Bàn về năm mất của Bảng nhãn Ngô Hoán(*)

Thứ bảy - 27/08/2016 18:04

Trước nguy cơ Mạc Đăng Dung chiếm đoạt ngôi báu của nhà Lê , Ngô Hoán đã hộ giá nhà vua trốn khỏi kinh thành, đến núi Lang Chánh định vào Ai Lao mưu đồ khôi phục. Sự nghiệp không thành, ông đã tuẫn tiết vào năm 1532.
Bàn về năm mất của Bảng nhãn Ngô Hoán(*)

 

Theo Hồ sơ di tích do đại diện hương lão làng Thượng Đáp sưu tầm, biên soạn để đệ trình lên các cấp có thẩm quyền xét công nhận Di tích lich sử cho nơi thờ tự vị Thành hoàng (gọi tắt là Hồ sơ di tích: HSDT), thì Ngô Hoán, quê xã Thượng Đáp, huyện Thanh Lâm, sinh vào giờ Ngọ ngày Hai mươi tám tháng Ba năm Canh Ngọ (1460) đời Lê Thánh Tông, đỗ Bảng nhãn khoa Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức 21 (1490), thành viên Hội Tao đàn, hiện còn 16 bài thơ xướng họa với Lê Thánh Tông trong Quỳnh uyển cửu ca Văn minh cổ xúy, làm quan đến chức Đông các hiệu thư, kiêm Lại bộ thượng thư. Đến thời Quang Thiệu-Thống Nguyên, trước nguy cơ chiếm đoạt ngôi vua của Mạc Đăng Dung, Ngô Hoán hộ giá nhà vua trốn khỏi kinh thành, đến  núi Lang Chánh định vào Ai Lao mưu đồ khôi phục, sự nghiệp không thành, nên ông đã tuẫn tiết vào năm 1522.

Sách Các nhà khoa bảng Việt Nam (CNKBVN)  viết: “... .sau khi Mạc Đăng  Dung cướp ngôi, ông theo vua Quang Thiệu  sang Ai Lao, tử tiết tháng 11 năm 1522”.

Trên cơ sở đó mọi sách vở, tài liệu liên quan đến Bảng nhãn Ngô Hoán đều chép theo như thế, mà không thấy ai băn khoăn là năm 1522, Mạc Đăng Dung chưa cướp ngôi nhà Lê.

Khi chuẩn bị cho việc biên soạn Phả hệ họ Ngô Việt Nam, chúng tôi tìm về quê ông ở Thượng Đáp huyện Thanh Lâm phủ Nam Sách, nay thuộc xã Nam Hồng huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương, để gặp con cháu ông nhằm xác minh lại. Nhưng không ngờ, ở Thượng Đáp ngày nay không còn ai là người họ Ngô.

Bảng nhãn Ngô Hoán được thờ làm thành hoàng làng Thượng Đáp, nơi thờ tự vị Thành hoàng đã được xếp hạng Di tích lịch sử năm 1992. Tôi tìm đến ông trưởng ban quản lý khu Di tích Nguyễn Huy Kê (sinh1930). Ông trưởng ban dẫn tôi đến đền thờ Thành hoàng (vì đình đã bị phá dỡ trong “phong trào chống mê tín” năm 1959), để thắp hương và chiêm bái.

Sau đó tôi đến khu tập thể trường THPT Nam Sách, tìm gặp ông Ngô Gia Chính, được ông tặng cuốn Di tích lịch sử Ngô Hoán, cựu  thần nhà Lê, dự Tao đàn nhị thập bát  tú  triều  Lê  Thánh  Tông, Thượng Đáp xã  Tiết nghĩa thượng đẳng thần.

Đó là tập tài liệu do đại diện hương lão làng Thượng Đáp, cụ Đỗ Huy Tham (nay đã mất), nguyên Hiệu trưởng trường THPT Nam Sách sưu tầm biên soạn để đệ trình lên các cấp có thẩm quyền xét công nhận Di tích lich sử cho nơi thờ tự vị Thành hoàng.

Gần 130 trang HSDT cho biết nhiều điều, nhưng ở đây chúng tôi chỉ bàn đến năm mất của Ngô Hoán. HSDT cũng chép năm mất  của Ngô Hoán là năm 1522. Tôi hỏi ông Trưởng ban quản lý di tích là năm mất của Ngài  căn cứ vào đâu? Ông trưởng ban không ngần ngại trả lời là theo CNKBVN.

Trong HSDT còn có bài viết của Hoàng Lê “Thượng đẳng phúc thần Ngô Hoán”. Hoàng Lê viết “Vua Lê Quang Thiệu bị Bái Khê bá Phạm Kim Bảng giết ngày 18 tháng 12 năm Bính Tuất (1526). Như vậy Ngô Hoán tuẫn tiết theo vua phải sau ngày đó trong cùng tháng cùng năm”. Nhưng Hoàng Lê không cho biết  Ngô  Hoán đã chết  như thế nào và cái chết của ông có tác dụng ra sao đối với việc trung hưng nhà Lê sau đó.

Ta đều biết, sau khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, Nguyễn Kim chạy về Thanh Hoá để lo việc khôi phục. Đại Việt sử ký Toàn thư (gọi tắt là Toàn thư) chép “Năm Kỷ Sửu (1529), bọn An Thanh hầu Nguyễn Kim dẫn con em chạy sang Ai Lao. Chúa nước ấy là Sạ Đẩu cho rằng ta là nước quan hệ môi răng với họ mới đem nhân dân và đất đai Sầm Châu cấp cho Kim. Nguyễn Kim nuôi dưỡng sĩ tốt, chiêu nạp những kẻ chạy trốn, làm phản, ngầm tìm con cháu họ Lê lập lên để  mưu đồ khôi phục” (Sđd/112-113, T3).

Có lẽ sau khi xin được đất Sầm Châu, Nguyễn Kim lại quay về trong nước để ngầm tìm con cháu họ Lê và chiêu tập cựu thần dũng tướng của nhà Lê theo về.  Do vậy mà phả họ Ngô cũng như họ Trịnh đều chép là sau khi tìm được Lê Duy Ninh (không chép rõ năm nào) liền sai Trịnh Duy Thuân đem sang Ai Lao trước, giao cho Lê Lan trông nom.

Cũng theo Toàn thư, năm sau, năm Canh Dần (1530)  cháu ngoại họ Lê là Lê ý nổi quân ở Da Châu (Quan Hoá về sau) chống lại nhà Mạc, cũng lấy niên hiệu Quang Thiệu, chỉ trong nửa tháng có hàng vạn người theo về. Đích thân Mạc Đăng Dung chỉ huy vài vạn quân thủy bộ tiến đánh Lê ý ở sông Mã, nhưng bị thua luôn. Mạc Đăng Doanh thay cha lại vào đánh, bị ý đánh cho tan tác, “quân Mạc bị chém hàng vạn tên, xác chết gối lên nhau”.

Nhưng do thắng liên tiếp nhiều trận, Lê ý sinh lòng kiêu ngạo, có ý coi thường quân địch, nên đến tháng 12 bị Thái sư Lân Quốc công của Mạc là Mạc Quốc Trinh đánh bại và Lê ý bị bắt sống mang về kinh sư dùng xe xé xác. Toàn  quân ý tan vỡ, người thì chạy sang Ai Lao theo An Thanh  hầu  Nguyễn  Kim,  kẻ  thì  phân  tán  trở  về đồng ruộng.

Có lẽ Ngô Hoán nằm trong số những người sang Ai Lao theo Nguyễn Kim.

Chắc chẳng phải vô cớ mà sách Thiên Nam viết  “Ngô Hoán  đã nhiều năm  nếm mật nằm gai, gian khổ đủ mùi nhưng lòng vẫn như sắt đá”.

Không có tài liệu nào cho biết Ngô Hoán có sang Ai Lao không, nhưng tại đền thờ ông ở quê hương Thượng Đáp hiện có một đôi câu đối, mà ông Nguyễn Huy Kê nói rằng câu đối đó đã có từ thời Cảnh Trị 4 (1666), khi vua Lê Huyền Tông sắc phong Ngô Hoán làm phúc thần thành hoàng làng và đổi tên đền thờ Ngài từ Tiết nghĩa từ thành Từ Vũ (Tất cả các thông tin trên và ở dưới đều căn cứ vào 3 bia đá hiện còn ở Từ Vũ). Câu đối đó như sau:

Ai Lao vạn cổ cương thường trụ

Quế Hải thiên thu tiết nghĩa bi.

Quế Hải là tên mà người Tống gọi nước ta. Qua đôi câu đối này, thì Ngô Hoán có sang Ai Lao và là một trụ cột của Nguyễn Kim trong việc đưa Lê Duy Ninh lên ngôi vua vào đầu năm 1533.

Tuy  nhiên  một  số  tài liệu khác thì viết, vì  già  yếu không thể sang Ai Lao được, Ngô Hoán đã thắt cổ (uống thuốc độc?)  tuẫn tiết, lấy cái chết  của mình để khích lệ binh  tướng quyết chí chạy sang Ai Lao theo Nguyễn Kim dựng lại nghiệp cho nhà Lê.

Chỉ với cái chết như thế, với ý nghĩa như thế thì Ngô Hoán mới được những huân dự lớn lao: Thời Lê Trung Hưng, năm Vĩnh Tộ 6 (1624), được vua Lê Thần Tông truy phong Tiết nghĩa thượng đẳng thần, sai dân làng lập đền thờ. Đến năm Đức Long 7 (1635), vua Lê Thần Tông sắc cho địa phương xây dựng ngôi đền thờ ông gọi là Tiết nghĩa từ. Rồi đến năm Cảnh Trị, Ngô Hoán được phong phúc thần thành hoàng làng Thượng Đáp, như trên đã nói.

Nếu Ngô Hoán chết một cách âm thầm lặng lẽ hoặc vì thất vọng hoặc để tỏ lòng trung với Chiêu Tông thì sao được Phan Huy Chú xếp vào hàng thứ 2 trong 42 bề tôi tiết nghĩa thời Lê Sơ, sau Vũ Duệ?  (Vũ Duệ đã lấy cái chết của mình để  tạ tội trước Lăng miếu Lê Thánh Tông và các vị vua tiên liệt  của nhà Lê, vì đã không “đương nổi” việc dẹp loạn, như Lê Thánh Tông đã nói “Ngày sau nước nhà có biến, ắt người này đương nổi”, khi chọn ông đỗ Trạng nguyên, lúc mới 22 tuổi vào năm Canh Tuất, 1490; cũng năm này, Ngô Hoán đỗ Bảng nhãn).

Sau khi quân của Lê ý tan vỡ, trốn chạy sang Ai Lao theo Nguyễn Kim đã tạo đủ thế và lực  cho ông này dựng lại nghiệp cho nhà Lê, nên cuối năm 1532 đầu năm 1533, Nguyễn Kim đưa Lê Duy Ninh lên ngôi vua ở Ai Lao, lấy niên hiệu Nguyên Hoà.

Chính  vì  suy  nghĩ như thế, nên trong PHHN, 2003 chúng tôi đã xác định Ngô Hoán mất năm 1532.

Tuy  nhiên,  chúng  tôi  cũng nghĩ rằng, có thể năm  mất  của  Ngô Hoán chép trong CNKBVN  là in nhầm từ 1532 thành năm 1522 chăng? 

 

Ngô Vui

(Trích trong tập: Góp bàn chuyện trong sử cũ )

(*) Nguyên đầu đề trong bài là Bảng nhãn Ngô Hoán mất năm nào?

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập79
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm74
  • Hôm nay17,742
  • Tháng hiện tại466,272
  • Tổng lượt truy cập40,303,434
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây