Đền Đồng Cần thờ bà Ngô Thị Ngọc Dao hay thờ ai?

Thứ ba - 03/04/2018 20:02

Một nhân vật lịch sử có thể được thờ ở nhiều nơi, nhưng ngôi đền thờ ai, thân thế hoặc sự tích về nhân vật thờ tự phải được nghiên cứu một cách thấu đáo tránh để sai sót, nhầm lẫn.
Ban thờ đền Đồng Cần xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh
Ban thờ đền Đồng Cần xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh
Tại xã Đức Thịnh huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh có ngôi đền mang tên đền Đồng Cần, được cho là thờ bà Ngô Thị Ngọc Dao. Đền đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 45/1998 - QĐ BVHTT, ngày 24 tháng 1 năm 1998 của Bộ Văn hóa - Thông tin. Trong hồ sơ kèm theo quyết định trên có ‘Tóm lược thông tin về di tích’ như sau:
“Đền thờ Ngô Thị Ngọc Dao còn có tên gọi là đền Đồng Cần, một di tích có giá trị nghệ thuật và giá trị lịch sử cao. Theo truyền thuyết để lại, đền thờ Hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Dao - mẹ vua Lê Thánh Tông. Trong lần vua ngự giá thân chinh đi dẹp giặc Chiêm Thành, và cùng đi với Vua, khi thắng trận trở về bà đã mất và được chôn cất tại vùng Đồng Cần, sau đó cải táng về quê Thanh Hóa. Để tưởng nhớ công lao to lớn của bà nhân dân đã lập đền thờ tại Đồng Cần.      
Đền Đồng Cần là di tích có giá trị lịch sử văn hóa là di sản văn hóa của người xưa để lại. Theo như lịch sử và truyền thuyết dân gian thì năm 1471 giặc Chiêm sang xâm lược nước ta, bà Ngô Thị Ngọc Dao đã cùng con là vua Lê Thánh Tông ngự giá thân chinh dẹp giặc, khi thắng trận trên đường về bà đã mất và được chôn cất tại vùng Đồng Cần. Để tưởng nhớ tới công lao to lớn của vị Hoàng hậu, nhân dân đã lập đền thờ ngưỡng mộ một người con nghĩa hiệp, một người phụ nữ đức rộng tài cao đã cống hiến trọn đời cho dân cho nước...”  

Trên đây là trích nguyên văn trong hồ sơ di tích, nó đáng được trích giảng trong chương trình Văn học sử về hiện tượng “đèn cù”.       

Bây giờ xin được trao đổi về vị thánh được thờ ở đền Đồng Cần: bà Ngô Thị Ngọc Dao (Dao 瑶 - không phải Giao 交).

1- Về sự kiện Chiêm Thành xâm lược nước ta năm 1471.
Chúng tôi xin dẫn sách Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư): “Canh Dần, Hồng Đức năm thứ nhất (1470), Tháng 8 quốc vương Chiêm Thành Bàn La Trà Toàn thân hành đem hơn 10 vạn quân thủy bộ cùng với ngựa đánh úp châu Hóa..” - tờ 54b Bản kỷ thực lục, q.12.
Như vậy, niên điểm lịch sử Chiêm Thành xâm lược nước ta năm 1471 là sai, niên điểm đúng là năm 1470.

2- Về bà Ngô Thị Ngọc Dao.
a)  Bà Ngô Thị Ngọc Dao đúng là mẹ vua Lê Thánh Tông. Bà chưa bao giờ được phong Hoàng hậu vì chồng bà, vua Lê Thái Tông chết năm 1442, bà Ngọc Dao suýt bị Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh hãm hại, may nhờ hai vợ chồng Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ cứu trốn ra An Bang (Quảng Ninh) mới thoát nạn. Sau khi vua Lê Thái Tông chết, thì con thứ của Vua là Bang Cơ (con bà Nguyễn Thị Anh) lên nối ngôi. Đến năm 1459, con cả của vua Thái Tông là Nghi Dân đã giết chết cả hai mẹ con bà Nguyễn Thị Anh và Bang Cơ tức vua Lê Nhân Tông, tự lập làm vua được 8 tháng. Để khôi phục chính thống, một số quan đại thần như Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Ngô Khế… lập mưu phế Nghi Dân, lập Tư Thành là con út của vua Thái Tông với bà Ngô Thị Ngọc Dao lên ngôi, tức là vua Lê Thánh Tông. Lê Thánh Tông lên ngôi năm 1460 và mất năm 1497. Sau khi lên ngôi, vua Lê Thánh Tông suy tôn mẹ là Hoàng Thái hậu.
Như vậy, bà Ngô Thị Ngọc Dao là Hoàng Thái hậu chứ chưa bao giờ là Hoàng hậu.
b) Bà Ngô Thị Ngọc Dao chết năm nào và vì sao mà chết?
Chúng tôi xin dẫn Toàn thư: “Trước đây, hồi tháng 2, Hoàng Thái hậu đi lễ lăng trở về, không may bị bệnh nặng, đến giờ Hợi ngày 26 tháng 2 nhuận, băng ở chính tẩm điện Thừa Hoa, thọ 76 tuổi” - Bản kỷ thực lục q.13 tờ 72b.
Như vây là bà Ngô Thị Ngọc Dao vì tuổi già, bị ốm mà chết năm 1496; chứ không phải chết trận năm 1471.
Qua vài chi tiết trình bày trên cho thấy nhân thân của vị thánh được thờ ở đền Đồng Cần xã Đức Thịnh huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh là không chuẩn xác, có thể nói là “bịa”. Vậy mà cơ quan văn hóa cao nhất nước nhà là Bộ Văn Hóa vẫn công nhận di tích cấp quốc gia. Thật đáng buồn biết mấy!
v
Bia Sơn Lăng do Nguyễn Bảo, Tiến sĩ 1472, Hữu thị lang bộ Lễ, Chưởng Hàn lâm viện sự và Nguyễn Xung Xác, Tiến sĩ 1469, Hàn lâm viện thị độc, tham chưởng hàn lâm viện sự soạn ngày 24, tháng 2, năm Mậu Ngọ (1498), niên hiệu Cảnh Thống thứ nhất. Bia dựng cách mộ Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao chứng 100m (Ảnh internet)

Trên đây là những chứng cứ lịch sử đầy sức thuyết phục bác bỏ việc bà Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao được thờ ở đền Đồng Cần xã Đức Thịnh huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh.
Bà Ngô Thị Ngọc Dao được thờ ở đền thờ tại quê hương bà là thôn Đồng Phang xã Định Hòa huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa, bên cạnh từ đường họ Ngô là Phúc Quang Từ Đường.
Hiện tại hàng năm, UBND xã Định Hòa tổ chức lễ hội kỉ niệm ngày mất của bà từ ngày 23 đến 24 tháng Ba âm, rất đông bà con và du khách thập phương về dự. Đến ngày 26 tháng Ba, con cháu họ Ngô sở tại làm giỗ bà tại Phúc Quang Từ Đường.
 
m
Đền thờ bà Ngô Thị Ngọc Dao trên nền cũ Điện Thừa Hoa, bên cạnh Phúc Quang Từ Đường tại Đồng Phang-Định Hòa-Yên Định-Thanh Hóa (Ảnh internet)
3-Người phụ nữ nào được thờ ở đền Đồng Cần?
Theo Ngô gia thế biên do Phan Hữu Lập là hậu duệ của Nam Quận công Ngô Khắc Cung biên soạn vào giữa TK18, cho biết, Ngô Từ có 8 bà con gái, trong đó bà Ngọc Đức được gả cho con trai Bùi Bị là Quận công Bùi Ban. Phan Hữu Lập viết: “Con gái thứ Ngô Thị Ngọc Đức hiệu Ngọc Phương, Á quận quân, chồng là Thượng tướng quân, Minh Quận công Bùi Ban sinh ra Nguyên Quận công Bùi Văn Hương. Khoảng năm Thái Hòa (1443-1453) triều Nhân Tông, Ban theo vua đi đánh Chiêm Thành, Ngọc Đức chết ở mặt trận, chôn ở động Ông Bột (翁孛), vua ban ruộng phụng thờ, về sau cầu khẩn gì đều linh ứng...”
Trong 11 năm của niên hiệu Thái Hòa (từ năm 1443 đến năm 1453), sách Toàn thư ghi nhận 3 lần Đại Việt sai quân đi đánh Chiêm Thành vào các năm: Thái Hòa 2 (1444), Thái Hòa 3 (1445) và Thái Hòa 4 (1446); trong đó, trận đánh lớn nhất là vào năm Thái Hòa 4. Toàn thư chép: “Bính Dần, Thái Hòa năm thứ 4 (1446), mùa xuân, tháng giêng, đúng kỳ hội quân lớn, chọn người khỏe mạnh đi đánh Chiêm Thành. Sai dân phu vận chuyển lương thực tới chứa ở huyện Hà Hoa. Ngày 22 sai bọn nhập nội đô đốc bình chương Lê Thụ, Lê Khả, Nhập nội thiếu phó tham dự triều chính Lê Khắc Phục đem hơn 60 vạn quân đi đánh Chiêm Thành. Vua thấy chúa Chiêm Thành là Bí Cai nhiều lần dốc quân cả nước vào cướp, cho nên sai đi đánh”. (Bản kỷ thực lục quyển XI tờ 61a-61b).
Có thể vợ chồng bà Bùi Ban - Ngọc Đức đã tham gia trận đánh này và bà Ngô Thị Ngọc Đức đã hi sinh trong trận đánh đó, như Phan Hữu Lập đã viết trong Ngô gia thế biên.

Một nhân vật lịch sử có thể được thờ ở nhiều nơi. Nhưng qua phần trình bày trên cho thấy người được thờ ở đền Đồng Cần nếu không phải là bà Ngô Thị Ngọc Đức hiệu Ngọc Phương, em gái bà Ngọc Dao, thì cũng không phải là Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao.

Ngô Vui

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Khánh
    Bài viết cần xem lại lịch sử, tránh làm người dân hoang mang, không dùng những ngôn từ mang tính quả quyết khi chưa được nhà nước chứng thực. Bài viết mang tính khích bác, bài khích không mang tính chất đóng góp.
      Khánh   quockhanh.ht1321@gmail.com   30/05/2022 11:56
Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập160
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm143
  • Hôm nay25,855
  • Tháng hiện tại313,086
  • Tổng lượt truy cập50,848,906
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây