Từ bấy đến nay hơn một nghìn năm đã trôi qua, nhiều sự kiện lịch sử bị vùi lấp, tài liệu lịch sử để lại còn quá ít; vì thế đối với sự nghiệp của Tiền Ngô Vương còn nhiều khoảng trống chưa được biết đến, hoặc chưa thể khẳng định. Chẳng hạn như xuất xứ của Ngô quyền? Hay việc Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa. Người viết bài này mong góp thêm nhận thức, đúng hơn là nêu lên một số vấn đề, để rồi đây cùng giới nghiên cứu chú ý và khai thác sâu hơn về nhân thân và toàn bộ sự nghiêp vẻ vang của Tiền Ngô Vương trong lịch sử nước nhà.
1. Bàn thêm về xuất xứ của Ngô Quyền
Theo ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư, “Vua họ Ngô húy là Quyền, người Đường Lâm, đời đời là quý tộc, cha là Mân là Châu mục châu ấy. Vua khi mới sinh có điềm ánh sáng khắp nhà, hình dạng khác thường, ở lưng có ba nốt ruồi, người xem tướng cho là lạ, bảo rằng có thể làm nên chúa một phương, nên mới đặt tên là Quyền. Đến khi lớn lên vẻ mặt khôi ngô, mắt sáng như chớp, đi thong thả như cọp, có trí dũng, sức có thể cầm vạc giơ lên. Làm nha tướng cho Dương Đình Nghệ, được Đình Nghệ gả con gái cho, cho làm quyển quân châu Ái...”(1)
Qua những dòng ghi chép trên chỉ cho biết thông tin hết sức vắn tắt: Ngô Quyền người Châu Đường Lâm, nhưng Châu Đường Lâm ở đâu thì Toàn thư không cho biết rõ?
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương muc của Triều Nguyễn ghi chép về Tiền Ngô Vương cũng tương tự như trên, nhưng chỉ định rõ hơn “Ngô Quyền, người Xã Đường Lâm...”
Với lời chua rằng: ”Đường Lâm: tên xã xưa. Sử cũ chua ở huyện Phúc Lộc. Phúc Lộc nay đổi là huyện Phúc Thọ thuộc tỉnh Sơn Tây. Xét theo Sơn Tây tỉnh sách: xã Cam Lâm thuộc huyện Phúc Thọ, xưa gọi là Đường Lâm, Phùng Hưng và Ngô Quyền đều là người xã này. Bây giờ vẫn còn đền thờ”(2). ”Đương Lâm thuộc Phong Châu”(3).
Cương mục còn dẫn “sách An Nam kỷ yếu, Ngô Quyền, người Ái Châu. Vậy (chưa) rõ sách nào chép đúng”(4)?
Như vậy, tên Đường Lâm xưa là xã hay huyện, hay châu? Sự ghi chép của sử sách cũng chưa nhất quán.
Theo sách Các tổng trấn xã danh bi lãm: đén năm 1810-1813 Tổng Cam Giá Thịnh (tương đương với xã Đường Lâm ngày nay) có 6 xã (Cam Giá Thịnh, Cam Tuyền, Đông Sàng, Mông Phụ, Phú Nhi và Yên Mỹ) một Giáp Đoài Thượng và một Phố Tân Hội, thuộc huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây.
Sau năm 1831, tổng Cam Thịnh thuộc huyện Phúc Thọ, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây.
Từ năm 1842, do kiêng húy chữ “Tuyền” nên xã Cam Tuyền đổi thành Cam Lâm. xã Cam Lâm thuộc tổng Cam Giá Thịnh, huyện Phúc Thọ, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây tồn tại đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945.
Từ sau Cách mạng Tháng Tám, tổng Cam Giá Thịnh có tên mới là xã Phùng Hưng. Đến ngày 21 tháng 11 năm 1964, xã Phùng Hưng đổi thành Đường Lâm (tên xã Đường Lâm bao gồm địa chính như ngày nay chính thức được xác lập từ đây), thuộc huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây. Năm 1982, Đường Lâm được sáp nhập vào thị xã Sơn Tây vẫn thuộc Thành phố Hà Nội. Từ 1 tháng 1 năm 2008, tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Thành phố Hà Nội. Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, thuộc Thành phố Hà Nội cho đến nay.
Hiện nay xã Đường Lâm gồm 8 làng: Cam Lâm, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Đông Sàng, Hà Tân, Hưng Thịnh, Mông phụ, Phu Khang. Người Đường Lâm đến nay vẫn tự hào là “ấp hai vua”: Phùng Hưng và Ngô Quyền.
Như vậy, qua các tài liệu lịch sử dẫn trên, dù gián tiếp (Toàn thư), trực tiếp như các tác giả (Cương mục) trong Quốc sử quán triều Tự Đức đã chỉ ra huyện, châu, xã Đường Lâm là “ấp hai vua” Phùng Hưng và Ngô Quyền.. Từ đó, địa danh xã Đường Lâm đã trở lên quen thuộc đối với giới nghiên cứu và những ai yêu thích tìm hiểu lịch sử dân tộc.
Tuy vậy, không phải không có ý kiến hồ nghi về quê quán của Tiền Ngô Vương. Đại diện cho loại ý kiến này từ nửa sau của thế kỷ XX có học giả Đào Duy Anh, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Huệ Chi. Các ông căn cứ vào thư tịch cổ của Việt Nam và Trung Quốc như: Cựu Đường thư do người thời Hậu Tấn là Lưu Hú (887-946) biên soạn. Tân Đường thư do Tổng Kỳ và Âu Dương Tu biên soạn; một số sách địa chí đời Đường, Tống ... cho rằng huyện hay châu Đường Lâm thời thuộc Đường nằm đâu đó vùng giáp Thanh Nghệ, hoặc vùng Nghệ Tĩnh. Song việc chỉ định rõ ràng địa giới của Đường Lâm còn là việc khó khăn do thiếu tài liệu thuyết phục.
Cùng quan điểm hồ nghi trên, mấy năm gần đây không rõ do nguồn cảm hứng nào thôi thúc, Giáo sư Trần Ngọc Vương và nhóm học trò của ông gồm: TS Trần Trọng Dương, TS Nguyễn Tô Lan lại một lần nữa nhọc công đi tìm “Đường Lâm - Sơn Tây phải chăng là một huyền sử của Thế kỷ XX”(5), hay “Đường Lâm là Đường Lâm nào”(6), song cuộc tìm kiếm đó vẫn chưa có kết quả. Hy vọng trong việc tìm kiếm lâu dài không riêng gì vị trí Đường Lâm có phải đích thực là Ấp Hai vua Phùng Hưng và Ngô Quyền hay không? Và còn nhiều địa danh lịch sử khác trên đất nước ta đần dần sẽ được làm sáng tỏ.
Theo Đại Nam nhất thống chí: Sau khi Tiền Ngô Vương mất, con là Xương Văn lập miếu thờ ở bản ấp (xã Cam Lâm, huyện Phúc Thọ), nay là chỗ dân địa phương phụng thờ, được Triều Nguyễn cấp sắc phong phụng thờ.
Căn cứ vào tờ khai thần tích, thần sắc của lý dịch xã Cam Lâm năm 1938, thì nơi thờ Tiền Ngô Vương vẫn được dân sở tại duy trì từ xưa đến bấy giờ. Khi đó Xã còn giữ được 17 sắc phong Thần, nhưng không rõ nội dung các sắc phong đó ra sao và thuộc các niên hiệu đời vua nào.
Trong sách Sơn Tây tỉnh, Phúc Thọ huyện, Cam Thịnh tổng các xã thần sắc lưu ở thư viện Hán Nôm cho biết: từ thời Chính Hòa (1680-1705) đến Cảnh thịnh (1793-1801) đều cấp sắc phong thần thành hoàng cho xã Cam Tuyền. Sách này ghi lại 8 sắc phong thần, gia phong: Đương cảnh thành hoàng hiển ứng dũng đôn phù tộ anh linh hộ quốc tế thế báo dân thông minh quả đoán tá Thánh Đại vương. Nghĩa là: Đương cảnh Thành hoàng hiển ứng, anh linh, phù giúp, hộ quốc, cứu đời, báo dân... thông minh, quả đoán, tá Thánh Đại vương.
Xã Cam Tuyền trước đây ngoài việc thờ Tiền Ngô Vương ở đền là thần thành hoàng, còn thờ Phùng Hưng ở đình. Phùng Hưng cũng được dân làng thờ làm thành hoàng làng. Ngoài ra dân làng còn thờ: Đức Bá (nhân thần – không rõ sự tích), Tản Viên Sơn (thiên thần – Tam vị quốc chủ). Tập sao Thần sắc trên không ghi rõ xuất xứ sao từ các đạo sắc ở đình Phùng Hưng hay đền thờ Ngô Quyền, mà chỉ ghi chung chung sao từ các đạo sắc ở xã Cam Lâm.
Mặc dù vậy, tập sao các sắc phong triều Lê là một trong những bằng chứng liên quan đến lai lịch của vị thần và lịch sử của ngôi đền, đình thờ các ngài. Nếu căn cứ vào đó có thể cho rằng việc chỉ định tên gọi cụ thể của Thần như Ngô Quyền hay Phùng Hưng mới chỉ xuất hiện từ thời Nguyễn. Những sắc phong hiện còn ở đình Phùng Hưng và đền Ngô Quyền ở làng Cam Lâm ghi rất rõ điều này.
Hiện ở đền còn 9 sắc phong, trong đó có 3 sắc thời Lê (chỉ ghi Đương cảnh Thành hoàng), 6 sắc thời Nguyễn (chỉ định tên thần: Tiền Ngô vương). Điều đó cho thấy việc thờ tự Tiền Ngô Vương của dân làng Cam Lâm có thể được duy trì từ thời Lê - Nguyễn đến ngày nay.
Phần trình bày trên giúp chúng ta hình dung về lịch sử của ngôi đền thờ Tiền Ngô Vương. Ban đàu chỉ là ngôi miếu nhỏ do dân làng lập ra để thờ Tiền Ngô Vương. Song việc chỉ ra vị trí của ngôi miếu và tên vị thần được thờ tại đó thực không rõ ràng, vì còn thiếu tài liệu tin cậy. Có lẽ đến thời Lê – Thế kỷ thứ XV, ngôi miếu được nâng cấp, tu tạo thành từ - đền. Đến thời Lê Trung hưng thế kỷ XVII-XVIII việc thờ bách thần trong dân gian được nhà nước chú ý hơn đã ban cấp sắc thần hàng năm, nhằm tôn vinh công trạng của thần đối với dân, với nước.
Sang thời Nguyễn, những năm đầu thời Tự Đức (1848-1883), đền thờ Tiền Ngô Vương lại một lần được trùng tu, nâng cấp về xây dựng, ngói hóa và đặc biệt lễ tế thờ Tiền Ngô Vương hàng năm thành lễ “Quốc tế” (Nhà nước làm lễ tế). Các vua Nguyễn theo triều trước đều cấp sắc phong thần cho Tiền Ngô Vương.
Đền thờ cũ đã bị đổ nát. Về quy mô đền thờ Tiền Ngô Vương ngày nay rất khiêm nhường. Nhà đại bái dài 11,5m, rộng 8m, diện tích 92m2, được nhân dân làng Cam Lâm mới dựng lại trong 2 năm 2001 - 2002. Ở đại bái và hậu cung còn lưu lại một số đồ thờ cũ, xen một số đồ thờ mới, niên đại của chúng trong khoảng thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX(7). Những di vật quý giá đó cần được chúng ta gìn giữ cẩn thận cho hôm nay và con cháu mai sau.
Như vậy, phần giới thiệu trên rất khái lược bàn thêm về xuất xứ (vẫn còn những ý kiến trái chiều về quê quán của Ngô Quyền) liên quan đến di tích Tiền Ngô Vương ở xã Đường Lâm thuộc Thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Dưới đây chúng ta tiếp tục tìm hiểu cụ thể thêm về sự nghiệp của Tiền Ngô Vương gắn với việc ngài lên ngôi vua và định đô ở Cổ Loa.
2. Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biêt: sau đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, vào mùa xuân năm 939, Ngô Quyền tự xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội).
Ngô Quyền lập Dương Thị làm Hoàng hậu (theo Thiên Nam ngữ lục: Dương Thị là Dương Phương Lan). Dương hậu là con gái của Dương Đình (Diên) Nghệ. Trước đây Ngô Quyền từng làm nha tướng của Đình Nghệ, được ông gả con gái cho.
Ngô Vương “đặt trăm quan, chế định triều nghi, phẩm phục”.
Sử cũ ghi về sự nghiệp làm vua (chính trị) của Tiền Ngô Vương quả thật ít ỏi. Song cũng cho chúng ta thấy được tinh thần độc lập tự chủ của Ngô Vương. Ngô Quyền không thừa nhận chức Tiết độ sứ mà các triều đại Phong kiến phương Bắc đặt ra để ràng buộc họ Khúc, họ Dương ... trước đó. Ngô Vương đã tiếp nối quốc thống của các vua Hùng, nước Âu Lạc của An Dương Vương. Ngô Quyền tự xưng Vương, chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, xây dựng một Vương quốc độc lập, tự chủ.
Cương vực nước ta thời Tiền Ngô Vương được Nguyễn Trãi ghi trong sách Dư địa chí: “Vua Tiền Ngô dẹp quân Hán, khôi phục nước nhà; đất đai thu được, phía Bắc giáp Lưỡng Quảng, phía Nam đến Địa Lý tất cả là hai ngàn tám trăm dặm, phía đông tiếp giáp với biển ở Khâm Châu, Phía Tây giáp tỉnh Vân Nam, tất cả là một nghìn bảy trăm dặm”(8).
Với cương vực như vậy gần tương đương vói lãnh thổ của nước Âu Lạc thời An Dương Vương (*). Ngô Vương mới chủ yếu kiểm soát được vùng Châu thổ Sông Hồng mà trung tâm là Kinh đô Cổ Loa và vùng Cửu Châu (Thanh Nghệ). Các châu miền núi bấy giờ vẫn chịu sự cai quản của các Tù trưởng hay Tộc trưởng thiểu số.
Đến thời thuộc Đường (618 – 907) thành Đại La luôn là trị sở của Phủ Đô hộ, đã trải qua nhiều lần trùng tu, mở rộng để tăng thêm lợi thế, nhưng Ngô Vương không chọn thành Đại La để đóng đô mà chọn Cổ Loa. Cổ loa hay còn gọi là Loa Thành, thành Côn Lôn (tòa thành kiên cố, hùng vĩ), từng là nơi đóng đô của An Dương Vương.
Cổ Loa gồm 3 vòng thành (thành ngoại, thành trung và thành nội), tổng số chiều dài 16,150km(9), được xây dựng từ thời An Dương Vương, các đời sau bồi trúc thêm. Đây là công trình quân sự rất lợi hại có thẻ phòng thủ liên hoàn của cả bộ binh và thủy binh, vừa có thể tiến công dựa vào hệ thống thành lũy gắn kết với hệ thống sông Hoàng Giang, sông Cái, sông Đuống, sông Lục Đầu.
Với một triều đình sơ khởi thì việc Ngô Vương chọn Cổ Loa làm kinh đô, chính là đã chọn được nơi đắc địa, chỗ dựa có thể tin tưởng cho triều đình của mình, tiếp nối sự nghiệp của tiền nhân.
“Vua họ Ngô, húy là Quyền ... ở ngôi 6 năm (mất năm Giáp Thìn – 944, thọ 47 tuổi(10), bỏ lại sự nghiệp đang còn dang dở. Tuy thời gian trị vì của Ngô Vương không lâu, nhưng theo đánh giá của Ngô Xương Văn (con trai thứ hai của ngài) khi nói với các quan sứ rằng: “Đức trạch của Tiên Vương ta thấm khắp lòng dân, tất cả các chính lệnh thi hành không ai là không vui lòng theo cả”(11). Điều đó chứng tỏ Ngô Vương rất được lòng dân ngưỡng mộ. Một triều đình ở Cổ Loa đang được xây dựng, củng cố vững mạnh thì mất người dẫn dắt, thật đáng tiếc.
Sau khi Ngô Vương mất, Dương Tam Kha là anh (**)(có sách ghi là em) Dương Hậu, là gia thần của Ngô Vương đã vong ơn, nuốt lời nhận ký thác của Tiền Ngô Vương, tiếm quyền, tự xưng là Bình Vương. Tam Kha nuôi con thứ hai của Ngô Vương là Ngô Xương Văn làm con mình. Các con vợ thứ của Ngô Vương là Nam Hưng, Càn Hưng còn nhỏ đều theo Dương Hậu. Tam Kha sai người ba lần đi bắt Ngô Xương Ngập (con cả của Ngô Vương). Xương Ngập ẩn náu tại nhà của Phạm Lệnh Công ở Trà Hương (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương), được Lệnh Công che chở mới thoát nạn.
Năm canh Tuất (950), Ngô Xương Văn đánh Tam Kha, truất bỏ đi, giáng Tam Kha làm Trương Dương công, nhân chỗ ở ấy cho làm thực ấp (tức bến đò Chương Dương huyện Thượng Phúc, nay thuộc Thường Tín, Hà Nội).
Ngô Xương Văn là Nam Tấn Vương, sai sứ đón anh là Ngô Xương Ngập về kinh đô Cổ Loa cùng giữ việc nước. Ngô Xương Ngập tự xưng là Thiên Sách Vương.
Thiên Sách Vương chuyên quyền, hai anh em xích mích, khiến Nam Tấn Vương bỏ không tham dự triều chính. Ngô Xương Ngập mất, Nam Tấn Vương tiếp tục nắm quyền, sai sứ sang xin mệnh lệnh của chúa Nam Hán là Lưu Xưởng.*** Nhà Nam Hán phong cho Nam Tấn Vương chức Tĩnh Hải quân Tiết Độ sứ kiêm Đô hộ.
Năm Ất Sửu ((965), do tự kiêu, khinh suất khi đem quân đi đánh hai thôn Đường và Nguyễn ở Thái Bình (vùng Ba Vì – Hà Nội), Xương Văn bị trúng tên nỏ chết. Từ đấy chấm dứt nhà Hậu Ngô (951-965), kéo dài 21 năm tại Kinh đô Cổ Loa. Đất nước rơi vào tình trạng phân tán, loạn 12 sứ quân xảy ra.
Như vậy, từ Tiền Ngô Vương đến Hậu vương gồm 26 năm đều đóng đô ở Cổ Loa. Để đáp ứng nhu cầu, hoạt động của triều đình Cổ Loa, chắc chắn phải có dinh thự thành quách cùng các công trình kiến trúc khác được dựng lên. Song quy mô của các công trình đó như thế nào không thấy sứ sách ghi chép. Mặt khác thời gian đã trải qua hơn một nghìn năm, có chăng thì công trình cũng đổ nát, hoặc bị vùi lấp.
Kết quả nghiên cứu mới nhất về lịch sử Cổ Loa cho biết: “Ký ức dân gian còn nhắc đến một cái “Giếng Ngô Quyền” ở trước cửa Nam Thành Nội (tuy nhiên dấu tích của giếng xây đá, gạch hiện nay là giếng thời Lê Trung hưng), một cây đa nghìn tuổi ở trước cửa am Mỵ Châu (nay đã chết, được thay bằng cây đa mới) với huyền tích về cuộc hôn nhân giữa Ngô Quyền và người con gái họ Đỗ làng Dục Tú. Đền thượng là di tích chính thờ An Dương Vương ... có đôi câu đối xác nhận việc Ngô Quyền từng xây dựng đền đài, cung điện ở khu vực thành cũ của Vua Thục(12).
Trong khi đó, giới khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật để tìm hiểu Cổ Loa chưa được là bao, còn nhiều hạn chế do điều kiện chưa cho phép. Có lẽ vì thế mà đến nay chúng ta vẫn chưa hình dung ra được một vóc dáng Kinh thành Cổ Loa thời Ngô Vương ra sao? Đó cũng chính là nhiệm vụ đặt ra cho các nhà khoa học trước mắt và tương lai cần tập trung nghiên cứu và làm sáng tỏ thêm sự nghiệp của Ngô Vương ở Kinh đô Cổ Loa.
Ý nghĩa lịch sử và thời đại
Tiền Ngô Vương trị vì với công nghiệp dựng nước trong khoảng thời gian 6 năm, được sử gia Lê Văn Hưu đánh giá rất cao “Tuy chỉ xưng vương chưa lên ngôi hoàng đế và đổi niên hiệu, mà chính thống của nước Việt ta ngõ hầu đã nối lại được”(13). Sử gia Ngô Sỹ Liên cho rằng “Nhà tiền Ngô nổi lên được, không những là chỉ có công chiến thắng mà thôi, việc đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, có thể thấy được quy mô của đế vương”(14). Qua đó cho thấy một dấu mốc chuyển biến quan trọng của lịch sử Việt Nam, bắt đầu từ Ngô Vương.
Việc xưng vương và dựng đặt quan chức triều nghi của Tiền Ngô Vương ở Cổ Loa, tuy còn đơn giản, nhưng ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng. Vì đó là triều đình độc lập, một Nhà nước tự chủ của tộc Việt, do Ngô Vương đứng đầu. Đó chính là kết tinh của sức sống và sức mạnh của toàn dân. Nước Âu Lạc bị Triệu Đà thôn tính từ trước công nguyên, sau hơn một nghìn năm mất nước, nhân dân bị áp bức, đô hộ, nay Tiền Ngô Vương đã dựng lại được nước. Công trạng đó thật vĩ đại. Chính vì thế mà nhà yêu nước kiệt xuất đầu thế kỷ XX Phan Bội Châu đã tôn vinh Ngô Quyền là vị “Tổ trung hưng nước ta”, đứng sau “Thủy Tổ dựng nước là Hùng Vương”.
Tiền Ngô Vương là người đã tiếp nối được tinh thần đấu tranh anh dũng bất khuất, mưu trí chống Bắc thuộc, chống Hán hóa trong suốt cả chặng đường hơn một nghìn năm của nhân dân ta, trong đó là những tấm gương tiêu biêu của các thế hệ tiền bối như: Hai Bà trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Bố Cái Đại vương, Mai Hắc Đế, Dương Thanh, Họ Khúc, Họ Dương. Tiền Ngô Vương đã chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, mở ra một kỷ nguyên mới độc lập, tự chủ lâu dài, thời kỳ phát triển rực rỡ của văn hóa và văn minh Đại Việt – Việt Nam.
Những công trạng oanh liệt, vẻ vang của Tiền Ngô vương, của những thế hệ tiếp bước, vẫn còn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam, với một tinh thần luôn tự hào làm chủ trong xây dựng và bảo vệ non sông gấm vóc mãi nãi vững bền và ngày càng giầu
PGS, TS Vũ Duy Mền
Viện Sử học
Ghi chú:
Mặc dù GS Trần cùng nhóm học trò đã rất dụng công tìm kiếm vị trí địa danh lịch sử Đường Lâm, song vẫn như mò kim đáy bể.
Đôi câu đối ở đền Vua Thục:
Thục quốc sơn hà nguyên Cổ Việt
Loa Thành cung cấm xướng Tiên Ngô.
(Nước Thục non sông nguyên Việt cổ,
Loa Thành cung điện tự Tiền Ngô).
Chú thêm của người biên tập:
(*) Cương vực nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng được ĐVSKTT chép như sau:".. nước này đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành.. ." Sđd tr133, T1
(**) Theo "Lược sử và truyên thống" của Hội đồng dòng tộc họ Dương Việt Nam thì Dương Hậu là con gái Dương Nhị Kha là anh Dương Tam Kha, do Nhị Kha mất sớm nên Tam Kha nuôi cháu. Như thế thì Dương Tam Kha là em Dương Hậu. Sđd tr.63
(***) Không phải Lưu Xưởng mà Lưu Thạnh (943-958). Chỗ này Toàn thư chép sai, Cương mục chép đúng; người dịch toàn thư có chú rõ (Sđd tr.207 T1).
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn