Kết nối được họ nhờ bài văn cúng giỗ

Thứ bảy - 23/04/2016 18:04

Hội đồng Ngô tộc VN nhận được thư của đại diện 3 họ: Phúc Tiên, Mỹ Xá và Đông Bạn, báo cáo việc tìm ra húy danh vị Thủy Tổ của mình và đề nghị được xác nhận kết nối trong Phả hệ Họ Ngô VN.
Mặt trước từ đường họ Ngô Mỹ Xá - Tiên Lữ - Hưng Yên
Mặt trước từ đường họ Ngô Mỹ Xá - Tiên Lữ - Hưng Yên

 

Ba họ Ngô: Phúc Tiên, (Hưng Nhân, Thái Bình), Đông Bạn (Ân Thi, Hưng Yên) và Mỹ Xá (Tiên Lữ, Hung Yên) có chung Thủy tổ là Ngô Đình Tư, được xác định ở Tả Thanh Oai (Thanh trì - Hà Nội) chuyển về Phúc Tiên. Sau đó người con út  cụ Ngô Đình Tư la Ngô Xuân Hoằng từ Phúc Tiên chuyển về Mỹ Xá, người con thứ hai là Ngô Đình Tướng đến đời cháu nội là Ngô Đình Mậu chuyến về Đông Bạn. Việc ba họ đi đến thống nhất kết luận cụ Ngô Đình Tư, con cụ Ngô Đình Bàn thuộc họ Tả Thanh Oai  là Thủy tổ chung của cả ba họ  là sau hàng chục năm tìm hiểu, nghiên cứu và thảo luận với nhau.

Tuy nhiên, theo gia phả họ Ngô Thời – Tả Thanh Oai thì cụ Ngô Đình Bàn, con trai trưởng cụ Ngô Đình Thạc, có 9 con trai, trong 9 người đó không có ai là Ngô Đình Tư. Chúng tôi đặt nghi vấn, liệu Ngô Đình Tư có phải là Ngô Đình Khôi hay Đình Quản (vì hai người con này của cụ Ngô Đình Bàn Phả để trống), và đề nghị các họ liên quan tiếp tục tìm hiểu tư liệu và xác định thêm.

Sau mấy năm tìm tòi và nghiên cứu, vừa rồi 3 họ đã chính thức xác đinh Ngô Đình Tư chính là Ngô Đình Khôi. Sự việc được phát hiện qua một bài văn khấn kỵ nhật được cất giữ bấy lâu nay.

Chúng tôi xin đăng lại toàn văn bức thư của Đại diện 3 họ: Phúc Tiên, Mỹ Xá, Đông Bạn và văn bản báo cáo của ông Ngô Xuân Ngoạn – người đã tìm ra manh mối để bà con tham khảo.

---------

 

Kính gửi: Hội đồng Ngô Tộc Việt Nam

Ngày 15/10/2015, ông Ngô Xuân Ngoạn, một thành viên cao tuổi của họ Ngô Mỹ Xá, huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên, có báo cáo lên Hội đồng Gia tộc việc sưu tầm được bài văn khấn kỵ nhật, được chép trong quyển sổ ghi các bài văn cúng trong đó có bài Văn khấn kỵ nhật Thủy Tổ họ Ngô Phúc Tiên. Ông cho biết, quyển sổ nói trên là của ông Ngô Xuân Trang, Trưởng tộc họ Ngô Mỹ Xá, chuyển vào Sài Gòn cư trú từ năm 1954, khi mất để lại. Năm 1994 ông Ngô Xuân Quỳnh vào miền Nam chơi với con trai, khi trở về miền Bắc, bà vợ ông Trang gửi ông Quỳnh một tập sổ sách, giấy tờ cho họ Ngô ở quê để ông Ngô Xuân Nhân sử dụng. Ông Nhân là em trai ông Trang, năm 1954 ông Trang vào Nam, ông Nhân thay làm Trưởng tộc.

Cách đây hơn 10 năm, một lần ông Ngoạn cùng ông Nhân bàn việc họ, thấy tập sổ sách của ông Nhân có quyển sổ ngoài bìa ghi “Văn Kỵ Nhật” ông Ngoạn mượn về xem  Khi về nhà, thấy trong quyển sổ viết toàn chữ nho, nên ông xem qua vài ba tờ rồi cất trong tủ sách. Mãi gần đây con cháu dọn nhà cửa, nhân dịp này ông cùng sắp xếp lại sổ sách, tài liệu thấy quyển số “Văn Kỵ Nhật” ấy, lấy ra xem kỹ mới phát hiện có bài văn Khấn Thủy tổ họ Ngô Phúc Tiên, Thái Bình tỉnh, Hưng Nhân huyện chép trong cuốn sổ này, trong đó đã xác định rõ tên Thủy tổ của 3 họ.

Sau khi ông Ngô Xuân Ngoạn báo cáo với gia tộc, đại biểu 3 họ Ngô: Phúc Tiên, Đông Bạn và Mỹ Xá chúng tôi quyết định cùng nhau họp để xem xét, bàn luận. Trong quá trình xem xét, thấy bài văn Khấn Kỵ Nhật Thủy tổ họ Ngô Phúc Tiên Thái Bình tỉnh, Hưng Nhân huyện trong quyển sổ có ghi: “Ngô Quý Công húy KHÔI, tự Đình Tư”.

 Như vậy, tên vị Thủy Tổ họ Ngô Phúc Tiên  trùng với tên cụ Ngô Đình Khôi, một trong 9 con trai cụ Ngô Đình Bàn (đời  ) họ Tả Thanh Oai đươc lược ghi trong Phả đồ Phả hệ họ Ngô Việt Nam tái bản năm 2011.

Trên cơ sở ấy có thể khẳng định đây là bút tích, một cứ liệu xác thực. Từ đó một lần nữa khẳng định lời truyền lại của ông cha chúng tôi rằng, Thủy tổ của 3 họ Ngô Phúc Tiên, Đông Bạn và Mỹ Xá là Ngô Đình Tư, con trai của cụ Ngô Đình Bàn, từ họ Ngô Tả Thanh Oai chuyển về là chính xác.

Vì vậy, thay mặt dòng họ Ngô Phúc Tiên, Đông Bạn và Mỹ Xá, chúng tôi  xin báo cáo lên Hội đồng Ngô tộc Việt Nam, để có sự thống nhất, lý giải một tồn nghi, chưa rõ về Thủy Tổ của 3 họ Ngô Phúc Tiên, Đông Bạn và Mỹ Xá.

(Kèm theo bản sao bài văn khấn Kỵ Nhật thủy Tổ họ Ngô Phúc Tiên và báo cáo của ông Ngô Xuân Ngoạn).

Ngày 20 tháng 10 năm 2015
T.M DÒNG TỘC HỌ NGÔ PHÚC TIẾN, ĐÔNG BẠN VÀ MỸ XÁ
Ngô Xuân Nhân 

Trưởng tộc Mỹ Xá

 

 

BÁO CÁO

Một sự kiện mới về “Vấn Tổ tìm tông”

Của dòng họ Ngô Phúc Tiên, Hưng Nhân Thái Bình

Như các bác đã biết, sau một thời gian dài nghiên cứu, tìm hiểu, chúng ta đã xác định lời di huấn của ông cha ta rằng, ba họ Ngô: Phúc Tiên, Đông Bạn và Mỹ Xá là ba anh em, do cụ Ngô Đình Tư sinh ra và cụ là Thủy Tổ của ba họ. Vấn đề này đã đi đến hồi kết cho công việc “Vấn Tổ tìm tông” , đồng thời kết quả cũng được báo cáo với Ban liên lạc họ Ngô Việt nam (Nay là Hội đồng Ngô tộc Việt Nam).

Những tưởng như thế là đủ căn cứ để Hội đồng Ngô tộc Việt Nam xác định, sắp xếp thế thứ của các dòng họ, tuy nhiên  khi tôi xem Phả hệ họ Ngô Việt Nam tái bản lần thứ nhất có sửa chữa, bổ sung, thấy giữa trang 134 có ghi một đoạn 12 dòng, nguyên văn như sau:

“Ngô Đình Bàn, con trai trưởng Ngô Đình Thạc, có 9 con trai như trên lược phả đồ. Trong 9 người đó không có ai là Ngô Đình Tư. Ba họ Ngô: Phúc Tiên, (Hưng Nhân, Thái Bình), Đông Bạn (Ân Thi, Hưng Yên) và Mỹ Xá (Tiên Lữ, Hung Yên) có chung Thủy tổ là Ngô Đình Tư ở Tả Thanh Oai chuyển về Phúc Tiên, người con út Xuân Hoằng chuyển về Mỹ Xá, người con thứ hai là Đình Tướng đến đời cháu nội là Đình Mậu mới chuyến về Đông Bạn.

Sau hàng chục năm tìm hiểu, nghiên cứu và thảo luận với nhau, cả ba họ đã đi đến thống nhất kết luận: cụ Ngô Đình Tư, con cụ Ngô Đình Bàn là Thủy tổ chung của ba họ. Thế thì Ngô Đình Tư có thể là Ngô Đình Khôi hay Đình Quản? Đề nghị các họ liên quan tiếp tục tìm hiểu tư liệu và xác định thêm”.

Đọc nội dung ghi trong Phả hệ họ Ngô Việt Nam tái bản lần thứ nhất như trên khiến tôi cũng như các bác và con cháu dòng tộc có nhiều băn khoăn, suy nghĩ. Như vậy là chúng ta vẫn chưa thực hiện được một cách trọn vẹn lời truyền lại của ông cha ta để báo cáo với Hội đồng Ngô tộc Việt Nam. Điều đó đòi hỏi mỗi con cháu trong dòng tộc chúng ta có bổn phận phải tìm hiểu thêm.

Sau đó tôi tiếp tục thực hiện một số hướng tìm hiểu thêm, nhưng năm tháng dần trôi đi mà vẫn chăng tìm hiểu thêm được gì; đã có lúc tự cảm thấy lực bất tòng tâm, đành chờ mong sự tiếp tay của con cháu sau này để làm nôt công việc mà cha ông chưa hoàn thành được.

Bẵng đi một thời gian, thế rồi không biết có phải do nhân thấm, đức nhuần mà Tổ tiên run rủi, khiến cho tâm linh thức tỉnh? Một hôm, nhân con cháu quét dọn để sửa tường quét vôi nhà, tôi cũng mở tủ sắp xếp lại tài liệu, sách vở trong đó có sổ sách tài liệu lưu giữ của mấy năm trước đây nghiên cứu để bổ sung, xây dựng gia phả cho họ Ngô Mỹ Xá, Đông Bạn và Phúc Tiên, thấy quyển sổ nhỏ ghi “ Văn Kỵ Nhật” vẫn để trong ngăn tủ. Quyển sổ này trước đây tôi mượn của ông Ngô Xuân Nhân, Trưỏng tộc, khi đem về xem, thấy viết bằng chữ Hán nên tôi cũng chỉ xem qua vài trang, rồi bấy lâu vẫn xếp vào đó

Lần này lấy ra xem, do có bài văn kỵ nhật viết bằng chữ Hán và chữ Nôm trong đó có nhiều chữ chưa hiểu, phải tra kỹ. Tôi xem đến hai ba chục đầu đề văn khấn về thần phật, về thánh mẫu, thổ thần, thổ địa, tiên tổ gia tiên... Khi xem đến bài văn khấn viết bằng chữ Nôm, dòng đầu là văn khấn Thủy tổ Ngô tộc Phúc Tiên, Thái Bình tỉnh, Hưng Nhân huyên, lúc đó tự nhiên tôi thấy giật mình, hoa mắt. Sau trấn tĩnh lại, tôi ngồi dạy tiếp tục xem đến chữ: “Cao Cao tằng Thủy khảo”, nhất là đến đoạn “Ngô quý công húy Khôi tự Tư”, khiến tôi càng thêm sửng sốt, đầu óc lúc đó suy luận miên man, nghĩ trước nghĩ sau, nghĩ gần nghĩ xa, rằng sự việc mới phát hiện là nhờ sự ân cần chỉ dẫn của Hội đồng Ngô tộc Việt Nam. Kể từ những ngày đầu được tiếp cận với Ban liên lạc họ Ngô Việt Nam (nay là Hội đồng Ngô Tộc Việt Nam) đã giúp ta có chỗ dựa và lòng tin đế có đường hướng cho công việc “Vấn Tổ tìm tông” lâu nay. Rồi lại suy nghĩ sang một hướng khác, về chủ quan, đây có phải do lòng hiếu thảo và truyền thống của gia tộc Ngô Xuân, mà ông Ngô Xuân Trang được ông cha dưỡng dục, sớm được hiểu, được truyền tâm cho nên lúc sinh thời, khi vào cư trú ở Sài Gòn bao năm ông vẫn giữ gìn một gia bảo tâm linh quý báu độc nhất vô nhị của dòng tộc, đế ngày hôm nay những điều tổ tiên gửi gắm cho thế hệ kế tiếp về tên tuổi Thủy tổ dòng tộc họ Ngô Phúc Tiên đã được những người có trách nhiệm của thế hệ sau tiếp nhận và sáng tỏ.

Cách viết trong văn khấn Thủy Tổ dòng họ Ngô Phúc Tiên như trên cũng phù hợp với cách trình bày chung trong gia phả Ngô tộc, như tên các cố thưòng ghi tên gốc tức là tên húy (thường gọi là tên cúng cơm), rồi có tên Tự, lại có tên Hiệu hay tên Thụy… , chẳng hạn, Thủy tổ dòng họ Phúc Tiên cũng viết: “Ngô quý công húy Khôi - tự Đình Tư”…

Tôi nghĩ rằng, có thể vì một lý do nào đấy cụ Ngô Đình Khôi đã chuyển cư về Phúc Tiên, Hưng Nhân, Thái Bình. Khi về Phúc Tiên cụ đi học hoặc tham gia công việc nào đó ở làng xã nên mới đặt tên tự là Tư. Trong dân chúng địa phương cũng như trong dòng họ Ngô Phúc Tiên cụ thường được  gọi bằng tên tự là Tư mà không gọi tên húy Khôi. Chắc hẳn sau khi cụ mất, tên húy của cụ cùng tên tự mới được chép vào văn cúng. Mặt khác, khi cụ từ Tả Thanh Oại chuyển về Phúc Tiên, trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động, mối liên lạc giữa Phúc Tiên và Tả Thanh Oai bị gián đoạn trong một thời gian dài, nên ở Tả Thanh Oai, nơi sinh quán không biết được tên tự của cụ để mà chép vào gia phả.

Tôi nghĩ rằng, với bút tích bài văn khấn Kỵ Nhật Tổ dòng họ Ngô Phúc Tiên được ghi trong quyến số do ông Ngô Xuân Trang, trưởng tộc họ Ngô Mỹ Xá cư trú tại Sài Gòn bấy lâu giữ gìn bảo quản, sẽ là cứ liệu chắc chắn để một lần nữa chúng ta khẳng định lời di truyền của ông cha ta: Thủy tố của ba họ Ngô Phúc Tiên, Đông Bạn và Mỹ Xá, đúng là Ngô Đình Tư húy “Khôi” - một trong 9 người con trai của cố Ngô Đình Ban thuộc Chi Ất, họ Ngô Tả Thanh Oai.

Với luận cứ trình bày như trên, sau khi thảo luận thống nhất, kết luận, tôi đề nghị chúng ta có văn bản đại diện cho 3 họ Ngô: Phúc Tiên, Đông Bạn và Mỹ Xá báo cáo lên Hội đồng Ngô tộc Việt Nam về sự kiện này, kèm theo cả bản sao bài văn khấn kỵ nhật thủy tổ Phúc Tiên để Hội đồng làm cơ sở kết nối phả.

 

Ngày 15 tháng 10 năm 2015

Người tìm hiểu, thẩm tra báo cáo

Ngô Xuân Ngoạn

 

Ghi chú: Cụ Ngô Xuân Ngoạn nguyên là thành viên Ban Liên lạc họ Ngô Việt Nam (nay là Hội đồng Ngô tộc VN)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập106
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm99
  • Hôm nay34,259
  • Tháng hiện tại771,786
  • Tổng lượt truy cập50,135,004
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây