Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ca ngợi chiến thắng Bạch Đằng rạng danh lịch sử:
“Mênh mông một dải Bạch Đằng,
Nghìn thu soi rạng giống dòng quang vinh”
Trận Bạch Đằng, Ngô Quyền đã đập tan ý chí xâm lăng của phương Bắc, chấm dứt nạn ngàn năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ mới độc lập tự chủ của dân tộc. Trở thành biểu tượng chống ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi không phai mờ trong lịch sử dân tộc. Từ Lương Xâm là nơi hoài niệm, ngưỡng mộ, là nguồn cảm xúc và niềm tự hào, biết ơn với đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn” cho nhân dân và du khách đến thăm.
Ngày 16 tháng giêng khai hội (hàng năm. nay là 6 tháng 3 năm 2015 /Ất Mùi). Từ 5 giờ sáng chúng tôi lên đường đi dự lễ hội truyền thống Từ Lương Xâm thờ Ngô Quyền ở An Hải (Phường Nam Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng). Đoàn gồm các ông: Ngô Minh (Ủy viên Hội đồng Ngô Tộc Việt Nam, đại diện Ngô Tộc), Nguyễn Văn Chiến (Họa sĩ – sử gia Mỹ thuật), Nguyễn Quang Hạ (Unesco Việt, Nam), Nguyễn Tất Quốc, Nguyễn Tất Công (đại diện họ Nguyễn Tất ở Ý Yên - Nam Định – và hậu duệ của tướng quân Nguyễn Tất Tố tham gia trận chiến Bạch Đằng lịch sử) hợp thành đoàn. Với thành kính LSVH tôn thờ Đức Vương Ngô Quyền - người anh hùng dân tộc trong lòng dân đất Việt.
Chúng tôi dâng hương hoa, đồ lễ lên Tiền Ngô Vương với lòng thành kính biết ơn. Khi biết chúng tôi là đoàn Hội đồng Ngô tộc Việt Nam, và họ Nguyễn Tất về lễ đền, thắp hương cho vị Tổ của mình, ban khánh tiết nhà đền nhiệt tình đón tiếp, và giới thiệu về ngôi đền lịch sử. Chúng tôi đã chụp ảnh, ghi tài liệu nghiên cứu viết bài tôn vinh di tích LSVH.
1. Vị trí “Từ Lương Xâm”: cách trung tâm Hà Nội khoảng 120 Km. Từ trung tâm thành phố Hải Phòng, qua cảng Chùa Vẽ, đến di tích ở An Hải, phường Nam Hải, quận Hải An. Từ ngoài xa đã thấy tượng đài “Đức Vương Ngô Quyền” nổi trên nền không gian Lễ hội. Vùng đất dựng Từ Lương Xâm xưa là vùng duyên hải, gần cửa biển Bạch Đằng. Thủa xưa, Ngô Quyền chọn nơi đây làm đại bản doanh, đã cho quân đắp một thành đất trên gò cao cách cửa biển Bạch Đằng chừng 3km. Thành đắp có hình giống cái “vành kiệu”, nên dân gọi là “Thành Vành Kiệu” (1). Tại khu giữa thành xưa là làng Lương Xâm, nhân dân đã dựng hai ngôi thờ là: Từ Lương Xâm và Đình Lương Xâm thờ Ngô Vương Quyền. Cả hai đều được công nhận di tích quốc gia.
Các làng quanh khu vực Thành xưa cũng lập: Miếu/Đền/ Đình thờ tự, hiện còn 22 di tích. Nên trong tâm thức nhân dân Nam Hải - Hải An/ Hải Phòng vẫn in đậm về Đức Vương Ngô Quyền và trận chiến Bạch Đằng lịch sử vang dội của dân tộc. Lễ hội hàng năm của các di tích cùng trong 3 ngày (từ 16 đến 18 tháng giêng) hàng năm (dịp giỗ đức vua 18/giêng).
2. Từ Lương Xâm Di tích Lịch sử văn hóa: Di tích có cảnh quan đẹp trên khu đất rộng, có những cây cổ thụ hàng trăm năm, tạo sự linh thiêng, cổ kính. Từ ngoài vào trong, lần lượt có các hạng mục kiến trúc - cảnh quan, xắp xếp theo nghi thức của ngôi Điện thờ truyền thống.
Cờ hội ngũ sắc rực rỡ cắm thành hàng quanh khu di tích và theo lối vào. Bên ngoài trước cổng, là một sân rộng, và có hồ sen lớn. Một sân khấu cao, có trống Hội, và tấm pano lớn: “Lễ hội Từ lương Xâm 2015. Kỷ niệm 1077 năm chiến thắng Bạch Đằng, và 1071 năm ngày mất Đức Vương Ngô Quyền”. Đây là nơi diễn ra các hoạt động Lễ /Hội, tập hợp nhiều đoàn rước và khách hành hương.
Cổng Tam quan thứ nhất vào đền: giữa là lối đi rộng, giới hạn bởi hai trụ biểu vươn cao, ba mặt trụ có các câu đối. Hai cổng phụ hai bên cửa vòm, mái ngắn hai lớp. Cạnh hai cổng bên là hai cây đa cổ thụ. Mé ngoài là hai giếng đào từ xưa gọi là “Giếng mắt Rồng”, được truyền rằng: “Khi Ngô Quyền đóng quân ở đây, đã cho đào hai giếng này để lấy nước ăn”. Giữa là sân rộng lát gạch cho hoạt động lễ hội.
Lại qua Tam quan thứ hai, kiểu cách cũng như thế. Trong là sân chính rộng rãi. Hai bên là nhà Giải vũ (nơi ban Tổ chức đón khách ngày lễ hội). Mỗi bên có cây cổ thụ thẳng đứng vươn cao bóng mát. Bên Tả có cây Đa, bên Hữu có cây Gạo lớn. Chính giữa là khu chính của Từ Lương Xâm với các kiến trúc thờ tự.
Đó là các Kiến trúc - điêu khắc - trang trí được thể hiện lần lượt theo các hạng mục công trình của ngôi Từ Lương Xâm. Lần lượt từ ngoài vào trong gồm:
- Tòa Tiền đường 5 gian (Đây là Tiền bái). Ba gian giữa là Hương án, Long Ngai. Hoành phi trên ba gian chính. Các ban Binh khí (gỗ chạm) song hành hai bên, Câu đối trên 4 hàng cột. Hai gian phụ hai bên để giá Chiêng, giá Trống.
- Tòa Kỷ vật: Gian giữa là Kiệu bát cống. Trên đặt Thần vị, dưới đặt Bằng công nhận Di tích Quốc gia. Hai bên không lợp mái để tiếp trời, và là lối đi vào trong. Hai gian bên là Tả vu và Hữu vu. Tả vu đặt ngựa Hồng và thuyền Rồng với Long ngai); Hữu vu đặt ngựa Bạch và ba cây cọc chứng tích lịch sử. Tòa Kỷ vật nhằm liên tưởng niệm về trận chiến Bạch Đằng (938).
Tiếp vào là Tòa chính điện (Gồm Đại bái và Hậu cung) liền theo chiều dọc. Hai bên là hai lối nhỏ đi vào.
- Tòa Đại bái: có Hương án lớn, hai bên phía sau đặt hai Tượng quan tướng. Hai pho tượng võ quan: Nguyễn Tất Tố và Đào Nhuận, là hai tùy tướng của Ngô Quyền. Tượng đều chạm gỗ, sơn thếp truyền thống. Nghệ nhân tạc “giống nhau”: Cùng trang phục: mũ, quần/ áo, giày, binh khí; cùng tư thế đứng cầm binh khí, tay để ngang ngực. Có lẽ vì hai vị này đều là tùy tướng của Ngô Quyền, đều có công trong trận Bạch Đằng, và có lẽ khi tạc tượng nghệ nhân không biết được chân dung của từng vị? nên tạc cùng một diện mạo. Tượng hai vị tướng đặt đăng đối hai bên sau Hương án tòa Đại bái của Hậu cung. Ta xác định “danh tính” từ vị trí đặt tượng theo quan niệm phong thủy. Bên Tả là: Nguyễn Tất Tố (đánh thủy), bên Hữu là Đào Nhuận (đánh bộ). Theo truyền thuyết dân gian: “Để chuẩn bị cho trận chiến Bạch Đằng, Ngô Quyền đã tuyển mộ 30 người làm “Thần tử chi binh” xông pha chiến trận. Tiêu biểu cho tấm gương dũng cảm là Nguyễn Tất Tố và Đào Nhuận (người làng Gia Viên – Hải Phòng). Đã dẫn đầu 38 chàng trai, tự võ trang xin theo Ngô Quyền đánh giặc, trở thành tướng trẻ, tài ba lập công trong trận Bạch Đằng (938). Khi Ngô Quyền họp các tướng để bàn kế hoạch đánh giặc. Nguyễn Tất Tố nói: “Tôi tuy bất tài cũng gọi là am hiểu thủy chiến, xin đem 30 chiếc thuyền đến thẳng trại giặc chém. đầu Hoằng Tháo đem về nộp dưới trướng”. Nguyễn Tất Tố được Ngô Quyền giao trách nhiệm đảm nhận 20 chiếc thuyền loại nhỏ 12 mái chèo ra khiêu chiến, dụ giặc. Đội quân cuả Nguyễn tất Tố đều là dân vùng sông nước, là những chiến sĩ gan dạ tinh nhuệ, nhận lệnh đem thuyền chiến mai phục sẵn ở các đám sú vẹt và các cồn gò ngoài cửa biển Bạch Đằng đợi giặc. Khi thủy triều lên các chiến sĩ linh hoạt dùng thuyền nhẹ, vận động nhanh, ra khiêu chiến nhử giặc vào qua bãi cọc, nơi trận địa ta mai phục. Trong trận này, Ngô Quyền cử Đào Nhuận đem 1000 quân cung nỏ, bố trí mai phục hai bên bờ sông Bạch Đằng. Quân Nam Hán hiếu thắng cậy quân đông thuyền lớn, tiến quân đuổi đánh quân ta, lọt sâu vào trận địa của ta bày sẵn. Khi thủy triều xuống, làm thuyền của quân Nam Hán tiến chậm hẳn. Bỗng tiếng pháo lệnh của Ngô Quyền nổ vang, báo cho quân ta tiến đánh. Quân thủy của Nguyễn Tất Tố đang vờ tháo lui dụ giặc đuổi theo, thì bất thần quay lại đánh. Thuyền quân Nam Hán do Hoằng Tháo sững lại, ùn ùn giữa sông. Lợi dụng gió xuôi và thuận dòng nước, thủy của Nguyễn Tất Tố quật lại đánh chặn quân địch. Các đoàn thuyền chiến trực sẵn của quân Việt dũng mãnh từ trong nhánh sông Khoái, sông Giá tiến ra. Trên bờ quân mã/ bộ của Đào Nhuận cũng liền xông lên, dùng cung nỏ bắn như mưa vào giặc. Hai tướng Nguyễn Tất Tố và Đào Nhuận phối hợp, thanh la bào trưởng đồng khua vang. Binh pháp “hiệp đồng Thủy/ Bộ chiến” của Ngô Quyền phát huy triệt để. Quân giặc bị đánh bất ngờ, không kịp trở tay. Chúng quay thuyền rút chạy đã vướng vào cọc bịt sắt nhọn, thuyền vỡ, bị đắm quân chết đuối, chết trận thiệt hại vô kể. Trước sự tấn công mãnh liệt của quân ta khiến trăm vạn thủy quân Nam Hán bị tiêu diệt hoàn toàn, thái tử Hoằng Tháo bị giết chết. Trận Bạch Đằng (938) kết thúc thắng lợi. Ý chí xâm lược của phương Bắc bị đè bẹp. Chiến thắng Bạch Đằng vang dội làm rạng danh Quôc sử”. Để tưởng nhớ nhân dân lập đền thờ Ngô Quyền và các tướng sĩ (là Từ Lương Xâm). Trong Từ, tạc tượng thờ Ngô Quyền, và tượng hai tướng đánh trận.
- Tòa Hậu cung chính điện: Trong cung cấm đặt tượng “Ngô Vương Thiên Tử” (chạm gỗ, sơn son thếp vàng), có Hoành phi đề cao tôn vinh, câu đối ca ngợi Đức Vương. Tượng “Ngô Vương Thiên Tử” dáng ngồi đường bệ, nghiêm nghị trên ngai Rồng. Đầu đội vương miện, nổi hình đôi rồng chầu. Hai bên tay ngai nhô ra hai đầu Rồng. Chân đi giày đỏ, Hoàng bào thếp vàng lộng lẫy, phía trước nổi hình Rồng. Gương mặt đức vương mắt sáng tinh anh; Tai dài như tai Phật; mày, râu, dung mạo võ tướng oai phong. Tay trái đặt úp trên đùi, tay phải ngửa ra phía trước như đang thiết triều. Tạo nên Thần tượng Ngô Vương Thiên Tử của Từ cả. Pho tượng được tạo tác sớm nhất so với các tượng ở các di tích Đền/ Miếu/ Đình thờ Ngô Quyền ở Hải Phòng có tạc tượng ngài (2).
Các pho tượng nhân vật trong Từ Lương Xâm, mang phong cách Hậu Lê (Thế kỷ 18). Đây cũng là thời kỳ trùng tu lớn Từ Lương Xâm.
Từ Lương Xâm được được xây dựng từ lâu đời, đã qua nhiều lần tu bổ. Thời Hậu Lê, ngôi Từ này được xây dựng to lớn, bề thế. Lại trải qua thời gian, thiên tai địch họa, nên đến thời Tự Đức lại được trùng tu. Các kiến trúc (trụ biểu, cổng, nê ngõa, Điện thờ gỗ cột/ mái) ở đây còn lại chủ yếu qua lần trùng tu của thời Nguyễn. Do vậy kiến trúc hiện còn đến nay, hay sự tu tạo tiếp sau cơ bản mang phong cách thời Nguyễn. Tuy nhiên vẫn còn thấy dấu vết của thời Hậu Lê, như một số ít cấu kiện những chạm khắc trên đầu dư, Kiệu bát cống, tượng Vua và 2 võ tướng, hoặc một số Đồ thờ, tế lễ.
Bên ngoài: Tả có Điện Mẫu bên trước có cây cổ thụ, có “lò hóa vàng mã”. Bên Hữu là một nhà ngang. Toàn bộ phía sau điện thờ, là vườn rộng, với hệ thống cây xanh bóng mát là những hàng tán lá vươn rộng, đường gạch, tường xây bao quanh khu di tích.
Từ Lương Xâm được công nhận Di tích quốc gia1986 (3): Năm 2006 và 2007, các cấp lãnh đạo, Bộ VHTT (nay là Bộ VHTT và DL) đã đầu tư trên 12 tỷ, cùng nhân dân địa phương và các nơi góp vào hàng tỷ đồng và hưng công để trùng tu tôn tạo. Năm 2008 khánh thành quần thể di tích khang trang, to đẹp, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu của nhân dân. Sau đó lập đề án dựng tượng đài “Đức vương Ngô Quyền”, thiết kế các hạng mục, quy hoạch di tích, hệ thống vườn hoa cây cảnh phía sau Từ. Tượng đài và quần thể di tích Từ Lương Xâm đã hoàn thành (2010). Khu Tượng đài “Đức Vương Ngô Quyền” bề thế và rộng rãi, nằm song hành cạnh (khu điện thờ). Công trình đưa vào sử dụng, đã phát huy giá trị của di tích.
3. Từ Lương Xâm ghi nhớ công ơn Đức Vương Ngô Quyền và trận Bạch Đằng Lịch sử: Ngài quê Đường Lâm (xứ Đoài), làm quan trấn giữ Châu Ái. Năm 938, đem quân từ Ái Châu ra lập bản doanh ở đây, cầm quân đánh bại đại giặc Nam Hán, trong trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng; phá tan mộng xâm lăng của kẻ thù phương Bắc, chấm dứt đêm trường đen tối hơn ngàn năm Bắc thuộc, đem lại nền độc lập tự chủ cho dân tộc. Lên ngôi xưng Vương, định đô ở Cổ Loa. Để ghi nhớ công đức Ngô Quyền cùng tướng sĩ, nhân dân các địa phương nơi gắn với chiến trận xưa đã lập Đền/Đình thờ, lưu danh trong di tích Lịch sử Văn hóa. Với (xứ Đông) chủ yếu trên địa bàn Quận Hải An (Hải Phòng) nay còn lại nhiều Từ/ Đền/Miếu/Đình thờ Ngô Quyền(4). Nhân dân tôn ngài là Thành Hoàng để thờ phụng, được các triều đại tặng sắc phong tôn vinh. Làng Lương Xâm, Ngô Quyền chọn làm nơi đóng đại bản doanh, lưu giữ lương thảo, và là nơi để quan sát, chỉ huy trận Bạch Đằng Lịch sử. Nhân dân xây Đền thờ trên nền cũ, dấu vết thành kiệu, kho lương đại bản doanh của Ngô Quyền. Từ ương Xâm được suy tôn là đệ nhất Linh Từ trong các Linh Từ / đứng đầu các di tích của huyện cổ An Dương (gồm huyện An Dương, quận Hải An, quận Hồng Bàng nay). Các cổ vật văn hóa Từ Lương Xâm với các di vật: Thần tích, Sắc phong, Tượng thờ, Bia đá, Câu đối, Hoành phi, Hương án, Kiệu Bát cốngcòn lưu giữ(5).
Câu đối tại Hậu cung (rộng 0,29m, cao 2m79, dày 0,03m) gỗ, sơn then, chữ khắc nổi sơn thếp bạc phủ hoàn kim. Trên dưới chạm trang trí nổi trong 2 ô vuông cắt góc “Thượng chim, hạ thú” (trên chạm Phượng, dưới chạm Long Mã/ đầu Rồng thân ngựa). Hai bên chạm Rồng/mây dọc theo cạnh mép ngoài. Nền then, chữ và nét hoa văn dán bạc phủ hoàng kim. Lạc khoản: ghi tạo tác năm Mậu Tuất, đời vua Thành Thái (1889), người họ Lê bản xã cúng tiến.
“Kế Lạc Hùng sơ tam đại thống.
Lịch Trần Lê hậu nhất linh từ.”
Tạm dịch:
Tiếp Lạc Long /Hùng vương ba triều đại.
Qua Trần, đến Hậu Lê linh Từ là nhất.
Tức là kế liền: Hùng Vương, Thục Vương, Ngô Vương là ba thời đại chính thống. Trải qua thời Trần, đến thời Hậu Lê ngôi Từ xây dựng bề thế, linh thiêng nhất vùng. Nên ngôi Từ được nhân dân suy tôn “Từ cả” là như vậy.
Trước cửa cung cấm đặt tượng đức Ngô Vương Quyền, có câu đối gỗ (rộng 0,24m, cao 2m27, dày 0,03m), trên dưới chạm trang trí nổi trong 2 ô tròn “Thượng chim, hạ thú”. Mỗi bên lại chạm chữ nổi trong 7 ô tròn cách đều nhau. Hai bên chạm Hoa/lá dọc theo cạnh mép ngoài. Nền son thếp, chữ đen, nét hoa văn dán bạc phủ hoàng kim. Lạc khoản: ghi tạo tác năm Bính Thìn đời vua Duy Tân (1916), Phó chánh tổng Đinh Vu, người bản xã cúng tiến).
“Thụy khấu tân lang thiên khải thánh
Công thâm Đằng Hải địa truyền thần”
Tạm dịch:
“Ngọc Khuê gõ cây cau nơi để sách trời sinh Thánh.
Chiến công Đằng Hải đất trao thần”.
Đại ý về điển tích: sinh ra Ngô Quyền là Thánh như sách Trời đã định. Chiến công hiển hách trên sông biển Bạch Đằng như Thần còn lưu truyền đất này. Hay:Trời khải Thánh, Đất tôn Thần. Giang sơn sinh dưỡng anh hùng.
4. Lễ - Hội truyền thống của Từ Lương Xâm: Kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng, đúng dịp ngày giỗ (18/giêng) của Đức Vương Ngô Quyền. Hoạt động lễ hội trong 3 ngày, từ: 16 tháng giêng đến 18 (Âm lịch). Nhân dân nô nức mở hội, với các nghi thức lễ - rước với các đội tế “Tứ Linh Từ” của Lương Xâm và một số di tích thờ Ngô Quyền thuộc Hải An, về hợp tế tại Từ Lương Xâm (là Từ cả). Dâng lễ, dâng hương, lên Ngô Vương Quyền với những nghi thức trang trọng. Lễ phẩm dùng dâng lễ có: Lợn, gà, xôi, rượu, bánh dầy, hoa quả. Sau đó cùng Nghi vệ Thành hoàng tỏa về từng làng xã của mình, mở hội diễn trò “Bách hý” vui chơi.
Để cho ngày Lễ /Hội chính thức: Từ ngày 14 tháng giêng đã có các Tế/ Lễ trang nghiêm như: Lễ trình, Lễ mở cung, Lễ di cung Thánh tượng, Lễ bao sái, Lễ rước Mộc dục, Lễ rước Văn, Lễ cáo yết, Lễ an vị. Sáng ngày 15 tháng giêng, các đội và dân làng chuẩn bị quần áo lễ hội, lễ vật tập trung tại Từ Lương Xâm để rước Thánh tượng Ngô Quyền ra Đình Lương Xâm phụng thờ, và tế lễ ở đó một đêm. Tham gia vào Lễ /Rước có các đoàn rước của các làng có các di tích thờ Ngô Quyền, như: làng Hạ Lũng, Hạ Đoạn, Xâm Bồ và các đoàn của địa phương khác tiếp theo.
Lễ hội chính thức là ngày 16 tháng giêng (Khai Hội): Sáng sớm các đoàn Tế /Lễ/ Rước Thánh tượng Ngô Quyền từ Đình Lương Xâm trở về Từ Lương Xâm. Các đoàn của các phường Đông Hải, Đằng hải, Nam Hải tiến hành rước từ các linh Từ tập trung rước về Từ Lương Xâm để làm đại Tế (lễ nghi, tế lễ) và mở hội. Sau phần khai mạc lễ hội, là Phần Lễ: lễ dâng hương và các nghi thức tế- lễ truyền thống. Mục đích thành kính, đề cao tấm gương công đức của “Ngô Vương Thiên Tử” và chiến trận Bạch Đằng lịch sử, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân.
Sau Lễ là phần Hội với các hoạt động Văn hóa Văn nghệ truyền thống: hát chèo, hát văn, diễn ca múa nhạc trên sân khấu. Các trò mô phỏng trận đánh quân Nam Hán, trò chơi dân gian: múa Lân, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt dê, đu tiên, bắt vịt dưới hồ. Các thi đấu bóng chuyền, kéo co, cờ tướng (cờ người), tổ tôm, tam cúc điếm… thu hút nhiều người trong 3 ngày hội. Các hoạt động Văn hóa truyền thống ngày hội tạo không khí sôi động, tuyên truyền giáo dục, nhớ về truyền thống lịch sử của dân tộc, biết ơn các vị anh hùng đã có công gìn giữ đất nước.
Với Từ Lương Xâm nơi trở thành tiêu biểu về nơi thờ đức vua Ngô Vương Quyền, và còn là trung tâm Văn hóa Lễ hội ở Hải Phòng. Thật vinh dự cho chúng tôi được tham gia lễ hội truyền thống Lịch sử văn hóa đất. Đó còn là tri ân của dòng họ với tiền bối rất đỗi tự hào. Sau đó chúng tôi đến thăm nhà thờ họ Nguyễn Tất ở Thủy Nguyên, biết thêm một nhánh hậu duệ của Nguyễn tất Tố. Sau trận Bạch Đằng Nguyễn tất Tố được cử đi nhậm chức trấn biên ải phía Tây Nam. Thời Tiền Lê, là đô đốc thân tín của Lê Hoàn, cùng Phạm Cự Lạng được phụ trách đánh giặc đường thủy, đánh theo cách đánh thời Ngô Quyền mà ông từng tiếp thu.
1-2015.
Nguyễn Văn Chiến
……………….
Tham khảo - Chú thích:
(1) Theo tư liệu di tích: Chu vi Thành chừng 1700m. Trải nhiều thời gian bị phá hủy nhiều đoạn. không còn dấu tích gì. Có đoạn dài khoảng 400m, thời nhà Mạc san làm đường. Riêng phần còn lại dấu vết giống hình vành kiệu: Dài gần 1300m, Ngang (từ 1m đến 7m), Cao (từ 0,80m đến 1,6 cm) là dấu tích của Thành xưa.
Theo “Thần tích Đình Gia Viên” (năm Hồng Phúc 1572): Từ Lương Xâm nằm ở gò cao, trung tâm của thành Vành Kiệu. Thành do Ngô Quyền xây dựng trong chiến dịch Bạch Đằng lịch sử. Thành là thành đất xây dựng trên cơ sở lợi dụng địa hình có những cồn gò. Ông đặt chỉ huy sở ở đây, chỉ đạo làm bãi cọc, bố trí lực lượng, trận địa mai phục, sẵn sang tiêu diệt quân Nam Hán xâm lược.Phía Bắc và Tây - Bắc thành xưa còn các hồ, đầm, lạch; phía Nam là đồng trũng; phía Đông và Đông Nam có cây mọc như rừng. trong thành về phía sau Từ Lương Xâm có gò đất rộng chừng 200m2, cao hơn mặt ruộng 1m, gọi là làng Soi, nơi Ngô Quyền làm nơi quan sát. Phía trước Từ Lương Xâm có nhiều gò cao. Như vậy Thành được dựng bên hữu ngạn Cửa Cấm làm mục đích đánh giặc.
(2). Theo truyền thuyết dân gian vùng Đông Hải, Nam Hải, Tràng Cát… cho rằng: Ngô Quyền cắm cọc từ vùng Lương Xâm đến vùng cửa Nam Triệu. Nhân dân các huyện An Dương trước đây và các phường phía đông quận Hải An ngày nay còn lưu truyền câu chuyện cọc gỗ trôi trên sông Bạch Đằng. Dân các làng: Bình Kiều, Hạ Đoạn, Lương Xâm, Xâm Bồ kéo nhau ra vớt cây gỗ và cắt ra làm ba đoạn đem về tạc tượng. Làng Xâm Bồ được chia đoạn gốc nên tạc tượng Ngô Quyền to đẹp hơn.
(3) Quyết định số 235 VHQĐ, ngày 12-12-1986, danh mục di tích LSVH số 211. Bằng công nhận di tích LSVH khu vực Từ Lương Xâm – căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938, xã Nham Hải, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng (Bộ trưởng Trần Hoàn ký Ngày 17- 6-1991).
(4) Theo tư liệu di tích: Thời Nguyễn, năm Tự Đức thứ 6 (1853) vua đã phong cho các tổng và xã thuộc huyện An Dương thờ Ngô Vương Quyền. Gồm có 6 Tổng là: Lương Xâm, Phụng Pháp, Hàng Kênh, Dư Hàng, Cát Bi, Gia Viên, Lạc Viên, Thượng Lý, Hạ Lý, An Châu, An Biên, Vĩnh Lưu, Hạ Đoạn, Đoạn Xá, Vạn Mỹ, Trực Cát, Đồng Xá. Trong đó, trên địa bàn quận Hải An hiện còn 22 di tích (Từ / Đền / Miếu /Đình) thờ Ngô Quyền. Đó là: Từ: Lương Xâm. Đền: Trực Cát. Miếu: Xâm Bồ, Phương Lưu, Hạ Đoạn, Hạ Lũng, Trung Hành. Đình: Lương Xâm, Xâm Bồ, Phương Lưu, Hạ Đoạn, Lũng Bắc, Hạ Lũng, Thư Trung, Lực Hành, Trung Hành. Kiều Sơn, An Khê, Lương Khê, Trực Cát, Cát Khê, Cát Bà.
(5) Theo tư liệu di tích: Tổng số Di vật, Cổ vật Từ Lương Xâm là 132 ( Đồ gỗ 80, đồ đá 8, đồ giấy 25, đồ kim loại 7, đồ sứ 12). Có 44 di vật có niên đại 100 năm trở lên (Trong đó có nhiều cổ vật tư liệu lịch sử mang niên đại thế kỷ 17. Các hiện vật như Tượng, Long ngai, Bài vị, sắc phong, bia đá thế kỷ 18, đồ thờ, câu đối, hoành phi thế kỷ 19. Có 88 di vật có niên đại dưới 100 năm. Di tích còn lưu giữ 25 đạo sắc phong (từ đầu Lê Trung Hưng - thế kỷ XVII, đến triều Nguyễn - 1924) truy tôn Ngô Quyền: “Ngô Vương Thiên tử”, “Thượng đẳng tối linh Đại vương”. Có 13 hoành phi (trong đó có 4 bức trước 1945, còn lại 9 bức mới cung tiến những năm sau)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn