Đông đảo con cháu các thế hệ hiện đang sinh sống tại quê cũng như đang công tác, học tập trên mọi vùng miền đã về dự và dâng hương Tiên tổ. Đại diện chính quyền địa phương, một số dòng họ bạn trong làng, bà con hàng xóm cùng đến dự.
Trong không khí trang nghiêm, với lòng thành kính Tổ tiên, các thế hệ con cháu trong chi họ đã kính cẩn dâng hương lên ban thờ Tổ.
Họ Phạm Ngô – Đan Nê là chi họ không lớn, được hình thành chưa lâu, đến nay mới có 5 – 6 đời. Họ vốn gốc từ họ Ngô Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, khởi nguồn từ một vùng đất khoa bảng, địa linh nhân kiệt.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong Họ, thi vào cuối thế kỷ 19, cụ Ngô Văn Đài lúc còn trẻ do cảnh nhà nghèo khó, vùng quê đất chật người đông, đã phải rời nhà ra đi kiếm sống. Thế rồi tháng ngày phiêu bạt, đến đất Đan Nê ven dòng sông Mã neo đậu định cư. Những đời đầu ở đây cảnh nhà vẫn khó khăn túng thiếu. Con cái sinh ra nhiều nhưng đậu lại chi còn được độc đinh, và cũng không có điều kiện liên lạc lại với quê hương bản quán. Đến đời thứ 3, tức cháu nội cụ Ngô Văn Đài là cụ Ngô Văn Đăng, năm lên 6 tuổi cha đã mất. Gia cảnh neo đơn, con côi mẹ góa, anh em, họ hàng bên Nội xung quanh không có ai để mà trông cậy, bà mẹ bèn cho con trai mang họ bên Ngoại là họ Phạm để con đỡ tủi thân, có nơi qua lại cậy nhờ. Từ đó đến nay các thế hệ tiếp theo đều mang họ Phạm và đã phát triển đông đúc, cuộc sống có nhiều đổi thay, một số người thành đạt trong lĩnh vực kinh tế và một số hoạt động liên quan khác.
Mới đây anh Phạm Ngô Thủy, hậu duệ đời thứ 4, một doanh nhân công tác trong quân đội đã cất công đi tìm nguồn cội. Dường như do khao khát thành tâm , được các bậc tổ tiên độ trì phù hộ nên chuyến đi gặp khá nhiều may mắn. Mỗi chặng đường đi như có người chỉ lối đưa đường, chỉ trong một lần đi anh đã tìm được về cố hương gốc tổ, tra cứu gia phả thì thấy đúng là gốc rễ nhà mình.
Xin được chúc mừng chi họ Phạm Ngô – Đan Nê sớm tìm được gốc cội của mình, xây được từ đường để thường xuyên hương khói phụng thờ Tổ tiên và là nơi để con cháu họp mặt sinh hoạt tâm linh, hướng về nguồn cội. Chúc bà con trong Chi họ sức khỏe, hạnh phúc và không ngừng vươn lên trong cuộc sống.
Đan Nê là một ngôi làng cổ thuộc huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa, một miền quê phong cảnh hữu tình, chung linh dục tú, có những huyền thoại gắn với nhiều giai đoạn lịch sử đất nước, nổi bật là Đền Đồng Cổ và dãy núi Khả Lao (hay còn gọi là 3 ngọn Tam Thái Sơn). Cái tên Đan Nê có nghĩa là đất đỏ. Tương truyền thời xa xưa người dân khi đào giếng thấy đất khơi lên đỏ như son nên làng ấp mang luôn tên ấy. Lại cũng có tích truyền lại, những đội tiền quân của các vua thời Lý, thời Lê khi đi bình giặc phương Nam, qua đây tạm dừng vó câu lấy sức, khi ngựa chiến uống nước ở hồ bán nguyệt trước đền Đồng Cổ thì con nào con nấy mồm miệng đều đỏ như son cả.
Chuyện cũ kể lại rằng, ngày xưa một vị vua khi đi đánh giặc qua đây có nghỉ lại một đêm trên bến Trường Châu bờ phải sông Mã. Trong giấc chiêm bao, vua được một vị thần xưng là Thần núi Ðồng Cổ báo mộng rằng dưới chân núi có trống đồng, hãy đào lên dùng tiếng trống làm linh khí đuổi giặc. Khi tỉnh giấc vua còn nghe tiếng chuông đồng vọng từ ngôi đền dưới chân ba ngọn núi. Nhà vua làm theo những điều Sơn thần báo mộng, quả nhiên quân giặc nghe tiếng trống đồng âm vang đã sợ khiếp vía kinh hồn phải vội lui binh. Từ đó, nơi ba ngọn núi đá chụm đầu vào nhau như kiềng ba chân, tạo thế vững chãi từ sức mạnh đoàn kết, đã trở nên linh thiêng, cổ kính.
Theo bảng thuyết minh treo ở trước đền thì Đền Đồng Cổ trước đây là một miếu nhỏ, được khởi dựng từ thời Hùng Vương, đến năm 1020 thời Lý Thái Tổ, miếu được sửa sang lại. Sang thời Lê – Trịnh, năm 1630 miếu được xây dựng khang trang, to đẹp hơn, thành ngôi đền cổ. Đền thờ thần núi Đồng Cổ, vị thần đã giúp các triều đại đánh thắng giặc ngoại xâm, diệt trừ phản loạn, giữ gìn đất nước non sông. Hôm đến thăm đền, tiếp chúng tôi Ban quản lý Di tích cho biết, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mý, ngôi đền bị phá hỏng nặng nề. Năm 2009, chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nhà nước đã đầu tư nâng cấp, phục dựng nhiều hạng mục công trình, hiện mới hoàn thành giai đoạn một của dự án. Hiện nay ngôi đền đã khang trang, đẹp đẽ, tạo thành điểm nhấn trong quần thể di tích lịch sử, một đia điểm du lịch tâm linh nổi tiếng trong vùng, được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến.
Sách Việt điện U Linh , tập truyện kể về các vị thần linh được thờ ở Việt Nam chép rằng: đầu triều Lý, Thái tử Lý Phật Mã phụng mệnh vua cha Thái Tổ, đem binh đi đánh giặc phương Nam, đến Trường Châu đóng quân tạm nghỉ. Canh ba đêm ấy, thấy một người thân cao 8 thước, mắt sáng, râu rậm, mặc chiến bào, tay cầm kim khí, đến trước cúi đầu tâu rằng: tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin Thái tử đi đánh giặc phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc lập công. Thái tử tỉnh giấc mừng rỡ ra lệnh tiến binh. Quả nhiên, theo lời Đồng Cổ Sơn Thần, trận đó quân ta toàn thắng. Khi khải hoàn về qua Trường Châu, Thái tử bèn sai quân sĩ sửa sang miếu thần thành đền thần, rồi tạ lễ và rước thần vị về kinh đô, dựng tiếp một ngôi đền để thờ, cầu cho quốc thái dân an.
Ngôi đền ấy được xây ở phía bắc Kinh thành Thăng Long, nay là số 353 phố Thụy Khuê, Hà Nội. Ngôi đền cũng được mang tên Đền Đồng Cổ. Năm 1028 Lý Thái Tổ băng, Phật mã lên ngôi (tức Lý Thái Tông), sau sự kiện dẹp được loạn Tam Vương, Đền là nợi diễn ra Hội Thề hàng năm của vua tôi triều đình. Nghi thức này được tổ chức tại đây kéo dài suôt hai triều đại: Lý – Trần.
Ngô Xuân
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn