Ba triều đại Ngô (939 – 965), Đinh (968 – 980) và Tiền Lê (980 –009) là ba triều đại đầu tiên trị vì nước Việt Nam độc lập sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc. Ngoại trừ các chiến thắng quân sự, ba triều đại này ít được những người học sử chú ý tới hay chú ý tới với nhiều ngộ nhận, vì cả ba cộng lại chỉ nắm vai trò lãnh đạo ở nước ta trong một thời gian quá ngắn ngủi là hơn bảy chục năm, lại ở buổi giao thời, loạn lạc triền miên. Tuy nhiên, nếu đi sâu hơn vào chi tiết, người ta có thể thấy ba nhà này đã đóng góp được những công trình vô cùng quan trọng vào vận động giải phóng chung, toàn bộ và thực sự, tiếp theo chiến thắng quân sự trên sông Bạch Đằng, của người Việt. Chính trong thời gian này ý chí độc lập của người Việt đã được khẳng định. Mọi mưu toan trở lại thuộc địa cũ của người Tàu đều đã bị đánh bại hoặc bằng quân sự hoặc bằng ngoại giao. Một chánh quyền thống nhất, dù chưa được hoàn hảo, đã được thành lập và củng cố. Các khuynh hướng cát cứ ở các địa phương đã bị tiêu diệt dần dần. Quốc gia Việt Nam sau thế kỷ thứ mười đã thực sự thành hình trong đó toàn bộ sinh hoạt, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội đã phát triển theo chiều hướng hoàn toàn độc lập. Tất cả đã tạo nên những nền tảng vững chắc cho bốn thế kỷ vinh quang dưới hai triều đại Lý Trần kế tiếp. Bài viết này nhằm cung cấp cho người đọc, đặc biệt là giới trẻ, những nhận định về công nghiệp của ba triều đại đầu tiên của nước Việt độc lập này. Tất cả đã xảy ra cách đây hơn mười thế kỷ nhưng không phải là không còn để lại những dấu ấn sâu đậm trong nếp sống và trong nguồn hãnh diện chung của người Việt của thế kỷ hai mươi mốt hiện tại. Nó cũng cho người ta thấy rằng giành độc lập và tự chủ bằng những chiến thắng quân sự mới chỉ là bước đầu, nhiều nỗ lực khác khó khăn hơn, phức tạp hướng vào chính mình và nhằm đối phó ngay với chính mình cần phải được thực hiện cấp thời và liên tục.
Khẳng định nền độc lập và bảo vệ an ninh lãnh thổ
Khác với họ Khúc và họ Dương, không bằng lòng với danh vị tiết độ sứ là một chức quan của nhà Đường, Ngô Quyền đã xưng vương, tự coi mình là vua của một nước độc lập. Đinh Tiên Hoàng sau đó lại tiến xa hơn, xưng Đế và lựa niên hiệu riêng cho mình thay vì dùng niên hiệu của vua Tàu và đặt quốc hiệu. Đây là một quyết định chánh trị đầu tiên và căn bản cho một nước Việt Nam độc lập với Trung Quốc về sau này. Sự xưng vương hiệu và đế hiệu này chắc chắn không thể không thấu đến tai của triều đình Bắc Quốc và cũng không thể không ảnh hưởng đến ý thức của người dân. Nó đã được triều đình nhà Tiền Lê làm theo, với Lê Đại Hành được tôn xưng bằng một đế hiệu thật dài, rồi Lê Long Đĩnh bắt chước. Cũng vậy, quốc hiệu Đại Việt, đã tồn tại rất lâu về sau này, không thể không có liên hệ với quốc hiệu Đại Cồ Việt của thời nhà Đinh. Chưa hết, thay vì đóng đô ở Tống Bình tức thành Đại La, thủ phủ của Giao Châu thời Bắc thuộc trước đó, Ngô Quyền đã lựa chọn Cổ Loa, kinh đô cũ của nước Âu Lạc trước khi bị Triệu Đà xâm lược. Quyết định này đã được nhiều sử gia của thời hiện tại coi như là để tỏ ý tiếp tục quốc thống của An Dương Vương thời xưa. Tuy nhiên, tất cả chỉ là trên lý thuyết. Trên thực tế, vì Đại Cồ Việt là một quốc gia mới được thành lập, còn rất non yểu, lại là một nước nhỏ so với Trung Quốc, các vua Việt Nam ngay từ thời này đã phải chấp nhận một vị thế thấp kém trong chánh sách ngoại giao với Trung Quốc. Nam Tấn Vương đã phải sai sứ sang xin mệnh lệnh của nhà Nam Hán và nhận sắc phong làm Tĩnh Hải quân tiết độ sứ kiêm đô hộ. Nhà Đinh và nhà Tiền Lê cũng theo đường lối tương tự, khác một điều là các vua của hai nhà này đã được nhà Tống phong vương. Cũng trên thực tế, mỗi khi gặp dịp cho là thuận tiện, Trung Quốc đều tìm cách dùng võ lực tái lập chế độ đô hộ của nước này trên Cổ Việt. Đối với những mưu toan này, khởi sự từ Lê Đại Hành, người Việt đã cương quyết chống lại và đã thắng lợi. Phản ứng bằng quân sự này cũng được áp dụng đối với người Chiêm Thành nhằm bảo vệ an ninh lãnh thổ về phía nam. Có điều dù cứng rắn hay mềm dẻo, các vua Việt Nam ngay từ buổi đầu vẫn chỉ coi nước Tàu là một Bắc Quốc và nước mình là Nam Quốc, độc lập và bình đẳng.
Chinh sách bang giao đối với Trung Quốc của các triều Ngô, Đinh và Tiền Lê kể trên đã tạo nên một quan hệ truyền thống độc đáo giữa hai nước về sau này, trong đó một bên vẫn giữ được thể diện của một nước lớn, một bên vẫn giữ được trọn vẹn nền độc lập của một nước nhỏ và phần nào uy thế đối với các nước lân cận nhỏ hơn. Có điều nó đã giữ Việt Nam trong quĩ đạo của Trung Quốc và đã biến Trung Quốc thành một bóng rợp quá lớn, có ảnh hưởng đến chiều hướng phát triển của nước ta về sau này, đặc biệt là khi sự thần phục lan rộng từ nhu cầu chính trị và ngoại giao sang các phạm vi về tinh thần, văn hóa…
Xây dựng một chinh quyền quân chủ thống nhất
Nỗ lực này được thể hiện bằng sự kiến tạo một triều đình trung ương có qui củ, một chính quyền địa phương có hệ thống và sự loại trừ khuynh hướng ly khai, cát cứ, kể cả việc giữ các sắc tộc thiểu số trong sinh hoạt chung của cả quốc gia.
Ngô Quyền đã đặt ra các quan chức ở kinh đô, định phẩm phục cho họ và đặt ra các nghi lễ liên hệ tới các sinh hoạt ở triều đình. Công trình này đã được Ngô Sĩ Liên, tác giả Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cho là “có thể thấy được qui mô của đế vương. Các triều Đinh và Tiền Lê khi định đô ở Hoa Lư cũng làm những công việc tương tự bên cạnh việc xây thành, đào hào, dựng các cung điện. Tất cả đều là những nỗ lực hoàn toàn mới, không có trước đó ở Tống Bình và độc lập với triều đình nước Tàu dù cho hiện tại ta không có đủ tài liệu để tìm hiểu chi tiết hơn, đúng như Phan Huy Chú đã than phiền, và dù cho tất cả còn ở mức khởi đầu, nói cách khác còn đơn sơ, giản dị và còn chịu ảnh hưởng quá nhiều, nếu không nói là bắt chước, từ quan chế của nhà Đường trước đó (thời nhà Đinh) và của nhà Tống sau này (thời nhà Tiền Lê, đặc biệt là Lê Long Đĩnh).
Trong tổ chức chính quyền địa phương, các nhà Ngô, Đinh, và Tiền Lê đã được thừa hưởng những công trình của họ Khúc trước đó. Theo sách Cương Mục của nhà Nguyễn, thay vì giữ nguyên sự phân chia lãnh thổ ra làm châu, huyện, hương, xã, như thời trước, Khúc Hạo đã chia làm xứ, lộ, phủ, huyện, châu, xã. Còn theo An Nam Kỷ Yếu, ông đã đổi hương làm giáp, đặt các chức quản giáp và phó tri giáp đứng đầu để giữ việc đánh thuế. Con số các giáp cũng được tăng lên tới 314 giáp so với 159 hương đời Đường. Đơn vị hành chánh thấp nhất là xã có các chức chánh lệnh trưởng, tá lệnh trưởng đứng đầu và chức giáp trưởng lo việc thiết lập các sổ sách dân đinh.
Dưới thời nhà Đinh, nước lại được chia thành 10 đạo nhưng ta không rõ tên của các đạo và những đơn vị hành chánh dưới cấp đạo, có thể là lộ, phu, châu, và xã vì dưới thời Lê Đại Hành nhà vua này đã đổi 10 đạo thành lộ, phủ và châu vào năm 1002, với đơn vị nhỏ hơn là xã thường được nói tới trong thời gian này Cũng vậy, ta không được rõ là giữa các đạo trong tổ chức hành chánh và các đạo trong tổ chức quân sự (thập đạo trong thập đạo tướng quân) có liên hệ gì với nhau hay không. Câu hỏi được đặt ra là phải chăng do nhu cầu quân sự các đơn vị hành chánh ở cấp đạo đồng thời cũng là các đơn vị quân sự? Cũng vậy, phải chăng sang thời nhà Tiền Lê tình hình cũng đã khá hơn, triều đình trung ương đã giữ vững được sự cai trị ở các địa phương nhờ sự trấn giữ của các vương tử nên nhu cầu quân sự không còn nữa, các đơn vị hành chánh địa phương đã trở nên thuần túy hành chánh khiến Lê Đại Hành đã đổi đạo thành lộ, phủ và châu?
Song song với tổ chức chánh trị và hành chánh, quân đội luôn luôn được duy trì và sử dụng để triệt hạ những mưu toan phân ly của các hào trưởng địa phương buổi đầu và các sứ quân sau này. Cũng vậy, đối với các sắc dân thiểu số, điển hình là dân của 49 động thuộc vùng Hà Động và của dân Mán Cử Long ở Ái Châu, thời Lê Đại Hành và Lê Long Đỉnh. Nỗ lực giữ các sắc dân thiểu số này trong sinh hoạt quốc gia và trong vùng ảnh hưởng của triều đình trung ương sẽ được tiếp tục dưới thời nhà Lý. Điều cần được lưu ý là song song với biện pháp dùng võ lực, sự liên kết bằng hôn nhân cũng đã được sử dụng. Trần Thăng, em Trần Lãm, đã trở thành rể của họ Đinh, còn Ngô Nhật Khánh thì đã trở thành phò mã với mẹ trở thành hoàng hậu và em trở thành vợ của Đinh Liễn, dù là trường hợp sau này mang nặng tính cách cưỡng ép. Cuối cùng, cũng nhằm mục tiêu thống nhất lãnh thổ, các vua nhà Tiền Lê đã cho đào sông, đắp đường. Những công trình này đã được trình bày trong phần nói về Lê Đại Hành và Lê Long Đĩnh.
Phát triển sinh hoạt quốc gia và văn hóa dân tộc
Sinh hoạt mang tính cách quốc gia thời Ngô, Đinh và Tiền Lê là những hậu quả đương nhiên của những nỗ lực củng cố độc lập và xây dựng chính quyền quân chủ thống nhất ở nước ta trong buổi đầu của thời độc lập. Mặc dầu các tài liệu các nhà sử học hiện tại có thể sử dụng được không là bao nhiêu, nhưng đại cương người ta có thể khẳng định là sinh hoạt này đã thực sự tồn tại tuy còn mang những tính chất đơn sơ của những ngày đầu độc lập và thô bạo của thời kỳ đánh đuổi quân xâm lược cũng như diệt trừ các mưu toan chống đối và ly khai ở trong nước. Các vua mặc dầu đã xây dựng cung điện, định triều nghi, đặt trăm quan… nhưng Cổ Loa rồi sau này là Hoa Lư chưa đạt được tầm vóc của một kinh đô thực sự cho một quốc gia có một lãnh thổ riêng dù là còn giới hạn như Cổ Việt đương thời. Đó chỉ là những địa điểm tạm thời được lựa chọn vì có liên hệ quá khứ xa xưa của dân tộc hay là nơi phát xuất của người sáng lập ra triều đại với những vị trí phòng thủ có tính cách chiến lược trong khi thiếu hẳn những vị thế kinh tế và văn hóa của Thăng Long sau này. Những công trình xây cất cũng vậy. Tống Cảo, viên sứ nhà Tống được cử sang triều đình Hoa Lư vào năm 990, đã nói tới phủ thự thấp thỏi, hẹp hòi và cái tháp thô kệch của Lê Đại Hành cũng như tính cách nặng về quân sự của kinh đô thứ hai của nước Việt độc lập về sau này. Nhưng điều ta cũng phải để ý là cũng chính từ đó mà non mười năm trước quân dân Việt đã được điều động để đánh thắng chính quân nhà Tống ở xa tận ải địa đầu Chi Lăng và cũng chính từ đó mà Lê Đại Hành đã sai chỉ huy sứ của mình là Đinh Thừa Chính đem thủy quân sang tận Thái Bình Quân, một địa điểm thuộc tỉnh Quảng Đông bây giờ, để đón sứ bộ của Tống Cảo.
Cuộc sống ở nơi kinh đô trong buổi đầu còn mang nhiều sắc thái mâu thuẫn. Bên cạnh những chứng tích của ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa như từ ngữ thiên tử trong danh xưng thiên tử quân thích trên trán của các quân sĩ của Lê Đại Hành, các tên được dùng để gọi các cung điện như Phong Lưu, Tử Hoa, Bồng Lai, Cực Lạc…., một số các danh hiệu dùng cho các hoàng hậu… vẫn còn tồn tại những lối sống hồn nhiên, không lễ nghi trói buộc của người miền Nam như cha con cùng uống rượu say nằm ngủ đến nỗi bị thích khách vào tận cung giết chết như trường hợp của Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn. Cũng vậy, với việc Đinh Tiên Hoàng đặt vạc dầu ở trong sân, nuôi cọp ở trong cũi để ra uy với mọi người, việc Lê Đại hành sai đem đến sứ quán, nơi Tống Cảo tạm trú, một con rắn lớn và nói nếu sứ giả ăn được thì sẽ làm thịt để thết, kèm theo hai con hổ. Sau này, dưới triều Lê Long Đĩnh, triều đình Hoa Lư cũng là nơi diễn ra những chuyện vui vẻ, hồn nhiên nhưng thiếu nghiêm chỉnh như dùng những tên hề đứng hầu để làm trò cười nhằm đánh lạc lời tâu bày của các quan, ăn thịt mèo, thằn lằn, rắn mối. Nói như Tạ Chí Đại Trường thì rõ ràng các món ăn nằm trong thực đơn của thời đại đã nằm trên bàn ăn của cả từng lớp quyền quí, có tột đỉnh quyền hành mà sinh hoạt không xa quần chúng là bao nhiêu. Nhưng ta cũng cần phải nói thêm là giữa tầng lớp lãnh đạo và quần chúng bình dân vẫn còn những gì thực sự gần gũi, những gì gọi là quyền quí chưa thực sự hình thành. Sức mạnh của người Việt nằm ở điểm này.
Trong những ngày đầu, sinh hoạt quốc gia phần lớn đều nằm trong tay các lãnh tụ quân sự. Những người này phần lớn cũng là những nhân vật đã theo giúp các vua từ trước khi lên ngôi hay có liên hệ quyến thuộc với các vua. Các hoàng tử cũng được trao phó cho những nhiệm vụ quan trọng. Đó là trường hợp của Dương Tam Kha thời Ngô Quyền, Đinh Liễn, Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lê Hoàn thời Đinh Tiên Hoàng, các con của Lê Đại Hành… Giới trí thức chỉ đóng vai trò khiêm nhượng xuyên qua các tu sĩ Phật giáo hay các đạo sĩ của Đạo giáo. Các vị này như đã nói ở trên đã được phong tước hiệu. Riêng các tu sĩ Phật giáo đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đón tiếp các sứ Tàu như trường hợp các Sư Đỗ Pháp Thuận và Khuông Việt. Các nho sĩ Khổng giáo không thấy được các sử cũ nói tới. Ảnh hưởng của học thuyết này trong quan niệm và tổ chức chính quyền còn rất mờ nhạt, nếu không nói là không có. Chính vì vậy mà các nhà Nho sau này như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Vua Tự Đức… đã nặng lời chỉ trích chính sự của các triều Đinh và Tiền Lê theo quan điểm Nho giáo. Điều này chứng tỏ rằng người Tàu trong suốt hơn một ngàn năm đô hộ đã không thực sự làm công việc truyền bá văn hóa của họ cho người Việt. Cái học nếu quả là có từ thời Sĩ Nhiếp thì chỉ nhằm vào con cháu các quan lại Tàu được cử sang đô hộ trong những thời gian ngắn để duy trì văn hóa Tàu cho chính họ, hầu họ không mất gốc, để sau đó lại trở về Tàu hay nếu nhằm vào người bản xứ thì chỉ là để đào tạo những kẻ thừa hành, những lại thuộc mà thôi. Nói theo Ngô Tất Tố, đó “ chỉ là học để giao thiệp với người Tàu, không phải học để thâu thái văn hóa của ho.” Điều này có thể được minh chứng qua sự vắng mặt của các trí thức Nho giáo sau Lý Cầm, Lý Tiến và anh em Khương Công Phụ…, trong suốt hơn một ngàn năm Bắc thuộc, ngoại trừ Tinh Thiều thời nhà Tiền Lý. Có lẽ vì không có người bản xứ nên Lê Đại Hành đã phải dùng Hồng Hiến, một người Tàu thông hiểu kinh và sử làm thái sư. Sự kiện này cùng với việc Lê Long Đĩnh sai em là Minh Xưởng và chưởng lý là Hoàng Thành Nhã sang sứ nhà Tống vào năm 1007 xin cửu kinh của nhà Nho và kinh Đại Tạng của nhà Phật chứng tỏ các kinh sách của cả hai nhà Nho và Phật bằng chữ Hán đã không được hay ít ra là ít được phổ biến ở nước ta trước đó. Cũng thuộc về sinh hoạt ở triều đình, Lê Đại Hành đã bắt đầu cử hành lễ tịch điền ở Đội Sơn vào năm 987, đồng thời từ năm 985 cho tổ chức sinh nhật của mình với tục làm núi giả bằng tre ở trên thuyền gọi là Nam Sơn và tổ chức thi bơi thuyền từ năm 985. Những lễ này đã được các triều đại sau kế tục.
Hoàn cảnh loạn lạc, chết chóc triền miên của buổi đầu của thời độc lập như được miêu tả qua hai câu sấm
Cạnh đầu đa hoành tử / Đạo lộ tuyệt nhân hành.
(Tranh nhau nhiều kẻ chết / Đường xá người vắng tanh)
tiếp theo là những biến động ở triều đình Cổ Loa, rồi Hoa Lư không thể không có ảnh hưởng quan trọng đối với cuộc sống của người dân. Tình trạng “thập ác vô nhất thiện,” sự mất tin tưởng vào giới lãnh đạo do những tranh chấp ngay giữa cậu cháu (Dương Tam Kha và các con của Ngô Quyền), giữa anh em (Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập), giữa các sứ quân, rồi sau này giữa các con của Lê Đại Hành… và những ước mơ về một tương lai thái bình và ổn định chắc chắn đã đưa người dân Cổ Việt đến tình trạng mê tín, dị đoan, từ đó tìm an lạc trong tôn giáo. Những truyền thuyết liên hệ tới các vua, sự tin tưởng vào sấm vĩ và sự phát triển của Phật giáo Mật tông đã phản ảnh rõ rệt trạng thái xã hội này. Các vua từ Ngô Quyền cho đến Lê Đại Hành và sau này là Lý Thái Tổ đều được ghi nhận là những nhân vật khác thường, có chân mệnh đế vương. Sử cũ đều ghi rằng Ngô Quyền lúc mới sinh ra có điềm sáng rực nhà, trên lưng có ba nốt ruồi đen. Đinh Tiên Hoàng đã được rồng vàng che chở khi bị chú là Đinh Dự đuổi đánh và định đâm chết. Lê Đại Hành khi gặp trời đông rét mướt, nằm phục như hình cối úp, đang đêm sáng rực cả nhà, có con rồng vàng ấp ở trên. Mẹ vua Lý Thái Tổ thì đi chùa Tiêu Sơn, gặp thần nhân, giao cấu, có thai, sinh ra ngài. Về các lời sấm thi tương truyền ngoài cửa nhà mẹ con Đinh Bộ Lĩnh ở, hồi nhà vua còn nhỏ, bên cạnh đền thờ sơn thần, động Hoa Lư, có đám sen núi trên lá có dấu sò ốc thành hai chữ thiên tử. Cũng vậy, dưới thời nhà Đinh, năm Thái Bình thứ năm (974) có xuất hiện lời sấm như sau:
Đỗ Thích thí Đinh Đinh
Lê gia xuất thánh minh.
Cạnh đầu đa hoành tử,
Đạo lộ tuyệt nhân hành.
Thập nhị xưng đại vương,
Thập ác vô nhất thiện.
Thập bát tử đăng tiên,
Kế đô nhị thập thiên.
cò nghĩa là:
Đỗ Thích giết hai Đinh,
Nhà Lê nổi thánh minh.
Tranh nhau nhiều kẻ chết,
Đường sá người vắng tanh.
Mười hai xưng đại vương,
Mười ác không một thiện.
Thập bát tử lên tiên,
Kể hai chục ngày liền
Bài này được giải thích là ứng với việc Đỗ Thích giết Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn, việc Lê Hoàn lên làm vua và việc nhà Lý thay thế nhà Tiền Lê…
Sau đó, đến cuối đời nhà Tiền Lê, trước khi Lý Công Uẩn lên ngôi, sử cũ lại chép truyện một cây gạo ở hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, bị sét đánh hằn lên bài thơ sau:
Thụ căn diễu diểu,
Mộc biểu thanh thanh,
Hòa đao mộc lạc,
Thập bát tử thành
. Đông A nhập địa,
Dị mộc tái sanh,
Chấn cung hiện nhật,
Đoài cung ẩn tinh.
Lục thất niên gian,
Thiên hạ thái bình.
có nghĩa là:
Rễ cây to xù,
Lá cây xanh xanh,
Cây hòa đao rụng,
Thập bát nổi lên,
Nhà Đông A vào trong đất,
Cây khác lại sinh.
Cung chấn mọc mặt trời,
Cung đoài có sao ẩn,
Khoảng sáu bảy năm,
Thiên hạ thái bình.
Sư Vạn Hạnh đã đoán thêm rằng “Hòa- đao- mộc” là chữ “Lê”, “Thập- bát -tử” là chữ Lý, “Đông -A” là chữ “Trần”, “nhập-địa” là giặc Bắc phương vào lấp cướp, Dị-mộc-tái-sinh” là họ Lê khác lại nổi lên. Ý nói nhà Lê đổ, họ Lý sẽ nổi lên… Bài sấm này đã có ảnh hưởng tới thái độ nghi kỵ của Ngọa Triều. Ngọa Triều đã ngầm tìm những người họ Lý để giết đi nhưng Lý Công Uẩn ở ngay bên cạnh mà ông không biết.
Sự tồn tại của những bài sấm kể trên và nhiều bài sấm khác, sự tin tưởng của người dân cùng dựng các cột đá trên có khắc kinh Phật liên hệ tới Phật giáo Mật Tông do lệnh của Đinh Liễn, chứng tỏ khuynh hướng Phật giáo này đã phát triển mạnh mẽ song song với các thiền phái đã tồn tại và phát triển ở Cổ Việt đương thời như Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô ngôn Thông với các nhà sư nổi tiếng như Ngô Chân Lưu, Đỗ Pháp Thuận, Vạn Hạnh v.v… đã nói ở trên. Nó cũng cho người ta thấy Phật giáo khi được truyền vào nước ta đã hòa hợp một cách vô cùng tốt đẹp với các tín ngưỡng dân gian cổ truyền thay vì bài bác, cạnh tranh và tiêu diệt các tín ngưỡng này. Sự dấn thân hoạt động nhằm phục vụ quốc gia và xã hội của Phật giáo nói chung và các tu sĩ Phật giáo nói riêng cũng đã làm cho Phật Giáo Việt Nam khác với Phật Giáo Trung Quốc.
Để kết luận, ta có thể nói rằng trong thế kỷ thứ mười những yếu tố căn bản của một nền văn minh Việt Nam độc lập đã hình thành do sự đóng góp của toàn thể nhân dân Cổ Việt dưới sự lãnh đạo của ba nhà Ngô, Đinh, và Tiền Lê, dù cho là ba nhà này đã không tồn tại lâu dài. Những yếu tố này sau đó đã trở thành nền tảng cho văn minh Việt Nam trong những thời kỳ kế tiếp, đặc biệt trong các thời Lý Trần. Văn minh Việt Nam trong thế kỷ thứ mười do đó có thể gọi là Văn Minh Việt Nam Tiền Đại Việt vậy.
Phạm Cao Dương
Trích trong Lịch Sử Dân Tộc Việt Nam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn