Do đường xa và phải triển khai nhiều công việc nên chúng tôi quyết định đi từ chiều hôm trước. Đoàn có 6 người do ông Ngô Vui, Chủ tịch Hội đồng Ngô Tộc Việt Nam dẫn đầu. 13 giờ 30 xe bắt đầu lăn bánh, đi theo Quốc lộ 1A. Đã lâu không có dịp đi đường này nên bây giờ thấy có nhiều thay đổi. Đường khá rộng rãi và thông thoáng nên xe chạy với tốc độ khá nhanh, ngoại trừ một vài đoạn trên đường Pháp Vân – Cầu Giẽ người ta đang thi công sửa chữa nâng cấp, phải đi chậm lại. Sau chừng 3 tiếng đồng hồ chúng tôi đã đến thành phố Thanh Hóa.
Thấy thời gian còn sớm, chúng tôi cho xe chạy chậm, chiêm ngưỡng một số cảnh đẹp xứ Thanh. Đến Quảng trường Lê Lợi, một không gian rộng lớn thoáng mát, cả đoàn dừng lại ngắm nhìn, xuống dạo. Tượng đài Lê Lợi sừng sững hiên ngang, đổ bóng dưới nắng chiều tà càng tôn thêm vẻ uy nghiêm, hùng tráng. Dưới chân tượng đài mấy tốp du khách dạo chơi, chụp ảnh; vài ba em nhỏ ríu rít đùa vui, tạo nên một khung cảnh nhẹ nhõm thanh bình giữa chốn ồn ào, náo nhiệt xung quanh.
Ông Ngô Văn Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng Ngô tộc tỉnh Thanh Hóa ra đón chúng tôi. Ông là người nhiệt tình, năng động, mời mọi người vào phòng uống nước, nghỉ ngơi rồi điện thoai mời ông Ngô Sỹ Vinh, Chủ tịch Hội đồng ra cùng tiếp khách, báo cáo với đoàn một số tình hình hoạt động của Hội đồng Ngô tộc địa phương trong thời gian vừa qua. Chúng tôi cũng trao đổi thêm kế hoạch tiến hành công việc ngày hôm sau.
Buổi tối, sau khi cơm nước xong, chúng tôi sắp xếp thời gian đến thắp hương cho cụ Ngô Văn Thái và chia buồn với gia đình. Cụ Ngô Văn Thái, nguyên Chủ tịch Hội đồng Ngô tộc tỉnh Thanh hóa, người có rất nhiều đóng góp cho hoạt động của dòng Họ, không may bị tai nạn giao thông mới từ trần. Sau đó đoàn về nghỉ tại nhà khách Ủy ban Nhân dân Tỉnh.
Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch công việc, sáng hôm sau chúng tôi dạy ăn sáng và xuất phát sớm. Xã Định Hòa cách thành phố Thanh Hóa chừng 30 Km, đường xá không thật dễ đi nhưng có ông Ngô Sỹ Vinh đi cùng, kiêm làm nhiệm vụ dẫn đường nên hành trình cũng thuận lợi. Sau gần một tiếng đồng hồ, khoảng hơn 7 giờ đoàn đã tới nơi.
Vào khu vực sân điện thờ Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao và Phúc quang Từ đường bỗng nhiên thấy lòng rạo rực. Điện thờ và Từ đường với dáng vẻ trang nghiêm tĩnh lặng, phía trước là khoảng sân rộng mát với những tán cây cổ thụ tỏa bóng dưới ánh nắng mai. Trước mặt là con sông Cầu Chày nhỏ nhắn, uốn khúc lượn lờ, bao quanh vùng đất Đồng Phang, tạo cảnh trữ tình, êm đẹp và cũng là nguồn nước cung cấp tưới tiêu cho một mảnh đất miền quê màu mỡ. Sau khi gặp gỡ, trao đổi sơ bộ kế hoạch với đại diện Hội đồng Ngô tộc Đồng Phang và một số cụ cao tuổi, chúng tôi cùng đông đảo con cháu trong Họ ra đồng thắp hương các lăng mộ Tổ: lăng mộ Tổ Ngô Rô, lăng Diên ý Dụ Vương Ngô Từ, lăng Hán Quốc công Ngô Lan và giải quyết một số công việc liên quan khác.
Trong thời gian chờ Ban Tổ chức chuẩn bị lễ giỗ ở nhà, ông Ngô Sỹ Phan và một bộ phận làm thủ tục xác định tìm vị trí mộ phần Hưng Quốc công Ngô Kinh theo phương vị ghi trong gia phả. Hôm đó măc dù đang tiết đầu Đông nhưng trời nắng gắt, cộng với sự hanh khô làm người ta cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, con cháu với tâm huyết và sự nhiệt tình, mọi người quên cả gian lao mệt mỏi, đội nắng, băng đồng hy vọng tìm được dấu tích nào đó của mộ phần. Thế nhưng do rất nhiều nguyên nhân, kết quả chưa đạt được như mong muốn. Đến 10 giờ 30 thì chúng tôi quyết định tạm dừng công việc để dịp tới chuẩn bi các điều kiện đày đủ hơn sẽ tiếp tục kiếm tìm.
Đoàn đến làm lễ thắp hương tại mộ Thanh Quốc công rồi vào thăm và làm việc với ông Hoàng Văn Mão, chủ nhà có khu vườn nơi lăng mộ Thanh Quốc công tọa lạc, cũng là người thường xuyên trông coi, hương khói lăng mộ. Sau đó trở lại dâng hương và tổ chức nghi lễ giỗ Tổ tại Phúc quang Từ đường và điện thờ Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Tại đây, ông Ngô Vui đã giới thiệu cho chúng tôi, những người lần đầu về thăm, những nét chính về lịch sử Phúc quang Từ đường và các tổ chức, cá nhân đã có nhiều công lao đóng góp phục dựng Từ đường và các công trình phu trợ cũng như các di tích lịch sử của dòng Họ tại khu vực này. Tiếp đó mọi người sang thăm và dâng hương tại chùa Thiên Phúc bên cạnh, ngôi chùa xa xưa các vị Tổ Ngô Rô, Ngô Tây từng tá túc, trông coi; cũng là nơi thiên táng Tổ bà Đinh Thị Quỳnh Khôi. Sau khi dâng hương Phật tổ và ông bà Diên ý Dụ vương tại gian thờ Ngài, chúng tôi tới thăm cây Thị hơn 700 năm tuổi tỏa bóng mát sum suê bên góc trái chùa, nghe nhà sư trụ trì giới thiệu về lịch sử ngôi chùa, về quá trình hưng công phục dựng, về những câu chuyện mang tính tâm linh liên quan đến cây Thị cổ và nhiêu nội dung liên quan khác.
Hơn 12 giờ trưa đoàn trở lại khuôn viên sân Điện thờ thụ lộc, giao lưu cùng Hội đồng Ngô tộc Đồng Phang và đại diện bà con trong và ngoài Họ ở địa phương. Cuộc giao lưu diễn ra trong không khí vui vẻ, cởi mở và chân tình. Mọi người tự giới thiệu, kể chuyện, ngâm thơ, ca hát, rồi cùng nhau trao đổi địa chỉ, điện thoại liên lạc để khi cần thì có thể liên hệ tìm sự giúp đỡ, sẻ chia …
Chỉ trong thời gian ngắn ngủi chưa đến một ngày nhưng chúng tôi đã làm được nhiều việc có ý nghĩa lớn lao. Số anh em chúng tôi lần đầu được về thăm nơi đây, nơi được cho là đất Tổ phát tích với nhiều di tích còn lại của dòng Họ, thì chuyến đi thực sự đã để lại nhiều ý nghĩa sâu sắc. Thật cảm động khi đứng dâng hương, chắp tay khấn vái trước các bậc Tổ tiên, khi tận mắt nhìn thấy những cơ ngơi tuy còn đơn sơ khiêm tốn nhưng để lại dấu ấn khó quên trên vùng đất thiêng liêng. Xin cám ơn bà con trong Họ và nhân dân địa phương đã có công gìn giữ những di tích lịch sử quý giá; cám ơn các tổ chức, cá nhân đã thành tâm bỏ nhiều công lao, tiền của, đầu tư nâng cấp, tôn tạo các di tích để có được các cơ ngơi như ngày hôm nay. Đây thực sự là những việc làm đầy ý nghĩa, góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, hướng về Tổ tiên nguồn cội đối với các thế hệ mai sau.
(1) Thanh Quốc công Ngô Khế là con thứ Diên ý Dụ Vương Ngô Từ, em trai Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao tức cậu ruột vua Lê Thánh Tông, sinh giờ Dần ngày … tháng 9 năm Bính Ngọ (1426), mất ngày 6 tháng 10 năm Giáp Tuất (1514), mộ táng tại xứ Phú Liễn, thôn Thung Thượng, xã Động Bàng, nay là thôn Đồng Phang, xã Định Hòa, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Phần mộ vẫn còn, đã được xây dựng và tôn tạo 2 lần vào các năm1994 và 2003.
Tháng 12/2014
Ngô Văn Xuân
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn