Giữ gìn nét đẹp văn hóa trong gia đình Việt nam hiện nay

Chủ nhật - 10/11/2019 17:04

Mỗi gia đình, dòng họ có truyền thống phong tục, tập quán riêng, nhưng tất cả những nếp sống ấy đã dần bổ sung nhau, trở thành nét đẹp văn hóa chung trong đại gia đình Việt Nam.
 
 
b
Ảnh minh họa

1. Truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam

Gia đình là một nhóm xã hội chung sống trên cơ sở quan hệ huyết thống. Giữa họ ràng buộc bởi quyền lợi, nghĩa vụ chăm sóc nhau cùng tồn tại. Ở mỗi quốc gia, mối quan hệ gia đình theo luật tục riêng, hình thành nền tảng đạo đức xã hội được pháp luật công nhận. Mô hình gia đình Việt Nam đi lên từ nền nông nghiệp trồng lúa nước và phát triển thành văn hóa, văn minh, dưới các triều đại phong kiến, qua đấu tranh xây dựng đời sống, gia đình được xếp vào vị trí hàng đầu trong hoạt động xã hội. Gia đình là động lực, sức mạnh, chân lý bảo vệ đất nước, nòi giống…
Dù nghèo khó hay giàu sang phú quý, mỗi gia đình cần giữ gia phong trên thuận dưới hòa, luôn yêu thương, quan tâm đến nhau. Từ ngàn năm trước, mỗi người đã đặt gia đình vào vị trí số một trong cuộc đời mình, gia đình là tế bào đặt nền móng phát triển cơ thể xã hội, gia đình mạnh xã hội mới vững chắc. Nền nếp, tôn ti trật tự gia đình chặt chẽ, xã hội sẽ an toàn, đây là một trong các tiêu chí xây dựng xã hội tốt đẹp. Mỗi gia đình, dòng họ có truyền thống phong tục, tập quán riêng, nhưng tất cả những nếp sống ấy đã dần bổ sung nhau, trở thành nét đẹp văn hóa chung trong đại gia đình Việt Nam.
Mỗi gia đình đều ghi chép lại việc của gia tộc, dòng họ, được bổ sung đời này sang đời khác khá đầy đủ, chỉ một số ít gia đình mất gia phả phải truyền bằng miệng đến tam, tứ ngũ đại đồng đường, hết ngũ đại lại khởi sự đời thứ nhất, cứ thế lưu truyền cho con cháu đời sau.
Giáo dục con cháu chuẩn theo quan niệm của Nho giáo và Phật giáo, đó là lối sống lễ nghĩa, quan hệ tình làng nghĩa xóm, giữ cho lời ăn tiếng nói không phạm đến gia tiên tổ tông. Người xưa trọng lời ăn, tiếng nói, khi giao tiếp, đối xử với người trên phải kính, kẻ dưới phải nhường, không để hàng xóm cười chê, cha mẹ buồn lòng. Điều đó thể hiện hành vi đạo đức, giáo dục gia phong của mỗi con người, nếu muốn ăn phải có lời, muốn nói thì có tiếng, không thể gật đầu, lắc đầu là xong. Những động tác lặng câm ấy là bất kính với người trên, xem thường kẻ dưới.
Người xưa coi trọng gia tiên, khi nói lời quan trọng thì lấy gia tiên để chứng giám cho lời nói của mình, nếu đơn sai thì bị trừng phạt…
Trong gia đình cũng như xã hội, người xưa thường răn dạy con người sống biết kính trên, nhường dưới, muốn thành người trước hết phải học cách đối nhân xử thế rồi mới trau dồi tri thức xã hội. Đạo làm con biết thờ mẹ, kính cha, ghi sâu công đức cha mẹ, làm người còn phải sống có tình nghĩa với làng xóm… bài học giáo lý về kinh nghiệm sống, văn hóa ứng xử của gia đình Việt Nam xưa trong quan hệ tình thân, tình làng nghĩa xóm. Người xưa trọng đức, thời nay trọng tài, tài năng phải đi liền với đức độ, vì thế cần giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống gia đình trong thời đại mới. Truyền thống văn hóa gia đình là nền tảng giáo dục con người thời hội nhập, gia đình nào không quan tâm đến giáo dục văn hóa truyền thống gia đình, truyền thống yêu nước của dân tộc thì con cháu không thể thành đạt được.
Tuy nhiên hiện nay, tiếp thu truyền thống văn hóa gia đình phải có chọn lọc, bởi các danh ngôn không còn phù hợp với lối sống thời công nghệ, ai ai cũng bận rộn với công việc. Nhiều lý lẽ khiến ta phải dừng lại suy ngẫm, ví dụ như trong quan hệ tình cảm vợ chồng có câu: Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê; Chồng em áo rách em thương, chồng người áo gấm sông hương mặc người… Qua đó mới thấy, tình yêu vợ chồng là nền tảng gia đình hạnh phúc, dù gian khổ bao nhiêu nhưng người phụ nữ luôn nhẫn nhịn, hết lòng vì chồng để tình nghĩa vợ chồng luôn đậm đà, bền chặt. Tình yêu chung thủy không chỉ là tình mà còn là nghĩa, cái nghĩa bền hơn cả tình, đây là nền tảng gắn bó bền chặt gia đình.
Ngày nay, một bộ phận giới trẻ đang tiếp nhận nhiều trào lưu sống vội vã, thích hưởng thụ và thiếu chọn lọc. Một số ít gia đình Việt Nam sau đổi mới, hội nhập gia phong bị đổ vỡ từ tay những bậc làm cha mẹ. Họ không xây dựng lối sống văn hóa gia đình tôn thờ cha mẹ, dòng tộc theo truyền thống cha truyền, con nối mà hướng đến hôn nhân tạm. Đó là sống thử, quan hệ trước hôn nhân dẫn đến kết hôn khi chưa chuẩn bị cả về tinh thần và vật chất cho cuộc sống gia đình… Ngày xưa, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, thời nay, con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy. Đúng nghĩa đổi mới tư duy.
Truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam biểu hiện trên nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều biểu hiện gia phong còn nguyên giá trị giáo dục đạo đức, nhân cách con người thời hội nhập. Thời nay, nhiều gia đình vẫn tự hào về văn hóa, gia phong của dòng họ mình. Rất mong truyền thống này được tiếp tục phát huy, phát triển để giáo dục con cháu học đạo làm người. Nhiều làng xã, lễ hội phong tục cổ truyền được quan tâm phục dựng, nhưng cần hết sức cẩn trọng để không xảy ra hiện tượng lợi dụng kiếm tiền trên những di sản văn hóa truyền thống.

2. Các trào lưu lối sống của giới trẻ thời hội nhập

Giới trẻ hiện nay ngoài năng động, tự tin, dám nghĩ dám làm còn tồn tại một bộ phận thanh niên thích được nổi tiếng bằng những hành động khác người, khoe thân, khoe của trên mạng xã hội, sống dựa dẫm vào cha mẹ mà ko cố gắng trau dồi kiến thức và lao động… Nhiều trào lưu chỉ mới xuất hiện nhưng đã nhanh chóng chi phối thời gian, tiền bạc của nhiều bạn trẻ như: tự sướng, mặc đồ khác người, chi nhiều tiền cho việc chơi bời trên sàn nhảy, điện thoại thông minh, đi xe đắt tiền…
Từ năm 2013 - 2017, giới trẻ Việt Nam tiếp nhận nhiều trào lưu mới, trong đó không ít trào lưu bùng nổ trên phạm vi toàn cầu. Có nhiều trào lưu mang tính tích cực, thúc đẩy khả năng sáng tạo, tư duy của giới trẻ, chẳng hạn như họ tự tổ chức những cuộc thi sáng tác trên mạng internet trong một thời gian ngắn, thu hút được đông đảo người tham gia với hàng trăm, hàng nghìn những tác phẩm có nội dung giá trị đặc sắc, ý nghĩa cho xã hội, giải thưởng có thể lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Hiện thực ấy phản ánh giới trẻ hiện nay là những đối tượng vừa tự chủ bản thân vừa tự chủ tư duy.
Nguyên nhân bùng phát các trào lưu trong giới trẻ và được họ đón nhận nhiệt tình là do chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, mạng internet chính là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa muôn màu đầy mới lạ, kích thích trí tò mò, muốn khám phá của đối tượng này. Điều này gây ra những phản ứng đa chiều trong giới trẻ, khát vọng vươn lên, động cơ tích cực, nhưng các trào lưu họ khởi xướng lại tùy thuộc vào văn hóa tri thức mỗi tầng lớp thanh niên. Bên cạnh đó, một số trào lưu tích cực nhưng không đủ hấp dẫn, gây nên hiện tượng trong giới trẻ để lôi cuốn họ hưởng ứng như: Làm việc vì lợi ích cộng đồng, sống vì mọi người, hiến máu, săn bắt trộm, cướp trên đường phố, xe công cộng… Ngược lại, những trào lưu lối sống quái dị lại dễ gây chú ý mạnh mẽ, chỉ tính từ năm 2012 - 2017, xuất hiện hàng loạt các trào lưu: hát nhạc chế, nhạc đám cưới, thú tội  (confession) quay video bạo lực tuổi học đường tung lên mạng…
Một số trào lưu mới nghe tên thì có vẻ mang tính tích cực, nhưng lại bị biến tướng thành tiêu cực. Chẳng hạn, trào lưu nói là làm, nghe như một lời hứa, một lời khẳng định, thể hiện sự quyết tâm của những bạn trẻ đối với một việc nào đó, bởi nói mà không làm sẽ hỏng việc. Nhưng tiếc thay trào lưu được khởi phát từ năm 2003 này lại không được hiểu theo hướng tích cực, mà nó biểu hiện những hành động điên rồ trong giới trẻ. Đã từng có một thanh niên nói nếu có 40 like sẽ đổ xăng lên người tự thiêu, một nữ sinh nói nếu đủ 1.000 like (1) tôi sẽ đốt trường học, một người khác nói nếu đủ like sẽ nhảy cầu, nhảy lầu… Và sự thật đã diễn ra như lời Nói là làm, một nữ sinh tự đốt trường THCS, một thanh niên đốt mình trên cầu Tân Hòa, một người nhảy cầu Sài Gòn… Ngoài ra còn nhiều hành động tiêu cực khác như nếu đủ like tôi sẽ cởi quần áo ra đường, hoặc ăn thịt chuột sống… nghĩa là không từ bất kể hành động nào. Trào lưu kisscam xuất hiện đầu xuân 2016 và bùng phát trên toàn cầu, là một thông điệp về tình yêu thương con người, nhưng giới trẻ Việt Nam biến nó thành cưỡng hôn, gặp thiếu nữ là hôn… hành động ấy gây phản cảm, thiếu văn hóa làm bức xúc dư luận xã hội… Thiết nghĩ, nếu những thanh niên này được học thuộc lòng những câu ca dao, tục ngữ về công cha, nghĩa mẹ, về tình làng, nghĩa xóm, học đến mức ngấm vào hồn cốt tuổi học trò cùng với một nền tảng giáo dục gia đình có truyền thống, liệu các em có dám liều thân đốt trường mình đang học? Hoặc cưỡng hôn một cô gái trên đường phố…

3. Lời kết

Giới trẻ Việt Nam thời nay có nhiều cơ hội để tiếp nhận mọi trào lưu từ bên ngoài vào, nhiều nhà tâm lý giáo dục học cho rằng họ bị tiếp nhận một cách thụ động không phân biệt nổi các trào lưu tích cực và tiêu cực. Điều này mới chỉ đúng một phần, bởi giới trẻ thời nay đã biết làm chủ bản thân, biết tư duy, lựa chọn cách sống cho riêng mình. Giới trẻ không đến nỗi lầm lạc, đi sai đích mà không biết, ngược lại là biết mà cứ làm để khác đời, khác người, đây mới là mấu chốt nguy hại trong cách sống của một bộ phận thanh niên thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão.
Để khắc phục, hạn chế hiện tượng tiêu cực trong giới trẻ học đường hiện nay, một số giải pháp được đề xuất là: xây dựng tổ ấm gia đình hạnh phúc, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dòng họ; dạy lễ nghĩa cho học sinh từ gia đình đến nhà trường, ghi nhớ những ca dao, tục ngữ về vẻ đẹp truyền thống văn hóa gia đình, làng xóm...; ban hành văn bản luật về bảo tồn, phát huy, phát triển truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam trong thời đại mới; vận động tuyên truyền từ hệ thống nhà văn hóa thành thị đến nông thôn, thường xuyên tổ chức các cuộc thi về truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam. Nhằm ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực trong giới trẻ như bạo lực học đường, bạo lực gia đình… cần sớm thực hiện những cuộc tuyên truyền, vận động thanh niên, học sinh tham gia những chương trình mang tính gắn kết tình cảm gia đình, bạn bè… Nhà trường và gia đình là hai môi trường rèn luyện nhân cách sống ảnh hưởng trực tiếp đến đạo đức, lối tư duy của con em mình, cha mẹ và thày cô chính là những người định hướng, tác động quan trọng quyết định đến việc trẻ nhận thức như thế nào đến các vấn đề, hiện tượng trong xã hội ngày một khó lường như hiện nay.

Đặng Kim Thoa
(Theo vhnt.org.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập98
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm94
  • Hôm nay32,329
  • Tháng hiện tại882,450
  • Tổng lượt truy cập50,245,668
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây