Bà vốn là con gái thứ hai của vua Lý Huệ tông và Hoàng hậu Trần Thị Dung, có tên húy là Lý Phật Kim, tước hiệu Chiêu Thành Công chúa. Bà được nối ngôi vua cha làm Hoàng đế nhà Lý (năm 1224), rồi nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh để làm Hoàng hậu (năm 1225). Sau hơn mười năm chung sống với chồng mà chưa sinh được người con nào để nối dõi nhà Trần, bà liền bị phế, giáng xuống làm công chúa (năm 1237)! Sau ba lần hóa thân, công chúa Chiêu Thánh lại trở thành công chúa.
Khi hóa thân trở lại làm công chúa, bà Chiêu Thánh mới có 20 tuổi. Hẳn là bà đã trải qua những giờ phút đắng cay với niềm xót xa, ân hận? Những giây phút ấy dài đến 21 năm, tính ra là hơn 7676 ngày chứ nào có ngắn ngủi gì đâu.
Rồi đến mùa xuân năm Mậu Ngọ (1258), khi đã ở vào tuổi 40, số phận mới mỉm cười với bà. Bà công chúa - hoàng đế - hoàng hậu – công chúa đã biến thành một món tặng vật để thưởng cho một viên tướng có công trong cuộc kháng chiến chống giặc Mông Cổ xâm lược. Đó là Lê Tần.
Lê Tần là người Thanh Hóa, thuộc dòng dõi Lê Đại Hành. Năm 1250, dưới thời vua Thái Tông, Lê Tần được chọn làm quan ngự sử trung tướng, tri Tam ty viện sự. Cuối năm 1257, giặc Nguyên xâm phạm bờ cõi, “vua thân hành đốc chiến, xông pha tên đạn. Quan quân hơi núng, vua ngoảnh trông tả hữu, chỉ có Lê Tần một mình một ngựa ra vào trận giặc, sắc mặt bình thản như không”. Nhờ có Lê Tần “theo vua bàn những việc cơ mật, rất ít người biết được”, nhờ ý chí của Thái sư Trần Thủ Độ: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”, mà vua quan, binh tướng vững dạ kiên thủ, rồi chớp được thời cơ, chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng đã đánh bật quân Nguyên ra khỏi Kinh đô Thăng Long, rồi đuổi chúng ra khỏi bờ cõi.
Sau chiến thắng, ngay vào đầu năm mới Mậu Ngọ (1258), vua định công khen thưởng: cho Lê Tần làm Ngự sử đại phu; lại đem công chúa Chiêu Thánh gả cho Tần và đổi tên Tần thành Lê Phụ Trần (ngụ ý rằng đó là người họ Lê phù giúp nhà Trần).
Về với người chồng mới, phải chăng công chúa Chiêu Thánh như được hồi sinh và đã sinh hạ được hai người con là Thượng vị hầu Lê Tông và Ứng Thụy công chúa Khuê.
Âu cũng là trời đền cho một con người hiền thục đã chịu nhiều thiệt thòi cay đắng vậy!
Đến năm 1278, bà 61 tuổi thì mất. Ngày nay hậu thế không biết được chút gì về cuộc sống của bà với người chồng mới tài đức vẹn toàn, trong suốt hai mươi năm cho đến khi bà mất. Sử sách cũng không ghi lại, Lê Phụ Trần, chồng bà mất năm nào, công chúa Ứng Thụy của bà chồng con ra sao.
Riêng người con trai là Thượng vị hầu Lê Tông, cho đến gần đây đã được các nhà nghiên cứu xác định chính xác đó là Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng, vị phò mã nhà Trần, một dũng tướng nổi tiếng bởi tuyên ngôn như một cái tát không chỉ vào mặt kẻ thù mà vào mặt cả một số kẻ hèn nhát trong tông thất: “Ta thà làm quỉ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”.
Mỗi người đều có quyền có chính kiến riêng về sự kiện vua Trần gả công chúa Chiêu Thánh cho Lê Tần Người đời đến nay vẫn còn những chê bai về đạo vợ chồng của vua Trần Thái Tông, cho ông là người quá vô tình nỡ đem công chúa Chiêu Thánh gả cho người khác. Nhưng nếu nhìn nhận một các thực tế hơn, nhân đạo hơn thì việc gả Chiêu Thánh cho Lê Tần chính là việc làm “nhân nghĩa” của nhà vua đối với người vợ cũ đáng thương của mình!
Ngô Vui
(Trích trong tập Các Công chúa và Phi hậu nhà Trần)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn