Khánh thành Bái đương nhà thờ nhân ngày giỗ TS Ngô Trí Tri

Thứ năm - 30/06/2016 08:05

Vào ngày giỗ Tổ 13/5 Bính Thân (2016), đông đảo con cháu nội ngoại chi trưởng dòng họ Tiến sĩ Thái bảo Ngô Trí Tri từ khắp mọi miền đất nước đổ về như trảy hội tại thôn Đông Hội, xã Nghĩa Hôi, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.
Cổng ngoài nhà thờ Tiến sĩ Thái bảo Ngô Trí Tri
Cổng ngoài nhà thờ Tiến sĩ Thái bảo Ngô Trí Tri

 

Niềm tự hào hân hoan được nhân lên gấp bội, bởi hôm nay cũng là ngày khánh thành tòa tiền sảnh khang trang, được con cháu góp công góp sức xây dựng nên, với bàn thờ, hoành phi, câu đối, tấm bảng phả hệ trang nghiêm, sơn son thếp vàng hài hòa, nổi bật sặc sỡ trong ánh sáng rọi vào từ cổng cao, cửa rộng. Con cháu dòng họ vinh hạnh được chào đón đoàn bác Ngô Vui, Chủ tịch Hội đồng Ngô Tộc toàn quốc, lẵng hoa tươi thắm chúc mừng ngày khai trương của Hội đồng được đặt trang trọng ngay trước bàn thờ chính điện; đoàn của trưởng tộc Ngô Sĩ Công từ Lý Trai, Diễn Châu;  chi họ Ngô Trí từ Vĩnh Thành, Yên Thành cũng cử đoàn lớn về chia vui…

Theo các trang phả và nhiều tài liệu chính sử, Tiến sĩ Thái bảo Ngô Trí Tri, thuộc đời thứ 26 (phân chi tính từ đời thứ nhất Thủy Tổ Ngô Nhât Đại), con trai trưởng bậc danh sư – Hương cống Ngô Trí Trạch, dòng họ Ngô Lý Trai/Diễn Châu – Nghệ An, sinh năm Đinh Dậu (1537), tại tổng Lý Trai, được cha dạy bảo từ thuở ấu thơ, vốn thông minh mẫn tiệp, thuộc lòng kinh sách, sớm nổi tiếng khắp vùng. Năm 22 tuổi, Khoa Mậu Ngọ (1558) thi đỗ tứ trường, Cụ Ngô Trí Tri làm quan Võ. Đến năm 38 tuổi, đời Lê Thế Tông hiệu Gia Thái thứ 2 (1574) được chuyển từ quan Võ sang quan Văn, giữ chức Mậu Lâm lang, sắc thụ Trì châu, châu Minh Linh nay thuộc Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị.

Phu nhân cụ Tổ là bà Cao Thị Ân, người xã Đào Hoa nổi tiếng. Cụ có công lớn trong việc đắp đê quai ngăn mặn cánh đồng Phủ dọc sông Bằng Giang (sông Bùng) từ Diễn Kỷ qua Diễn Hoa, lên Diễn Hạnh. Đây là một công trình cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa kinh tế sống còn đối với nhân dân địa phương. Nối tiếp truyền thống, Cụ đã dạy con học và học cùng con, nhưng ban đầu sự nghiệp thi cử còn gặp nhiều khó khăn trắc trở. Nhờ tấm lòng hiếu học, khổ học, kiên nhẫn học, vừa làm quan vừa học nên Khoa thi Nhâm Thìn (1592), Cụ đã đỗ Tiến sĩ đồng bảng với con trai Ngô Trí Hòa. Lúc đó Cụ đã 56 tuổi, tuổi đỗ đại khoa cao nhất nước. Khoa thi năm đó chỉ lấy đỗ ba người mà họ Ngô Lý Trai có hai cha con cùng đỗ đồng khoa.

Vua Lê Thế Tông hiệu Quang Hưng thứ 15, cho là chuyện xưa nay hiếm, đã ban tặng 10 chữ vàng cho cha con vinh quy ” Khoa danh thiên hạ hữu/ Phụ tử thế gian vô “. Trong bài “Họ Ngô, một vọng tộc ở Nghệ An”, nhà nghiên cứu/PGS Ninh Viết Giao bình luận: “Hai cha con đỗ đại khoa cùng một khoa, việc đó hiếm lăm. Ngay trung khoa đã hiếm huống chi đại khoa. Hình như cả xứ Nghệ, cả Việt Nam lúc đó và đến hết thi cử bằng chữ Nho (1919) chỉ có một” (Báo Lao Động Nghệ An ngày 20/2/2008). Hẳn muôn đời sẽ còn lưu truyền những đánh giá cao nhất về tài đức hai bậc danh nhân họ Ngô Lý Trai được ghi rõ trên một trong 82 bia đá Văn Miếu Quốc tử giám để vinh danh các Tiến sĩ Khoa Nhâm Thìn, năm Quang Hưng 15 này: “ Ai nấy đều lấy làm sung sướng được trông thấy cảnh thái bình, dưới thời vua Thánh co hai cha con cùng đỗ một khoa. Thật là thịnh hội văn minh vậy…” và: ” Những người đỗ khoa này đều là bậc tài cao học rộng. Có người bày mưu hay ở nơi lầu rồng cửa cấm, có người sưu tầm văn chương hay ở trong kho đá tủ vàng, có người giúp vầng nhật nguyệt trở lại huy hoàng, có người làm trận mưa rào sau khi bổ nhiệm, có người hiến mưu trung để tham gia kế lớn, có người phò vận sang để đi tới trung hưng. Nhà nước sở dĩ tiêu trừ được ngụy mạc, khôi phục kinh thành sáu cõi, chung hưởng trời xuân, thiên hạ thu về một mối cũng là nhờ công phò tá của những người đỗ khoa này vậy…”.

Cụ Ngô Trí Tri đã để lại di sản công đức lớn lao, không những Cụ là NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG CÔNG DANH KHOA BẢNG cho dòng họ có 5 đời tiến sĩ, trong đó Cụ cùng con trai Ngô Trí Hòa và cháu nội Ngô Sĩ Vinh (thi đậu tiến sĩ năm 1646) tạo thành huyền thoại Tam đại Tiến sĩ, tiếp đến các đời sau có hai anh em là Tiến sĩ Ngô Công Trạc (1694), Ngô Hưng Giáo (1710); Cụ cũng chính là NGƯỜI KHỞI PHÁT MỘT TRUYỀN THỐNG văn hóa, bản lĩnh hiếu học mạnh mẽ cho cả quê hương miền trung địa linh nhân kiệt. Trong cuộc đời quan trường, Cụ đã từng giữ chức Giám sát ngự sử đạo Quảng Nam, một vùng đất lúc đó thuộc biên viễn phía Nam của đất nước, dân trí còn thấp, việc biên cảnh còn phức tạp, rối ren. Ở đây, trong vị trí của mình, Cụ cũng là người nổi tiếng vì đức thanh liêm chính trực, hết lòng thương dân. Đức sáng trong thời kỳ lam quan này của Cụ , sau đó hơn một trăm năm còn được Tiến sĩ Bùi Dương Lịch kính trọng ghi lại trong tác phẩm của mình với những lời tôn vinh nhất mực. Sau khi về hưu, Cụ lại tiếp tục mở trường dạy học. nhiều học trò của Cụ thành đạt, nổi tiếng, điển hình như Tiến sĩ Lê Kính, Tiến sĩ Phan Thúc Trực…

Cụ Ngô Trí Tri mất ngày 13 tháng 5 năm Mậu Ngọ (1628), hưởng thọ 91 tuổi (trong một số bản phả ghi Cụ mất ngày 13 tháng 5 năm Canh Tý – 1600) . Ngày Cụ mất, nhà vua đã phong tặng Cụ: “Nhâm Thìn khoa, đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, Quảng Nam đạo, Giám sát ngự sử Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, gia tặng Tả thị lang Thái bảo Khánh Diễn bá “ và đặc biệt phong “Trác vĩ thượng đẳng thần”.

Từ đó, các triều vua sau, Hoằng Định, Vĩnh Tộ, Thành Thái, Khải Định…đều có sắc phong, khẳng định vị thế tôn quý của Cụ đối với nhân dân, đất nước. Cùng với nó, vượt lên trên sự kính tín, nhân dân còn lưu giữ hàng loạt giai thoại về Cụ từ lòng nhân từ, tài chữa bệnh đến phong thái mô phạm, trí tuệ sắc sảo, mẫn tiệp rất đỗi hóm hỉnh, dung dị của Cụ…

Tháng 9/2013, Tổ chức Kỷ lục gia ((VIETNAM RECORD ASSOCIATION) đã công nhận và trao Bằng vinh danh Kỷ luc (Giness Reccord) cho Sự kiện lịch sử độc nhất vô nhị hai bố con “Đồng khoa Tiến sĩ” Ngô Trí Tri – Ngô Trí Hòa.

Với cốt cách thanh cao, sống liêm khiết hết lòng vì dân vì nước, Cụ Ngô Trí Tri được nhân dân khắp nơi đều hết lời ca ngợi. Riêng nhân dân vùng quê hương Đông Thành hồi đó (nay là các vùng xung quanh huyện Diễn Châu/ Nghệ An) đã coi Cụ Ngô Trí Tri như một vị thánh hiền tài, đức độ, luôn cứu nhân độ thế, đem lại cuộc sống yên ổn no ấm, thanh bình cho nhân dân. Vì vậy, nhiều di tích, đền thờ tưởng nhớ Cụ được xây dựng ở nhiều nơi trên đất Đông Thành (theo Nghệ An kí của Bùi Dương Lịch, Nhà XB KHXH 1993).

Lăng mộ Cụ Ngô Trí Tri, được con cháu tôn tạo lại khang trang vào năm Tân Mùi (1991), ngụ tại Chùa Nhãn, thuộc làng Đông Phái, xã Diễn Hoa, huyên Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, một ngôi làng có truyền thống văn hóa lịch sử nổi tiếng được nhiều thế hệ con cháu 12 dòng họ xây dựng nên. Cụ Ngô Trí Ý và con trai người là Cụ Ngô Trí Văn - đời thứ 5 và thứ 6 của Cụ Tổ Ngô Trì Tri - đã từng là những quân sư đầu tiên góp phần tạo nên truyền thống cốt cách truyền thống đó của làng.

Vào năm 1976, do nhận thức sai lệch của một số người về chủ trương dãn dân, di dân, làng Đông Phái bị dỡ bỏ hoàn toàn và bị xóa sổ trên mảnh đất cũ. Cụ Ngô Trí Tài, Trưởng tộc, hâu duệ đời thứ 11 của Cụ Tổ Ngô Trí Tri, đã buộc phải di dời bàn thờ bài vị và việc thờ cúng Cụ Tổ của chi họ mình cùng với dân làng lên lập quê mới làng Đông Hội, xã Nghĩa Hội, Huyện Nghĩa Đàn của miền tây xứ Nghệ

Vào năm Ất Hợi (1995) của thế kỷ XX, theo lời dặn của người cha đã quá cố, Thiếu tướng Ngô Trí Nhân, Trưởng chi họ, cùng mẹ là Đậu Thị Nghiêm và em trai Ngô Quang Xuân, đang là Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Việt Nam tại Liên Hợp quốc, New York-Mỹ, đã cung tiễn đóng góp và tổ chức xây mới lại Nhà Thờ Cụ Tổ Ngô Trí Tri trên thửa đất gia đình Trưởng tộc.

Trong thời gian gần 6 tháng năm Bính Thân (2016), Trưởng tộc Ngô Trí Nhân đã kiên trì chủ trì công việc xây dựng ngôi bái đường/tiền sảnh Nhà thờ Họ, với sự ủng hộ đắc lực của hai con trai ông là Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo hiểm Bộ Tài chính và doanh nhân Ngô Quang Ngọc, cùng gia đình em trai- bố con Ngô Quang Xuân/Ngô Phương Lan- và bà con nội ngoại tộc góp công, góp sức tạo dựng một ngôi bái đường/ tiền sảnh khang trang.

Vậy là quần thể nhà thờ Cụ Tổ Ngô Trí Tri đã tọa lạc trên một diện tích rộng, có bờ tường cổng lớn đi vào, lá cờ đại của Ngô tộc Việt Nam bay phấp phới ở khu vực sân rông rãi, bao quanh bởi tường trang trí rợp dưới bóng các hàng cây, đến ngôi bái đường/ tiền sảnh kết hợp hài hòa hoa văn màu sắc cổ-kim, sau đó là đến sân để vào khu vực hậu cung. Với vốn ngôn ngữ học được từ thời du học ở Trung Quốc, Thiếu tướng Ngô Trí Nhân cũng là tác giả của những cặp câu đối mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Hai bên cột cổng là hai câu đối: “ Xuất gia vọng hải Đông Phái thôn lưu Tổ Mộ/ Nhập trạch kiến sơn Nghĩa Hội xã tọa Tộc Từ “ ( ý tứ xuất phát ở đây là: làng Đông Phái giáp vùng biển có mộ cụ Tổ; xã Nghĩa Hội nơi con cháu xây cất nhà thờ  cụ Tổ là ở miền núi). Hai bên trước nhà bái đường nổi bật hai câu đối: “Lý Trai vọng tộc thuở đăng khoa dựng nghiệp/ Đông phái danh sư thời lập địa khai hương”. Vào bên trong bái đường/tiền sảnh, phía trên bàn thờ và hai bên có bức hoành phỉ và hai câu đối chuẩn được lựa chọn cẩn trọng để  thờ cúng: đó là bức hoành phi bốn chữ “ Quang Tiền Dụ Hậu “ và hai vế đối 14 chữ “ Mộc Bản Thủy Nguyên Thiên Cổ Niệm/ Thiên Kinh Địa Nghĩa Bách Niên Tâm “.   Từ sân trước khu vực hậu cung có thể nhận rõ hai câu 10 chữ vàng bằng chữ nho của nhà vua tặng hai cha con Cụ Ngô Trí Tri-Ngô Trí Hòa: “ Khoa danh thiên hạ hữu/ Phụ tử thế gian vô”. Trên trường bên phải hậu cung còn có bia đá khắc bài “Giỗ Tổ và Dòng Họ” do Đại sứ Ngô Quang Xuân và phu nhân Lê Thị Hòa là tác giả viết và cung tiến vào năm Ất Hợi (1995), khi họ còn đang công tác tại Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp quốc, với mục đích cung cấp thông tin, nhằm nhắc nhở con cháu hãy luôn nhớ về truyền thống lịch sử dòng họ, nhà thờ Tổ và ngày giỗ họ.

Giờ đây, trong không khí lễ hội khánh thành ngôi bái đường/tiền sảnh nhà thờ, trong làn khói hương viếng ngày giỗ cụ Tổ Tiến sĩ Thái bảo Ngô Trí Tri, với nhịp điệu trống chiêng cúng bái trang nghiêm, rộn ràng, lớp lớp con cháu nội ngoại tộc bồi hồi xúc động nối tiếp nhau kính cẩn dâng hương. Và nhìn ai cũng thấy họ không dấu nổi niềm tự hào về sự đoàn kết gắn bó cùng nhớ về cội nguồn, sự động viên hỗ trợ nhau cùng phát triển, hướng tới tương lai, đóng góp sức mình làm cho dòng họ ngày càng thịnh vượng hơn./.

 

Đông Hội, ngày 17 tháng Sáu năm 2016;                   

Đại sứ Ngô Quang Xuân

 

Một số hình ảnh của sự kiện:

 

Tòa tiền sảnh/bái đường

 

Trưởng tộc- Thiếu tướng Ngô Trí Nhân, Đại sứ Ngô Quang Xuân và ông Ngô Trí Quyền thay mặt dòng họ nhận lẵng hoa của Hội đồng Ngô tộc toàn quốc do ông Ngô Vui, Chủ tịch Hội đồng trao tặng: 

 

Con cháu chuẩn bị dâng hương

 

Họp họ bàn về kế hoạch sắp tới

 

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập81
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm76
  • Hôm nay32,329
  • Tháng hiện tại882,480
  • Tổng lượt truy cập50,245,698
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây