốc gia với những phong tục và đặc thù riêng biệt sẽ hình thành nên cách pha chế và thưởng trà khác nhau. Với người Việt, nghệ thuật pha trà được gói trọn lại trong một câu: “Nhất thủy, nhị trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh”. Nhất thủy: nước trà là yếu tố đầu tiên và quan trọng làm nên sự tinh túy của tách trà. Loại nước dùng để pha trà phải là nước tinh khiết, ngon nhất phải kể đến loại sương đọng trên lá sen. Dùng loại nước ấy lại cần đun sôi bằng ấm đất trên bếp lò. Với mỗi loại trà, độ sôi của nước lại không giống nhau. Với trà xanh, nước trà chỉ cần đun sôi sủi tăm còn với trà tẩm hương như trà sen, trà cúc, trà nhài... nước trà cần sôi già hơn. Nước chưa đủ độ sôi sẽ khiến trà không phai, còn nếu sôi quá lại khiến trà trở nên nồng đậm mà các cụ xưa còn hay gọi bằng cái tên dân giã là “cháy trà”. Nhị trà: Ngày nay để tiện dụng, chè khô được sử dụng nhiều để pha chế. Tuy nhiên, để có được thứ nước trà thơm nồng đúng điệu thì chè tươi, chè xanh, chè nụ mới là nguyên liệu chuẩn để pha chế. Chè phải được rửa sạch, đem vò kỹ bằng tay để làm giập lá chè, cọng chè đem bẻ nhỏ và tước thành nhiều phần. Có như vậy chỉ cần đun với nước sôi trong khoảng 15 phút, chè đã đủ độ ngấm và toàn bộ tinh chất từ lá chè sẽ được chuyển sang thứ nước vàng óng ánh trông đẹp mắt và ngon miệng. Tam bôi: Chén uống trà thường được lựa chọn hết sức tỉ mỉ. Đường kính của chén không nên quá rộng, thường chỉ nhỏ nhắn như hột mít hay mắt trâu, bởi thưởng trà không quan trọng về lượng mà lại quan trọng về chất và tinh thần. Thường một bộ chén sẽ có bốn chén quân, một chén tống (chén to nhất) dùng để chuyên trà. Khi rót trà cần lưu ý, nếu bộ trà có chén tổng thì đem rót ra chén tống trước rồi san từ đó ra các chén quân. Còn không có chén tống, có thể rót thẳng vào chén quân, nhưng lưu ý thêm là cần rót lần lượt từng ít một vào chén rồi xoay vòng, rót ngược lại, có như thế thì các chén trà mới cùng đậm đà như nhau.
Tứ bình: Trước khi pha trà, bình phải được tráng qua bằng nước sôi bằng cách tưới lên bình trà. Trà đựng trong bình phải được pha vừa đủ lượng để không nhạt quá cũng không đắng quá. Sau khi rót đủ nước pha trà ngập mặt, người pha sẽ đổ đi nước đầu tiên để rửa trà (Tục này được bắt nguồn từ thành ngữ xưa: tửu tam trà nhị, tức là rượu đến chén thứ ba mới ngấm - trà đến nước thứ hai mới ngon). Sau đó, người pha trà sẽ hoàn tất khâu cuối cùng, đổ nước gần đầy bình, đem đậy nắp, rót lên nắp bình một lượng nhỏ nước nóng để lưu giữ thứ mùi hương tinh khiết, thơm dịu của trà. Sau 1-2 phút, trà vừa tay, chủ nhà sẽ có thể đem trà mời khách. Ngũ quần anh: Nhà văn Nguyễn Tuân có câu: “Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí, mới có thể cùng nhau ngồi bên một ấm trà. Những lúc ấy, chủ nhân phải tự tay mình chế nước, nhất nhất cái gì cũng làm lấy cả, không dám nhờ đến người khác, sợ làm thế thì mất hết cả thành kính”. Người thưởng trà, bạn trà vì thế mới quan trọng, khó kiếm, hiếm gặp. Chỉ có tri kỷ mới có thể im lặng ngồi bên chén trà mà vẫn thấu hiểu được tâm ý của nhau.
Tất cả các công đoạn cầu kỳ ấy, từ chọn nước, chọn trà, pha trà, rót trà đều thấm đẫm màu sắc văn hóa truyền thống và tụ hội tinh hoa dân tộc Việt Nam vốn đã được gìn giữ và lưu truyền qua hàng ngàn năm.
Lưu ý khi thưởng trà
Người xưa có câu rượu ngâm nga, trà liền tay tức là trà phải uống ngay lúc còn nóng mới ngon. Tay nâng ly trà, nhấp từng chút một để cảm thụ hương vị của trà khi chạm vào đầu lưỡi, thẩm thấy vào ruột gan để thấy tâm hồn mình lắng đọng lại. Uống trà còn được ví như uống cả một luồng văn hóa Việt, hương trà còn vấn vương sau khi uống cũng như văn hóa dân tộc luôn còn mãi trong tâm trí của mỗi người Việt, ngay cả khi xa xứ.
Dâng trà đã là một ứng xử văn hóa phổ quát biểu hiện sự lễ độ, lòng mến khách. Khi dâng trà nên mời từ người lớn tuổi nhất, cũng giống như khi mời ăn uống bình thường. Thưởng trà ngon phải được đặt trong không gian thanh tịnh, có như thế thì tác dụng di dưỡng tinh thần của trà mới được đẩy cao đến đỉnh điểm.
Những lúc đầu óc đang bị dao động bởi cảm xúc mạnh, được ngồi xuống thưởng thức một tách trà, bạn sẽ thấy mọi nóng giận đều được rửa trôi nhanh chóng.
Chính vì thiên về sự yên tĩnh, lắng đọng tinh thần nên thời điểm lý tưởng nhất để thưởng trà là khi rảnh rang công việc, lúc sáng sớm, khi buổi tiệc đã tàn, khách khứa đã về, hay trong một mái đình cổ kính, bên một hồ sen thơm ngát,...chứ không nên uống trà khi đang bị bủa vây bởi bận rộn, công việc, hoặc ở những chốn đông người.
Uống trà cũng rất cần sự tiết độ. Người biết về trà thường không uống nhiều, uống đặc và cũng không uống liên tục suốt ngày. Bởi trà đại diện cho sự tế nhị, nhạy cảm, thanh tao, tạo không gian để suy ngẫm và khiến đầu óc tỉnh táo.
Uống trà để giữ tâm thanh tịnh, mưu điều thiện, tránh điều ác, để lưu giữ một nét văn hóa thanh lịch và tỏa hương. Trà đạo và nghệ thuật thưởng trà chính vì thế đã trở thành một thú vui tao nhã của người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung, cần được gìn giữ, thẩu hiểu và trân trọng.