Tên nước ta

Thứ ba - 25/11/2014 09:39

Quốc kỳ Việt Nam

Quốc kỳ Việt Nam
Lịch sử đã tạo ra các quốc gia có chủ quyền với cương vực rõ ràng. Tìm hiểu nguồn gốc quốc hiệu, nguồn gốc dân tộc qua lịch sử để tự hào rằng mảnh đất dưới chân ta, núi sông biển đảo ngày nay là của cha ông ta truyền lại cho hậu thế.

N.V.X - Nhân dịp Quốc khánh 2 tháng 9,  xin giới thiệu bài TÊN NƯỚC TA đăng trên Báo Tuổi Trẻ Cuối tuần của tác giả Phạm Hoàng Quân để độc giả tham khảo. Đây là bài viết ngắn gọn, cô đọng, đã khái quát được quá trình hình thành  tên nước,  từ thời dựng nước của các Vua Hùng  đến Quốc hiệu Việt Nam thiêng liêng ngày nay. Qua đó càng thêm tự hào với truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc và những giá trị cao cả mà Tổ Tiên để lại. (Đoạn văn in đậm dưới tiêu đề và Đại Nam Nhất thống Toàn đồ là của Tuổi Trẻ Cuối tuần).

Đại Nam nhất thống toàn đồ

Thời kỳ chưa có sử ghi chép, theo truyền thuyết, họ Hồng Bàng với các vua Hùng dựng nước gọi là nước Văn Lang (2879-258 BC), thời An Dương Vương gọi là nước Âu Lạc (258-206 BC), thời kỳ này chưa có sử nên các năm tháng chỉ được phỏng định dựa trên nhiều nguồn tư liệu.

Giai đoạn lệ thuộc Trung Hoa, thời nhà Tần (221-206 BC) gọi Tượng Quận; thời Hán (206-220 BC) chia Tượng Quận ra làm ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam; cuối thời Hán đổi Giao Chỉ là Giao Châu, thời Tam Quốc, năm 220, nhà Ngô đặt chức An Nam tướng quân (vị tướng định yên phương nam) cai quản Giao Châu; thời nhà Đường đặt làm An Nam đô hộ phủ.

Những tên Giao Chỉ, Giao Châu, An Nam mang tính tiêu biểu, tuy chúng được gắn với các  đơn vị hành chính (phủ, châu, quận) nhưng thường được sách sử Trung Hoa đương thời và sau này ghi chép để chỉ toàn khu vực Bắc bộ nước ta ngày nay.

Trong những tên do ngoại nhân đặt gọi, tên An Nam ảnh hưởng sâu rộng lâu dài nhất, tên gọi này dần dần bị quên đi bản nghĩa, được hiểu đơn thuần là một cái tên trong lịch sử, trở thành sự nói quen miệng viết quen tay từ trí thức đến dân gian.

Từ Nam Việt đến Việt Nam

Trong vài thời đoạn ngắn ngủi của lịch sử, những cách gọi như Vạn Xuân (544-602) hàm ý mong mỏi tốt đẹp lâu dài, Đại Cồ Việt (968-1054) hiên ngang tự tại hoặc Đại Ngu (1400-1407) biểu thị nguồn gốc dòng dõi cao sang, phần lớn thời gian tên nước ta gắn bó trường kỳ theo hệ danh xưng xác định tộc người phối hợp xác định phương hướng, với  Nam Việt, Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam.

Khởi đầu cho việc lấy phương hướng gắn với tên tộc người là quốc hiệu Nam Việt tồn tại 96 năm (207-111 BC) qua năm đời vua.

Tuy Nam Việt thuở ấy gồm cả Đông Việt (Quảng Đông), Tây Việt (Quảng Tây), có lúc còn buộc nước Mân Việt (Phước Kiến), nước Đông Âu (Chiết Giang) phải thần phục, Triệu Đà là nhân vật lịch sử gây nhiều tranh cãi nhưng rõ ràng là người khí phách và chính danh, đã vạch một nét ranh Nam Bắc không chỉ trên đất mà còn ăn sâu vào cả trong tâm thức nhiều đời. Tác giả Việt Sử Yếu đã công tâm khi nhận định “Triệu vương quả thật là người dẫn đầu cho nước Việt Nam chúng ta về sau trong công cuộc xây dựng nền độc lập vậy”.

Sau ngàn năm Bắc thuộc, đất Giao Chỉ, Giao Châu, An Nam tách rời Lưỡng Quảng với phần đất gần như vùng Bắc bộ Việt Nam ngày nay, qua họ Ngô dựng nền tự chủ, họ Đinh, họ Lê khởi lập nước Đại Cồ Việt, tạo nền tảng vững chắc cho họ Lý lập nhà nước Đại Việt. Tên gọi Đại Việt tồn tại 784 năm (1054-1802), lâu dài nhất trong lịch sử nước ta.

Dùng chữ Đại trong Đại Việt không hẳn là mô phỏng Đại Đường, Đại Tống, càng không với ý kiêu căng tự đại, mà đó là tâm nguyện, là ý chí mở mang rộng lớn. Đất dày biển rộng đã không phụ sự nỗ lực và niềm mong ước của vua Lý Thánh Tông, Đại Việt ngày càng vững mạnh, lớn lên không ngừng cả về nội lực dân tộc và cương giới.

Họ Trần vẫn giữ tên Đại Việt, không chỉ giữ vững đất nước bằng những chiến công hiển hách, tên nước Đại Việt còn được đặt uy nghi trên bìa sách Đại Việt sử ký. Quốc sử ra đời không chỉ khẳng định sự trưởng thành của nền học thuật mà còn thể hiện ý thức trách nhiệm của một triều đại đối với tương lai của đất nước. 

Ngày 17-2 năm Giáp Tý (1804), vua Gia Long tuyên chiếu đặt quốc hiệu Việt Nam, bố cáo trong và ngoài nước (Đại Nam thực lục). Đây là thời điểm núi sông trời biển nước ta liền lạc một cõi, bản đồ cương giới hoàn chỉnh gần như hiện trạng ngày nay.

Một sự tình cờ nào đó của lịch sử đã khiến cái tên Việt Nam thân yêu xuất hiện vào một năm rất đẹp, Giáp đứng đầu thiên can và Tý đứng đầu địa chi, Giáp Tý khởi đầu hoa giáp (chu kỳ 60 năm âm lịch), điểm này dù nhỏ nhưng có thể là yếu tố tinh thần lẫn trong muôn ngàn yếu tố kết thành động lực vươn lên.

Năm 1838, vua Minh Mạng đổi quốc hiệu Đại Nam, hoặc gọi Đại Việt Nam, tinh thần chữ Đại xuất phát từ chỗ “Nay bản triều có cả phương Nam, bờ cõi ngày càng rộng, một dải phía Đông đến tận biển Nam, vòng qua biển Tây” (Đại Nam thực lục). Đại Nam nhất thống toàn đồ được thực hiện trong thời gian này đã trở thành một sử liệu cực quan trọng, vừa là biểu tượng mang tính chính danh vừa tỏ rõ phạm vi chủ quyền lãnh thổ.

Năm 1912, Phan Bội Châu lập Việt Nam quang phục hội, trong kế hoạch xây dựng Việt Nam cộng hòa dân quốc (Phan Bội Châu niên biểu). Công cuộc này không thành nhưng tên gọi Việt Nam được những người tiến bộ trong và ngoài nước chú ý.

Năm 1919, Trần Trọng Kim viết: “Quốc hiệu nước ta thay đổi đã nhiều lần, tuy rằng ngày nay ta vẫn theo thói quen dùng hai chữ An Nam, nhưng vì hai chữ ấy có ngụ ý phải thần phục nước Tàu, vậy thì ta nên nhất định lấy tên Việt Nam mà gọi nước nhà” (Việt Nam sử lược). Tên Việt Nam từ năm 1804 được gọi trở lại, thêm ý nghĩa thiêng liêng, là điểm tựa để cố kết tinh thần dân tộc trong công cuộc chống ngoại xâm giành độc lập.

Từ năm 1945 đến nay, hai chữ Việt Nam là niềm tự hào của cả dân tộc, vượt ra ngoài các thể chế chính trị, trở thành tên gọi mang đến sự ấm áp như một mái nhà chung của các đời anh em.

Nước Việt của người Việt

Tuy nước ta chịu ảnh hưởng nhiều mặt về chính trị, văn hóa và tư tưởng của Trung Hoa, vấn đề tên nước trong lịch sử lại là một trong những điểm biểu hiện sự khác biệt. Trung Hoa xưng (nhà) nước Đại Đường, Đại Tống, Đại Minh..., mỗi triều đại là của một họ, không tìm thấy một cái tên thống nhất cho toàn dân, còn chữ Trung Hoa thời quân chủ không phải là quốc hiệu.

Ở ta, tên nước Đại Việt trải qua nhiều triều đại của các họ Lý, Trần, Lê gần 800 năm; tên nước Việt Nam được đặt định từ thời quân chủ cho đến nay đã hơn 200 năm. Cho dù là Đại Việt hay Việt Nam, chữ Việt rõ ràng là một nền tảng, chữ Việt có nghĩa “vượt qua”, luôn ẩn tàng trong từng cá thể chung một tinh thần quyết chí vươn tới trước.

Như dấu tích ngàn xưa của nhiều dân tộc cùng gốc Việt, gắn với cội nguồn sâu xa của chủng tộc Bách Việt phân bố trên không gian rộng lớn và rất cơ động. So với vài mươi nhánh mang tộc danh Việt còn dấu vết văn hóa, nhiều nhánh Việt từng lập quốc trước Công nguyên như Mân Việt, Đông Việt, Tây Việt, Điền Việt thì Lạc Việt - Việt Thường - Âu Việt... giữ được cội nguồn văn hóa với một cõi riêng trong trời đất.

Hoàn cảnh địa lý cùng với không gian văn hóa là những yếu tố khiến một quốc gia tồn tại độc lập và bền vững, đây là điều mà danh thần thời Lê Nguyễn Trãi nói lên bằng khái niệm: “Núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác”. Cùng với giang sơn gấm vóc và kho tàng văn hiến của cha ông để lại, chúng ta may mắn được hằng ngày gọi hai chữ Việt Nam.

PHẠM HOÀNG QUÂN

 

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập153
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm151
  • Hôm nay32,412
  • Tháng hiện tại769,436
  • Tổng lượt truy cập50,132,654
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây