Vài suy nghĩ về quy hoạch quần thể phòng tuyến Như Nguyệt

Thứ bảy - 09/05/2015 06:30

Chiến tuyến sông Như Nguyệt là cụm di tích lịch sử văn hoá quan trọng, có ý nghĩa Quốc gia nên đặt đúng tầm để có ứng xử thích hợp từ lập quy hoạch, nghiên cứu bảo tồn phát huy, lập Chương trình thực hiện đến tổ chức triển khai...…không nên coi là công trình cấp huyện, cấp xã và ứng xử giản đơn. Quy hoạch này cần đặt trong tổng thể các vấn đề liên quan, các quy hoạch liên quan như: Quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch chờ, quy hoạch văn hoá-du lịch, quy hoạch chung huyện, xã... qua đó đề xuất các nội dung cần thiết-kể cả phải điều chỉnh quy hoạch cũ nhằm tìm ra phương án ưu việt đồng bộ, hài hoà và bền vững.
Chiến thắng Như Nguyệt năm 1077
Chiến thắng Như Nguyệt năm 1077

 

Từ ý nghĩa trên nên cần thiết nâng dự án này là có phần tổng thể nghiên cứu toàn bộ phòng tuyến Như Nguyệt. Chứ không chỉ bó gọn trong xã Tam Giang (Yên Phong). Đối với toàn tuyến Tam Giang là cụm trung tâm. Theo chiều sông từ ngã ba Xà đến Lục đầu giang, theo bề ngang có tiền tuyến và hậu tuyến. Từ nhìn nhận tổng quan sau đó tách ra các dự án thành phần, chưa có khả năng đầu tư, tu bổ được chỉ cần có biện pháp bảo tồn.

Cũng từ các nhìn nhận trên Tượng đài hoành tráng (tượng ngoài trời, toàn thân) nên đặt ở đâu? (trong các danh nhân ở nước ta, cụ Lý  Thường Kiệt xứng đáng được như vậy) để cho nhiều người được chiêm ngưỡng và để xứng đáng tầm vóc nhân vật nên nghĩ đến vùng thành phố Bắc Ninh hay Trung tâm thị trấn Chờ-những nơi không xa Sông Cầu. Tách bạch hai thành phần chính (tượng hoành tráng và đền thờ) ở hai nơi sẽ hợp lý hơn và có lợi hơn về nhiều mặt so với xây dựng sát nhau như dự án (tượng ngay sân cửa đền thờ). Tại khu vực đền thờ ở Tam Giang chỉ nên đặt tượng bán thân hoặc tượng ngồi (tư thế khác) và có thể đặt ngay trong phần trang trọng nhất của nhà thờ (bát hương khô là hợp dân ta hơn).

Nói kỷ niệm chiến tuyến, tôn vinh chiến thắng mà không thấy đề cập Đài, Bia ghi công các liệt sỹ-anh hùng là không thoả lòng dân. Những hy sinh mất mát ở đây cùng với tướng quân của mình đã làm nên đại thắng. Phải có công trình Đài, Bia để ghi công anh hùng-liệt sỹ ở khu trung tâm này.

 

Hội thi bơi chải truyền thống trên sông Cầu (đoạn qua Yên Phong)
Ảnh: Thương Huyền

 

Nói đến Lý Thường Kiệt, đến chiến tuyến Như Nguyệt không thể không nói đến tuyên ngôn bất hủ “Nam Quốc sơn hà…” là đỉnh cao văn hoá của cha ông ta trong việc giữ gìn đất nước. Vì vậy cần có phù điêu khắc tuyên ngôn “Nam Quốc sơn hà…” một bên là hán nôm, một bên là quốc ngữ. Điều này nhắc nhở chúng ta cần khai thác toàn diện tinh tuý của nhân vật, không chỉ phần “võ” của cụ Lý mà cả phần “văn” phần chiến lược nữa. Bởi tính nhân văn chủ đạo là sức mạnh chứ không phải có phô dao, kiếm… mới được thượng tôn. Và cũng không phải chỉ tay quay hướng này, hướng kia… Tính nhân văn chỉ ra rằng không nên khiêu khích ai, cần làm bạn với tất cả. Vấn đề là xây dựng sức mạnh từ nội tại, trên cơ sở kế thừa những tinh hoa của cha ông để chấn hưng đất nước. Đền thờ, tượng không nhất thiết phải quay hướng Bắc mà chọn hướng thích hợp khác theo địa thế khu vực xung quanh. Phương án quy hoạch đang hướng phía Bắc, hướng lên đê (sát đê) vừa hạn chế tầm nhìn, vừa dễ gây hiểu lầm. Vậy hướng là nội dung cần nhắc tới.

Về vị trí cụ thể cụm trung tâm bám sát đường tỉnh 277 (đoạn mới dự kiến) và chạy dài theo đường này. Và nhược điểm quan trọng hơn là cận kề chân dốc đầu cầu vượt sông nay mai (sát kề đầu mối giao thông). Về phía Tây sát nhà dân hiện có, thậm chí phải đền bù một số thổ cư mới đủ kích thước (hiện trạng chưa rõ). Trục thần đạo song song với đường 277 làm cho công trình bị xe ngang. Trục thần đạo thiếu linh thiêng, không đủ tĩnh tâm khi hành lễ… Vì vậy có thể chọn vị trí khác để bố trí trung tâm của cụm trung tâm.

Khu vực ngã ba Xà và thôn Như Nguyệt có đền cũ của nhân dân tự xây. Cần nghiên cứu địa điểm phía Đông thôn Vọng Nguyệt. Khu vực gần công viên lớn thị trấn Chờ. Ở đây đón 2 hướng giao thông thuận lợi là đường 285B (Đại lộ) đi thành phố Bắc Ninh và nối lên Đê ra đường 277 cũ-277 mới. Đường vòng ra-vào rất thuận lợi khi hành lễ, đông người. Sự kết hợp giữa cũ và mới với hệ thống giao thông rành mạch sẽ thuận lợi cho việc khai thác du lịch toàn tuyến. Đặc biệt tổ chức phối hợp cả không gian khu đền với cảnh quan công viên thị trấn sẽ tăng yếu tố thuận lợi, hấp dẫn cộng đồng lâu dài về sau. Công trình sẽ có sức sống tốt hơn, bền vững hơn nhất là khai thác hiệu quả yếu tố đã có như bảo tồn, phát huy rừng cò, vườn dâu, nghề chăn tằm, dệt tơ… tăng cường yếu tố tổng hợp bao nhiêu sự hấp dẫn tăng lên bấy nhiêu.

Dự án quần thể di tích chiến tuyến Như Nguyệt cần nghiên cứu phần tổng quan toàn tuyến, đồng thời nghiên cứu sâu cụm Trung tâm Tam Giang. Đề xuất thêm phương án tượng đài 2 cấp: Cấp tượng hoành tráng và cấp tại đền thờ. Đồng thời bổ sung Đài, Bia tôn vinh các anh hùng liệt sỹ. Chú ý tính văn võ song toàn của cụ Lý Thường Kiệt mà đỉnh cao là tuyên ngôn “Nam Quốc sơn hà…” vì vậy cần phải có phù điêu về tuyên ngôn này. Cần có thêm phương án địa điểm của cụm có nhìn nhận trước mắt và dài lâu. Không nên vì khó khăn trong thu hồi đất mà bỏ qua mục tiêu lớn, lâu dài trong lịch sử, văn hoá, tâm linh của công trình. Khu vực phía Đông (phương án 2) có nhiều ưu điểm cần xem xét.

Nâng cao, hoàn chỉnh dự án là đòi hỏi của tương lai, của nhân dân Bắc Ninh, nơi gắn chặt với vị trí phiên dậu bảo vệ thủ đô, bảo vệ đất nước trong hàng năm lịch sử.

Phạm Đình Nghĩa

(Theo baobacninh.com.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập68
  • Hôm nay16,415
  • Tháng hiện tại464,945
  • Tổng lượt truy cập40,302,107
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây