Thôn Phú Duy cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 40 Km về phía Tây Nam. Do khởi hành sớm nên lúc 7 giờ sáng chúng tôi đã đến nơi. Bà con đân làng biết chúng tôi là đoàn Hội đồng Ngô tộc Việt Nam, con cháu của đức Thành Hoàng về thắp hương cho Ngài thì rất vui mừng, phấn khởi, mọi người niềm nở tiếp đón. Tiếp chúng tôi tại đình làng có các ông: Nguyễn Văn Chung, Trưởng thôn Phú Duy, Nguyễn Đức Uy, Phó Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã An Tiến, Nguyễn Ngọc Chiến, Phó trưởng phòng Lao động – Thương binh Xà hội huyện Mỹ Đức, cùng đông đảo các vị cao niên và bà con trong làng.
Sau khi uống nước, nghỉ ngơi, nghe đại diện chính quyền và nhân dân giới thiệu khái quát về tình hình địa phương, về ngôi đình làng và việc tổ chức lễ hội hàng năm, Ban Tổ chức mời chúng tôi vào đình làm thủ tục dâng hương và dự nghi thức tế Thần của Làng.
Theo bà con trong Làng thì ngôi đình được xây dựng từ rất lâu nhưng trong kháng chiến chống Pháp đình đã bị bom giặc san phẳng, mãi đến năm 1995 mới xây lại được. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình được sử dụng phục vụ cho công cuộc kháng chiến cứu quốc, lúc làm nơi đóng quân của bộ đội, khi làm xưởng quân khí, khi làm trạm cứu thương, cứu chữa các thương bệnh binh ngoài mặt trận. Sau khi được phục dựng, đình làng trở lại với công năng, vai trò vốn có từ xưa, là nơi tổ chức sinh hoạt văn hóa, tâm linh của dân làng. Đình làng hiện còn lưu giữ được 6 đạo sắc phong thời Nguyễn hầu như nguyên vẹn. Bà con cho biết, thời kỳ kháng chiến dân làng phải đem cất dấu vào trong hang núi mới không bị đốt cháy. Hiện nay chính quyền và nhân dân địa phương đang làm thủ tục đề nghị Thành phố Hà Nội xét cấp bằng chứng nhận di tích lịch sử cho đình.
Cùng với làng Phí Trạch, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, đình làng Phú Duy thờ Sứ quân Ngô Xương Xí làm Thành hoàng làng. Cũng do sự kiện này mà hai làng cùng nhau kết nghĩa, thường xuyên quan tâm trao đổi, thăm viếng lẫn nhau. Quan hệ giữa hai làng luôn luôn gắn bó.
Theo Phả hệ họ Ngô Việt Nam, Ngô Xương Xí là Thái tử, con Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập, cháu nội Ngô Vương Quyền, vị Tổ Trung hưng, Anh hùng dân tộc. Ngài cũng là em trai Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu (húy Ngô Xương Tỷ), vị Quốc sư của Đại Việt suốt hai triều đại: Đinh và Tiền Lê. Theo Thần tích đình làng, Ngô Xương Xí sinh ngày 10 tháng 2, mất ngày 4 tháng 8 Âm lịch. Sử sách và gia phả không thấy ghi năm sinh, năm mất cả Ngài. Năm 965, sau khi Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn tử trận, Ngô Xương Xí đã kế vị ngôi vua. Tuy nhiên, lúc đó tình hình trong nước rối ren, các thế lực nổi lên cát cứ khắp nơi, mà sử gọi là Loạn 12 sứ quân, Ngài đã về chiếm giữ đất Bình Kiều. Năm 967, khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan các sứ quân, có mời Ngài tham gia triều chính nhưng Ngài từ chối và về ẩn cư ở vùng thượng du Châu Ái (tức Thanh Hóa).
Về Phú Duy, chúng tôi được nghe các cụ cao tuổi và nhân dân kể nhiều câu chuyện về vùng đất này, nhất là địa danh Bình Kiều. Theo các cụ, Bình Kiều nơi Sứ quân Ngô Xương Xí lui về chiếm giữ chính là vùng đất này chứ không phải ở Thanh Hóa như một số tài liệu chép. Ở đây có xòm Bình Kiều, có bãi Bình kiều ven bờ sông Thanh Hà, tương truyền trước đây là nơi luyện tập binh mã của Sứ quân. Cách đình làng Phú Duy chừng 1 Km có ngọn đồi mang tên Núi Mả, được cho là nơi Sứ quân Ngô Xương Xí đã mất. Gần đó có Đền Trống.
Một câu chuyện cũng đáng quan tâm là trước đây nhân dân Phú Duy khi làm thủy lợi từng đào được chiêc trống đồng. Đích thân ông Vũ Xuân Được là người đào được trống nên mọi người gọi là Trống ông Được. Trống sau này bị người ta đưa đi, và được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hà Tây (cũ).
Tìm gặp hỏi chuyện ông Được, ông cho biết: Khoảng năm 1962, ông làm Đội trưởng Đội Thủy lợi của Hợp tác xã, cùng anh em trong đội đi đào sông Mỹ Hà làm công trình trị thủy, tình cờ đào được chiếc trống đồng đường kính chừng 50 Cm. Lúc đầu không ai biết là cái gì, khiêng về nhà có người bảo mới biết là trống đồng. Khi đem về sợ dân đồng nát đánh cắp mất nên phải đào một cái hố, bỏ trống xuống, rải vỏ trấu xung quanh, lấp đất cẩn thận rồi báo cho Chi bộ biết. Ông Nguyễn Văn Sắt, lúc đó là Bí thư Chi bộ, bảo phải giữ cẩn thận rồi báo cáo với trên. Sau cuộc họp chi bộ người ta về đem đi đâu mất. Ông Sắt năm nay đã ngoài 90 tuổi. Ông Được có công đào được trống nên được thưởng, cấp cho báo Khoa học Thường thức đọc trong 6 tháng. Người ta còn bảo, do đào sông Mỹ Hà chặt đứt long mạch nên trong vùng thường xảy ra thiên tai, lũ lụt.
Thiết tưởng, những thông tin trên cần được Hội đồng Ngô Tộc Việt Nam và các nhà sử học của đất nước bỏ công khảo sát, nghiên cứu một cách nghiêm túc, tỉ mỉ để có thể đưa ra kết luận chính xác.
Chia tay Phú Duy, trong tim mỗi chúng tôi còn lưu giữ những tình cảm tốt đẹp về một miền quê thanh bình, đẹp đẽ; về những người dân chất phác, chân tình và thân thiện. Xin chúc bà con thôn Phú Duy có nhiều sức khỏe, không ngừng cố gắng vươn lên, xây dựng quê hương không ngừng đổi mới, cùng với nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước xây dựng cuộc sống ngày một ấm no, tươi đẹp.
Ngô Xuân
Dưới đây là một số hình ảnh buổi lễ:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn