Bà Trần Thị Dung là con gái thứ hai của Trần Lý, em Trần Thừa, Trần Tự Khánh, chị Trần Thị Tam Nương. Bà là Hoàng hậu của Huệ Tông (1211-1224) Lý Hạo Sảm (1194-1226). Bà chỉ sinh được 2 con gái là Công chúa Thuận Thiên (1216-1248)- lấy con trưởng của Thái tổ Trần Thừa là An Sinh Vương Trần Liễu và công chúa Chiêu Thánh (1218-1278). Huệ Tông thường ốm đau, bệnh tật, lại không có con trai nên năm 1224, truyền ngôi cho con gái thứ Chiêu Thánh để làm Thái Thượng hoàng. Chiêu Thánh lên ngôi được một năm thì truyền ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Trần Cảnh là con thứ Trần Thừa, gọi Trần Thị Dung bằng cô ruột.
Sau khi lên ngôi, ngày 12 tháng 12 năm Bính Tuất (1226), Trần Cảnh sách phong Chiêu Hoàng làm Hoàng hậu, đổi gọi Chiêu Thánh. Phế Thượng hoàng nhà Lý ra ở chùa Chân Giáo, gọi là Huệ quang Đại sư. Cũng trong năm ấy, sau khi buộc Huệ Tông tự vẫn, giáng Hoàng hậu của Huệ Tông làm Thiên Cực công chúa, gả cho Trần Thủ Độ. Như thế thì Trần Thị Dung và Trần Thủ Độ là chị em con chú con bác ruột.
Trần Hấp
_____!_____
! !
Trần Lý Hoằng Nghị
! !
Thiên Cực Thủ Độ
Công chúa Thiên Cực vừa giống công chúa Chiêu Thánh con bà, lại vùa khác một chút. ChiêuThánh xuất thân là công chúa, lấy chồng thì làm Hoàng hậu, rồi bị phế xuống làm công chúa; còn bà thì xuất thân thôn nữ, gặp vận lên ngôi Hoàng hậu, nhà Lý sụp đổ thì bị phế xuống làm công chúa.
Nhà Lý đến đời vua Cao Tông (1176-1210) Lý Long Trác (1173-1210) đã suy yếu lắm. Khi lên ngôi, vua mới có 4 tuổi, nhưng khi lớn lên thì: “Vua chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi như ong, đói kém liền năm, nhà Lý suy từ đây”. Khi 22 tuổi, tức năm 1194 thì sinh Hoàng tử Sảm, đến năm 1202 thì sinh Hoàng thứ tử Thầm. Năm 1208, Hoàng tử Sảm được lập làm Thái tử.
Lợi dụng lúc nhà Lý suy tàn, nhiều thế lực trong triều, ngoài nội xung đột nhau quyết liệt hòng tiêu diệt nhau, giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh thay thế nhà Lý khi thời cơ đến, như họ Trần, họ Đàm của Hoàng hậu, cả Đoàn Thượng ở Hồng Châu, Nguyễn Nộn ở Bắc Giang. Dân chúng rơi vào bể khổ, “người chết đói gối lên nhau”.
Trong cuộc cạnh tranh quyết liệt đó, cha con anh em Trần Lý, Trần Thừa, Trần Tự Khánh đã thắng. Khi chạy loạn khỏi kinh thành về Hải ấp năm 1209, Thái tử Sảm đã “phải lòng” Trần Thị Dung.
Đến năm 1210, Cao Tông chết, Thái tử Sảm lên nối ngôi. Đó là Huệ Tông. Ngay khi lên ngôi, Huệ Tông phong Trần Thị Dung làm nguyên phi. Có lẽ Đàm Thái hâu, mẹ đẻ Huệ Tông, biết rõ ý đồ của họ Trần, nên không ưa nguyên phi ra mặt. Huệ Tông sợ mẹ đầu độc vợ, nên hễ khi ăn món ăn nào thì vua cũng đều ăn trước, rồi mới để nguyên phi ăn.
Trải bao cay đắng, nguy hiễm như vậy, nhưng có lẽ trời định lấy ngôi của nhà Lý mà trao cho họ Trần chăng, nên Đàm Thái hậu không ám hại được Trần Thị Dung, cũng không làm sao cho Huệ Tông xa rời nguyên phi. Đúng như sử gia Ngô Sĩ Liên từng nói: “Thế mới biết trời sinh Linh Từ là để mở nghiệp nhà Trần”. Linh Từ tức là nguyên phi vậy. Đầu năm 1216, khi nguyên phi có thai rồng, thì được phong làm Thuận Trinh phu nhân. Đến tháng 6, sinh hoàng trưởng nữ là công chúa Thuận Thiên, đến tháng 12 thì Thuận Trinh phu nhân được phong làm Hoàng hậu, Trần Tự Khánh làm Thái úy phụ chính. Cho anh trai Tự Khánh là Trần Thừa làm nội thị phán thủ. Thế là họ Trần đã mon men tới gần chiếc ngai vàng rồi!
Như nói trên, đến cuối năm 1225, Trần Cảnh cháu bà lên ngôi Hoàng đế, tức vua Trần Thái Tông. Chồng bà là Lý Huệ Tông đã chết, bà không còn là Hoàng hậu nhà Lý nữa mà là Thiên Cực công chúa. Có lẽ sau khi mẹ đẻ Trần Thái Tông là Thuận Từ Quốc Thánh Hoàng thái hậu băng (năm 1230), thì vua Thái Tông phong bà làm Linh Từ quốc mẫu.
Công chúa Chiêu Thánh là Hoàng hậu vua Thái Tông Trần Cảnh, nhưng sau hơn mười năm chung sống vẫn chưa sinh được người con nào để nối dõi nhà Trần, cho đến năm 1237 bà liền bị phế, giáng xuống làm công chúa và lấy vợ của An Sinh Vương Trần Liễu là công chúa Thuận Thiên khi ấy đang mang thai Quốc Khang ba tháng, ép lấy Thái Tông và phong làm Hoàng hậu. Sự việc đó đã gây nên sự bất bình của cả An Sinh Vương Trần Liễu và vua Thái Tông Trần Cảnh. Vua Thái Tông bỏ ngôi chạy ra Yên Tử định đi tu; còn An Sinh Vương thì mang quân mai phục định hãm hại em..
Linh Từ quốc mẫu đã có công rất lớn trong việc dàn xếp, hòa giải mâu thuẫn giữa hai người, tình nghĩa anh em được nối lại như cũ.
Đến khi người Nguyên vào cướp nước ta (năm 1258), kinh thành thất thủ, bà là người chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức cho các hoàng tử, cung phi, công chúa và vợ con các tướng soái rời khỏi kinh thành lánh về nơi an toàn, để yên lòng hai vua và tướng soái ngoài mặt trận. Bà lại cho khám xét thuyền các nhà có chứa giấu quân khi, bắt đem dùng vào việc quân. Như thế thì công của bà giúp nhà Trần trong việc nội trị là rất lớn.
Năm 1259 bà mất, không rõ tuổi thọ bao nhiêu.
Theo "Các Công chúa và Phi hậu thời Nhà Trần" của tác giả Ngô Vui
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn