Về lời nguyền trai gái họ Ngô không lấy nhau

Thứ hai - 11/02/2019 19:02

Bất kỳ người họ Ngô, dù sống ở phương trời nào cũng đều biết đến lời truyền ngôn: “Họ Ngô không được lấy họ Ngô”. Lời truyền ngôn đó đã truyền tụng qua bao đời, nhưng không ai rõ bắt nguồn từ đâu.
 
c
Lăng mộ đức Hoàng Cô (Ngô Thị Nữ Hoằng) ở thôn Dương Phạm, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, Nam Định

Điều không thể hiểu nổi là làm sao lại có thể lan truyền sâu rộng mọi nơi có họ Ngô sinh sống, dĩ nhiên chắc chắn chỉ là truyền ngôn, bất thành văn. Một điều cũng khó hiểu không kém là ai đã xướng xuất ra điều đó? Bao nhiêu thế hệ con cháu họ Ngô cố công tìm hiểu, nhưng không tìm được manh mối dù là mong manh nào. Chúng tôi cũng đã mấy chục năm để tâm tìm kiếm, nhưng cũng không tìm được gì.

Gần đây, sự kiện cây Dã hương hơn 500 năm tuổi ở Nam Định được công bố trên các phương tiện truyền thông đã hé lộ vấn đề mà họ tộc chúng ta từng quan tâm tìm hiểu.

Sự tích cây Dã hương cổ thụ

Tương truyền ở làng Dương Phạm xã Yên Nhân huyện Ý Yên tỉnh Nam Định có đôi vợ chồng người nông dân quanh năm kiếm sống bằng nghề mò cua bắt ốc. Người bố tên là Ngô Công Tước, mẹ là Nguyễn Thị Thái Hằng. Vào một ngày đẹp trời, người vợ  thấy trong cơ thể thay đổi khác thường. Đêm ấy người vợ ngủ mơ thấy ánh hào quang sáng rực ở đầu giường. Sau 18 tháng mang thai, năm 1449, người vợ hạ sinh được một bé gái khỏe mạnh, dung nhan diện mạo khác thường. Vợ chồng người nông dân đặt tên cho con là Ngô Thị Nữ Hoằng.

Từ nhỏ đến lớn, Hoằng chịu khó mò cua bắt ốc để phụ giúp gia đình. Không chỉ giỏi lao động, Hoằng còn giỏi chữ nghĩa, thêu thùa và ca hát. Càng lớn, cô gái càng xinh đẹp và giỏi giang, khiến người dân trong vùng rất tự hào về cô.

Mùa xuân năm 1468, Hoằng tròn 19 tuổi, trong một buổi sáng đẹp trời, Hoằng cùng một số chị em vừa ngâm nga ca hát vừa cắt cỏ bên bờ sông Đại An thì thấy chiếc thuyền rồng đi qua. Khi thuyền rồng đến gần chỗ mấy cô gái đang cắt cỏ, một anh lính trên thuyền cất lời trêu rằng: 

Hỡi cô cắt cỏ bên sông
Chẳng ngại thuyền rồng anh đón đi chơi?


Trong lúc các bạn chưa biết trả lời ra sao, Hoằng dừng tay cắt cỏ, đưa liềm lên vẫy chào các anh lính và cất lời đối đáp: 

Tay cầm bán nguyệt xênh xang
Lòng em cũng muốn mở mang cơ đồ.


Lúc đó, vua Lê Thánh Tông đang ngự trên thuyền rồng nghe tiếng cô gái thôn quê đối đáp với mấy anh lính hầu lưu loát lạ thường, liền vén rèm lên xem. Nhìn thấy mặt cô gái, vua Lê sững sờ và thốt lên: Ôi, sao nàng đẹp đến vậy! Điều khiến vua Lê ngạc nhiên hơn nữa là nhìn thấy hễ cô gái đi đến đâu thì trên đầu cô bao giờ cũng có đám mây ngũ sắc theo đến đó để che nắng. Biết đây là người tài, mấy hôm sau vua Lê cử người về tận nhà cô gái đón cô vào cung và phong làm Đệ nhị cung phi. Nhưng thật tiếc thay, không bao lâu sau khi vào cung, Đệ nhị cung phi đã đổ bệnh và 3 năm sau thì qua đời khi chưa một lần được ân ái.

Sau khi Đệ nhị cung phi mất, thể theo di nguyện, nhà vua và tùy tùng đã đưa nàng về quê an táng. Vì đất làng Dương Phạm vốn là bãi bồi, nên để phần mộ của nàng được chắc chắn, nhà vua đã cho chở 5 thuyền cát ngũ sắc và đá xanh từ nơi khác về xây. Ý định của nhà vua là sau khi đưa linh cữu của Đệ nhị cung phi về quê, không tổ chức mai táng ngay, mà để lại một ngày để dân chúng trong vùng đến viếng. Tuy nhiên, khi linh cữu của nàng vừa đến làng Dương Phạm thì bất ngờ trời nổi cơn dông bão ầm ầm, mưa như trút nước. Trước tình thế đó, nhà vua buộc phải sai lính dựng lán trại tại chỗ để che chắn.

Sau một đêm dông tố, trời quang mây tạnh trở lại, nhà vua và quần thần đến nơi đặt linh cữu Đệ nhị cung phi thì thấy mối dùn thành mộ, che gần kín quan tài. Vua biết nàng được thiên táng đất địa linh đầu rồng nên quyết định cho quân lính xây mộ an táng nàng tại đấy. Sau đó cho xây dựng đền thờ lấy tên là Đền Hoàng Cô ở gần phần mộ nàng.

Đằng sau ngôi đền, nhà vua cho trồng một loại cây có lá xanh mướt, tỏa mùi hương thơm ngát. Dân làng không biết tên cây lạ nên gọi nôm na là cây Xoan Dã, ý nói Nhị cung phi về với cát bụi khi còn quá trẻ. Cây Xoan Dã lớn lên cùng với lòng thành kính của dân làng ngày càng xanh tốt và hình dáng kỳ vĩ lạ thường. Hơn 500 năm qua, với với bao biến đổi của thời tiết, nhưng cây Xoan Dã vẫn sừng sững tồn tại như một huyền thoại kể về người con gái họ Ngô ở làng Dương Phạm. Cây cao 28m, chu vi tán 11m, phân thành 2 cành lớn, tỏa bóng mát xuống toàn bộ Khu di tích đền Đức Hoàng Cô.

Gần đây, cây Xoan Dã đã được các nhà khoa học xác định là cây Dã hương, có tên trong Sách Đỏ thế giới.

Điều hết sức đặc biệt là cây Dã hương có tác dụng chữa được rất nhiều bệnh ngoài da cũng như nội thương. Còn miếu Hoàng Cô thì cực kỳ linh thiêng, bất kể ai dù vô tình hay cố ý xâm phạm đều bị trừng phạt. Những nhân chứng sống, có cả những người bị trừng phạt hiện vẫn đang còn sống ở ngay làng Dương Phạm.

Sự tích lời nguyền họ Ngô không lấy nhau

Theo thần phả của đền Hoàng Cô cũng như trưởng lão di ngôn thì sau khi đón cô gái nhan sắc tuyệt trần và thông minh xuất chúng vào cung. Vua Lê Thánh  Tông hỏi ra mới biết cô con gái ấy là người họ Ngô. Nhà vua rà soát lại các đời ông cha, mới hay biết Nữ Hoằng vốn có tích chung huyết thống với mình, không được phép chung chăn gối. Bởi vậy, vua Lê Thánh Tông phong cho Nữ Hoằng làm Đức Chúa Hoàng Cô, Đô Tư Phán xứ hậu, chuyên việc dạy dỗ các công chúa.

Dẫu đây chỉ là chuyện được chép trong thần phả, nhưng với con cháu họ Ngô, thì chúng ta tin chuyện đó là có thật. Xưa kia, mẹ vua Lê Thánh Tông là Thánh Mẫu Ngô Thị Ngọc Dao cũng có truyền thuyết mỗi khi ra đồng cũng đều có đám mây che mưa nắng như Đệ nhị cung phi. Chuyện này được chép trong Ngô gia thế biên: “Khi Thánh mẫu lớn, ra đồng trông nom việc cày cấy thường có đám mây ngũ sắc che ở trên đầu. Bọn trẻ xúm xít vây quanh, nhờ đó mà tránh được mưa nắng. Có thầy tướng nói: Cô gái này xứng đáng làm mẹ thiên hạ!

Truyền thuyết về 2 người con gái họ Ngô: Ngô Thị Ngọc Dao và Ngô Thị Nữ Hoằng giống nhau như thế, nên có thể vua Lê Thánh Tông nghĩ rằng giữa hai người đàn bà ấy có duyên tiền định nào đó mà không nỡ chung chăn gối chăng?

Vị vua lỗi lạc này cũng rất coi trọng huyết thống dòng dõi tổ tiên. Trong 38 năm làm vua, Lê Thánh Tông từng 3 lần về viếng thăm quê ngoại, thắp hương tại Phúc Quang từ đường. Chính ngài cũng là người cho sửa đổi lệ ban “quốc tính” chỉ một đời; đến đời con phải quay về họ gốc.

Toàn thư (tr.402-Tập 2) chép: Tháng 12 năm Giáp Thân, Quang Thuận 5 (1464), vua có sắc dụ cho các đại thần và các quan rằng: “Xưa Thái Tổ ta dãi gió dầm mưa để bình định thiên hạ, bấy giờ các bề tôi có công ra sức giúp dân, cùng chịu gian lao khổ ải, tình nghĩa đều vẹn toàn. Vì thế đặc ân ban quốc tính để tỏ long yêu quý khác thường. Nhưng con cháu các người truyền nối lâu dài, e rằng quên mất họ cũ của tổ tiên, trái với đạo dạy con người ta hiếu thảo. Từ nay về sau, công thần được đặc ân ban quốc tính thì chỉ một đời người ấy thôi, còn con cháu thì đều theo họ cũ”.

Theo sự suy luận của người biên tập bài này, thì vì lòng tôn kính vị vua anh minh nhất trong số các vị vua anh minh trong thời đại phong kiến nước ta, mà con cháu truyền nhau từ đó cho mãi đến tận ngày nay suốt từ Bắc  đến Trung rồi Nam là họ Ngô mà lấy họ Ngô là điều đáng xấu hổ. Chính người biên tập bài này có người anh trai, thời trẻ ông đi dạy học ở huyện khác, dự định lấy một cô gái ở nơi ấy làm vợ. Nhưng khi về xin phép cha, người cha khi biết cô gái ấy cũng là người họ Ngô, liền bảo con: “Một là mày đừng lấy nó để giữ họ Ngô; hai là nếu vẫn quyết lấy nó thì mày đừng về đây làm gì vì mày đâu còn là người họ Ngô xứ này nữa”.

Tuy nhiên, chúng ta cũng biết ở một số nơi do điều kiện đặc biệt mà con trai con gái họ Ngô lấy nhau khá nhiều, như vùng Tam Sơn - Từ Sơn - Bắc Ninh và ngay cả tại nơi đất Tổ Đồng Phang cũng như một số nơi khác (cụ thể xin xem Kể chuyện nối thời gian). Chúng tôi từng chất vấn các bậc bô lão ở những nơi ấy, thì họ đều xác nhận là có biết lời nguyền ấy, nhưng trong điều kiện con cháu họ Ngô tụ cư đông đúc có đến 80-90% dân số, lại chỉ quanh quẩn ở làng, nếu không lấy nhau thì chẳng lẽ ở góa hay sao? Và đó cũng là một thực tế lịch sử. Ngày nay con cháu họ Ngô bung đi các nơi công tác hoặc làm ăn, có điều kiện giao tiếp với nhiều người con gái, cho nên việc lựa chọn người bạn đời không là người họ Ngô thuận lợi hơn nhiều, Do đó, ngày nay con trai con gái họ Ngô lấy nhau là hãn hữu.

Ngô Vui
        

Tổng số điểm của bài viết là: 18 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập84
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm78
  • Hôm nay59,198
  • Tháng hiện tại524,759
  • Tổng lượt truy cập47,249,867
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây