Ngô Quyền và sự công bằng của lịch sử

Thứ ba - 25/11/2014 09:47

tuong ngo quyen

tuong ngo quyen
Một trăm năm trước, nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đã suy tôn Ngô Quyền là “Vị tổ trung hưng đất nước” sau các vị tổ dựng nước là các Vua Hùng.

Theo Phả họ Ngô thì Tiền Ngô Vương tên húy là Quyền, sinh ngày 12 tháng Ba năm Đinh Tỵ, mất ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Thìn, tức sinh năm 897, mất năm 944, thọ 48 tuổi, mộ táng tại thôn Cam Lâm xã Đường Lâm.

Theo Phả sử thì năm Ngài 20 tuôi, cha mẹ đêu mất cả, Ngài quay vào châu Ái tức Thanh Hóa làm nha tướng của Dương Đình Nghệ. Lúc này Đình Nghệ là nha tướng của Khúc Hạo đang đóng quân bản bộ ở  đó.

Năm 923, sau 6 năm lập quốc, nhà Nam Hán đem quân sang xâm lược nước ta lần thứ nhất đánh bắt được Khúc Thừa Mỹ. Họ Khúc dấy nghiệp được 17 năm thì mất (906-923). Lúc này lực lượng của Dương Đình Nghệ chưa đủ mạnh. Ngô Quyền vừa là tướng tâm phúc vừa là con rể đã cùng chủ tướng củng cố hậu phương, xây dựng quân đội trong 8 năm, đến đầu năm 931, Ngô Quyền cùng Dương chủ tướng mới kéo quân từ Ái châu ra Bắc tiêu diệt quân Nam Hán đọat lại chức Tiết độ sứ Giao Châu. Sau chiến thắng, Dương Đình Nghệ sai Ngô Quyền lại quay về quản lý Ái châu.

Ở Ái châu, năm 937 được tin Kiều Công Tiễn đã giết hại Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ để tiếm quyền và chiếm lấy thành Đại La, Ngô Quyền đã phải kiềm nén lòng căm thù kẻ phản chủ, tiếp tục củng cố lực lượng và tạo dựng thời cơ trong 20 tháng nữa.

Đoán biết thế nào Ngô Quyền cũng đem quân ra hỏi tội, nên tên phản chủ Kiều Công Tiễn đã lộ mặt là kẻ bán nước, sai người sang cầu cứu nhà Nam Hán. Vua Nam Hán Lưu Cung thấy đây là môt cơ hội tốt để xâm chiếm nước ta một lần nữa, cũng là để trả thù cho lần thất bại 6 năm về trước, bèn phong cho con là Hoằng Tháo làm Giao Vương và sai đem quân sang cứu Công để thừa thế hòng cướp nước ta.

Đứng trước nguy cơ đất nước lại bị phương Bắc xâm lược và nhận thấy hành động bán nước của Công Tiễn đang làm phương hại đến sự nghiệp giành lại quốc quyền cho dân tộc mà họ Khúc, họ Dương đã mưu đồ trong 30 năm, Ngô Quyền bèn đem quân ra Bắc một lần nữa.

Được quân dân cả nước theo về, tháng đầu mùa đông năm Mậu Tuất (938), Ngô Quyền đã hạ thành Đại La, giết tên gian thần bán nước Kiều Công Tiễn, trừ mối họa bên trong. Rồi đó Ngài tổ chức chống giặc ngoài.

Trận địa cọc ở cửa sông Bạch Đằng đã  bày sẵn!

Tháng 12 năm ấy, nơi đây đã là mồ chôn quân xâm lược Nam Hán cùng chủ tướng của chúng là Lưu Hoằng Tháo. Trận đánh chỉ diễn ra trong vòng một con nước triều, tức là chưa đầy một ngày, không chỉ đánh tan trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo mà còn chôn vùi vĩnh viễn tham vọng xâm chiếm nước ta của nhà Nam Hán.

Mùa xuân năm sau, năm 939, Ngô Quyền xưng Vương, giành lại quyền độc lập tự chủ cho đất nước sau hơn 1000 năm Bắc thuộc. Vì muốn xây dựng một nhà nước độc lập không lệ thuộc vào ngọai bang, nên Ngô Quyền đã không thỉnh mệnh mà tự lập. Có lẽ các nhà chép sử đã vin vào cớ này mà xếp triều đại nhà Ngô vào “Ngọai kỷ”, tức là xếp ngồi xuống “chiếu dưới” các triều đại về sau là điều không thỏa đáng.

Sử gia Lê Văn Hưu đã từng nhận xét: “Tuy chỉ xưng Vương chưa lên ngôi Đế đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được”.

Chỉ vì thiên kiến Vương với  Đế mà nhà Ngô không được coi ngang hàng với các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần .. sau đó. Về Vương và Đế, thì các sử gia biết rõ hơn ai hết là các triều đại sau triều nhà Ngô ở nước ta dẫu có xưng Đế thì cũng chỉ xưng trong nhà, còn khi sang Tàu thỉnh mệnh cũng chỉ dám xưng Vương mà thôi! Vậy thử hỏi giữa việc có thỉnh mệnh và không thỉnh mệnh thì đằng nào hơn? Thực ra thỉnh mệnh chỉ là sách lược mềm dẻo.

Một trăm năm trước, nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đã suy tôn Ngô Quyền là “Vị tổ trung hưng đất nước” sau các vị tổ dựng nước là các Vua Hùng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng Việt Nam thời hiện đại đã từng ca ngợi Ngô Quyền bằng mấy câu thơ tuy mộc mạc nhưng vô cùng sâu sắc:

                        Ngô Quyền người ở Đường Lâm.

                        Cứu dân thoát khỏi cát lầm ngàn năm

Cả hai sự đánh giá đó, bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng đều biết đều nhớ, ấy vậy mà cho mãi tới ngày nay, giới sử học nước nhà vẫn chưa có một động thái nào để xóa bỏ thiên kiến đó.

Nhưng, theo nhà sử học Lê Văn Hưu, “thì dù thế nào đi nữa, Tiền Ngô Vương vẫn là một vị vua mưu tài đánh giỏi, làm nên công tái tạo, đứng đầu các vua”. Và chiến thắng Bạch Đằng mùa đông năm 938 là “cơ sở sau này cho việc khôi phục quốc thống. Những chiến công các đời Đinh, Lê, Lý, Trần vẫn nhờ vào uy danh lẫm liệt ấy để lại. Trận Bạch Đằng là võ công cao cả, vang dội đến nghìn thu há phải chỉ lừng lẫy một thời bấy giờ mà thôi đâu”-như lời sử gia Ngô Thời Sĩ viết trong Việt sử tiêu án.

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 không chỉ có ý nghĩa là dấu chấm hết ách đô hộ của phong kiến phương Bắc suốt một ngàn năm đối với nước ta, mà còn có ý nghĩa là điểm mở đầu cho nghệ thuật thủy chiến của dân tộc ta.

Đúng 350 năm sau trận đánh Bạch Đằng lần thứ nhất ấy, nghệ thuật thủy chiến đó đã được nhà quân sự thiên tài Trần Quốc Tuấn kế thừa và phát huy: cũng bằng trận địa cọc trên cùng con sông ấy đã tiêu diệt sáu vạn quân xâm lược, kết thúc cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ ba năm 1288.

Ngô Quyền không chỉ để lại cho hậu thế “võ công cao cả vang dội đến nghìn thu”, mở ra cho đất nước ta một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập tự chủ của chế độ phong kiến Việt Nam, mà còn để lại lớp lớp hậu duệ luôn biết giữ gìn những phẩm giá cao đep tổ tiên để lại, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước mà Ngài đã giành lại được từ tay phong kiến phương Bắc cả về võ công lẫn văn trị như Khuông Việt  Đại sư Ngô Chân Lưu, Ngô Tuấn-Lý Thường Kiệt,.. .

Ở bất kỳ thời đại nào, ở bất kỳ thế hệ nào cũng đều có con cháu Ngài biết nối noi tiên tổ, dám xả thân vì độc lập tự do của tổ quốc, vì sự phồn vinh của đất nước. Gần 30 anh hùng, hơn 1000 liệt sĩ họ Ngô trong thời đại Hồ Chí Minh đã minh chứng điều đó.

Ban liên lạc họ Ngô Việt Nam (nay là Hội đồng Ngô tộc) đã nhiều lần nêu ra vấn đề Vương –Đế cũng như Bản kỷ-Ngọai kỷ. Và lần này, trước đông đảo các vị trong giới sử học nước nhà, chúng tôi lại nêu lại vấn đề đó, kính mong các vị hãy công tâm góp một tiếng nói góp phần trả lại sự công bằng lịch sử cho triều đại nhà Ngô trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Chúng tôi xin nêu rõ nguyên ủy của sự việc như sau: Trước kia, khi biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên đã căn cứ vào Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu mà cấu tạo bộ sử của mình thành hai phần: Ngoại kỷ và Bản kỷ. Ranh giới giữa hai phần là triều Ngô. Từ nhà Ngô trở đi là thuộc Bản kỷ. Sau khi Ngô Sĩ Liên mất, Vũ Quỳnh là người đã hất triều Ngô xuống “chiếu dưới”, tức là đưa triều nhà Ngô sang phần Ngoại kỷ, phần Bản kỷ kể từ triều Đinh. Về sau, sang thế kỷ 17, Phạm Công Trứ (1600-1675) cũng theo thế và ngày nay vẫn như thế. Nghĩa là suốt gần 500 năm qua vẫn giữ nguyên tình trạng ấy..

Chúng tôi xin nêu bối cảnh lịch sử của việc Ngô Quyền không thỉnh mệnh mà xưng vương để chúng ta cùng suy ngẫm. Đó là thời kỳ đất nước Trung Hoa rối loạn nhất trong lịch sử 5 ngàn năm của nước này: Thời Ngũ đại thập quốc. Chỉ trong vòng 54 năm kể từ năm 907 đến năm 960 mà có đến 5 triều đại: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu kế tiếp nhau làm vua, mỗi nhà mấy năm. Ngoài “Ngũ đại” ra còn có “Thập quốc”, trong số 10 nước thì ở phía Nam Trung Quốc có đến 9 nước cũng sát phạt thôn tính nhau. Trong 9 nước ở phía Nam thì nước gần nước ta nhất, mạnh nhất và tồn tại lâu nhất là Nam Hán; nước mà Ngô Quyền vừa đánh cho đại bại vào cuối năm 938, đến nỗi suốt hơn 30 năm tiếp theo cho đến khi bị diệt vong vào năm 971, không còn dám mơ tưởng tới đất nước ta nữa.

Trong bối cảnh lịch sử đó, nếu Ngô Quyền có ý định thỉnh mệnh, thì sẽ thỉnh mệnh nước nào? Chẳng lẽ sang thỉnh mệnh chính vua Nam Hán Lưu Cung, kẻ đã bị Ngô Quyền giết mất thế tử Lưu Hoằng Tháo vừa mới một tháng trước ư? Hay là vượt hàng ngàn cây số qua 2 nước Nam Hán và Sở lên tận kinh đô Khai Phong ở phía Bắc để thỉnh mệnh Cao tổ Thạch Kính Đường (936-942) của nhà Hậu Tấn-vị hoàng đế mà lịch sử Trung Hoa đánh gía là “chẳng khác gì tôi tớ của Khiết Đan” chăng?

Qua đó cho thấy các nhà chép sử đã không đọc kỹ sách thánh hiền lại đi trách nhầm vị anh hùng đã “cứu dân thoát khỏi cát lầm ngàn năm”.

Còn nếu nói nhà Đinh có công thống nhất nước nhà, nên triều đại chính thống của nước Việt ta phải

tính từ đó, thì thử hỏi, nếu không có điểm mở ra là chiến thắng Bạch Đằng năm 938, thì liệu có sự “thống nhất” nước nhà của triều Đinh được không?

Hết thảy mọi người, dù chỉ một lần đến Đường Lâm du xuân hoặc dâng hương lên vị Tổ trung hưng đất nước Ngô Quyền, cũng đều chung cảm nhận là nơi thờ tự vị anh hùng dân tộc-vị Tổ trung hưng đất nước còn quá sơ sài, không tương xứng với sự đóng góp của Ngài đối với quốc gia dân tộc. Công trình tưởng niệm Ngài chính nơi Ngài sinh ra và trưởng thành này cũng không thể so sánh với công trình tưởng niệm của các danh nhân khác như tỉnh Hải Dương đã làm đối với Khúc Thừa Dụ; nó cũng không tương xứng với các công trình tưởng niệm Ngài ở các nơi khác như Hải Phòng. Chẳng lẽ Hà Nội-thủ đô ngàn năm văn hiến lại không thể tôn vinh vị Tổ trung hưng đất nước-một vị tổ chung của dân tộc: Ngô Quyền một cách xứng đáng hơn hay sao?

Chúng tôi xin trích lời phát biểu của Anh hùng lao động-Nhà văn hóa Việt Nam Giái thưởng Hồ Chí Minh-Giáo sư Vũ Khiêu khi đánh giá về sự đóng góp của Ngô Quyền đối với tiến trình lịch sử dân tộc cũng như sự cư xử thiếu công tâm của những người có trọng trách đối với việc tôn vinh vị anh hïng dân tộc ở thế kỷ X. Giáo sư Vũ Khiêu viết: “Như đối với Ngô Quyền chẳng hạn, chúng ta chưa đặt được vào một vị trí lịch sử xứng đáng hơn, chưa làm nổi bật lên vai trò của người anh hùng dân tộc đã chính thức kết thúc một ngàn năm sống và chiến đấu gian khổ dưới ách thống trị của phương Bắc, người đã với chiến công oanh liệt của mình mở đầu cho thời kỳ độc lập tự cường của dân tộc”. Và “Về mặt ttưởng niệm cũng chưa có một công trình nào đáng kể về xây dựng đền đài lăng miếu ngang tầm với các danh nhân khác”.

Hết thảy con cháu họ Ngô dều mủi lòng về sự không công bằng của lịch sử đối với vị tổ của dòng họ-đồng thời cũng là vị Tổ chung của đất nước.

Thay  mặt con cháu họ Ngô cả nước, Hội đồng Ngô tộc Việt Nam xin gởi tới nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền ba kiến nghị:

1-Vị Tổ trung hưng đất nước Ngô Quyền cần được đặt vào một vị trí lịch sử xứng đáng hơn, tương xứng với công lao của người anh hùng đã mang lại nền độc lập cho dân tộc sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc. Cụ thể là triều đại nhà Ngô phải được đặt vào phần Bản kỷ, như vốn nó đã từng tồn tại ở đó ngay từ buổi bình minh của lịch sử thành văn.

2- Về đền đài lăng miếu tưởng niệm tại nơi Ngài sinh ra và trưởng thanh cần sớm có quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử Đường Lâm-một ấp hai vua độc nhất vô nhị, trên cơ sở đó kêu gọi đầu tư, kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng và con cháu dòng họ Ngô theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, để dần dần xây dựng nên một Khu tưởng niệm tầm cỡ quốc gia ở ngay nơi sinh quán của người anh hùng đã làm nên công “tái tạo”, “một vị vua dứng đầu các vua”.

3- Cổ Loa là kinh đô của nhà nước Âu Lạc của Thục An Dương Vương. Đây là kinh đô đầu tiên của nước ta trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc. Nơi đây cũng là nơi Ngô Quyền định đô sau khi giành lại nền độc lập cho nước nhà sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, đó cũng là nơi định đô trong 27 năm của triều nhà Ngô (939-965) cần phải được đầu tư nâng cấp cho xứng tầm là Kinh đô đầu tiên của nước ta.

Đáng tiếc sự hiện diện của nhà Ngô ở nơi này hiện chỉ còn một câu đối ở Đình Thượng:

                    Thục quốc sơn hà nguyên cổ Việt

                    Loa thành cung tẩm xướng tiền Ngô

Tạm dịch:

                    Sông núi nước Thục  vốn là của người Việt cổ.

                   Cung khuyết ở thành Cổ Loa được xây dựng từ thời tiền Ngô

Với công lao to lớn của Ngô Quyền như các nhà khoa học, các học giả đã khẳng định trong cuộc Hội thảo lấn này, thiết tưởng tại Cổ Loa cũng cần phải khôi phục nơi thờ tự Đức vua Ngô Quyền để dân chúng được đời đời hương hỏa.

 

Sách Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) chép: Tiền Ngô Vương ở ngôi 6 năm, thọ 47 tuổi Š898-944.

  NGÔ VUI

 Chủ tịch Hội đồng Ngô tộc Việt Nam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 33 trong 9 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 9 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập73
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm55
  • Hôm nay68,270
  • Tháng hiện tại865,286
  • Tổng lượt truy cập47,590,394
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây