Ba lần đi tìm hậu duệ Ngô Kính Thần

Thứ sáu - 06/11/2015 19:02

Lòng đầy ngưỡng mộ và tự hào về tính cách kiên cường, bất khuất của một danh nhân dòng Họ, tôi đặt kế hoạch trong chuyến công tác sẽ tìm về quê ông để thắp cho ông một nén hương.
Đình Cả (làng Xuân Phương, phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc)
Đình Cả (làng Xuân Phương, phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc)

 

Đầu tháng 10 năm 2003, trong một chuyến đi giảng bài ở trường Trung cấp Giao thông Vĩnh Yên, tôi được anh em học trò cũ đang công tác tại đó dẫn đi tìm quê Hoàng giáp Ngô Kính Thần. Đây là lần đầu tiên của hành trình đi kiếm tìm hậu duệ của ông.

Ngô Kính Thần người làng Xuân Hi huyện Kim Hoa, đỗ Hoàng giáp khoa Quí Sửu đời Hồng Đức thứ 24 (1493) dưới triều vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Ông được cử đi sứ Trung Quốc và đã nổi tiếng do đã đối đáp với triều Minh để biểu lộ tinh thần quật cường của dân tộc.

Người Minh ra vế đối:

Nhật hỏa, vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thỏ

Nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vầng trăng.

Ông đối lại:

Nguyệt cung, tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô

Nghĩa là: Mặt trăng là cung, sao là đạn, chiều tối bắn rụng mặt trời.

Ý tứ bất khuất này đã khiến người Minh bực tức, giam giữ ông.

Câu đối này từ lâu vẫn được truyền tụng là của Mạc Đĩnh Chi, nhưng đến khi chuẩn bị bản thảo cho Phả hệ họ Ngô Việt Nam (PHHNVN) tái bản năm 2003 thì tôi được biết trong Từ điển Văn học, Phạm Tường Khê đã viết: “.. nhưng nay đã có bằng chứng xác minh lại là của Ngô Kính Thần. Chuyện được ghi trong văn bia chép trên đá do Vũ Đăng Long, Tiến sĩ khoa Bính Thân (1656) soạn”.

Lòng đầy ngưỡng mộ và tự hào về tính cách kiên cường, bất khuất của một danh nhân dòng Họ, tôi đặt kế hoạch trong chuyến công tác sẽ tìm về quê ông để thắp cho ông một nén hương. Chính vì thế mới có chuyến đi tìm lần thứ nhất này.

Mấy người học trò cũ bảo: thầy đã về đây thì nên đến thăm Đền thờ Ngô Tướng Công. Ngô Tướng Công tức Ngô Miễn, một danh thần triều nhà Hồ, đã anh dũng hi sinh khi chiến đấu chống lại giặc Minh xâm lược năm 1407. Vợ ông là bà Nguyễn Thị, hay tin chồng hi sinh vì nạn nước cũng nhảy xuống nước chết theo chồng. Tấm gương trung liệt của ông bà Ngô Miễn đã nổi danh trong lịch sử.

Thấy đề xuất của mấy học trò quá hợp lý, tôi đã nghe theo.

Sau khi làm xong các thủ tục tâm linh của một vị khách hành hương, tôi xin được gặp các vị chức sắc địa phương quản lý Khu Di tích. Thật may mắn, ông Phó Ban quản lý Khu Di tích lại là người họ Ngô, ông Ngô Văn Vệ.

Ông Ngô Văn Vệ qua danh thiếp biết tôi là ai, đã vô cùng phấn khởi, trao đổi với tôi rất nhiều chuyện, đặc biệt là chuyện dòng Họ. Ông cho biết ở vùng này có tất cả 5 họ Ngô, nhưng không họ nào còn gia phả, mà chỉ mới sưu tầm biên soạn lại sau này. Họ ông cũng nằm trong số đó. Ông là dòng trưởng của một họ, vào đời thứ 6. Ông cho tôi biết, ông Ngô Vĩnh Trạch họ Xuân Mai có phả ký. Sau đó tôi tìm gặp ông Trạch, nhưng họ này cũng chẳng hơn gì. Gia phả cũ không có, ông Trạch cũng mới sưu tầm ghi chép lại được 7 đời. Phả hệ hai họ: Xuân Mai, Nội Phật chúng tôi tìm hiểu được trong chuyến đi đó đã được in trong PHHNVN tái bản lần thứ nhất năm 2011 (tr.572-573). Cũng giống như hai họ: Xuân Mai và Nội Phật, họ ông Vệ cũng không dám nhận họ mình là dòng dõi Tướng công Ngô Miễn.

Khi được hỏi về Hoàng giáp Ngô Kính Thần, ông Ngô Văn Vệ nói rằng: ông có biết một số tình tiết việc Ngô Kính Thần đi sứ, rồi đối đáp sao đó với người Tàu, làm họ tức giận. Họ cụ Ngô Kính Thần ở xóm Thị (xóm Chợ), trước có đền thờ, nhưng nay không còn nữa. 

Tôi tìm đến xóm Thị, hỏi thăm các cụ già nhưng không ai biết gì về Ngô Kính Thần.

Sau đó, ông Ngô Mạnh Thường, nguyên Phó Trưởng ban Liên lạc họ Ngô VN, có một lần tìm đến xóm Thị, nhưng cũng không tìm hiểu được gì thêm về vị Hoàng giáp họ Ngô. Tôi cùng ông Thường mấy lần dự định tổ chức đi một chuyến nữa, nhưng chưa thực hiện được. Công việc riêng chung đè lên vai mỗi người mà thời gian trôi mau chốc đà mười mấy năm trời.

Giữa tháng 7 năm 2015, nhằm chuẩn bị tư liệu cho bản thảo PHHNVN sẽ tái bản trong vài năm tới, Hội đồng Ngô tộc VN đã tổ chức chuyến đi tìm hiểu Khu Di tích lịch sử Tam Canh huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, thờ Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập và Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn. Tương truyền đây là nơi hai anh em đã gặp lại nhau sau khi Ngô Xương Văn giành lại ngôi vua từ người cậu Dương Tam Kha năm 950.

Kết thúc việc tìm hiểu các di tích ở Tam Canh, đoàn đến Xuân Mai, phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên để tìm hiểu về Hoàng giáp Ngô Kính Thần. Bảy người trong đoàn tỏa đi các nơi khắp xóm Thị, tìm đến từng nhà bà con họ Ngô ở đó để hỏi, nhưng không một ai biết gì về vị danh thần này của dòng Họ, mà chỉ biết Ngô Tướng Công (Ngô Miễn) mà thôi.

Sau mấy tiếng đồng hồ quần đảo khắp đường ngang, ngõ dọc của xóm Thị nhưng không thu được manh mối nào về nhân vật bí ẩn Ngô Kính Thần, cả đoàn thấm mệt và thất vọng, đành phải kết thúc chuyến đi. Đó là lần thứ hai chúng tôi tìm hậu duệ Ngô Kính Thần.

Đúng ba tháng sau, ngày 19-10-2015, một chuyến dã ngoại đã được tổ chức. Lục tìm  lại những ghi chép cũ, lần này chúng tôi quyết định đi tìm ông Ngô Văn Vệ. Đoàn gồm 4 người là Ủy viên Thường trực HĐNTVN (Ngô Vui, Ngô Văn Xuân, Ngô Hữu Minh, Ngô Văn Hùng) tìm đến Đền thờ Ngô Tướng Công, nơi 12 năm trước ông Vệ là Phó ban quản lý khu Di tích để hỏi thăm tin tức về ông. Trong khu Di tích có chùa Vĩnh Phúc Tự, may mắn một nữ thí chủ cho biết bà là em họ ông Vệ và xin được dẫn đường đưa đoàn đến nhà ông.

Tuy đã 79 tuổi, nhưng ông Ngô Văn Vệ còn rất khỏe mạnh và tinh tường. Ông nhắc lại những điều đã nói với tôi 12 năm trước, rồi dẫn đoàn đến nhà ông Ngô Văn Sửu, trước làm việc ở ngành Văn hóa Thông tin thị xã Phúc Yên nay đã nghỉ hưu, ngay gần đó. Ông Ngô Văn Sửu (1949) có nhiều thông tin và tài liệu về các danh nhân người địa phương trong đó có danh nhân Ngô Kính Thần mà chúng tôi đã cất công tìm kiếm bấy lâu nay. Theo ông Ngô Văn Sửu thì làng Xuân Phương trước đây là một vùng đất “địa linh nhân kiệt” sản sinh ra nhiều nhân tài giúp ích cho dân cho nước, làm rạng danh quê hương. Làng có 4 vị đỗ đại khoa, trong đó 2 người họ Nguyễn, 2 người họ Ngô là Ngô Kính Thần và Ngô Đạt Nho đều đỗ Hoàng Giáp thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Nói “vo” một hồi rồi ông Sửu mang mấy quyển sách dày cộp ra đọc cho chúng tôi nghe về 2 vị họ Ngô, đặc biệt là về Hoàng giáp Ngô Kính Thần.

Quyển sách mà ông Ngô Văn Vệ đọc cho chúng tôi nghe là sách về các nhà Khoa bảng tỉnh Vĩnh Phúc. Sách có đoạn chép về Ngô Kính Thần chi tiết hơn so với Từ điển Văn học được chúng tôi dẫn ra ở trên. Sách viết: “Nay thấy có bia cổ lai uy linh đại vương thanh miếu thực lục bi kí đặt ở đình thôn Thị xã Xuân Phương do Tiến sĩ khoa Bính Thân (1616) là Vũ Đăng Long soạn, lập năm Vĩnh Thịnh thứ 3 (1655) đời Lê Dụ Tông, thì Ngô Kính Thần là người thôn Triền xã Xuân Hi huyện Kim Hoa phủ Bắc Hà, thời Hồng Đức đi sứ Trung Quốc, người phương Bắc ra một vế câu đối… (vế đối, vế đáp đã nêu ở trên).

Người phương Bắc cho là ông có ý chống lại, nên đã bắt giam ông, nhưng nhờ được thần minh giúp đỡ, ông đã trở về nước được an toàn. Sau khi ông mất, vua nhà Lê phong ông làm Hộ quốc phúc thần  ra lệnh xây miếu thờ ông ở thôn Triền”. Qua đó ta có thể khẳng định miếu (đền) thờ Ngô Kính Thần là có, nhưng nay không còn.

Về Hoàng giáp Ngô Đạt Nho thì không có nhiều thông tin như Hoàng giáp Ngô Kính Thần, cũng chỉ là những thông tin chép từ Truyền đăng lục: Ngô Đạt Nho đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp) khoa Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức 21 (1490)…. Sách không có dòng nào về hành trạng của ông.

Khi được hỏi về hậu duệ hai vị Hoàng giáp họ Ngô thì nét mặt ông Sửu chùng xuống đầy vẻ ưu tư. Ông nói hai ông họ Ngô đỗ đạt cao, làm quan to trong triều nhưng vì là những vị quan thanh liêm, nên không có của cải gì mang về cho con cháu xây cất lăng tẩm ông cha, xây dựng từ đường thờ phụng tổ tiên như nhưng vị quan khác, nên đến nay không còn lưu lại được gì. Sau khi hai vị quá vãng, thế sự biến thiên thì hành tích của hai vị Hoàng giáp chỉ còn lưu lại được mấy dòng trong sách này, mà tôi tin là các ông cũng đã từng đọc tới. Ngay cả con cháu hai vị đến nay lưu lạc đi nơi nào, còn mất ra sao địa phương cũng không được rõ!

Ôi, một kết cục thật là buồn! Nhưng dù sao Hội đồng Ngô tộc VN cũng đã làm hết sức mình, hy vọng làm sáng tỏ hơn hành trạng của Hoàng giáp Ngô Kính Thần qua hậu duệ của Ngài, mặc dù kết quả thu được không như mong muốn. Dẫu sao chúng tôi vẫn hi vọng rồi đây khi hoạt động của dòng họ Ngô phủ khắp đất nước, lan tỏa ra cả  năm châu thì biết đâu chẳng có ai đó là con cháu Ngài đến với dòng họ và cung cấp thêm những thông tin về Hoàng giáp Ngô Kính Thần, một nhân vật lịch sử nước nhà, niềm tự hào của dân tộc Việt và của dòng họ Ngô.

 

Ngô Vui

 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập268
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm261
  • Hôm nay32,042
  • Tháng hiện tại436,992
  • Tổng lượt truy cập47,162,100
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây