Đại thảm án
Nguyễn Trãi là một Đại công thần của Lê Lợi, có tài lại thẳng thắn, bị một số quyền thần ghen ghét. Ông cũng đã từng bị Lê Lợi, một ông vua đa nghi hiếu sát, cầm hãm hơn ba tháng, sau đó lại dùng. Sau khi Lê Lợi mất, Nguyên Long lên ngôi, tức Lê Thái Tông. Vốn là người có tính khí thất thường, ham chơi, hay nghe xu nịnh xúc xiểm dèm pha, Thái Tông bỏ không dùng Nguyễn Trãi.
Lúc mới về Thăng Long, Nguyễn Trãi gặp cô gái bán chiếu Nguyễn Thị Lộ, qua vài vần thơ xướng hoạ, hai người thành vợ thành chồng. Nguyễn Thị Lộ vốn quê huyện Hải Triều (nay là huyện Hưng Hà) tỉnh Thái Bình, ở với mẹ ở Hồ Tây. Lúc đó bà mới 16 tuổi, vừa trẻ vừa đẹp, dễ mến lại chữ tốt văn hay.
Khi đó, Ngô Từ tuy là bậc huân thần được trọng vọng, nhưng tuổi cao, không còn tham dự triều chính. Lo lắng cho vận mệnh nhà Lê, biết nhà vua trẻ mến Thị Lộ, ông khuyên Nguyễn Trãi để cho Nguyễn Thị Lộ, người con gái có đức có tài sắc vào cung dạy cung nữ, thông qua Thị Lộ mà tìm cách khuyên răn nhà vua, ngăn chặn những việc làm sai trái.
Nguyễn Thị Anh, một cung phi của Thái Tông Lê Nguyên Long, cấu kết với bọn gian thần tìm mọi cách hãm hại Nguyễn Trãi, sai nội giám Tạ Thanh tung tin nhà vua có tình ý với Nguyễn Thị Lộ để ly gián Nguyễn Trãi và nhà vua.
Ngày 30 tháng 7 năm Nhâm tuất (3/9/1442) Thái Tông đi duyệt võ ở núi Chí Linh, khi về ghé Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi, lúc đó Nguyễn Thị Lộ cũng đang có mặt ở Côn Sơn. Thị Lộ được lệnh theo nhà vua về Thăng Long.
Ngày 7 tháng 9 trên đường về kinh, xa giá nhà vua dừng nghỉ ở Lệ Chi Viên (Trại Vải, thuộc xã Đại Lại huyện Gia Bình). Nguyễn Thị Anh vốn sẵn có âm mưu giết chồng là Vua Nguyên Long để con mình sớm lên ngôi, khỏi bị rơi vào tay nguời con nào khác. Lại có mối thâm thù với Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, chớp thời cơ “bắn một mũi tên diệt cả hai mục tiêu”.
Ngoài nguyên nhân nói trên, đương thời còn có dư luận cho là trước khi vào cung làm phi, Nguyễn Thị Anh đã dan díu với Lê Nguyên Sơn, một tông thất nhà Lê, đã có thai được vài tháng. Mới vào cung được 6 tháng Thị Anh đã sinh Bang Cơ. Khi đã nắm được quyền hành, Nguyễn Thị Anh đưa Lê Nguyên Sơn lên chức Hình bộ Thượng thư, cùng nhau cấu kết với gian thần, hãm hại trung lương, đã giết hại hai thái giám Đinh Thắng, Đinh Phúc, là hai người ở trong cung hầu hạ Vua biết rõ câu chuyện, để bịt khẩu. Đó là nguyên nhân chủ yếu của âm mưu thí chồng cướp ngôi, vì rất có thể bị lộ nếu Nguyên Long còn.
Nghỉ lại Trại Vải, đêm đến Nguyên Long bị cảm, bệnh chuyển sang trầm trọng, giờ Dần thì mất. Các quan hộ giá dấu kín, đưa thi hài về Thăng Long, hai ngày sau mới công bố. Bang Cơ lên ngôi vua, Thái hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính. Sẵn có quyền lực trong tay, Nguyễn Thị Anh nắm lấy việc đó, bày kế trả thù. Nguyễn Thị Lộ bị bắt tống ngục. Nguyễn Trãi đang đi kinh lý Đông Bắc, nghe tin vua băng hà, vội về Thăng Long, bị bắt luôn.
Bọn gian thần vốn ghét Nguyễn Trãi hùa vào thêu dệt thành vụ án thí nghịch. Nguyễn Thị Lộ bị tra tấn hết sức dã man, quan chấp pháp chỉ đặt một câu hỏi: Có phải mày đã đầu độc Đại Hành Hoàng đế, mà chủ mưu là Nguyễn Trãi không?
Không chịu nổi đòn tra tấn quá dã man, Nguyễn Thị Lộ đành nhận tất cả những gì mà hình quan đặt ra theo một lệnh trên nào đó. Nguyễn Trãi bị kết án tru di tam tộc, toàn gia quyến bị bắt, gái thì sung làm nô tỳ nhà quan, hoặc trong cung, trai thì chờ ngày ra pháp trường. Đó là ngày 19 tháng 9 năm 1442.
Một người vợ lẽ của Nguyễn Trãi tên là Phạm Thị Hảo đang mang thai đi chợ vắng nên trốn được. Bà được người học trò của Nguyễn Trãi tên là Lê Đàm đưa trốn sang Ai Lao, sinh con trai đặt tên Phạm Anh Vũ.
Năm Quý hợi 1443, Bang Cơ làm vua lấy niên hiệu Thái Hoà, Nguyễn Thị Anh nhiếp chính, gian thần lộng hành, mẹ con Ngô Thị Ngọc Dao phải lánh ẩn ở vùng An Bang (vùng Quảng Yên, Quảng Ninh ngày nay), vào chùa ẩn náu. Con cháu Ngô Từ nhiều người phải đi lánh nạn, thời gian khá lâu, cho nên nhiều người không trở về, trở thành thuỷ tổ các họ nơi xa.
Các cuộc đảo chính cung đình
Nghi Dân, con trưởng của Thái tông, vẫn nuôi chí báo thù giành ngôi báu. Được 17 năm, vào năm Diên Ninh thứ 6 (1459) Nghi Dân cùng tay chân là bọn Phạm Đồn, Phan Ban, Trần Tuấn đang đêm lẻn vào cung giết chết Thái hậu Nguyễn Thị Anh và Vua Bang Cơ, tự lập làm vua lấy niên hiệu Thiên Hưng. Nghi Dân phong Tư Thành làm Giả Vưong bắt ở trong cung, Ngô Thị Ngọc Dao thì cho ở chùa Huy Văn, mỗi tháng cho con ra thăm mẹ một lần. Đã mấy lần Nghi Dân tìm cách hãm hại Tư Thành nhưng không thành.
Ở ngôi, Nghi Dân chỉ lo trả thù báo oán, đam mê tửu sắc, dung túng tay chân hà hiếp cướp bóc, hãm hại người hiền. Tháng 5 năm sau, các quan đại thần Đỗ Bí, Lê Thụ bàn mưu phế lập, bị bại lộ, đều bị hại (Lê Thụ là con rể Ngô Từ). Trong triều lúc bấy giờ có các đại thần: Thái bảo Lê Xý (tức Nguyễn Xý), Thái bảo Lê Liệt (tức Đinh Liệt) và các con Ngô Từ, bàn mưu phế lập. Thời Bang Cơ và Nguyễn Thị Anh, Đinh Liệt đã bị tống ngục 4 năm liền nhưng vẫn không sờn chí. Nguyễn Xý giả mù, xin nghỉ ở nhà điều dưỡng, Nghi Dân vẫn nghi ngờ, bí mật cho người theo dõi. Các đại thần trung thành vẫn tiếp tục bàn mưu phế lập, chờ thời cơ khởi sự. Con cháu Ngô Từ có nhiều người tham gia, cầm đầu là Ngô Khế.
Ngày mồng 6 tháng 6 năm kỷ mão 1459 có buổi chầu sớm, vừa khi tan chầu, Thái bảo Nguyễn Xý ra ám hiệu, các tướng đánh tan ngay bọn gian thần cướp ngôi ở cửa Sùng Vũ, chém chết Phạm Đồn, Phan Ban, Trần Tuấn ngay trước Nghị sự đường, giữ chặt Cấm binh, đóng cửa thành, chia nhau đi lùng bắt hết lũ nghịch đảng hơn trăm người, đem giết hết, đưa Nghi Dân ra khỏi cung, giáng làm Dương Đức Hầu, giam vào ngục.
Các quan hội bàn việc tôn lập, Nhập nội Kiểm điểm Lê Lăng, Ngự tiền hậu quân tông tri Lê Nhân Thuận bàn đón rước Cung Vương (một ông Hoàng con Lê Lợi), nhiều ý kiến bàn đón rước Tư Thành. Cung Vương một mực từ chối, bèn rước Tư Thành lên ngôi lấy niên hiệu Quang Thuận năm thứ nhất (1460). Triều đình luận tội Nghi Dân, đề nghị xử tử. Tư Thành nói: Nghi Dân giết em để lên ngôi, nay ta lên ngôi lại giết anh, sao khỏi ngày sau dị nghị. Nghi Dân khỏi bị tử hình, Lê Lăng đưa giải lụa vào ngục cho Nghi Dân tự thắt cổ chết trong ngục. Về sau Lê Lăng, Lê Nhân Thuần cùng bị hại vì việc đề xuất tôn lập Cung Vương.
Ngô Khế, Ngô Lan được Tư Thành rất tin cậy, mỗi lần nhà vua đi đâu Ngô Khế, Ngô Lan giữ chức Tả Kiểm điểm đi theo hộ giá.
Lên làm vua, Tư Thành ra chùa Huy Văn đón mẹ vào cung, Ngô Thị Ngọc Dao nói: “Nay mẹ tuổi đã cao, ăn chay niệm Phật đã quen, con để mẹ ở ngoài chùa này, cho yên tĩnh tuổi già”. Nhà vua bèn sai dựng thêm điện cho mẹ ở, tôn làm Quang Thục Hoàng Thái hậu, hàng tuần ra chùa thăm mẹ.
Sau ngày Tư Thành đã làm vua, có lần trong cung mừng thọ, đông đủ mặt nhạc công ca nữ, trong đó có cô gái họ Nguyễn, vì vụ án Lê Chi Viên nên phải theo mẹ vào làm nô tỳ, không được vào giáo trường học múa hát, lại bị chứng ngọng không nói được, nhưng lại có nhan sắc tuyệt trần, ngồi gõ nhịp cho một bà hát. Ngọc Dao nhìn thấy cô gái hao hao giống người trong mộng, bèn bảo: Sao bà không để cô gái kia hát thay cho. Bà kia thưa, cháu ngọng không hát được xin miễn thứ cho cháu. Ngọc Dao nóí hát ngọng cũng được, cứ hát nghe xem. Cô gái đứng lên vái tạ, hát rằng:
Ngày chia tay ở đan trì đã lâu rồi
Tấc lòng thanh đạm trông nhớ bâng khuâng
Ngẩng trông mặt trời đã chiếu đỉnh đầu
Xin tiếp ánh dương nối lại duyên xưa.
Giọng hát trong sáng có duyên, du dương như tiếng hạc lưng trời, nhà vua bảo hát tiếp.
Tiêu dao ngày tháng uổng tay đàn
Sông núi nhờ ai tỏ tấc non
Gặp gỡ hôm nay đà có hẹn
Tâm tình ngày trước phụ sao nên.
Nghe câu hát nhà vua không vừa lòng, mắng rằng ca nữ sao hỗn láo, dám khêu gợi người ta thế, Thái Hậu cười nói lại với nhà vua câu chuyện trong mộng, rồi tuyển cô gái vào cung.
Minh oan cho Nguyễn Trãi
Có lần Lê Thánh Tông ra chùa thăm mẹ về muộn, trời nhá nhem tối. Tiễn chân ra cổng mẹ đi trước con đi sau, thấy bà già quỳ mọp giữa đường, Ngọc Dao đỡ dậy hỏi han, bà già nói: ”Nhà tôi có nỗi oan tầy trời đã mấy mươi năm nay, phi bà Thái hậu thì không ai giải oan cho nhà tôi được, vậy nên dù biết vào đây là phạm trọng tội, tôi vẫn liều chết mong bà Thái hậu minh oan cho”. Nói xong đưa lên lá đơn viết sẵn.
Mẹ con trở vào chùa xem kỹ lá đơn, Nhà vua không hiểu đầu đuôi câu chuyện, Thái hậu nói: “Mọi việc bà cụ trình trong đơn đều là sự thật. Sở dĩ lâu nay mẹ chưa nói cho con hay là vì con có biết cũng chưa ích gì. Vả lại con còn ít tuổi, sợ có hành động không hay”. Bà bèn kể lại rõ ràng đầu đuôi câu chuyện cho Nhà vua nghe.
Trở về cung, Nhà vua suy nghĩ khá lâu. Nhân trong một buổi thiết triều, Nhà vua sai quan đọc to lá đơn cho tất cả triều thần cùng nghe. Triều thần đề nghị minh oan cho Nguyễn Trãi, Nhà vua nói: “Tiền triều kết án Nguyễn Trãi có đầy đủ chứng cứ pháp lý, nay muốn xoá bản án ấy cũng phải có đầy đủ chứng cứ, có thế mới rõ ràng minh bạch”. Bèn xuống chiếu thông báo trong khắp dân gian, ai biết rõ chi tiết vụ án Lệ Chi Viên, viết sớ dâng về triều, nếu là quan sẽ được thăng hai cấp, dân thường được thưởng to, nếu là tội tù, nhẹ thì được tha, nặng thì giảm án, tử tù được miễn tội chết.
Không lâu triều đình nhận được lá sớ từ Lạng Sơn đệ về, kể rõ vụ án được dàn dựng như thế nào, đầy đủ mọi chi tiết. Người dâng sớ là cháu họ Nguyễn Thị Anh, làm chức Ngự sử thời Bang Cơ, nguyên trong một tối đỏ đen bị cháy túi vì cờ gian bạc lận của tay Thái giám Tạ Thanh, nên đã quá tay đánh chết Tạ Thanh, bị tội đồ đày đi Lạng Sơn.
Tháng 7 năm 1464, Triều đình xét xuống chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi, truy phong Kim tử Vinh lộc đại phu Tán Trù Bá, cấp trả lại một trăm mẫu tự điền. Sai tìm xem con cháu còn ai, Phạm Bật đưa Phạm Anh Vũ, người vừa thi đỗ Hương cống ra trình, liền cho làm chức Đồng Tri châu.
(Theo gia phả họ Nguyễn thì dòng dõi Phạm Anh Vũ đến nay vẫn giữ họ Phạm, cư trú ở huyện Cẩm Thuỷ tỉnh Thanh Hoá).
(Theo Lịch sử họ Ngô)