Về thăm quê hương anh hùng Ngô Văn Nhạc

Thứ tư - 22/04/2015 20:10

Trong hành trình đi tìm và kết nối dòng họ khu vực miền Nam(*), địa điểm đầu tiên chúng tôi tìm đến là xã Mỹ Lợi, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Đây là quê hương của anh hùng liệt sỹ Ngô Văn Nhạc.
Nhà bia liệt sỹ xã Mỹ Lợi A
Nhà bia liệt sỹ xã Mỹ Lợi A

 

Ngày 7/4/2015, ba người chúng tôi gồm các ông: Ngô Vui - Chủ tich, Ngô Văn Xuân - Ủy viên Thường trực Hội đồng Ngô tộc Việt Nam và lái xe Trương Thái Vũ Hùng  xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu hành trình đi về khu vực miền Tây. 8 giờ xe lăn bánh, vì qua Long An cần giải quyết một số công việc nên xe không chạy cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương mà đi theo quốc lộ 1A. Chúng tôi dự tính sẽ đến Ủy ban nhân dân xã làm việc trước  rồi nhờ chính quyền địa phương hướng dẫn đường đến gia đình liệt sỹ Ngô Văn Nhạc.

11 giờ 30 đến thị trấn Cái Bè. Lúc này đã sắp tới giờ nghỉ trưa của các cơ quan nhà nước. Chúng tôi tìm chỗ dừng xe nghỉ ăn trưa, đợi đầu giờ chiều vào làm việc. Cơm nước xong, hỏi thăm được biết từ đây đến xã Mỹ Lợi còn 26 km nữa, thế là chúng tôi vội lên xe đi tiếp để kịp tranh thủ làm việc đầu giờ. Trên đường đi còn phải dừng xe hỏi thăm vài ba lần nữa mới tới nơi.

Xã Mỹ Lợi nằm ở vị trí cuối của huyện Cái Bè và  tỉnh Tiền Giang, tiếp giáp với huyện Tháp Mười,  tỉnh Đồng Tháp, cách thị trấn Cái Bè 26 km, cách quốc lộ 1A hơn 5 km. Tổng diện tích đất tự nhiên của Xã là 3.285 ha. Người dân sống rải rác hai bên bờ kênh rạch, chủ yếu bằng nghề nông, một số ít sống bằng nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Đời sống nhân dân trước đây rất khó khăn, những năm gần đây Xã thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch vật nuôi, cây trồng, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất được nâng cao, đời sống nhân dân đã được cải thiện đáng kể. Hệ thống giao thông chủ yếu gồm hai tuyến đường bộ chính là tuyến tỉnh lộ, tuyến huyện lộ chạy dọc xã và các tuyến liên xã, liên ấp khác. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ đắc lực của hệ thống kênh rạch dọc ngang chằng chịt, phục vụ cho việc đi lại của nhân dân. Ngoài hỗ trợ việc đi lại, hệ thống kênh rạch này còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước ngọt, thoát lũ xả phèn, cung cấp phù sa và tạo cảnh quan của địa phương. Các con kênh, rạch được người dân đặt tên mang đậm tính dân gian, dễ nhớ,  đặt theo tên người ở gần, rồi lâu dần thành quen thuộc, như: kinh Năm Tòng, kinh Năm  Trầu, rạch Bà Tắc, rạch Bảy Đèo, rạch Hai Sách, rạch Tư Bé, rạch Sáu Thiện …

Đường vào ấp Lợi Tường

 

Xã Mỹ lơi có vị trí địa lý quan trọng, là cửa ngõ phiá nam vào đồng bằng Tháp Mười, là vùng căn cứ Cách mạng nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhân dân Mỹ Lợi có truyền thống đấu tranh cách mạng bất khuất. Toàn xã có hai người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là ông Ngô Văn Nhạc và ông Nguyễn Văn Đẩu; Xã có 381 liệt sỹ, 15 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Năm 1970 Xã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hung lực lượng vũ trang nhân dân.

Do diện tích rộng, địa hình phức tạp, năm 1979 Xã được tách làm hai: xã Mỹ Lợi A và xã Mỹ Lợi B.

Vì không biết gia đình anh hùng Ngô Văn Nhạc ở Mỹ Lợi A hay Mỹ Lợi B, chúng tôi quyết định cứ vào gặp UBND xã Mỹ Lợi A trước. Khi đến cổng Ủy ban mới hơn 1 giờ chiều, chưa đến giờ làm việc. Nhìn trong cổng, chếch phía trước nhà làm việc Ủy ban là nhà bia ghi danh liệt sỹ, chúng tôi mừng rỡ, vội bước vào xem. Nhà bia thiết kế hai tầng mái cong, trông khá đẹp mắt. Bia bố trí theo hình 4 cánh vuông góc, danh sách liệt sỹ ghi trên 8 mặt bia. Mặc dù không đánh số thứ tự nhưng đếm số người trên mỗi mặt bia, chúng tôi ước chừng có tên của  gần 300 liệt sỹ. (Con số 381 liệt sỹ là của cả hai xã: Mỹ Lợi A và Mỹ Lợi B).

Có lẽ do đi làm việc nghĩa, được Tổ tiên và anh linh các anh hùng , liệt sỹ phù hộ nên vừa nhìn vào bia chúng tôi đã bắt gặp tên tuổi anh hùng liệt sỹ Ngô Văn Nhạc trước tiên. Nhìn kỹ 8 mặt bia, chúng tôi thấy có tổng cộng 8 liệt sỹ là người họ Ngô. Điều này chứng tỏ vùng đất  Mỹ Lợi có dòng họ Ngô khá đông bà con sinh sống.

Hai cây cầu bắc trên kênh, lối đi vào ấp Lợi Tường

 

Vào Ủy ban làm việc, chúng tôi được  anh Nguyễn Văn Bé, Phó Bí thư Đảng ủy và anh Nguyễn Tất Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lợi A tiếp. Sau khi nghe chúng tôi giới thiệu thành phần, mục đích chuyến đi và đề đạt nguyện vọng muốn được vào thăm, tìm hiểu và làm việc với gia đình anh hùng Ngô Văn Nhạc, lúc đầu các anh có chút ngỡ ngàng với công việc của chúng tôi, nhưng sau đó thì rất nhiệt tình, gọi điện liên hệ với gia đình và trao đổi kỹ với chúng tôi đường đi tới đó. Liệt sỹ Ngô Văn Nhạc hiện đang được con trai út là Ngô Văn Tám ở ấp Lợi Tường,  xã Mỹ Lợi A, hương khói thờ tự. Ấp Lợi Tường cách trung tâm Xã chừng 4 km, đường đi khá khó khăn. Đích thân anh Nguyễn Văn Bé, Phó Bí thư Đảng ủy xã, ngồi xe máy dẫn đường. Anh còn liên hệ, gọi anh Ngô Văn Tám, ngồi trên chiếc xe máy khác cùng đi theo đoàn. Thì ra để đến được nhà, phải qua hai con kênh, qua hai chiếc cầu nhỏ. Đi chừng gần 3 km, chúng tôi phải để xe ô tô lại, đi bộ qua hai cây cầu bắc qua hai dòng kênh, rồi anh Bé và anh Tám đóng vai xe ôm, chở hai chúng tôi đi chừng hơn một cây số về đến nhà.

Biết chúng tôi là người họ Ngô từ Hà Nội vào thăm và làm việc họ,  anh Nguyễn Văn Bé cho mời ông Ngô Hồng Thảo, em trai và ông Ngô Văn Hồng, con trai đầu liệt sỹ Ngô Văn Nhạc cùng đến tiếp đoàn. Chúng tôi đề nghị các thành viên gia đình cùng ngồi dự. Ông Ngô Vui xin phép cho đoàn vào thắp hương liệt sỹ Ngô Văn Nhac trước khi làm việc. Chị Nhung, vợ anh Tám xăng xái đi pha nước mát mời chúng tôi uống. Trong không khí đầm ấm, chân tình, chúng tôi tìm hiểu kỹ về gia đình, dòng Họ, mọi chi tiết đều được ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ, phục vụ cho việc dựng phả sau này.

Liệt sỹ Ngô Văn Nhạc sinh năm 1932 tại xã Mỹ Lợi, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang trong môt gia đình có 3 anh em trai. Thân phụ là Ngô Văn Quang (1909 – 1994), thân mẫu là Nguyễn Thị Cưu cũng đã mất. Ông nộI là Ngô Văn Nhung, vốn người gốc ở xã An Hữu, cùng huyện chuyển đến Mỹ Lợi sinh sống. Trong thời khỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ngô Văn Nhạc nguyên là Phó Bí thư Đảng ủy xã, ông cùng với nhân dân địa phương kiên cường kháng chiến, lập nên những chiến công vang dội, diệt và làm tiêu hao nhiều sinh lực địch. Từ tháng 6/1968 đến tháng 2/1969, ông đã cùng với tổ thương binh của mình tiêu diệt 85 tên địch. Trong một trận chống càn với quy mô lớn, ngày 26/6/1969 ông đã cùng đồng đội chiễn đấu đến hơi thở cuối cùng và đã anh dũng hy sinh.

Ngày 10/2/1970, Ngô Văn Nhạc được truy tặng Huân chương Quân giải phóng hạng Ba và được phong tặng danh hiệu Anh hung Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Đây là niềm vinh dự, tự hào lớn lao của gia đình, dòng họ và của địa phương.

Làm việc với gia đình
(từ phải qua trái, các ông: Ngô Văn Tám, Ngô Văn Hồng, Nguyễn Văn Bé,
Ngô Hồng Thảo, Ngô Vui, Ngô Văn Xuân)

 

 

Sau gần 2 giờ làm việc, chúng tôi đã trao đổi với nhau rất nhiều nội dung hữu ích. Ngoài việc tìm hiểu về thế thứ, gia phả, mọi người còn trao đổi với nhau về hoạt động của dòng Họ ở các địa phương, về Lễ Dâng hương giỗ Tổ hàng năm, về nội dung cuốn Phả hệ Họ Ngô Việt Nam, về trang Web chính thức của dòng Họ …Mọi người ghi chép địa chỉ, điện thoại liên lạc, hẹn nhau ngày gặp lại. Chúng tôi mong muốn  một ngày không xa Hội đồng Ngô tộc Việt Nam sẽ được đón các thành viên gia đình,  họ Ngô xã Mỹ Lợi cũng như các chi họ Ngô khác ở khu vực miền Nam ra dự lễ dâng hương Tiền Ngô Vương tại Đường Lâm và cùng tham dự các hoạt đông của dòng Họ tại Thủ đô Hà Nội.

Để trọn nghĩa với quê hương Mỹ Lợi, gần cuối buổi chúng tôi còn đến thăm xã Mỹ Lợi B. Vào làm việc với UBND Xã, đồng chí Bí thư Đảng ủy và một số cán bộ ngành Lao động – Thương binh – Xã hội tiếp chúng tôi, giới thiệu đôi nét về vị trí địa lý và truyền thống cách mạng của nhân dân Xã; hướng dẫn chúng tôi ra thăm đài tưởng niệm và bia ghi danh các liệt sỹ, anh hùng.

Khi mặt trời dần thu lại những vạt nắng cuối cùng trải vàng  trên đồng lúa bao la, cũng là lúc chúng tôi kết thúc buổi làm việc đầu tiên trên đất Tiền Giang lịch sử. Chia tay cán bộ, nhân dân, những người đang có mặt, chúng tôi không quên nói lời cảm ơn và hẹn ngày gặp lại. Tạm biệt Mỹ Lợi - mảnh đất anh hùng, nơi để lại những ấn tượng khó quên và cảm tình sâu sắc, chúng tôi lại lên đường, tiếp tục với hành trình rong ruổi, tìm đến bà con các chi họ ở các vùng miền xa xôi nhưng luôn gần gũi, thân quen, gửi tới bà con tình cảm chân thành của những người con đồng Tổ đồng Tông, cùng chung một gốc.

 

Tháng 4/2015

Ngô Văn Xuân

 

(*)Chương trình được sự tài trợ của ông Ngô Hữu Hải, TCTy Thăm dò Khai thác Dầu khí và ông Lê Xuân Hưng, Giám đốc Cty Xây dựng công trình Dầu khí. Hội đồng Ngô tộc Việt Nam chân thành cảm ơn ông Ngô Hữu Hải, ông Lê Xuân Hưng và doanh nghiệp đã tạo điều kiện, hỗ trợ tài chính, phương tiện, cử cán bộ lái xe thông thạo địa bàn, trực tiếp hường dẫn và phục vụ đoàn công tác, giúp chuyến đi đạt hiệu quả cao.

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập153
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm147
  • Hôm nay30,921
  • Tháng hiện tại767,945
  • Tổng lượt truy cập50,131,163
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây