Tản mạn chuyện chữ nghĩa

Thứ năm - 29/09/2016 18:02

Chữ nghĩa là chuyện đã được nhiều người bàn đến không chỉ một lần. Nhưng có lẽ chỉ như đá ném ao bèo. Dù vậy, chúng tôi cũng xin ném thêm một viên đá nữa, qua bàn về câu thơ đối đáp giữa bà Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi cũng như việc dùng cụm từ “tam tứ đại đồng đường”.
Đền thờ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ (Lệ chi viên Thần nữ). Ảnh: Internet
Đền thờ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ (Lệ chi viên Thần nữ). Ảnh: Internet

 

1-  Bà Nguyễn Thị Lộ trả lời Nguyễn Trãi: Tây Hồ hay Hới  Hồ?

Hơn 500 trang Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên (*), có đến hơn mười tham luận trong Hội thảo khoa học về Lễ nghi học sĩ, nhắc đến giai thoại cuộc gặp gỡ, đối đáp giữa Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi.

Giai thọai này,  mọi thế hệ học sinh đều biết, nhưng có rất nhiều dị bản. Ngay trong Hội thảo khoa học nói trên,  có thể nói: có bao nhiêu người đề cập đến giai thoại đó, thì có từng ấy bài khác nhau. Bài chúng tôi dẫn ra dưới đây cũng không theo ai trong số họ.

Khi gặp Thị Lộ, Nguyễn Trãi hỏi:

Cô ở đâu ta bán chiếu gon

Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn

Xuân xanh tuổi độ chừng bao tuổi

Đã có chồng chưa, được mấy con?

Nguyễn Thị Lộ đáp:

Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon

Can chi ông hỏi hết hay còn

Xuân xanh mới độ chừng đôi  tám

Chồng còn chưa có, có chi con?

Câu đầu tiên trong lời đáp của bà Lộ, người thì viết: “Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon”, người thì viết: “Tôi ở Hải Hồ bán chiếu gon”.

Từ trước cho đến nay, cũng như ngay trong cuộc Hội  thảo, các bản tham luận chỉ dẫn lời đối - đáp giữa 2 người, chứ chưa thấy ai bàn đến chữ nghĩa, xem thế nào là đúng.

Việc hai con người có công lao to lớn với nhà Lê Sơ, về sau bị hàm oan và chết thảm, đã gặp nhau và đối đáp ra sao, thiết tưởng cũng chẳng có gì là quan trọng. Bởi lẽ, thời nhà Minh bên Tàu cũng có giai thoại về Chu Tuệ, một đại học sĩ thất sủng với một kiều nữ bán hoa tên Oanh gặp nhau và đối đáp với lời lẽ tương tự.

Hỏi:

Người ngọc từ đâu tới

Hoa tươi hết hay còn

Xuân xanh chừng bao tuổi

Có chồng chưa, mấy con

Đáp:

Thiếp ở Hàng Châu bán hoa tươi

Cớ sao chàng hỏi hết hay còn

Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ

Chưa có chồng sao lại có con

(Dẫn theo Minh Giang).

Tuy nhiên, khi nó đã được du nhập vào Việt Nam và được gán cho hai con người nổi tiếng, thì nó sẽ  được lưu truyền mãi mãi, dù có biết nó được du nhập từ Tàu. Chẳng thế mà nhiều chuyện dân gian như chuyện cổ tích, truyện cười, không chỉ có ở Việt Nam ta, mà ở nhiều nước trong khu vực, nhưng vẫn được dân chúng đón nhận và coi như  của dân tộc mình.

Vì lẽ đó mà chúng tôi mạo muội góp mấy lời bàn về câu đáp của bà Lộ: “Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon” hay “Tôi ở Hới Hồ bán chiếu gon” ?

Theo chúng tôi, trước câu hỏi “Cô ở đâu ta bán chiếu gon” thì phải được hiểu là người hỏi muốn hỏi nơi đã làm ra thứ chiếu đó, chứ không phải hỏi cô gái bán chiếu hiện đang ở chỗ nào?  Một con người thông minh, sắc sảo như bà  Lộ  lẽ  nào  không  biết  người hỏi muốn hỏi gì? (ở đây chúng tôi loại trừ khả năng bà Lộ biết, nhưng trả lời ỡm ờ)

Ngay  hiện tại đây, nếu bạn hỏi các bà bán giò  chả “Bà ở đâu ta bán chả giò?”, thì chắc bạn sẽ được trả lời “Tôi ở Ước Lễ bán chả giò”, chứ không phải ở Tây Hồ hay Tây Dương gì đâu, mặc dù có bà không biết Ước Lễ là nơi nào! (chuyện thật đấy, không hề bịa).

Thế thì, câu trả lời của bà Lộ phải là: Tôi ở Hải Hồ bán chiếu gon. Nhưng cũng có thể là: Tôi ở Hới Hồ bán chiếu gon. Bởi lẽ, quê bà Lộ vốn tên Nôm là làng Hới, hoặc Hới Chiếu, Hới Hồ.  Sở dĩ có tên Hải Hồ là do xưa kia các cụ đã dùng chữ Hán “Hải” để kí âm Nôm “Hới” mà ra.

Ngày 04/9/2003 (nghĩa là, sau khi Hội nghị điền dã về Nguyễn Thị Lộ, do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tại quê bà vừa kết thúc 4 ngày) chúng tôi tìm đến Hải Triều (làng Hới cũ), xã Tân Lễ để tìm hiểu xem người dân quê bà đọc câu thơ đầu của bà Lộ trả lời Nguyễn Trãi ra sao. Nhiều người dân tiếp chuyện tôi, tỏ ý không hài lòng, vì tên Hới Hồ của làng mình đã bị ai đó cố tình đổi thành Tây Hồ. Ông Hà Thành Khuể, nói: “Chữ nghĩa thế nào, dân quê chúng tôi không rõ, nhưng xin đừng đổi chiếu Hới chúng tôi thành chiếu Tây”.

Thế  đó,  dân  chúng  quê  bà Lộ không ai đọc “Tôi ở Tây Hồ”, mà “Tôi ở Hải Hồ” hoặc “Tôi ở Hới Hồ”- đúng như ông Phó chủ tịch xã Tân Lễ Trần Huy Bộ đã tham luận trong Hội thảo. 

 

2.  Chuyện tam, tứ đại đồng đường.

Một  số  người  sính  dùng  từ  Hán  Việt,  nhưng  do không biết nghĩa nên đã dùng sai. Tuy nhiên, chúng tôi cũng biết rằng, ai nói thì cứ nói, còn theo hay không là quyền của người nghe. Tự nhận mình là “kẻ nhiễu sự”, lại vì có biết chút ít về chỗ này, nên viết ra để hầu chuyện các quí vị, còn ai theo thì theo, không thì tùy.

- Có một ký giả, khi giới thiệu về gia đình giáo sư Vũ Ngọc Khánh, đã viết đại ý: đó là một gia đình Tứ đại đồng đường tiêu biểu, đầm ấm, hạnh phúc. Nhưng hỏi ra thì GS. Khánh chỉ còn mẹ già 100 tuổi, chứ không còn bố vì cụ ông mất đã lâu.

- Trước đây trong một chương trình phát trên VTV2,  MC phỏng vấn một bà Bộ trưởng về xây dựng gia đình văn hóa với nhiều thế hệ cùng sống chung, đã không dưới 3 lần sử dụng cụm từ “tam tứ đại đồng đường”. Mỗi lần phải trả lời, bà Bộ trưởng tuổi vào hàng mẹ cô MC nọ, đều nói đơn giản là xây dựng gia đình 3, 4 thế hệ sống chung, chứ không một lần đùng đến “tam, tứ đại đồng đường”.

“Tam, tứ  đại  đồng  đường” đúng nghĩa thì không  thật đơn giản như một số người nhầm tưởng do hiểu theo nghĩa đen của cụm từ này là 3, 4 thế hệ cùng chung sống trong một nhà. Thực ra “tam, tứ đại đồng đường” có các tiêu chí khắt khe của nó, mà ngay thời phong kiến cũng không mấy gia đình đạt được, chứ đừng nói là ngày nay.

  Nói riêng tứ đại đồng đường, thì các tiêu chí đó là:

* Trong gia đình  ấy  phải  có  đủ 4  thế  hệ  cùng  sinh sống.

* Ba thế hệ đầu trong 4 thế hệ ấy phải song toàn, tức còn sống cả vợ, chồng.

* Các thế hệ thứ 2, 3, 4 phải là con bà vợ cả và phải là con đầu; tức là, nếu bà vợ cả không có con, thế hệ sau là con người vợ thứ, hoặc người con đầu là con gái cũng không được.

Chúng ta cũng thấy cho đến tận ngày nay, các tiêu chí đó vẫn còn hiện diện trong cuộc sống đương đại, ví như việc dọn giường trải chiếu cho cô dâu, bề trên chú rể phải nhờ không chỉ người có đức hạnh, mà còn phải có  các tiêu chí nói trên đấy!

Tình cờ may mắn, tôi đã tìm được một gia đình “Tứ đại đồng đường” có gần đủ các tiêu chí nói trên.  Đó là gia đình cụ Ngô Văn Bản.

Thế hệ 1: Cụ ông: Ngô Văn Bản, sinh năm 1920.

                Cụ bà:   Ngô Thị Ân, sinh năm 1920.

Thế hệ 2  Ông  Ngô Khánh Sinh, sinh năm 1950

                Bà  Nguyễn Thị Tùy, sinh năm 1952.

Thế hệ 3  Anh:  Ngô Khánh Sơn, sinh năm 1973

                 Chị:  Vũ Thị Tuyến, sinh năm 1975

Thế hệ 4   Cháu: Ngô Nhật Minh, sinh năm 1993.     

Bạn nào thấy cần phải thẩm định thông tin trên, thì xin  mời  đến gia đình cụ Ngô Văn Bản  hiện  ở xóm Giữa, thôn Lý Viên, xã Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Thực ra, chúng tôi gọi gia đình cụ Bản là “Tứ đại đồng đường” cũng là gượng ép. Các cụ ở địa phương hiểu rất rõ các tiêu chí mà chúng tôi đã nêu ở trên, chứ không mơ hồ, nên đã gọi gia đình cụ Bản là “tứ đại đồng cư”, chứ không gọi “tứ đại đồng đường”.

Chữ với nghĩa là chuyện muôn thuở. Việc viết và dùng từ không chuẩn, bất chấp dư luận chỉ là đoạn giữa trong “tam đoạn luận” của sự nghiệp dạy và học văn. Đoạn cuối trong “tam đoạn luận” đó được phản ánh rất rõ trong kết quả các kì thi tuyển sinh vào đại học những năm gần đây, cũng như số lượng ít ỏi học sinh đăng ký vào ban C đang diễn ra làm đau đầu các nhà quản lý. Thế rồi, qua thời gian, trong vòng luân chuyển, nó không chịu cam phận ở mãi giai đoạn cuối mà nhảy lên  giai đoạn đầu, .... Cứ thế, cứ thế, chưa biết sẽ còn dẫn đến đâu?

Mấy năm trở lại đây, chúng ta cũng thường được nghe đến hiện tượng “lách luật” của  những  kẻ  nào  đó  rồi dẫn đến phạm pháp.  Đó chẳng phải là chuyện chữ  nghĩa sao?

Xin đừng nghĩ rằng, chuyện chữ nghĩa chỉ là chuyện của những nhà lập pháp, của những người soạn thảo các hợp đồng kinh tế mà thôi! 

* Kỷ yếu Hội thảo khoa học. Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc chủ biên.

 

Ngô Vui

(Trích trong sách Góp bàn chuyện trong cổ sư)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập76
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm73
  • Hôm nay36,742
  • Tháng hiện tại441,692
  • Tổng lượt truy cập47,166,800
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây