Đi tìm dấu tích Tiền nhân

Thứ năm - 22/10/2015 20:02

Nằm trong chương trình tìm về cội nguồn dòng Họ, ngày 19/10/2015 Hội đồng Ngô tộc Việt Nam đã tổ chức chuyến đi thăm và khảo sát một số địa danh liên quan gần khu vực Hà Nội.

 

Lần này chúng tôi đặt kế hoạch đi thăm và làm việc tại khu vực huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội và vùng ven thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là vùng đất trước kia thuộc hai huyện: Kim Hoa và Thiên Phúc của phủ Bắc Hà, trấn Kinh Bắc, nơi còn lưu lại những dấu tích liên quan đến một số bậc danh nhân họ Ngô. Đoàn gồm 4 người do ông Ngô Vui, Chủ tịch Hội đồng Ngô tộc VN dẫn đầu. Tham gia đoàn còn có các thành viên Hội đồng: Ngô Văn Xuân, Ngô Hữu Minh và Ngô Văn Hùng. 7 giờ xe xuất phát từ Văn phòng đi theo đường Bắc Thăng Long – Nội Bài (Đường Võ Văn Kiệt).

Đi tìm quê gốc Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu:

Điểm đầu tiên chúng tôi quyết định đến thăm là thôn Thụy Hương, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn. Chúng tôi đến nơi đây vì qua nghiên cứu, một số tài liệu cho biết, đây là quê gốc của Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu, chứng cứ rõ nhất thể hiện qua nội dung 2 tấm bia cổ còn lưu giữ ở chùa Thụy Hương.

 

Cổng chùa Thụy Hương

 

Từ Hà Nội đi theo đường Võ Văn Kiệt, đến nút giao với Quốc lộ 2 rẽ phải, đi 2 km thì rẽ phải tiếp vào làng Thụy Hương. Chùa Thụy Hương có tên Nôm là chùa Cửa Rừng, tên chữ là Linh Quang Tự, ở ngay vị trí bìa làng. Vào sân chùa chúng tôi gặp ông Nguyễn Minh Phụng, Trưởng thôn, hiện đang điều hành một số bà con giải quyết công viêc trong khu vực chùa. Chúng tôi nêu lý do và xin được gặp nhà sư trụ trì. Ông Phụng pha nước, mời chúng tôi ngồi nghỉ ngơi uống nước và cho biết thật không may hôm đó nhà sư có việc bận đi vắng nên không thể tiếp đoàn. Sau đó đích thân ông đi lấy chìa khóa, mở cửa chùa cho chúng tôi vào thắp hương và tham quan vãn cảnh. Sau khi thắp hương lễ Phật, chúng tôi tỏa đi tham quan tìm hiểu. Trong chùa có đặt 5 tấm bia đá, trong đó 4 tấm là bia hậu. Nhìn kỹ tấm bia còn lại, thấy tên đề là “Tư văn Bi ký”. Áp tường hiên ngoài chuà còn có tấm bia đề “Bản thôn tạo thạch Bi ký” với hàng chữ đầu: Bắc Hà phủ, Kim Hoa huyện, Gia Hạ xã…” Do chữ trên bia đã bị năm tháng bào mòn, rất khó đọc, nhưng chúng tôi cũng xác định đây chính là 2 tấm bia nội dung được lưu trữ ở Viện Hán Nôm và được tạo lập vào thời Lê Trung hưng. Có một điều, khi chúng tôi hỏi ông Phụng Trưởng thôn và một số bà con trong thôn rằng, nhân dân ở đây có biết gì về thông tin đây là quê gốc của Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu, vị Quốc sư đầu tiên của Việt Nam không, thì ông Phụng và mọi người bảo rằng: thế hệ chúng cháu không được biết thông tin đó.

Để tìm hiểu thêm, chúng tôi quyết định đến thăm chùa Non Nước, theo truyền thuýết là ngôi chùa đàu tiên do Khuông Việt xây dựng. Chùa Non Nước tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền Tự, tọa lạc trên triền núi Vệ Linh, ở độ cao 110m so với mực nước biển, thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Tương truyền vào giữa thế kỷ X, đây là nơi thiền sư Ngô Chân Lưu thường lui tới vãn cảnh. Một lần đêm về nằm ngủ có vị Thần linh về báo mộng, theo sự chỉ dẫn của Thần, Thiền sư cho chặt cây tạc tượng, dựng am để thờ. Đến đầu Triều Lý thì được dựng thành chùa. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Việt Nam. Trước đây mỗi lần gặp hạn hán, thiên tai, chiến tranh địch họa, các triều vua đều đến đây cầu đảo và rất linh ứng. Trải bao năm tháng bể dâu, chiến tranh tàn phá, mưa gió dập vùi, chùa đã bị đổ nát hoàn toàn, không còn dấu tích gì. Năm 2000 doanh nhân Vũ Văn Tiền, quê Tiền Hải - Thái Bình và Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội đã phát tâm dâng cúng, cho đúc đại Phật tượng, dựng đại điện đường, xây quảng trường, lập trụ đá, khởi đầu cho việc phục dựng lại chùa. Cùng với sự đồng tâm cúng tiến của rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, của hàng vạn bà con Phật tử, ngôi chùa đã được xây dựng khang trang, bề thế như hiện nay.

 

Nhà bia chùa Non Nước

 

Chúng tôi vào chùa thắp hương, gặp một ni sư đang miệt mài với một tác phẩm hội họa. Ni sư cho biết: Trụ trì chùa là Tiến sĩ Phật học, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, hôm ấy ông bận việc không có nhà. Chúng tôi hỏi về các tài liệu liên quan đến lịch sử, dấu tích của chùa Sóc, về truyền thuyết của nhân dân địa phương đối với việc Đại sư Ngô Chân Lưu là người đầu tiên xây dựng Chùa cũng như về quê gốc của Ngài, Ni sư cho biết, lịch sử của chùa cũng phải dựa vào ghi chép trong Đại Việt Sử ký Toàn thư và các tài liệu cổ sử khác chứ nhà chùa không có thêm tài liệu riêng nào. Ngôi chùa cổ trước đây đã bị tàn phá không để lại dấu tích gì; quê gốc của Khuông Việt nhà chùa cũng chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ thêm.

Vậy là, mặc dù câu chuyện quê gốc của Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu vẫn chưa tìm được chứng tích thuyết phục để có thể khẳng định chắc chắn nhưng nhiều điều cũng được sáng tỏ thêm.

Thăm quê Kim Hoa nữ Học sỹ Ngô Chi Lan:

Tiếp tục chương trình, chúng tôi đến thăm thôn Đoài xã Phù Lỗ, nơi có đền thờ Kim Hoa nữ Học sỹ Ngô Chi Lan. Thôn Phù Lỗ Đoài nằm bên trái Quốc lộ số 3 theo hướng từ Hà Nội lên, trải theo ven bãi sông Cà Lồ. Nơi đây vẫn giữ được cảnh làng xóm yên bình, ruộng đồng tươi tốt. Đền thờ là một ngôi nhà 3 gian thấp nhỏ, nằm khiêm tốn gần ngôi đình làng. Phía trước đền có một tấm bia đá cổ, có lẽ được dựng từ rất lâu vì chữ khắc trên bia đã bị năm tháng bào mòn, hầu như không còn chữ nào đọc được. Nhìn trong sân, khu đền gọn gàng, sạch sẽ, khang trang nhưng vắng vẻ. Còn đang tìm người hỏi thăm để được vào thắp hương thì chúng tôi gặp mấy bà đi làm đồng qua. Các bà dừng lại nói chuyện nhiệt tình, kể cho chúng tôi nghe những điều biết được về Nữ Học sĩ và về lịch sử ngôi đền. Ngôi đền được nhân dân gọi là Miếu nhà Bà, được xây dựng đã từ rất lâu. Khi chúng tôi hỏi tìm người quản lý, trông coi để xin được vào thắp hương thì vừa may, các bà chỉ tay về phía trước, cách đó chừng hơn chục mét có hai cụ bà đang đứng nói chuyện, bảo rằng đó chính là người giữ chìa khóa. Ông Hùng vội chạy lại thưa chuyện, nhờ các cụ mở cửa cho vào thắp hương. Đó là cụ nguyễn Thị Đãi, 85 tuổi và cụ Trần Thị Hoàn, 79 tuổi, hai người chịu trách nhiệm trông giữ và đảm bảo việc hương khói miếu thờ. Khi nghe chúng tôi trình bày là đoàn của con cháu họ Ngô đến thắp hương và tìm hiểu thêm về Nữ Học sĩ Ngô Chi Lan, hai cụ rất mừng và nhiệt tình mở cửa miếu, mời đoàn vào làm thủ tục dâng hương. Các cụ rải chiếu, thỉnh chuông kính cáo Thần linh về sự có mặt của đoàn con cháu họ Ngô, lớp hậu thế đến dâng hương Nữ Học sĩ, nguyện cầu Thần linh phù hộ cho mọi người mạnh khỏe, hạnh phúc, bình an. Kết thúc lễ dâng hương, hai cụ giới thiệu với chúng tôi một số điều biết được về Nữ Học sĩ Ngô Chi Lan và về lai lịch Miếu nhà Bà. Thì ra mấy hôm nay nhân dân địa phương đang chuẩn bị cho việc tổ chức ngày giỗ của Nữ Học sĩ vào ngày 17 tháng Chín sắp tới. Hàng năm, nhân dịp này nhân dân tổ chức lễ hội rất vui và trang trọng. Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày: 15, 16 và 17 tháng Chín Âm lịch.

 

Dâng hương Miếu nhà Bà

 

Các cụ còn cho biết lăng mộ của Nữ sĩ ở bên kia sông, cách đây chừng hơn 1 Km. Chúng tôi rất vui mừng vì đây là một thông tin hoàn toàn mới mẻ, chưa một ai trong đoàn từng nghe nói việc Nữ Học sĩ Ngô Chi Lan còn phần mộ. Chúng tôi vội xin phép chia tay hai cụ để được ra mộ thắp hương. Lăng mộ Nữ Học sĩ Ngô Chi Lan nằm ở xóm Tiên, xã Tiên Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội. Trước đây khu này thuộc địa phận làng Phù Lỗ, nhưng sau này do phân định lại địa giới hành chính, lấy sông Cà Lồ làm mốc, bên kia sông là huyện Sóc Sơn, bên này sông là huyện Đông Anh cho nên khu đất này nay thuộc Đông Anh. Theo bà con kể, nơi này trước đây còn rất hoang sơ, cây cỏ um tùm, nhưng bây giờ thành khu dân cư đông đúc nên khu mộ nằm ngay cạnh làng. Chúng tôi vào thắp hương trên mộ thì được biết, cạnh mộ nhân dân nơi đây cũng đã xây một ngôi đền thờ Nữ Học sĩ. Đền trước kia nhỏ bé, qua mấy lần sửa chữa đã lớn hơn. Hiện nay chuẩn bị cho ngày giỗ Bà, địa phương cho trùng tu, nâng cấp thành một ngôi đền khang trang. Hôm chúng tôi đến mặc dù việc thi công chưa xong, công việc vẫn còn bề bộn, nhưng trông ngôi đền khá đẹp mắt, với khuôn viên sân đường rộng rãi, thoáng đãng. Lăng mộ Nữ Học sĩ nằm phía sau đền thờ. Lăng mộ cũng mới được chỉnh trang xây lại, chế tác bằng đá, nhỏ gọn nhưng trang nghiêm. Chúng tôi thắp hương trên mộ rồi vào nói chuyện, thăm hỏi mấy bác quản lý khu lăng mộ, đền thờ, tìm hiểu thêm một số thông tin về Nữ Học sĩ, sau đó xin phép tiếp tục hành trình.

Đi tìm các dấu tích về danh nhân Ngô Kính Thần:

Hành trình tiếp theo, chúng tôi đến Phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Nơi đây trước là xã Xuân Hy, huyện Kim Hoa, phủ Bắc Hà, quê hương của Hoàng giáp Ngô Kính Thần, một danh nhân thời Lê. Đoàn tìm gặp ông Ngô Văn Vệ, trước từng làm Phó trưởng Ban quản lý khu di tích chùa Thiên Môn và Đền thờ Ngô Tướng công (Ngô Miễn). Cách đây hơn một tháng chúng tôi cũng đã có chuyến về thăm nơi này nhưng vì thời gian eo hẹp chưa bố trí đến gặp được ông Vệ và kêt quả tìm hiểu về danh nhân Ngô Kính Thần cũng chưa thu được bao nhiêu. Chúng tôi tìm vào khu di tích đền Ngô Tướng công, mấy ông, bà trong Ban Quản lý ngồi tiếp, giới thiệu cho chúng tôi một số nét về lịch sử cụm di tích. Khi chúng tôi hỏi thăm ông Ngô Văn Vệ thì thật may mắn, một bà cho biết là em họ ông, Ông Vệ hiện đã nghỉ, không làm trong Ban Quản lý di tích nữa. Bà dẫn chúng tôi đên thăm nhà ông Vệ.

Vào nhà gặp ông Vệ, chúng tôi trao đổi một số tình hình về dòng Họ cũng như họ Ngô ở đây. Ông Ngô Vui đề nghị ông Vệ xây dựng gia phả của chi họ gửi cho Hội đồng Ngô tộc VN để tổng hợp chung, kịp in ấn, xuất bản. Khi đề cập đến Hoàng giáp Ngô Kính Thần, ông cho biết một số thông tin nhưng không nhiều. Ông đề nghị chúng tôi đến gặp ông Ngô Văn Sửu, trước làm việc ở ngành Văn hóa Thông tin của thị xã Phúc Yên (hiện đã nghỉ hưu) nên có nhiều tư liệu có thể tham khảo. Đích thân ông lại dẫn chúng tôi đến nhà ông Sửu ở khu bên cạnh.

 

Trao đổi với ông Ngô Văn Sửu tại nhà riêng

 

Ông Ngô Văn Sửu trước đây là cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Phúc Yên nên cũng có khá nhiều thông tin về những danh nhân của địa phương. Ông sinh năm 1949, đã nghỉ hưu được mấy năm nay. Ông có nói đùa với chúng tôi: Nhiều anh tuổi Kỷ Sửu thăng tiến, phát đạt thế mà sao mình lận đận mãi? Theo ông thì làng Xuân Phương trước đây là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, sản sinh ra khá nhiều nhân tài giúp ích cho nước, cho dân. Trong Làng có 4 Tiến sỹ, trong đó 2 người họ Nguyễn, 2 người họ Ngô là: Ngô Đạt Nho và Ngô Kính Thần. Địa phương còn có một danh nhân nổi tiếng là tướng công Ngô Miễn, một danh tướng triều Hồ, một con người cương trực, có rất nhiều công lao với dân, với nước, nhất là công tổ chức cho nhân dân đi khai khẩn đất mới ở vùng biển Xuân Trường, Nam Định. Đối với hai vị Hoàng giáp họ Ngô, ông Sửu cho biết, cả hai người đều đỗ đạt, làm quan thanh liêm chính trực, khi đương chức vẫn sống đạm bạc, không có tiền đưa về xây dựng từ đường, lăng mộ cho gia tộc, họ hàng nên đến nay không lưu giữ được gì. Hậu duệ đến nay cũng không xác định được còn, mất ra sao.

Bàn riêng về Ngô Kính Thần, chúng tôi trao đổi một số thông tin liên quan, rồi ông Sửu đem quyển sách viết về các nhà khoa bảng của tỉnh Vĩnh Phúc ra xem, trong đó có một số nội dung đáng quan tâm như: việc ông đi sứ sang Tàu, việc được Triều đình ban lệnh cho xây miếu thờ sau khi mất…Chúng tôi cảm ơn ông Sửu và gia đình đã đón tiếp và cung cấp các thông tin hữu ích, mong ông tiếp tục hợp tác, đồng thời đề nghị ông biên tập gia phả của chi Họ gửi cho Hội Đồng Ngô tộc VN. Ông hứa sẽ sớm triển khai việc này.

Kết thúc một ngày làm việc với chương trình liên tục không nghỉ, mọi người thấy thấm mệt nhưng rất vui vì những kết quả tốt đẹp thu được. Rất nhiều những tình tiết, sự kiện mới chỉ có thể thu lượm được qua những tìm tòi thực tế. Hy vọng rằng sau khi tổng hợp, các thông tin trên sẽ phục vụ đắc lực cho việc nghiên cứu của dòng Họ cũng như của mỗi người.

 

Ngô Văn Xuân

 

Dưới đây là một số hình ảnh bổ sung khác:

 

Bia cổ chùa Thụy Hương

 

Chùa Non Nước - Vệ Linh, Sóc Sơn, Hà Nội

 

Tượng Phật nguyên khối chùa Non Nước

 

Bia Minh công đức chùa Non Nước

 

Miếu nhà Bà thờ Nữ sỹ Ngô Chi Lan tại Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội

 

Bia cổ trước Miếu nhà Bà

 

Hai cụ thỉnh chuông trước ban thờ Miếu nhà Bà

 

Cổng đền thờ Nữ sỹ Ngô Chi Lan bên xóm Tiên (chụp từ trong ra)

 

Mộ Nữ sỹ Ngô Chi Lan tại xóm Tiên

 

Đền thờ Nữ sỹ Ngô Chi Lan tại xóm Tiên (đang trùng tu)

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập109
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm100
  • Hôm nay32,329
  • Tháng hiện tại886,351
  • Tổng lượt truy cập50,249,569
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây