Họ Ngô Đáp Cầu đón nhận Bằng di tích LSVH nhà thờ họ
Chủ nhật - 26/02/2023 08:05
Sáng ngày 26/2/2023, tại Phường Đáp Cầu thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), họ Ngô Đáp Cầu đã tổ chức giỗ Tổ và long trọng đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh do UBND tỉnh Bắc Ninh trao tặng.
Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa
Tới dự buổi Lễ có lãnh đạo Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo TP Bắc Ninh và đại diện chính quyền, các cơ quan đoàn thể địa phương cùng đông đảo bà con gia tộc họ Ngô trên địa bàn.
Đoàn đại biểu Hội đồng họ Ngô Việt Nam do Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến Quý (Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng) làm trưởng đoàn về tham dự và chung vui cùng họ Ngô Đáp Cầu, cùng đi với đoàn còn có ông Ngô Vi Tiết (Thường trực HĐ, Chủ tịch HĐ họ Ngô TP Hà Nội), anh Ngô Minh Dương (Thường trực HĐ, Chủ nhiệm CLB Tuổi trẻ họ Ngô VN), đoàn họ Ngô Bắc Ninh do ông Ngô Diên Hồng (Chủ tịch lâm thời, trưởng đoàn) cùng các thành viên đoàn cũng về tham dự.
Ngay từ buổi sáng sớm, các thành viên con cháu họ Ngô Đáp Cầu đã có mặt tại nhà thờ chính để làm Lễ cáo tổ và tổ chức chúc mừng Thọ các bậc cao niên trong dòng họ, sau đó các đoàn đại biểu cùng tham dự Lễ trao Bằng công nhận tại Trung tâm văn hóa Phường do chính quyền địa phương đứng ra tổ chức và Lễ rước Bằng công nhận về nhà thờ Tổ.
Nhà thờ họ Ngô Đáp Cầu hiện tọa lạc tại lưng chừng đồi Pháo thủ (thuộc khu 1, phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh). Căn cứ vào nội dung văn bia “Ngô tộc từ đường bi ký” niên hiệu Bảo Đại thứ 6 (năm 1931), thì ngôi nhà thờ được cụ Ngô Thế Nghĩa (đời thứ 6) xây dựng ở bến Nghè bên bờ sông Cầu, có kiến trúc nguy nga tráng lệ… Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, công trình đã bị phá hủy. Đến năm Giáp Ngọ (1884), nhà thờ được chuyển về khu vực đồi Pháo thủ và giữ nguyên cho tới ngày nay.
Trải qua gần 140 năm và sau nhiều lần tu sửa, công trình hiện nay mang lối kiến trúc Pháp của đầu thế kỷ XX, và một số hạng mục công trình kiến trúc thời Nguyễn còn được bảo lưu nguyên vẹn.
Trong nhà thờ hiện còn bảo lưu được nhiều tư liệu, hiện vật, cổ vật quý như: Bia đá, ngai thờ, sắc phong, hoành phi, câu đối, đồ thờ tự… có niên đại tạo tác thời Nguyễn. Các nguồn tư liệu, cổ vật này có giá trị lớn về mặt thẩm mỹ, khoa học, nghệ thuật và lịch sử.
Phát biểu tại buổi Lễ, nhà sử học Dương Trung Quốc đã đánh giá cao những giá lịch sử mà công trình còn lưu giữ được, chúc mừng gia tộc họ Ngô Đáp Cầu đã có một công trình tâm linh được công nhận di tích lịch sử văn hóa nhằm bảo tồn cho các thế hệ con cháu mai sau. Nhà sử học cũng vui mừng nhận thấy phong trào kết nối dòng họ tại các địa phương hiện nay đang vô cùng khởi sắc, nó thể hiện sự quan tâm của cộng đồng và xã hội đến việc giữ gìn các nét đẹp văn hóa trong lịch sử truyền thống của cha ông ta.
Căn cứ vào cuốn “Gia phả họ Ngô” được biên soạn vào năm Canh Dần, niên hiệu Minh Mệnh thứ 11 (1830) và được các đời hậu duệ họ Ngô tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đã cho biết lịch sử họ Ngô Đáp Cầu như sau: Cụ thủy tổ họ Ngô Đáp Cầu là Ngô Phúc Khánh có xuất thân từ Bồ Châu (Yên Mô, Ninh Bình) đến gây dựng cơ nghiệp ở Đáp Cầu từ ngày mới lập làng. Hiện nay, đã trải qua 18 đời và số lượng con cháu họ Ngô sinh sống tại đây có hơn 100 hộ với hơn 400 nhân khẩu.
Trải qua mấy trăm năm lịch sử, họ Ngô nơi đây đã sản sinh ra nhiều nhân tài có đóng góp lớn cho quê hương, đất nước. Tiêu biểu như: Cụ Ngô Trọng Tố, đỗ cử nhân năm Thiệu Trị thứ 3 (Quý Mão, 1843), là bậc nho nhã có tiếng, trọng thần của triều đình, làm quan thanh liêm, ái quốc, thương dân và được ban nhiều sắc phong; Cụ Ngô Thế Loan sinh ngày 10/8/1898 (Mậu Tuất) được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Bắc Ninh (1946); Ông Ngô Thế Phúc (1906) là đại biểu Quốc hội…
Tiếp nối truyền thống yêu nước, cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ, họ Ngô Đáp Cầu có 25 con em là liệt sĩ, cống hiến và hy sinh cho tổ quốc. Theo thống kê của dòng họ hiện nay, có hơn 20 người là GS, PGS, Tiến sĩ, hơn 30 người có trình độ Thạc sĩ và nhiều con cháu học hành đỗ đạt.
Xin chúc mừng họ Ngô Đáp Cầu và họ Ngô Việt Nam đã có thêm một công trình văn hóa tâm linh được ghi dấu ấn trong dòng chảy chung của lịch sử đất nước.
Ngô Minh Dương
Chủ nhiệm CLB Tuổi trẻ họ Ngô Việt Nam