Họ Ngô Vọng Nguyệt đón nhận bằng Di tích Lịch sử Quốc gia

Thứ ba - 12/01/2016 17:04

Ngày 10/1/2016, họ Ngô Vọng Nguyệt tổ chức Lễ đón nhận bằng di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà thờ 5 tiến sĩ họ Ngô. Đại diện các cơ quan, chính quyền, đoàn thể địa phương, Hội đồng Ngô tộc VN, một số họ Ngô ở các khu vực và đông đảo con cháu họ Vọng Nguyệt đã về dự.
Các thành viên Hội đồng Ngô tộc Việt Nan dự lễ đón nhận bằng của họ Vọng Nguyệt
Các thành viên Hội đồng Ngô tộc Việt Nan dự lễ đón nhận bằng của họ Vọng Nguyệt

 

Từ sáng sớm ngày 10/01/2016, trong tiết trời khá ấm áp ngày đầu năm mới, đông đảo các thế hệ con cháu dòng họ Ngô Lệnh tộc Vọng Nguyệt, xã Tam giang, huyện Yên phong, tỉnh Bắc Ninh đã hân hoan phấn khởi tề tựu tại Nhà văn hóa xã để dự “Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà thờ 5 Tiến sĩ họ Ngô” vùng Kinh Bắc khoa bảng nổi tiếng này. Niềm tự hào của họ được nhân lên gấp bội khi được chào đón nhiều vị lãnh đạo các cấp chính quyền Tỉnh, Huyện, Xã và Thôn nhà, các đoàn đại biểu bà con họ Ngô từ dòng Trảo Nha (Hà Tĩnh), dòng Lý Trai (Nghệ An), Tả Thanh Oai-Tó (Hà Nội) và từ nhiều vùng miền khác của đất nước. Đoàn  từ  Hội đồng Ngô tộc toàn quốc gồm các ông Ngô Quang Nam, Ngô Quang Xuân, Ngô Sĩ Phan, Ngô Nhật Dân, Ngô Hữu Minh đã có mặt để cùng mọi người chia sẻ niềm vui hạnh phúc trong buổi Lễ long trọng này.

Đường làng, ngõ xóm làng Vọng Nguyệt rợp bóng cờ, khẩu hiệu, băng rôn chào mừng sự kiện, gặp ai cũng bắt gặp nụ cười tươi tắn, thân thiện trên khuôn mặt hân hoan.  Các bản nhạc vui không khí lễ hội, tiếng trống vang vọng như mời nhắc mọi người đã đến giờ khai mạc buổi Lế đón nhận Bằng di tích lịch sử quốc gia. Hình như mọi người ai cũng có chung cảm giác hội trường Nhà văn hóa có vẻ như rất rộng lớn mọi ngày, bỗng trở nên chật chội trong ngày trọng đại với dòng người, dòng hoa chảy vào không ngừng. Sau những làn điệu dân ca quan họ vùng Kinh Bắc mở đầu làm mê say lòng người, khán phòng đã yên lặng, trang nghiêm dõi theo các bài phát biểu của quan chức chính quyền cấp Tỉnh, cấp Huyện, cấp Xã, cấp Thôn, của Tộc trưởng, của đại diện họ Chu… Rồi không khí bỗng nhiên trở lại náo nhiệt khi các đại diện Hội đồng Ngô tộc toàn quốc, các dòng họ Ngô khắp nơi về dự lễ hội, nhiều đoàn đại biểu khác nối tiếp nhau lên sân khấu tặng hoa chúc mừng họ Ngô Lệnh tộc làng Vọng Nguyệt.

Vọng Nguyệt-Tam Giang với những cảnh quan, địa danh, di tích như bến sông Như Nguyệt (sông Cầu), ngã ba Xà, chùa Bồ Vàng…đã đi vào những trang sử dân tộc hào hùng, nơi còn vang vọng mãi muôn đời bản Tuyên ngôn “Nam quốc sơn hà…” của vị anh hùng dân tộc Ngô Tuấn-Lý Thường Kiệt, đã kịp thời hiệu triệu, thôi thúc quân dân nhà Lý xông  lên giành thắng lợi oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc, bảo vệ nền độc lập dân tộc của quốc gia Đại Việt ở thế kỷ thứ XI.

Theo Vọng Nguyệt Ngô Lệnh Tộc Phả và nhiều tài liệu nghiên cứu về dòng họ, thủy tổ họ Ngô Lệnh Tộc Vọng Nguyệt là cụ Ngô Nguyên, “hiệu Quảng Bình, Quốc Tử Giám Quốc tử sinh, Ứng vụ nội mật viên lại”. Cụ Ngô Nguyên, là một trong sáu người con trai “cư biệt quán” của Thanh Quốc công Ngô Khế, đã về Vọng Nguyệt vào khoảng cuối thê kỷ 15. Cụ được một vị quan họ Chu giàu có gả con gái cho. Đây chính là cụ Tổ Bà huyền thoại Chu Thị Bột, làm ăn giỏi giang, khi quê hương chìm đắm trong mất mùa đói kém, đã dốc hết thóc nhà cứu tế sinh linh. Công đức của bà có thể đã làm rung động được trời đất linh thiêng, nên đến khi bà lâm bệnh nặng phải lìa xa con cháu, bà đã được “thiên táng” để thanh thản về với tổ tiên. Tấm long nhân nghĩa của cụ Tổ Bà như một tấm gương sáng chói sống mãi với thời gian, sâu sắc đi vào tâm trí, đông viện các thế hệ con cháu luôn cố gắng vươn lên, mặc cho biến thiên lịch sử có lúc dẫn đến mất mát, chia cắt, khổ đau, muôn vàn khó khăn, xã hội nhiều tiêu cực bon chen…

Nơi ở của hai cụ đã trở thành Nhà thờ của dòng họ cho đến ngày nay, cũng là nơi thờ cúng 5 vị đại khoa tiến sĩ các triều đại Lê - Mạc. Bức đại tự với bốn chữ “Tiết phụ tinh môn” (nghĩa là người tiết phụ có phẩm hạnh cao quý)  ở gian thờ Mẫu trong nhà thờ họ Ngô Lênh tộc đã mang đậm tinh thần “Phúc đức tại mẫu”. Chính nhờ công đức cao dầy của của cụ Tổ Bà mà dòng họ nhiều đời kế phát khoa bảng, bắt đầu từ con trai người, cụ Ngô Ngọc. Trên văn bia nhà thờ ghi rõ: Khoa thi Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức 18 (1487), Ngô Ngọc đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp); con thứ hai của cụ Ngô Ngọc là Ngô Nhân Hải (chưa rõ năm sinh, mất) đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Mậu Thìn (1508); cháu nội cụ Ngô Nhân Hải là Ngô Nhân Trừng (1539-1593) đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Canh Thìn (1580); con trai trưởng của Ngô Nhân Trừng là Ngô Nhân Triệt (chưa rõ năm sinh, mất) đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Đinh Mùi (1607); con trai thứ của Ngô Nhân Triệt là Ngô Nhân Tuấn (1595-?) đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Canh Thìn.

Nói về họ Ngô Lệnh tộc, nhà bác học Phan Huy Chú phải thốt lên:”Họ Ngô Lệnh tộc làng Vọng Nguyệt kể từ cụ Ngô Ngọc đỗ chính bảng thời Hồng Đức, cả thảy có 5 đời Tiến sĩ thực là hiếm có xưa nay!”. Bức đại tự “Thế xuất Nho khoa” và những vế đối, câu thơ trong nhà thờ họ Ngô Lệnh tộc toát lên truyền thống khoa bảng năm đời Tiến sĩ từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17, và nối tiếp đến lớp lớp hậu duệ con cháu nhiều người thành đạt về sau.

Trải qua trên 550 năm kể từ khi cụ tổ Ngô Nguyên về làng Vọng Nguyệt, họ Ngô Lệnh tộc đã phát triển được 18 đời gồm 5 chi với gần 1500 nhân khẩu. Đặc biệt các thế hệ con cháu trong gia tộc vẫn phát huy được truyền thống khoa bảng vẻ vang và truyền thống nhân hậu, tương thân tương ái của cha ông, sống thương yêu đùm bọc, hoà thuận với dân làng và luôn sẵn lòng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, được mọi người kính trọng, yêu mến. Theo con số thống kê của dòng họ, từ sau năm 1954 đến nay, họ có 4 người có học hàm, học vị Giáo sư - Tiến sĩ, 15 người có trình độ Thạc sĩ, trên 200 người có trình độ Cử nhân; có nhiều người giữ trọng trách cao trong cơ quan của Đảng, Nhà nước.

Trong suốt hơn 550 năm qua, nhà thờ tổ vẫn được các thế hệ con cháu trong gia tộc gìn giữ, tôn tạo, nhằm thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “vấn tổ tìm tông”; đồng thời cũng mang ý nghĩa giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi gương sáng của tổ tiên, đặc biệt là truyền thống hiếu học, khoa bảng và nhân ái, cùng ra sức học tập, tu dưỡng, góp phần xây dựng gia tộc, quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

Trong nhà thờ còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật quý như: gia phả Ngô Lệnh tộc, hệ thống hoành phi, câu đối, ngai thờ, bài vị, sập thờ... không những phản ánh sâu sắc về lịch sử dòng họ Ngô với truyền thống khoa bảng vẻ vang và lòng nhân hậu sâu sắc mà còn được xem như một “bảo tàng” nhỏ giúp cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về truyền thống khoa cử, phong tục tập quán, địa danh hành chính của quê hương.

Với những giá trị to lớn của di tích, nhà thờ 5 tiến sĩ họ Ngô đã được xếp hạng cấp tỉnh từ năm 1997. Năm 2015, trên cơ sở đề nghị của gia tộc họ Ngô và chính quyền địa phương, tỉnh Bắc Ninh đã lập hồ sơ đề nghị Nhà nước nâng cấp xếp di tích nhà thờ 5 tiến sĩ họ Ngô lên cấp quốc gia. Ngày 23 tháng 12 năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định số 4481/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng quốc gia di tích Nhà thờ 5 tiến sĩ họ Ngô làng Vọng Nguyệt. Điều đó một lần nữa đã khảng định các giá trị của di tích và công lao của các vị tiến sĩ của dòng họ Ngô Lệnh tộc làng Vọng Nguyệt đối với quê hương đất nước mà thực sự là niềm vinh dự tự hào đối với gia tộc họ Ngô lệnh tộc nói riêng, xã Tam Giang, huyện Yên Phong và tỉnh Bắc Ninh nói chung.

Thời gian buổi Lễ hội trôi qua thật nhanh, chúng tôi đã hòa vào dòng người rước Bằng di tích lịch sử quốc gia từ nhà Văn hóa về Nhà thờ 5 vị tổ Tiến sĩ, dự lễ dâng hương. Sau đó còn được vinh dự chia sẻ chén rượu nồng tình nghĩa, đặc sản của xứ Kinh Bắc với ông Trưởng tộc Ngô Văn Hào, với “nhà” tổ chức các sự kiện của dòng họ, Bác sĩ Ngô Vi Tiết, cùng với đông đảo quan khách và bà con cô bác…Với bản thân tôi, thành viên của Hội đồng Ngô tộc toàn quốc, một hậu duệ của họ Ngô Lý Trai (Diễn Châu, Nghệ An), một dòng họ có lịch sử cùng chung huyết thống với dòng họ Ngô Lệnh tộc Vọng Nguyệt, việc được dự Lễ đón nhận Bằng di tích quốc gia của nhà thờ họ lần này như một niềm vinh dự tự hào lớn lao, một kỷ niệm quý giá sâu sắc sẽ đồng hành cùng tôi suốt cuộc đời.

 

Vọng Nguyệt, ngày 10/01/2016

Đại sứ Ngô Quang Xuân     

 

Dưới đây là một số hình ảnh Lễ đón nhận Bằng di tích (ảnh: Ngô Hữu Minh)

 

Các đại biêu và con cháu họ Vọng Nguyệt dự Lễ đón nhận bằng Di tích

 

Rước bằng từ nhà Văn hóa Thôn về

 

Trên đường rước bằng về

 

Đón nhận bằng tại nhà thờ Họ

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập99
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm93
  • Hôm nay33,151
  • Tháng hiện tại665,219
  • Tổng lượt truy cập47,390,327
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây