Bề tôi tận trung
Nhà Lê từ thời Lê Tương Dực bắt đầu suy yếu, nội bộ triều đình chia bè kết phái đấu đá lẫn nhau, một số tướng lĩnh lập Vua khác để tách mình khỏi sự ràng buộc, có thể kể đến những thế lực lớn như: Trịnh Duy Đại, Trịnh Tuy..... Bên ngoài, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân cũng nổ ra liên tiếp, điển hình là khởi nghĩa của Trần Cảo, khiến triều đình lung lay.
Lúc bấy giờ, Mạc Đăng Dung - một võ tướng nhà Lê đã đứng ra trấn áp các cuộc nổi dậy bên ngoài, nhân cơ hội đó nắm luôn quyền hành triều Lê. Lê Chiêu Tông chạy trốn khỏi sự khống chế, kêu gọi các lực lượng quân khác đứng lên cùng vua phản kháng, nhưng cuối cùng đều bị đánh bại.
Năm 1527 sau khi vị vua cuối cùng là Lê Cung Hoàng bị phế truất, Mạc Đăng Dung chính thức giành ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc.
Sau khi nhà Lê Sơ sụp đổ, một số bộ phận quan lại bỏ về quê hương sống cuộc đời ẩn dật, số khác "theo thời thế" ngả sang nhà Mạc và tiếp tục tiến thân, một số trung thần vì uất hận tìm đến cái chết để vẹn tròn chữ "Trung".
Riêng tướng Nguyễn Kim, không chấp nhận thời cuộc đã định, ông đưa người thân tín bên mình đồng thời triệu tập hào kiệt bốn phương cùng chung chí hướng lánh lên vùng đất Thanh Hoá giáp Lào, được vua Lào là Sạ Đẩu thỏa thuận cho mượn đất Sầm Châu lập bản doanh chờ cơ hội thuận lợi sẽ kéo quân trở về phục hận cho nhà Lê.
Sau đó ông tìm được con vua Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh ở Thanh Hóa liền đưa sang Sầm Châu tôn lên ngôi vua là Lê Trang Tông. Vua Lê phong Nguyễn Kim làm Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công trưởng nội ngoại sự với sứ mệnh "Phù Lê diệt Mạc" .
Việc này được Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi lại như sau: "Trước kia, khi Đăng Dung thí nghịch và tiếm ngôi, Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta (chỉ Nguyễn Kim – người dẫn) lánh nạn sang ở tại châu Sầm Nưa thuộc Ai Lao, chiêu tập những người trung dũng, đầu tiên dựng lá cờ nghĩa, quyết chí diệt Mạc để khôi phục nhà Lê.
Bèn tìm khắp mọi nơi kiếm lấy con cháu họ Lê, thì được con nhỏ của Chiêu Tông là Ninh, lập làm vua, lên ngôi ở Ai Lao, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa. Từ đó, hội gió mây lôi cuốn, tiếng chính nghĩa lẫy lừng, quân trẩy đến đâu chẳng ai là không hưởng ứng. Công nghiệp trung hưng nhà Lê thực bắt đầu từ đấy".
Phù Lê diệt Mạc thành công
Năm 1543, Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh đều đã chết, Mạc Phúc Hải lên ngôi vua. Vua Lê Trang Tông thân chinh đi đánh, lấy được Tây Đô, phá quân của Ngụy Hoằng Vương Mạc Chính Trung, Tổng trấn Thanh Hoa là Đại tướng quân Trung Hậu hầu dẫn quân đầu hàng.
Bấy giờ, Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim còn ở Ai Lao chưa theo đi. Vua Lê Trang Tông sai Tuyên quận công Trịnh Công Năng mang chiếu thư về gọi. Nguyễn Kim bèn chỉnh đốn bộ ngũ lên đường ngay, bái yết vua ở hành tại sông Nghĩa Lộ.
Trên đà phản công như vũ bão của nhà Lê, một vị tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đã xin hàng. Việc này khiến Nguyễn Kim vui lòng vì nghĩ mình đã thu phục được một vị tướng tài ba của nhà Mạc. Nhờ có Dương Chấp Nhất cung cấp thông tin nên quân nhà Lê trăm trận trăm thắng. Nguyễn Kim vì vậy lại càng hết lòng coi trọng và tin tưởng Dương Chấp Nhất.
Ngỡ tưởng là việc tốt, nhưng trọng dụng Dương Chấp Nhất là hành động rước cáo về nhà, bởi việc xâm nhập vào nội bộ để phá hoại nhà Lê chính là kế sách đã được y đề ra trước đó. Để thực hiện mưu kế, Dương Chấp Nhất không ngần ngại giao nộp cả gia đình cho nhà Lê và tỏ ý hàng phục.
Vì thế Dương Chấp Nhất nhanh chóng lấy được lòng tin của vua Lê và các quan đại thần trong triều. Bởi vậy, khi hắn mở tiệc thết đãi, Nguyễn Kim đã vui vẻ đến dự mà không hay cái bẫy chết người đó đang giăng sẵn để chờ mình.
Cái chết đầy oan khuất chỉ vì miếng dưa hấu
Là một lão tướng dày dặn kinh nghiệm trên chiến trường, một vị quân sư đắc lực góp phần quan trọng vào việc hoàn thành sứ mệnh "phù Lê diệt Mạc" nổi tiếng trong chính sử, thế nhưng ông lại có một kết cục đầy oan khuất.
Theo Đại Nam thực lục cho biết: "...Ngày Tân Tỵ, tháng Năm, mùa hạ, năm Ất Tỵ (1545) ông bị hàng tướng Mạc (tên Trung) đầu độc. Triệu Tổ băng, thọ 78 tuổi. (Trước là nhà Mạc thấy quân nhà vua hoạt động mạnh, rất lo, ngầm sai hoạn quan là Trung (không rõ họ) trá hàng, để đầu độc vua Lê; việc không thành, nó liền ngầm cho thuốc độc vào quả dưa hấu rồi đón dâng Triệu Tổ)...".
Còn theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tên hàng tướng ấy chính là Dương Chấp Nhất: "Bấy giờ đại quân tiến đóng Yên Mô (thuộc Ninh Bình – người dẫn), hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đón mời Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta đến chơi quân doanh của hắn. Nhân đương nắng nóng, Chấp Nhất mời Triệu Tổ ăn dưa; trúng độc, khi trở về quân doanh, Triệu Tổ thấy người bải hoải khó chịu, rồi mất...".
Sau khi Nguyễn Kim chết, Vua Lê Trang Tông vô cùng thương tiếc, truy tặng ông là Chiêu huân tinh công, đặt tên thụy là Trung Hiến, sai quan đem về quê ở Tống Sơn mai táng.
Lời bình: Người xưa có câu : "đao kiếm dễ tránh, ám tiễn khó phòng" quả không hề sai, lòng tin đặt không đúng chỗ ắt sẽ mang đến họa diệt thân. Đôi lúc tiễn đao sắc nhọn nơi chiến trường lại không hiểm ác và khó lường bằng lòng người, một miếng dưa hấu đổi lấy mạng một vị Thái sư đương triều, há chẳng phải quá hời hay sao?
Tài liệu tham khảo:
1. Đại Việt sử ký toàn thư
2. Đại nam thực lục
3. Đại Việt thông sử, trang 347
4. Khâm định Việt sử thông giám cương mục
5. Việt Nam sử lược- Trần Trọng Kim.
(Theo Trí Thức Trẻ)