Lễ Tế Tiên Công ở Phong cốc, Quảng Ninh

Thứ sáu - 23/01/2015 04:54

Ngay ngày đầu tháng Chạp năm Giáp Ngọ, thời tiết se lạnh đang dần được sưởi ấm lên bởi không khí bắt đầu tâm trạng người dân ở khắp vùng miền chuẩn bị đón Tết Ất Mùi, Hội đồng Ngô tộc Việt Nam đã quyết định về dự Lễ Tế Cụ Tổ Ngô Bách Đoan ở Phong Cốc, Thị xã Quảng Yên, Tỉnh Quảng Ninh.
Lễ Tế Tiên Công ở Phong cốc, Quảng Ninh

 

Đoàn sáu người chúng tôi do Chủ tịch Hội đồng Ngô tộc, ông Ngô Vui dẫn đầu cùng các thành viên Hội đồng Ngô Sĩ  Phan, Ngô Quang Xuân, Ngô Văn Hùng, Ngô Hữu Minh và nhà nghiên cứu nghệ thuật văn hóa Nguyễn Văn Chiến. Chiều tối mùng Một tháng Chạp, một thành viên nữa của Hội đồng Ngô tộc, ông Ngô Xuân Trường đã niềm nở đón đoàn chúng tôi tại nhà bên Hòn Gay, sau đó tổ chức gặp gỡ giao lưu với một số anh em họ Ngô đang sinh sống và làm việc tại Quảng Ninh. Hầu hết thành viên gặp nhau lần đầu tiên, nhưng khi tiếp xúc với các ông Ngô Đức, Chánh án Tòa án Quảng Ninh, Ông Ngô Hoàng Ngân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Than kiêm Bí thư Đảng Ủy Than Quảng Ninh, Ông Ngô Văn Tung, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, ông Ngô Thế Phiệt, Tổng Giám đốc mỏ Hà Lầm…, chúng tôi đều hân hoan tay bắt mặt mừng như những người anh em thân thiết đi xa lâu ngày được về gặp nhau vậy.

Đoàn đã rời Hòn Gay rất sớm vào sáng mùng Hai tháng Chạp để có thể có mặt ngay từ những giây phút đầu tiên của buổi Lễ Tế của họ Ngô ở Phong Cỗc. Ông Ngô Minh Tâm, Trưởng Ban tổ chức kiêm Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Ngô Phong Cốc, đã  không giấu nổi sự cảm động nhìn thấy ông Ngô Vui và đoàn chúng tôi bước ra khỏi xe. Dẫn đoàn vào nhà thờ, ông tự hào giới thiệu chúng tôi với đông đảo các ông các bà họ hàng, rồi ông sốt sắng đưa ra sáng kiến mời chúng tôi tranh thủ chút thời gian ít ỏi để đến thăm nhà thờ của các họ khác cũng ở ngay tại thôn Phong Cốc, cũng đang nhộn nhịp con cháu ra vào chuẩn bị cho Lễ Tế vào đúng giờ Ngọ. Sáng kiến tuyệt vời của ông Tâm làm chúng tôi vốn đang phấn chấn lại càng hứng khởi hơn, vì đây là cơ hội vàng với mỗi chúng tôi để được chiêm ngưỡng, được khám phá những điều kỳ diệu của quá khứ huyền bí và hiện tại sôi động. Chúng tôi như dần dần được tiếp cận với từng dòng của từng trang sử xưa đầy hấp dẫn và thú vị…

Vào cuối đời Nhà Hồ và buổi bình minh của Nhà Hậu Lê, do biến cố của lich sử, vào năm 1434, đã có tới 17 vị Tiên Công họ Vũ, họ Nguyễn, họ Ngô, họ Phạm, họ Bùi, họ Dương… rời kinh thành cùng về vùng Hà Nam này  khai phá, xây dựng quê mới để sinh sống lập nghiệp. Theo phả các dòng họ, thời đó nơi đây vẫn còn là biển, các Cụ Tổ đã khoanh vùng, khai khẩn, đắp cao thành thôn xóm để hàng trăm năm sau, hàng chục thế hệ con cháu nối tiếp truyền thống kiên cường chinh phục thiên nhiên. Để tri ân và tưởng nhớ các vị Tổ Tiên Công, đã từ lâu ở Phong Cốc đã hình thành truyền thống, hàng năm vào mồng 2 tháng Chạp và mồng 4 tháng Giêng các họ đều đồng loạt tổ chức Lễ Tế các Tiên Công. Vào dịp này, các gia đình trong họ đều long trọng dâng mâm cỗ đến nhà thờ để Tế Tổ, được xếp từ trong ra theo thứ tự dòng, chi trên dưới. Thật xúc động khi được chứng kiến chiêm ngưỡng từng dòng người, chủ yếu là đội ngũ các con dâu trưởng của các gia đình tấp nập đội cỗ đến nhà thờ… Ai cũng tự hào phấn khởi chào hỏi, còn không quên  giới thiệu và mời các vị khách cố gắng về Phong Cốc vào ngày mồng 7 tháng Giêng hàng năm, vì đó sẽ là Ngày Lễ hội toàn dân khắp vùng tri ân tưởng nhớ chung đến các bậc Tiên Công. Và cũng đã trở thành truyền thống từ xưa, vào dịp Lễ hội này nhân dân từ khắp vùng miền đất nước đổ về, đông đến mức nếu ai bị đến chậm sẽ khó len chân vào được các đường trung tâm dẫn đến nơi Tế Lễ…  Một bài thơ cổ được dịch ra tiếng quốc ngữ ở nhà thờ họ Vũ đã bao quát rằng: 

“Tiên Công quê ở Thăng Long (1)

Về đây lấn biển thành vùng Hà Nam

Trải bao ngày tháng gian nan

Để hôm nay có xóm làng quê hương

Nghìn thu ghi nhớ công ơn

Bồng lưu miên vũ khói hương kính thành

Cháu con tề chỉnh áo khăn

Tháng Giêng mồng Bảy hàng năm hội làng”.

Hội đồng Gia tộc tiếp đoàn Hội đồng Ngô tộc VN

 

Dù muốn đi thăm tiếp nhà thờ của nhiều họ khác, chúng tôi đã cố gắng để có thể sớm trở về nhà thờ họ Ngô vì thời gian trôi đi quá mau, phút chốc bà con dòng tộc đã tề tựu đông đủ. Đoàn ông Ngô Uy, Chủ tịch họ Ngô Hải Phòng, đoàn ông Ngô Đức Thái, Chủ tịch họ Ngô Cẩm phả cũng đã có mặt. Phần đông thành viên hai đoàn này cũng thuộc hậu duệ của Cụ Tổ Tiên Công Ngô Bách Đoan, một Giám sinh từ Quốc tử giám và là một trong số 17 vị Tiên Công đã buộc phải rời bỏ chốn kinh kỳ tìm đến vùng Hà Nam lịch sử này .  Trong tiếng trống chiêng của ban nhạc lễ hội, chương trinh chính thức bắt đầu bằng đoàn rước hương hoa đi viếng lăng mộ cụ Tổ Bà (Phu nhân của Cụ Tổ Tiên Công), tọa lạc yên bình ở ngay nghĩa trang ngoài cánh đồng làng. Sau đó đoàn lại tiếp tục rước hương hoa viếng lăng mộ Cụ Tổ Tiên Công, tọa lạc ngay phía trước bên tả nhà thờ.

Trong phần ông Ngô Minh Tâm  giới thiệu và mời các trưởng đoàn phát biểu, thay mặt đoàn Hội đồng Ngô tộc Việt Nam, ông Ngô Vui đã cập nhật thông tin về một số hoạt động của Hội đồng, ca ngợi truyền thống uống nước nhớ nguồn của họ Ngô Phong Cốc, và ông cũng bày tỏ mong muôn các dòng, chi họ ở đây tích cực hơn nữa cho việc viết phả để cung cấp cho Hội đồng chuẩn bị biên soan, in ấn phẩm mới về Phả hệ ho Ngô toàn Việt Nam. Ông Ngô Vui cũng đã giới thiệu ông Nguyễn Văn Chiến đóng góp một số ý kiến với tư cách là một nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, người đã gắn bó với họ Ngô Việt Nam trong thời gian dài, góp phần khai sáng 4 di tích của Cụ Tổ Ngô Vương Quyền…

Đúng giờ Ngọ, bằng một chương trình bài bản và nghiêm trang, ba tuần lễ dâng hương và dâng rượu đúng phong cách truyền thống từ xa xưa của văn hóa dân cư Bắc Bộ được tiến hành trong sự chiêm ngưỡng với thái độ cung kính yên lặng của đông đảo con cháu về dự Lễ Tế Cụ Tổ Tiên Công. Đội nhạc gồm trống, chiêng, nhị, sáo đã phối hợp một cách ăn ý đến nhuần nhuyễn các bản nhạc Lễ Tế, hỗ trợ và bảo đảm tuần tự rất hiệu quả cho đội ngũ các vị thực hiện Lễ Tế kéo dài gần một tiếng đồng hồ…

Sau khi dự liên hoan thụ lộc tại nhà thờ , tôi đã được chứng kiến cảnh cảm động của cuộc chia tay bịn rịn giữa chủ và khách, giữa các đoàn khách và ai cũng như thầm đưa ánh mắt hứa đến hẹn lại về Phong Cốc…

 

Đại sứ Ngô Quang Xuân

 

 (1) Cả 17 họ của 17 vị Tiên công đều chép quê gốc của cụ Thuỷ tổ như sau: "Nguyên quán xã Đồng Lầm phường Kim Hoa huyện Thọ Xương phủ Phụng Thiên". Đó là sự hiểu lầm. Đồng Lầm xưa, nay là Đồng Tâm là nơi ở của học trò trường Quốc tử giám (như KTX ngày nay). Năm 1428, sau khi cuộc kháng chiến 10 năm chống giặc Minh thắng lợi, Lê Lợi về định đô ở Thăng Long mới đuổi hết học trò trường Quốc tử giám là con quan triều nhà Hồ khỏi Thăng Long. 17 vị Tiên công đều là hiệu sinh hoặc giám sinh triều nhà Hồ bị đuổi khỏi Thăng Long mới chạy đi nhiều nơi, mãi sau mới cùng về định cư nơi này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập109
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm106
  • Hôm nay21,587
  • Tháng hiện tại863,247
  • Tổng lượt truy cập50,226,465
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây