Kỳ 1: Xuất khẩu võ thuật tinh hoa
Cái đa tài của ông Ngô Xuân Bính thường được ví vui: “Súng bắn hai tay, lựu đạn quăng cả chùm”, nhưng lúc tôi ngồi trước kỳ nhân này, lại cảm nhận cái khiêm nhường, giản dị và kiệm lời khi kể về cuộc đời đầy chất tiểu thuyết với những câu chuyện chân thực mà ly kỳ.
Đam mê
Đi khắp thế giới, nhưng chất giọng Nghệ của ông vẫn đặc sệt, hơi trầm xuống khi nhớ lại tuổi thơ của mình và cơ duyên đến với võ. “Tôi nhớ những năm học ở thị xã Vinh (trước đây), vẫn ám ảnh bởi thị xã toàn những ngôi nhà tranh nhỏ bé thường xẩy ra những trận cháy kinh hoàng. Chúng tôi phải sơ tán về huyện Hưng Nguyên để học. Tôi học giỏi cả Văn và Toán, nhưng được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi Toán. Từ lớp 3, lớp 4 tôi mê võ thuật, thích vật nhau, đấu đá chân tay với lũ bạn, nên hay bị thầy cô phạt”.
Thế rồi cậu học trò Ngô Xuân Bính cháu trực hệ của danh tướng Ngô Phan - người chém đầu tướng Liễu Thăng của quân Minh ở ải Chi Lăng - đã lọt vào “mắt xanh” của những ông chú và bô lão trong họ, vốn tinh thông môn võ “Hét” nổi tiếng vùng Thanh - Nghệ. Gọi là võ “Hét” vì khi ra đòn, người luyện võ thường hét to.
Môn võ dân tộc này tồn tại dưới dạng gia phái ở các làng xã vùng sông Lam, sông Mã và những võ sư đều ẩn danh. Xuất phát từ thể chất không cứng mạnh, võ sinh không thể tập theo lối cương cường, mà tập trung vào luyện công và sự uyển chuyển để khắc chế võ Tàu. Môn sinh tập nhiều về tránh né sao cho thật thuần thục để hóa giải các đòn đánh của đối phương, rồi chọn cơ hội tấn công vào đúng điểm hở, điểm yếu mà dứt điểm.
Các võ sư võ “Hét” đúc kết: “Học đạt cái tinh để chế cái nhiều, cái tĩnh để chế cái động, cái đột để phá cái ì, cái cong để chống cái cứng, cái thẳng để chống cái vòng...”.
Những năm ấy Ngô Xuân Bính ngày đi học, đêm về luyện võ với các cụ. Hình như có sự bàn ngầm giữa các cụ, họ cảm giác rằng nếu không dồn sức dạy võ cho Bính thì rồi tinh hoa võ “Hét” sẽ mất đi. Khi đang học chuyên Toán, các cụ vẫn từ quê lên dạy võ hằng đêm cho Bính.
Cứ 3 giờ sáng, Bính dậy luyện võ. Nhưng ngày đó không có đồng hồ, các cụ dặn nghe gà gáy canh hai phải dậy tập. Gần như cả đêm, cậu học trò đang tuổi ăn tuổi ngủ này phải thức chờ gà gáy. Có nhiều buổi học ở lớp, Bính không trả lời được câu hỏi của thầy giáo và thường xuyên ngủ gục. Nhưng hằng đêm hễ gà gáy canh hai lại luyện võ với thầy. Cứ thế bền bỉ đêm này qua đêm khác. Có những đêm tập nặng với các cụ, sáng đi dép cao su đến trường, dép dính bùn, Bính cảm thấy không đủ sức nhấc chân lên được.
Năm lớp 9, những động tác võ thuật của Ngô Xuân Bính đã trở nên điêu luyện, việc đánh ngã, khóa tay chúng bạn cùng trang lứa trở nên dễ dàng như lật bàn tay. Bạn bè cùng lớp hâm mộ và muốn Bính dạy võ cho. Bính xin ý kiến các cụ, họ nói: “Những động tác đơn giản con có thể dạy, con phải biết cách dạy, tập dạy từ bây giờ đi”.
Bính chọn 5, 6 người bạn hợp với mình nhất để dạy võ. Hồi đó học trò ít thú chơi, nên họ học võ say mê lắm. Bính học nhiều nên quăng quật đấm đá vượt trội, chúng bạn rất nể phục...
Lan tỏa
Tốt nghiệp cấp 3, chẳng ngờ chàng trai giỏi võ này lại chọn trường nhạc họa vốn mềm mại và ra Hà Nội học. Sau đó, học tiếp Đại học Mỹ thuật Hà Nội và khi đang sinh viên, Ngô Xuân Bính lại đưa những đường quyền, ngọn roi của môn võ dân tộc để dạy cho các bạn, tạo nên một phong trào học võ sôi nổi. Cảm thấy võ học của mình đang đến độ chín, Bính tham gia Hội võ thuật Hà Nội – nơi toàn các cụ cây cao bóng cả, có các lò võ lừng danh. Năm ấy, chàng trai gầy gò mới 22 tuổi này khiến những cây cao bóng cả ngỡ ngàng khi múa võ. Những tư thế ngã, nhào lộn đẹp nhưng hết sức lạ mắt. Trong Hội võ thuật Hà Nội, có 11 người thì 10 người theo môn phái võ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Môn võ dân tộc của Ngô Xuân Bính lại được coi như một cơn gió lạ ngay trên đất Việt.
Ông nhớ lại: “Năm 1980 tôi tham gia công trình nghiên cứu lịch sử Võ thuật Việt Nam” của Tổng cục Thể dục thể thao. Tôi vác đến hai bó bản thảo mà tôi viết, vẽ về võ dân tộc. Bác Chiến - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể thao lúc đó (người từng tham gia bảo vệ Bác Hồ) ngạc nhiên hỏi: “Của cậu viết à”. Tôi bảo: “Bác không tin, để cháu vẽ luôn”. Bác Chiến mừng lắm, nói: “Từ nay cậu đừng xưng cháu với tôi nữa, hãy xưng tôi, cậu ghê đây”. Tôi nghiên cứu lịch sử võ học dân tộc thấy hầu như không có tư liệu, chứng cứ gì. Những vị tướng tài đều không hề biết ai là người dạy võ, các thầy dạy võ đều ẩn khuất trong dân gian hết. GS Trần Quốc Vượng - ở trong hội đồng chuyên môn - nói: “Làm lịch sử võ học Việt Nam tôi không dám làm vì không có tư liệu, vậy mà thằng Bính dám làm”. Có lúc tôi đã mặc quần đùi múa võ trước Hội đồng chuyên môn của công trình khoa học để thuyết phục họ. Ít khi một công trình khoa học lớn như vậy lại được giao cho người mới 22 tuổi”.
Năm 24 tuổi, Ngô Xuân Bính đã thống nhất các gia phái, hệ phái võ “Hét” vùng Thanh- Nghệ thành môn phái võ “Nhất Nam” (với ý nghĩa quy tụ các bầu đoàn võ cổ Bắc Trung bộ thành một điểm riêng dưới trời Nam, một đứa con của làng võ Việt). Trải qua bao thế kỷ, môn võ dân tộc trời Nam xa xưa ẩn khuất sau lũy tre làng và dòng chảy dân gian, nay đã trở nên chính danh và bắt đầu lan tỏa mạnh mẽ. Cũng năm đó, võ sư trẻ Ngô Xuân Bính cho ra đời hai tập sách đồ sộ “Nhất Nam căn bản”. Những hình vẽ về các thế võ của một người vừa tốt nghiệp trường Mỹ thuật chính xác sinh động và đầy mỹ cảm. Ngay cả những bô lão làng võ cũng kinh ngạc không hiểu vì sao một chàng trai trẻ lại có thể viết được hai cuốn sách dạy võ dày cộp đến như vậy. Không mang màu sắc “bí kíp võ công” đầy bí ẩn như trong các truyện kiếm hiệp Trung Quốc, “Nhất Nam căn bản” hướng dẫn cách tập các thế võ dân tộc một cách đơn giản và thực tế nhất.
Hai cuốn sách này đã được xếp giải: “Sách thể thao giá trị nhất và hay nhất” khối các nước XHCN tại Triển lãm sách ở Ba Lan năm 1988 và được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Ngày đầu “khai môn, lập phái” vào những năm 80 của thế kỷ trước còn nhiều gian nan. Các buổi tập bắt đầu từ 3 giờ sáng ở công viên Thống Nhất, dù nắng hay mưa vẫn không ngừng nghỉ. Hết giờ, võ sư trẻ lại lọc cọc đạp xe đến các lớp võ mở tại Bách khoa, Quần Ngựa, Hà Đông… Đêm, trong căn gác trọ tồi tàn ở phố Hai Bà Trưng, Ngô Xuân Bính ngồi viết để hình thành hệ lý luận căn bản cho dòng võ Nhất Nam. Trong đó, xuyên suốt nhãn quan học võ không phải để thắng người, mà là để chiến thắng chính mình và đưa ra một nguyên tắc hành xử của người học võ: “Nho nhã mà vẫn kỷ cương, uy vũ vẫn dư bình đẳng”.
Ông mời tôi uống trà đen của Nga, và kể tiếp câu chuyện về bước ngoặt cuộc đời gắn liền cái duyên với xứ Bạch Dương: “Khi phong trào tập Nhất Nam bắt đầu được gây dựng mạnh mẽ và tương đối có tiếng vang ở Hà Nội thì tôi nhận được lời mời sang Liên Xô (cũ) làm việc. Những năm đầu của thập kỷ 90, với tư cách là chuyên gia của Liên đoàn các môn võ phương Đông và Việt Nam ở Belarus…”.
Chẳng thể ngờ môn võ thường chỉ lưu truyền sau lũy tre làng vùng sông Lam, sông Mã đã phát triển mạnh ở Nga và các nước châu Âu. 20 năm qua, GS Ngô Xuân Bính đưa môn võ dân tộc “phủ sóng” tới nhiều quốc gia, trong đó Nhất Nam có 4 liên đoàn võ cấp quốc gia ở Nga, Belarus, Lithuania (Litva), Ukraine và cả một mạng lưới những câu lạc bộ ở nhiều tỉnh thành. Rất nhiều thanh niên châu Âu đến bái GS Ngô Xuân Bính làm sư phụ và khoác lên mình bộ võ phục Nhất Nam...
Tuy ông không tiết lộ với tôi, nhưng nghe nói ông có lực lượng học trò riêng: những người làm công tác đặc biệt của chính phủ. Vì thế, Nhất Nam được nhiều nước quan tâm ở cấp Trung ương.
Ở châu Âu, GS.VS Ngô Xuân Bính còn nổi tiếng trên cương vị một thầy thuốc: người đã dùng y học Việt Nam chữa bệnh cho Tổng thống Nga và một số nguyên thủ quốc gia khác…
Kỳ cuối: Võ sư, giáo sư, bác sĩ, viện sĩ, thi sĩ và họa sĩ
Từng chữa bệnh cho Tổng Bí thư nổi tiếng của Lào Kaysone Phomvihane và Tổng thống Nga Boris Yeltsin, võ sư - viện sĩ Ngô Xuân Bính còn viết những công trình khoa học được cả châu Âu và Liên Hợp Quốc vinh danh. Nhưng khi về Việt Nam, ông đã khóc trước mặt tôi…
20 tuổi chữa bệnh cho Tổng Bí thư Lào
Song song với những năm tháng luyện võ, Ngô Xuân Bính được dạy cả y học dân tộc, nắm vững về kinh mạch, huyệt đạo và ngày càng tìm tòi để nâng cao y thuật. Nhưng chính chàng trai này cũng không ngờ năm 20 tuổi lại được chữa bệnh cho Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Kaysone Phomvihane...
Cơ duyên ấy bắt nguồn từ một giáo sư dạy Đại học Bách khoa Hà Nội học võ Nhất Nam và được Ngô Xuân Bính chữa khỏi chân bị phù nề. Một số bạn bè của giáo sư cũng được chàng võ sư trẻ chữa khỏi bệnh. Thế rồi, những người này sang Lào làm chuyên gia và tài chữa bệnh của Ngô Xuân Bính đến tai Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane...
Một ngày nọ, chiếc xe mang biển ngoại giao chở cán bộ đến gặp Ngô Xuân Bính đặt vấn đề: “Có một viên chức ở Lào, có quan hệ với Việt Nam rất mật thiết đang bị bệnh, muốn mời võ sư tới chữa”.
Chiếc xe ngoại giao chở Ngô Xuân Bính tới khu vực Quảng Bá - Hồ Tây. Chàng Bính thấy lạ vì phải đi qua hết cổng này tới cổng khác, bảo vệ vòng trong vòng ngoài. Lần đầu tiên chàng võ sư nghèo được vào phòng khách sang trọng như vậy, bánh kẹo trà thuốc toàn loại hảo hạng. Bính sững người khi một vị bước ra nói: “Tôi là thư ký của Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Kaysone Phomvihane... Tổng Bí thư đang bị bệnh, nghe nói anh có phương pháp chữa bệnh rất độc đáo của con nhà võ nên muốn mời anh khám chữa cho. Tổng Bí thư của chúng tôi rất thích võ và tin vào những phương pháp chữa bệnh truyền thống”.
Bính khám bệnh luôn cho Tổng Bí thư Lào và cho biết ông đang bị vấn đề về thận.
Nghe nói vậy, Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane gật đầu: “Võ sư nói đúng đấy, tôi bị bệnh thận, chưa người nào chỉ đích danh bệnh như vậy. Võ sư sẽ trình bày phác đồ điều trị với bác sỹ riêng của tôi, còn bây giờ tôi mời võ sư đi ăn cơm”.
Sang lần nào ông Kaysone Phomvihane cũng mời Bính đến vì bệnh thận của ông đã đỡ nhiều.
Ngô Xuân Bính chữa bệnh liên tục cho ông Kaysone Phomvihane, mãi đến năm 1990 khi sang Liên Xô mới đành từ biệt người lãnh đạo cao nhất nước Lào nhưng đã trở nên thân gần ruột thịt.
Sau khi được mời sang Nga để phát triển võ, Ngô Xuân Bính lại có dịp dùng tới y thuật của mình để chữa bệnh. Vì lúc đang dạy võ, môn sinh này bị đau đầu, môn sinh kia ngất xỉu. Chỉ vài động tác của thầy Bính, các môn sinh tươi tỉnh trở lại. Thấy lạ, nhiều học trò nhờ thầy chữa bệnh cho người thân của mình.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến, ban đầu thầy Bính chữa bệnh miễn phí, sau chỉ lấy một vài rúp. Dần dần nhiều người nổi tiếng và giới thượng lưu Nga cũng cậy nhờ võ sư Ngô Xuân Bính chữa bệnh.
Đưa y học Việt nổi danh ở châu Âu
Và một ngày nọ, con gái của Tổng thống Nga Boris Yeltsin trực tiếp mời ông tới chữa bệnh cho bố mình. Lúc đó, bệnh tình của Tổng thống Nga đang rất nặng, Tây y gần như bất lực, phải mời những người thầy thuốc giỏi nhất Trung Quốc.
Những ngày đầu mới đến, Ngô Xuân Bính chỉ được ngồi nghe. Xung quanh ông toàn camera và hội đồng bác sỹ chăm sóc sức khỏe của Tổng thống. Sau đó, ông đưa ra phác đồ điều trị khác hẳn với phác đồ của bác sỹ Trung Quốc, nhưng chưa được chấp nhận.
Bệnh tình của Tổng thống ngày một diễn biến xấu, các bác sỹ Trung Quốc bất lực, hướng điều trị trở nên bế tắc. Trong tình thế đó, cơ hội được dành cho thầy thuốc người Việt Nam có phác đồ điều trị khác biệt. Ngô Xuân Bính chữa bệnh cho Tổng thống với cảm giác căng thẳng vì bị các phương tiện và đội ngũ y khoa cao cấp giám sát nhất cử, nhất động.
Sức khỏe của Tổng thống Nga tiến triển tích cực hơn. Phu nhân ông Yeltsin lúc đó, mặc dù có hàng chục người giúp việc nhưng đã trực tiếp nấu cơm mời người đang cứu chữa cho chồng mình ăn. Có lúc bà chạy từ tầng trên xuống, vội vã, cầm một gói thức ăn giúi vào tay thầy Bính. Mấy lần, phu nhân của người đứng đầu nước Nga ngồi xúc thức ăn vào đĩa của vị võ sư người Việt này. Không phải chỉ một lần, suốt mấy năm trời như thế - ông Ngô Xuân Bính nhớ lại.
Chất giọng Nghệ của ông trầm hẳn xuống: “Những chi tiết như vậy khiến tôi có cảm giác mình không phải chữa bệnh cho Tổng thống nữa mà chữa bệnh cho người bạn, cho một bệnh nhân như bao bệnh nhân khác. Cảm giác đó làm tôi thấy thoải mái, tập trung để chữa bệnh. Sức khỏe của Tổng thống đã qua cơn nguy kịch và dần đi vào ổn định. Sức khỏe của ông Yeltsin rất quan trọng với sự ổn định của nước Nga. Chỉ cần ông có mệnh hệ gì thời điểm đó thì lịch sử nước Nga có thể sẽ thay đổi. Tôi nghĩ những gì tôi làm được trên đất Nga không phải tài năng của tôi mà nhờ vào giá trị của nền y học và văn hóa dân tộc ta”.
Tết Nguyên đán vừa rồi Chủ tịch Đuma Quốc gia Nga đã viết một bức thư dài bày tỏ sự cảm ơn của nước Nga đối với Võ sư, Viện sĩ Ngô Xuân Bính. Tôi biết chẳng dễ gì mà người đứng đầu Quốc hội Nga lại viết thư như vậy, cũng bởi người võ sư kiêm thầy thuốc này đã góp phần giữ cho tình hình đất nước xứ Bạch Dương được ổn định khi duy trì sức khỏe cho Tổng thống Yeltsin 10 năm trong bối cảnh lịch sử lúc đó hết sức cam go. Sau khi chữa trị thành công cho Tổng thống Nga, một số nguyên thủ quốc gia khác cũng mời võ sư Ngô Xuân Bính chữa bệnh. Vì nguyên tắc bảo mật khi ký hợp đồng nên ông xin không nhắc tên họ.
Ấn tượng với y thuật của Ngô Xuân Bính, nhiều người khuyên ông viết thành công trình khoa học để truyền bá phương thức chữa bệnh. Thế là võ sư xứ Nghệ trên đất Nga lại miệt mài ngồi vào bàn viết. Công trình khoa học của ông được một cơ quan nhà nước Nga đặt hàng, vốn rất khó với cả những nhà nghiên cứu chuyên môn sâu: Những nhóm bệnh có nguyên nhân từ thay đổi môi trường làm việc, như lặn sâu dưới đại dương hay ở không gian vũ trụ hoặc phóng xạ, hóa chất…
Công trình khoa học hoàn thành, được đánh giá có ứng dụng thực tế rất lớn. Những công trình khoa học tiếp theo, như “Cao huyết áp - Các chứng liên đới - Chuyên khoa châm cứu”, tập 1 dày 1.500 trang trình bày những vấn đề nền tảng của y học cổ truyền phương Đông một cách dễ hiểu, dựa trên cơ sở tương tác năng lượng “âm - dương” và hệ thống kinh lạc.
Công trình này đã được Hội đồng khoa học của Hiệp hội Y học dân tộc Nga nhất trí phổ biến rộng rãi cho các chuyên gia châm cứu.
Với những đóng góp đó, Viện Hàn lâm khoa học tự nhiên châu Âu đã chính thức trao học hàm “Viện sĩ” cho giáo sư Ngô Xuân Bính. Viện Hàn lâm khoa học châu Âu mời ông làm Viện phó phụ trách mảng y học phương Đông.
Hiệp hội Y học dân gian Nga đã phong tặng ông học hàm: “Giáo sư chuyên môn”; Liên Hợp Quốc trao tặng ông huân chương cao quý “Nicholai Peregov” vì những đóng góp “lớn lao và đặc biệt” vào nền y tế thế giới.
Nhưng khi Giáo sư - Viện sĩ mà châu Âu và thế giới ghi nhận này về Việt Nam được giới thiệu gặp một số quan chức cao cấp thì họ chỉ hỏi dăm câu ba điều mang tính xã giao mà gần như chẳng quan tâm đến các công trình khoa học và những tâm huyết mà ông muốn làm cho đất nước.
Kể đến đây, bỗng dưng ông khóc. Khóc thành tiếng và nước mắt rơi. Tiếng khóc của Võ sư - Viện sĩ lừng danh này khiến tôi gai người. Tôi cảm được nỗi đau nào khiến người đàn ông phi thường này phải bật khóc…
Câu chuyện của chúng tôi dừng lại khi người học trò của ông đánh đàn và hát ca khúc phổ thơ Ngô Xuân Bính. Ông có nhiều bài thơ được nhiều nhạc sỹ nổi tiếng như Trần Tiến, Phú Quang, Nguyễn Cường phổ nhạc… Thơ ông giàu triết lý nhân sinh và ý nghĩa nguồn cội giao hòa với âm nhạc và thăng hoa trong đêm nhạc “Ân khúc - giao hòa” được tổ chức tại Nhà hát Lớn - Hà Nội mới đây.
Tôi lặng đi trước những tập thơ, sách châm cứu, sách võ thuật mà ông viết. Chúng quá đồ sộ đến mức vượt qua sức lao động thông thường của một con người. Tôi hiểu đằng sau những kỷ lục ấy là những đêm mất ngủ. Mất ngủ đến mức có lúc ông viết lên giấy những câu: “Không ngủ là ngu, không ngủ là chết, không ngủ là có tội với con”. Nhưng rồi ông vẫn không ngủ. Và chắc sẽ còn mất ngủ, chẳng phải để lập thêm những kỷ lục mà hình như cái tình với quê hương đất nước, với cuộc đời này khiến ông luôn lao động không ngừng như một sự tri ân…
Trong đêm nhạc cũng có màn xác lập kỷ lục “Tập thơ dài nhất Việt Nam” của viện sĩ Ngô Xuân Bính. Trước đây, cuốn sách “Huyết áp cao và các chứng liên đới” của ông cũng được Hội Kỷ lục gia Việt Nam xác nhận: “Bộ sách châm cứu nhiều trang nhất”.
Ông cũng đã vẽ nhiều bức tranh và Viện Hàn lâm Nghệ thuật Nga (RAI) đã trao bằng chứng nhận “Thành viên danh dự” của RAI cho họa sĩ Việt Nam Ngô Xuân Bính.
Theo Phùng Nguyên/Tiền Phong
* Tiêu đề bài viết do HNVN đặt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
là Nanh Vuốt của nước nhà, sau đổi Làng đan liên thành Làng Trảo Nha. Dòng họ Ngô bên Trung Quốc cũng có võ gia truyền là Võ Trảo chuyên sử dụng tay trảo