Các nhân vật trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (Kỳ II)
Thứ hai - 27/05/2019 18:04
HNVN xin giới thiệu tiếp bài tổng hợp các nhân vật trong tập sách Tìm hiểu kho sách Hán Nôm của Trần Văn Giáp.
59. Hương Hải thiền sư 香海禅師 (1631-1718) tục gọi là Tổ Cầu, gốc người làng Áng Độ, tổ 4 đời là Trung Lộc hầu theo Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp ở xã Bình Yên Thượng phủ Thăng Hoa, Quảng Nam. Năm 18 tuổi đậu hương tiến, làm tri phủ Triệu Phong được 3 năm thì từ quan ra ngọn núi Tiên Bút La ở Cù Lao Chàm làm am nhỏ để tu Phật. Ông có tài chữa bệnh nên được chúa Nguyễn Phúc Hiền [chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần] mời về cung. Trong thời gian ở đây có giao lưu với Gia Quận công (người làng Đoan Bái xứ Kinh Bắc tướng nhà Trịnh vào đánh Quảng Nam bị bắt làm tù binh, được tha dùng vào việc dạy học ở Thuận Hóa) nên chúa Nguyễn nghi ngờ tra hỏi rồi đưa về Quảng Nam, nhưng ông cùng 50 đệ tử vượt biển ra Bắc vào năm 1682, sau đó chúa Trịnh Tạc cho đón thiền sư về Thăng Long cho tu ở chùa Nguyệt Đường. Thiền sư có dâng cho chúa Trịnh bản đồ sơn thủy lộ trình hai xứ Quảng Nam và Thuận Hóa, được chúa ban thưởng hậu. Có công chú giải nhiều bản kinh Phật (tr.207 T2).
60. Vũ Phạm Hàm 武范咸(1864-1906) hiệu Thư Trì, người làng Đôn Thư huyện Thanh Oai, Hà Đông. Dòng dõi nhà nho thanh bạch, được quan đốc học Vũ Nhự nuôi và dạy dỗ. Năm năm sau Vũ Nhự vào làm quan trong triều ở Huế, ông theo học Nam Ngư Phạm Hi Lượng. Năm Kiến Phúc Giáp Thân (1884) thi hương đậu giải nguyên, năm sau thi Hội đậu hội nguyên và đình nguyên đậu thám hoa, được bổ đốc học Hà Nội sung Đồng văn quán. Sau làm đến Án sát Hải Dương, bị bệnh mất ở quê nhà. Có Mộng Hồ gia tập, v v (tr.314 T1).
61. Lê Trọng Hàm 黎仲咸 tự Quốc Ninh, hiệu Đồng Giang, Nam Á dư phu, Nam sử thị, người làng Hội Khê Ngoại, huyện Giao Thủy, Nam Định, soạn Minh Đô sử (tr.176 T1).
62. Nguyễn Công Hãng 阮公沆 (1680-1732) tự Thái Thanh hiệu Tĩnh Am người làng Phù Chẩn huyện Đông Ngàn (Từ Sơn) Bắc Ninh. Đậu TS năm 1700 Canh Thìn Chính Hòa 21, làm quan Tham tụng, Lại bộ thượng thư tước Tường Quận công. Từng đi sứ sang TQ. Sau bị dèm pha bị giáng làm Thừa chánh sứ Tuyên Quang, buộc phải tự tử. Đến đời Cảnh Hưng được truy phục chức cũ. Có Tinh sà thi tập làm khi đi sứ (tr.92 T2).[con cả Nguyễn Công Hãng là Nguyễn Phúc Thắng chạy về Mỹ Độ (Bắcv Giang) cải sang họ Ngô]
63. Nguyễn Thượng Hiền 阮尚賢(1866-1925) tự Đỉnh Thần hiệu Mai Sơn, người làng Liên Bạt huyện Sơn Lăng (Ứng Hòa), Hà Nội. Ông là con thượng thư Nguyễn Thượng Phiên, vợ ông là con gái Tôn Thất Thuyết. Đậu HG năm 1892 Thành Thái 4, làm Quốc sử quán toản tu, sau làm Đốc học Ninh Bình, Nam Định. Ông bỏ chức trốn sang TQ hoạt động cách mạng, viết sách báo hô hào chống Pháp. Ông mất ở Hàng Châu (TQ) ngày 25-12-1925. Có Mai Sơn ngâm thảo, vv (tr.168 T2).
64. Trần Công Hiến 陳公憲 (?-1817) người làng Trương Nghĩa, Quảng Ngãi. Năm 1793, ông vào yết kiến Nguyễn Ánh ở Thị Nại có quân công được phong tổng nhung cai cơ, sau giữ chức trấn thủ Hải Dương tước Ân Quang hầu. Trong thời gian làm trấn thủ Hải Dương ông có biên soạn và cho khắc in một số sách về lịch sử và địa lý (tr.53 T2).
65. Ngô Thì Hiệu 吳时傚(1791-1830) tự Tử Thị hiệu Dưỡng Hiên thụy Trang Nghị tiên sinh, biệt hiệu Hoa Lâm tản nhân. Ông tuy chỉ là Quốc tử giám sinh, nhưng có nhiều thi văn, làm nhiều sách: Lạng hành kí sự, Kim ngọc nguyên âm là thi tuyển các danh gia của cụ Ngọ Phong, Quan ngư ký, Khôn trinh lục, Nam dư thi tập, Đại Man sự tích, Dạ Trạch phú ký v v (tr.305 T1).
66. Nguyễn Hoản (1713-1791), người làng Lan Khê, huyện Nông Cống Thanh Hóa, thi hương đậu thủ khoa, đậu hội nguyên tiến sĩ, Cảnh Hưng 4 (1743), năm 1767 làm Lại bộ thượng thư kiêm thị Kinh diên tri Quốc tử giám, Đông các, Hàn lâm viện… được phong Hoản Quận công. Năm Đinh Dậu Cảnh Hưng 38 (1777) thăng Thiếu phó, Quốc lão tham dự triều chính, được về hưu rồi lại triệu ra làm Tham tụng, Phụ quốc công thần (tr.100 T1).
67. Lê Thúc Hoạch 黎叔雘 tự Kê Nham hiệu Song Đình, người làng Nhân Mục huyện Thanh Trì. Ông là con Lê Đình Diên hoàng giáp thời Tự Đức. Thuở trẻ theo cha học khi cha làm đốc học. Không rõ ông có đi thi và làm quan hay không. Ông thoát ra ngoài vòng thế tục, không sa vào học hành thi cử mà chuộng sự học mang lại lợi ích cho dân chúng. Năm 1877, ông làm sách Nông sự toàn đồ cốt đem lại thực tế cho xã hội. 25 năm sau, năm Nhâm Dần Thành Thái 14 (1902) ông làm sách chí danh đồ thuyết: Ông lấy Kinh thi ra lược biên tên các loài chim muôn cây cỏ, rồi tham khảo các sách của TQ thích nghĩa rõ ràng từng loại, từng tên lại vẽ hình từng vật và có chua âm giải nghĩa (tr.392 T1).
68. Nguyễn Sư Hoàng 阮师黄 nguyên tên Nguyễn Quý Toán tự Khánh Mã hiệu Trúc Đình, sau đổi Sư Hoàng tự Thu Hoa, người làng Bình Vọng huyện Thượng Phúc, nay là Thường Tín, đậu nhiều khoa tú tài khi còn trẻ, mãi đến Thành Thái Bính Ngọ (1906) mới đậu cử nhân trường Hà Nam, ở nhà dạy học, không ra làm quan. Có Đại Việt đỉnh nguyên phật lục, Vân Trai Nguyễn thị gia phả, v v (tr.280 T1).
69. Phạm Đình Hổ 范廷琥 (1769-1839) tự Tùng Niên và Bỉnh Trực hiệu Đan Sơn và Đông Dã Tiêu, người làng Đan Loan huyện Bình Giang, Hải Dương. Thời Tây Sơn ông ẩn náu chốn thôn quê chuyên đọc sách và nghiên cứu lịch sử. Năm 1821, Minh Mạng Bắc tuần nghe tiếng ông mời ra bổ vào HLV chức Hành tẩu, được ít lâu ông xin thôi. Năm Minh Mạng 7 (1826) ông lại được mời ra bổ vào HLV thừa chỉ, QTG Tế tửu, nhưng năm sau ông lấy cớ đau ốm xin về. Sau đó ông ra làm tế tửu khá lâu thăng đến hàm thị giảng học sĩ. Sau khi về hưu ông mới mất. Ông trứ thuật khá nhiều hàng vài chục đầu sách, tài liệu trong đó có Lê triều đại điển, v v (tr.263 T2).
70. Nguyễn Trọng Hợp 阮仲合 (1834-1902) tên cũ Nguyễn Huyên tự Trọng Hợp tự Quế Bình Tử hiệu Kim Giang, người làng Kim Lũ huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông là học trò Nguyễn Văn Lý và Vũ Tông Phan. Đậu TS năm 1865 Ất Sửu Tự Đức 18, làm quan đến chức Văn minh điện đại học sĩ, cơ mật viện đại thần, Bắc Kỳ Kinh lược sứ, tước Vĩnh Trung tử. Có Kim Giang thi tập và hàng chục tác phẩm khác (tr.161 T2).
71. Nguyễn Húc 阮旭 (TK XV) tự Di Tân hiệu Cúc Trang người Kệ Sơn huyện Đông Triều, Quảng Ninh, làm quan đến tri phủ. Có Cưu đài tập (tr.83 T2).
72. Đàm Thận Huy 譚慎辉 (1463-1527) hiệu Mặc Trai, người làng Ông Mặc (Hương Mạc), nay Từ Sơn Bắc Ninh. Năm 1490 Hồng Đức 21, đậu TS. Thành viên Hội Tao đàn. Lễ bộ trượng thư tri Chiêu văn quán tú lâm cục kiêm HLV thị độc chưởng HLV sự gia Thiếu bảo, Nhập thị Kinh diên tước Lâm Xuyên bá. Năm 1510 thăng thượng thư bộ Hình, đi sứ. Năm 1522 Lê Chiêu Tông chạy lên Sơn Tây, giao cho ông cầm quân chống Mạc Đăng Dung ở Bắc Giang. Sau khi Chiêu Tông thất bại năm 1527, ông uống thuốc độc tuẫn tiết ở Yên Thế. Có Mặc Trai thi tập (tr.80 T2).
73. Lê Văn Hưu 黎文休(1230-1322), người làng Phủ Lý huyện Đông Sơn, nay là thôn Phủ Lý Trung xã Thiệu Trung huyện Thiệu Hoá, Thanh Hóa (mất ngày 23/3 /Nhâm Tuất=9/4/1322). Đậu Bảng nhãn năm Thiên Ứng Chính Bình 16 (1247) đời Trần Thái Tông, ông là thầy dạy học của Trần Quang Khải (theo An Nam chí Lược của Lê Tắc). Ông được sung chức Hàn lâm học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu, được vua giao cho soạn bộ Sử ký. Bộ sử này chép từ đời Triệu Vũ Đế (207 Tcn) đến đời Lý Chiêu Hoàng (1221 Cn). Năm Thiệu Long 15, mùa xuân tháng giêng (2/1272) ông làm xong bộ sách ấy đặt tên là Đại Việt sử ký dâng lên. Vua hạ chiếu khen thưởng. Sách không còn, chỉ còn vài đoạn trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên (tr.36 Tập 1).
74. Vũ Hữu 武有(1443-1530) hiệu Ước Trai, người làng Mộ Trạch huyện Đường An (Bình Giang) Hải Dương). Năm Quý Mùi Quang Thuận 4 (1463) đậu Hoàng giáp. Đời Lê Hiến Tông (1497-1504) ông làm đến chức Lễ bộ thượng thư tước Tùng Dương hầu. Năm 1527 Thống Nguyên Đinh Hợi đời Cung Hoàng, ông cùng Phan Đình Tá phụng mệnh đi phong Mạc Đăng Dung làm An Hưng vương. Ông là người hạng nhất xu phụ họ Mạc (Đăng khoa lục bị khảo Hải Dương, tờ 11) sau làm quan với họ Mạc. Sách Công dư tiệp ký, tác giả Vũ Phương Đề là con cháu ông, khi viết bản truyện đã hết sức bao che cho Vũ Hữu (tr.387 T1).
75. Lê Hy 黎禧(1648-1702) tên hiệu Trạm Khê, người xã Thạch Khê, Đông Sơn, Thanh Hóa. Năm Giáp Thìn Cảnh Trị 5 (1667) đỗ đồng tiến sĩ mới 19 tuổi, triều đình cho là còn ít tuổi cho phép ở nhà học thêm. Ông làm nhà trên bờ Hồ Tây chuyên đọc sách làm thơ, chúa Trịnh nghe tiếng khen ngợi. Ông có được cử đi sứ TQ, sau làm đến Binh bộ thượng thư, tước Lai Sơn bá. Năm Chính Hòa 18 (1697) được Lê Hy Tông sai toản tu quốc sử và soạn sách Bản kỷ tục biên (tr.88 T1).
76. Phạm Khiêm Ích 范謙益 (1679-1740), vốn họ Nguyễn ở làng Kim Sơn huyện Gia Lâm, là cháu tiến sĩ Nguyễn Mậu Tài, sau vì đi làm con nuôi chồng bà cô ruột mới đổi sang họ Phạm, khai là người làng Bảo Triện, huyện Gia Định (Gia Bình nay), tên hiệu Kính Trai. Có Thẩm trị nhất lãm thư, v v (tr.194 T1).
77. Phan Huy Ích 潘輝益 (1751-1822) tự Khiêm thụ phủ, hiệu Dụ Am, thuở bé tên Duệ đổi Công Huệ, kiêng húy Đặng Thị Huệ mới đổi Huy Ích. Năm Tân Mão (1771) bắt đầu đi thi từ thi ở huuyện đến thi hương đều đỗ đầu, năm 1775 thi hội trúng hội nguyên, thi điện đậu đồng tiến sĩ, làm quan đến HLV thừa chỉ. Nhà Tây Sơn mời ông ra giao việc bang giao. Năm 1790 được sung trong sứ bộ ‘giả vương’ sang triều Thanh, sau đó được thăng Thượng thư bộ Lễ tước Thụy Nham hầu. Sau khi Tây Sơn mất, ông về làng Thụy Khuê rồi mở trường dạy học ở các làng Chiều Thôn, Thanh Mai, Cổ Nhuế. Sau được tổng trấn Bắc Thành là Lê Chất mời ra mở lớp dạy học. Tuy không làm quan, nhưng ông giúp đỡ các quan thời đó trong việc bang giao. Phan Huy Ích là con cả Phan Huy Cận là con rể Ngô Thì Sĩ. Bà họ Ngô tên Thục có nhiều con, mấy người Huy Quýnh, Huy Thực, Huy Chú đều là các tác gia có tiếng (tr.300 T1).
78. Ngô Đức Kế 吳德继 (1878-1929) hiệu Tập Xuyên, người làng Trảo Nha huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Đậu tiến sĩ nhưng không ra làm quan, hăng hái cổ động bỏ khoa cử, đề xướng tân học ở Nghệ Tĩnh. Khoảng năm 1907, ông cùng Đặng Nguyên Cẩn mở Triêu Dương thư quán ở Vinh để tuyên truyền vận động cách mạng. Năm 1908, sau khi Phan Bội Châu ra nước ngoài, thực dân Pháp buộc ông tội “tiềm thông dị quốc” và đày đi Côn Lôn 13 năm. Năm 1921 được về, ông ở quê ít lâu rồi ra Hà Nội viết báo. Ông là cây bút xuất sắc trong tạp chí Hữu Thanh. Năm 1927, ông mở Giác quần thư xã xuất bản sách (tr.199 T1).
79. Trần Quang Khải 陳光啓(1241-1294) biệt hiệu Lạc Đạo tiên sinh, tước Chiêu Minh đại vương. Ông là con thứ Trần Thái Tông. Đời Trần Thánh Tông ông được phong làm tướng quốc. Đời Trần Nhân Tông ông giữ chức thượng tướng, cầm quân đánh giặc Nguyên, nổi tiếng với chiến công phá quân Toa Đô ở bến đò Chương Dương. Đến đời Trần Anh Tông ông được phong chức Thái sư. Trần Quang Khải là người học rộng, thông hiểu nhiều tiếng nước ngoài, các vua Trần khi tiếp sứ thần các nước, ông đều làm phiên dịch. Tác phẩm có Lạc đạo tập,vv (tr.59 T2).
80. Hoàng Sỹ Khải 黄士愷 (TK XVI) hiệu Lãn Trai người làng Lai Xá huyện Lang Tài, Bắc Ninh. Xuất thân trong quân Vũ Lâm, đậu TS năm 1544 Quang Hòa 4 đời Mạc Phúc Hải, làm quan Thượng thư bộ Hộ kiêm QTG Tế tửu tước Vịnh Kiều bá sau thăng thiếu bảo Vịnh Kiều hầu, trí sĩ. Đương thời nổi tiếng thơ văn quốc âm. Có Tứ thời khúc vịnh, Sứ trình khúc, vv (tr.87 T2)
81. Nguyễn Phi Khanh 阮飛卿 (TK XV) tên chính là Nguyễn Ứng Long 阮 應龍 tên tự là Phi Khanh hiệu là Nhị Khê. Ông người làng Chi Ngại huyện Phượng Sơn, nay thuộc huyện Chí Linh, Hải Dương. Ông dạy học và dời nhà đến làng Ngọc Ổi huyện Thượng Phúc xứ Sơn Nam Thượng. Làng này về sau do học trò ông tri ân mà đổi thành làng Nhị Khê. Ông đậu Bảng nhãn khoa Gíáp Dần (1374) đời Trần Duệ Tông. Vì ông là con nhà thường dân lấy con gái tôn thất nhà Trần nên không được làm quan [?]. Sau ông ra làm quan với nhà Hồ chức Đại lý thiếu khanh và Trung thư thị lang Quốc tử giám tư nghiệp dưới thời Hồ Quý Ly (1400-1407). Năm 1407, ông bị quân Minh bắt đem về Kim Lăng và mất bên đó. Ông còn một người con trai nữa là Nguyễn Phi Hùng, theo sang hầu cha ở Kim Lăng. Sau khi ông mất, Phi Hùng đem thi hài ông về táng tại gò Bái Vọng làng Nhị Khê. Có Nguyễn Phi Khanh thi văn tập, vv (tr.66 T2).
82. Nguyễn Bỉnh Khiêm 阮秉謙 (1491-1585) tự Hanh Phủ hiệu Bạch Vân cư sĩ biệt hiệu Tuyết Giang người làng Trung Am huyện Vĩnh Lại (Vĩnh Bảo), Hải Phòng. Đậu Trạng nguyên năm 1535 Đại Chính 6 đời Mạc Đăng Doanh, bài thi suốt 5 kỳ đều đứng đầu. Làm quan từ Lại bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ đến chức Thượng thư bộ Lại tước Trình Khê hầu rồi Trình Quốc công, vì vậy mà ông có tên Trạng Trình. Làm quan triều 8 năm dâng sớ hạch tội 18 lộng thần. Năm 1542, Quang Hòa 2 đời Mạc Phúc Hải ông xin từ quan về nghỉ ở làng. Ông nghiên cứu Kinh dịch chuyên về lý học, tinh thông khoa tính Thái ất, người đời mạo danh ông truyền tụng nhiều câu sấm. Vua Mạc tôn kính ông có việc quan trọng thường đến hỏi. Tác Phẩm có Bạch Vân am tập, vv (tr.87 T2).
83. Đặng Minh Khiêm 鄧鳴謙 (TK XVI) tự Trinh Dự hiệu Thoát Hiên, gốc người huyện Thiên Lộc (Can Lộc) Hà Tĩnh sau di cư ra làng Mạo Phố huyện Sơn Vi (Lâm Thao) Phú Thọ. Ông là dòng dõi Đặng Tất, thân phụ là Đặng Di [Đăng khoa lục: Di tức Thiếp. Phả họ Đặng: Minh Khiêm là cháu nội Đặng Di, con Đặng Thiếp]. Năm 1487 Hồng Đức 18 đậu HG được bổ HLV thị thư, từng đi sứ sang nhà Minh. Sau ông chạy theo Lê Chiêu Tông vào Thanh Hóa và mất ở Hóa Châu. Có Đại Việt lịch đại sử ký, vv (tr.80 T2).
84. Phùng Khắc Khoan 馮克寬 (1528-1613) tự Hoằng Phu hiệu Nghị Trai, người làng Phùng Xá huyện Thạch Thất, Hà Nội. Học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm, thời Mạc không chịu ra thi mà vào Thanh Hóa theo nhà Lê, làm quan Lễ khoa cấp sự trung. Đậu HG năm 1580 Quang Hưng 3, năm ấy ông 53 tuổi làm quan Hồng lô tự khanh. Năm 1587 đi sứ sang nhà Minh. Tương truyền khi đi sứ về ông mang về nhiều hạt giống như ngô, vừng,vv; ngoài ra ông còn học được cách dệt lượt mỏng về dạy cho dân. Dân địa phương kính trọng gọi ông là Trạng Bùng, thờ ông làm thành hoàng làng. Có Phùng Khắc Khoan thi tập và 5 tập thơ khác. Ông còn diễn nghĩa sách Chu Dịch (tr.90 T2).
85. Nguyễn Khuyến 阮勸 (1835-1909) trước tên là Thắng, người làng Yên Đổ huyện Bình Lục, Hà Nam. Học trò Phạm Văn Nghị. Đậu HG tam nguyên khoa Tân Mùi (1871) Tự Đức 24, được bổ Hàn lâm trực học sĩ, quyền Tổng đốc Sơn-Hưng-Tuyên, sau ông cáo quan về nhà. Có Tam nguyên Yên đổ thi ca, vv (tr.163 T2).
86. Nguyễn Kiều 阮翹 (1695-1751) hiệu Hạo Hiên người làng Phú Xá huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đậu đồng TS năm Ất Mão 1715 Vĩnh Thịnh 11 đời Lê Dụ Tông, làm quan chức Đô ngự sử, tước bá. Làm Chánh sứ sang nhà Thanh năm 1741-1742 (Nguyễn Tông Quai làm Phó sứ). Ông là chồng bà Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Có Sứ Hoa tùng vịnh (tr.93 T2).
87. Lê Hữu Kiều 黎有喬 (1691-1739) hiệu Tốn Trai người làng Liêu Xá huyện Đường Hào, nay là huyện Yên Mỹ, Hưng Yên. Đậu đồng TS khoa Mậu Tuất 1718 Vĩnh Thịnh 14, trải các chức Binh bộ, Lễ bộ thượng thư, Nhập thị bồi tụng tước Liêu Đình hầu. Năm Đinh Ty (1727) làm Phó sứ sang nhà Thanh. Ông là chú ruột Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Có Bắc sứ hiệu tần thi (tr.97 T2).
88. Vũ Lãm 武覽(TK XV) người làng Tiên Kiều huyện Kim Động, Hưng Yên di cư sang xã Kim Lan Gia Lâm, Hà Nội. Đậu HG năm 1442 Đại Bảo 3 làm quan đến HLV trực học sĩ. Còn 6 bài thơ trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn (tr.217 T1).
89. Lê Cao Lãng 黎高朗 tự Lệnh Phủ hiệu Viên
Trai, người làng Nguyệt Viên, lúc dạy học ở Sơn Tây. Thời Gia Long phụ thi ở trường Sơn Tây, nhận phụ vào họ Ngô ở nơi dạy học (Theo Lê tộc thế phả do Lê Xuân Hùy học ở ĐH Y soạn). Có Lịch triều tạp kỷ (tr.187 T1).
90. Ngô Thế Lân 吳世璘 (TK XVIII) tự Hoàn Phác, đặt hiệu Ái Trúc Trai, người huyện Hương Trà trấn Thuận Hóa, học rộng yêu thích thơ văn, không ra làm quan, làm nhà ở ẩn ở xã Vu Lai huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế. Khi Lê Quý Đôn vào kinh lý Thuận Hóa có cho mời ông đến chơi nhưng ông từ chối. Có Phong Trúc tập (tr.118 T2).[1700. dật sĩ Ngô Thế Lân có thư bàn về tiền tệ. Sau Lân theo Tây Sơn nhận ngụy chức. tr.175 ĐNTL Tập I NXB GDVN/2000]
91. Vũ Văn Lập 武文立 tự Trung Phủ, người làng Kim Thanh, Vũ Tiên, Thái Bình, đậu cử nhân 1852, làm quan đến Bố chánh Thái Nguyên, phạm lỗi về nghỉ sau được khai phục Án sát sứ. Có Nam sử tập biên, 8 quyển (tr.156 T1).
92. Đàm Văn Lễ 覃文礼 (1402-1505) tự Hoằng Kính hiệu Chân Trai, người xã Lãm Sơn huyện Quế Dương. Thuở nhỏ nổi tiếng thần đồng, thi hương đậu giải nguyên. Năm Quang Thuận 10 (1469) đời Lê Thánh Tông đậu đồng tiến sĩ, sung HLV hiệu lý, năm 1483 thăng HLV thị thư, tham dự soạn Thiên Nam dư hạ tập. Năm Hồng Đức Mậu Thân (1488), đi sứ nhà Minh, khi về thăng Phó đô ngự sử rồi lên tới Thượng thư bộ Lễ, Đông các đại học sĩ, cùng Thân Nhân Trung soạn văn Bia Lê Thánh Tông Chiêu Lăng thần đạo bi. Năm Cảnh Thống Kỷ Mùi (1499) được cử tiếp sứ nhà Minh sang sách phong. Năm 1504, Hiến Tông ốm nặng, Nguyễn Kinh Kỷ chủ trương lập Uy Mục, đem vàng hối lộ, ông không nhận. Khi Uy Mục được nối ngôi, căm thù việc trước giáng làm Thừa tuyên Quảng Nam, rồi cho người đuổi theo buộc ông phải tự vẫn (tr.216 T1).
93. Bùi Dương Lịch 裴揚壢(1744-1814) tự Tồn Thành và Tồn Trai hiệu Thạch Phủ, người làng An Toàn huyện La Sơn tỉnh Nghệ An (sau là Đức Thọ, Hà Tĩnh), năm 1774 đậu hương cống, năm Cảnh Hưng 47 (1786) được bổ làm nho học huấn đạo ở phủ Lý Nhân, nhưng xin cáo từ không nhận. Năm Chiêu Thống 1 (1787) đậu tiến sĩ. Có Nghệ An ký (tr.379T1).
94. Ngô Sĩ Liên 呉士連 người làng Chúc Lý huyện Chương Mỹ [người làng Nứa-Chi Nê xã Trung Hòa huyện Chương Mỹ, Hà Nội, là hậu duệ của Ngành thứ Ngô Chương]. Năm Nhâm Tuất Đại Bảo 3 (1442) đậu đồng tiến sĩ, sung Hàn lâm viện. Khoảng năm Diên Ninh 6, Lê Nghi Dân giết Nhân Tông cướp ngôi thì ông đang làm Đô ngự sử mà không từ chức cho nên Lê Thánh Tông buộc tội giáng chức ông. Khoảng đời Hồng Đức (1470-1497) ông làm sử quan tu soạn. Năm Hồng Đức thứ 10 tháng giêng (tháng 2/1479), Lê Thánh Tông sai ông biên soạn sách Đại Việt sử ký toàn thư, sách gồm 15 quyển. Đó là tác phẩm độc nhất của ông để lại cho đời. (tr.87 T1).
95. Pháp Loa 法螺 (1283-1330) tên họ thật là Đồng Kiên Cương 同堅剛 đạo hiệu Pháp Loa tôn giả, người làng Cửu La (sau đổi Đông Pháp) phủ Nam Sách tỉnh Hải Dương, sinh năm Thiệu Bảo thứ 6 (1284), mất năm Khai Hựu thứ 2 (1330). Năm Hưng Long thứ 12 (1304), Trần Nhân Tông lúc ấy đã bỏ ngôi đi tu, ra chơi phủ Nam Sách gặp Đồng Kiên Cương (…) bèn cho theo học đạo Phật và cho tu ở núi Kỳ Lân, đạo hiệu là Pháp Loa tôn giả, được Trần Nhân Tông truyền y bát cho. Về sau ông được suy tôn là vị tổ thứ 2 của phái Trúc Lâm (tr.62 T2) [so với thần tích làng Ngô Xá thì không phải vị này]
96. Lê Lợi 黎利 (1385-1433) người làng Lam Sơn huyện Thụy Nguyên trấn Thanh Hóa . Khi đã lên ngôi vua lấy tên hiệu riêng là Lam Sơn động chủ. Sau khi mất, miếu hiệu là Lê Thái Tổ. Ông là con thứ 3 Lê Khoáng và bà Trịnh Thị Thương-3 đời là hào trưởng vùng Lam Sơn. Năm 1407, nhà Minh xâm lược nước ta, biết ông là người tài giỏi, dụ ra làm quan. Ông nhất định không ra. Mùa xuân năm 1418, ông lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa Lam Sơn, tự xưng là Bình Định vương. Sau 10 năm anh dũng kháng chiến, ông đã lãnh đạo nhân dân chiến thắng được quân thù. Giặc Minh xin hàng. Lê Lợi lên ngôi vua. Có Lam Sơn thực lục (tr.43 T1).
97. Hoàng Đức Lương 黄德良nguyên quán làng Cửu Cao huyện Văn Giang, sau di cư sang làng Ngọ Kiều huyện Gia Lâm. Năm Mậu Tuất (1478) đời Hồng Đức đậu TS được bổ chức tham nghị. Năm 1489 được cử làm Phó sứ sang triều Minh, khi về được thăng Tả thị lang bộ Hộ. Có Trích diễm thi tập…(tr.41.T2).
98. Nguyễn Văn Lý 阮文理 (1795-1869) tự Chi Am, tự Tuần Phủ, hiệu Chi Hiên và Đông Khê, người thôn Trung Phụng làng Đông Tác huyện Thọ Xương (nay là thôn Trung Phụng, thuộc khu Đống Đa, Hà Nội). Khoa Nhâm Thìn Minh Mạng (1822) đậu tiến sĩ, được bổ HLV biên tu thăng đốc học Hưng Yên. Năm 1865 xin cáo quan về nhà dạy học, học trò nhiều người thành đạt như Hoàng Tướng Hiệp, Nguyễn Trọng Hợp. ..Có Chỉ am thi tập và nhiều tác phẩm khác (tr.376 T1).
99. Phạm Sư Mạnh 范師孟 (TK XIV) tự Nghĩa Phu hiệu Úy Trai, biệt hiệu Hiệp Thạch, người làng Hiệp Thạch huyện Hiệp Sơn, nay là Kinh Môn, Hải Dương. Ông là học trò Chu An cùng Lê Quát nổi tiếng về văn học và đạo đức cuối đời Trần. Đời Trần Minh Tông (1314-1329) ông đậu Thái học sinh. Năm Thiệu Phong thứ 5, ông được cử giao thiệp với sứ thần nhà Nguyên sang hội về việc đồng trụ, lời lẽ ứng đối của ông khuất phục được sứ thần nhà Nguyên. Ông làm quan đến chức Nhập nội hành khiển tri khu mật viện sự. Có Hiệp Thạch tập, vv (tr.65 T2).
100. Kiều Oánh Mậu 喬瑩懋 (1854-1912) còn có tên là Kiều Dực sau đổi Kiều Cung tự Tử Yến hiệu Giá Sơn, người làng Đông Sàng huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Đậu phó bảng năm 1880 Canh Thìn Tự Đức 33. Biên dịch và biên khảo nhiều sách. Soạn Tiên phả dịch lục (tr.211 T2)
101. Vũ Miên 武綿(1718-1782) người làng Xuân Lan huyện Lang Tài, Bắc Ninh, năm 31 tuổi đậu hội nguyên TS khoa Mậu Thìn Cảnh Hưng 9 (1748), làm quan đến hành tham tụng, Liên Khê hầu, trải các chức Tri Quốc giám và Quốc sử tổng tài. Khi mất được ban tên thụy Ôn Cẩn và truy tặng Thượng thư. Có Đại Việt lịch triều đăng khoa lục (tr.101 T1).
102. Trần Văn Mô 陳文謨 (1439-?) người làng Di Ai huyện Đan Phượng, Hà Nội. Đậu TS năm Hồng Đức thứ 6 (1475). Có Quốc triều chương biểu (tr.190 T1).
103. Lê Hữu Mưu 黎有谋 (TK XVIII) hiệu Phác Trai, con thứ 9 của Lê Hữu Danh. Đậu TS khoa Canh Dần (1710) Vĩnh Thịnh 6 đời Lê Dụ Tông, làm quan đến bồi tụng, Công bộ hữu thị lang, vào Kinh Diên tặng tả thị lang tước Phu Đình bá. Có Văn Xá Lê tộc thế phả (tr.197 T1).
104. Nguyễn Trung Ngạn 阮忠彥 (1289-1370) tự Bang Trực hiệu Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng huyên Thiên Thi (nay là Ân Thi). Nổi tiếng thần đồng, năm 16 tuổi năm Hưng Long 12 (1304) đậu HG. Năm 24 tuổi làm giám quân, 26 tuổi đi sứ nhà Nguyên thu nhiều thắng lợi, năm Khai Thái 5 (1328) theo Trần Minh Tông lên đánh Đà Giang được lệnh viết sách Thực lục về cuộc hành quân ấy. Năm Khai Hựu 9 (1337) được bổ làm giám tu Quốc sử viện. Sau đó ông cùng Trương Hán Siêu soạn Hoàng triều đại điển và Hình luật thư. Ông làm quan trải 5 đời vua, đến chức Đại học sĩ trụ quốc tước Khai Huyện bá. Ông là nhà chính trị nổi tiếng có tài thơ văn. Có Giới Hiên thi tập, vv (tr.226 T1).
105. Bùi Xuân Nghi 裴春沂 (TK XIX) tự Dục Tăng hiệu Ước Trai và Canh Đình người làng Vân Canh huyện Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1843 thi hương chỉ đỗ tú tài, năm Đinh Mão Tự Đức 1867 đậu cử nhân, được bổ chức giáo học, rồi đốc học, thăng đến hàm thị giảng sung Sử quán biên tu. Sau do đau yếu xin nghỉ. Khi mắt được tặng hàm thị độc. Có Từ Liêm đăng khoa lục (tr.165 T2).
106. Đào Nghiễm 陶儼 (TK XVI) người làng Thiên Phiến huyện Tiên Lữ, Hưng Yên đậu TS năm 1523 Thống Nguyên 2, sau làm quan nhà Mạc, có đi sứ khi về được thăng chức Hữu thị lang bộ Binh. Có Nghĩa Xuyên quan quang tập (tr.85 T2).
107. Nguyễn Nghiễm 阮儼 (1708-1775) tên tự Hi Tư, biệt hiệu Hồng Ngư cư sĩ, người làng Tiên Điền huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, là thân phụ Nguyễn Khản, Nguyễn Du. Năm Vĩnh Khánh 3 (1731) đậu HG, làm quan đến Công bộ thượng thư, thái tể, tham tụng tri Quốc tử giám kiêm Đông các, Quốc sử quán tổng tài, thái bảo đại tư không tước Xuân Quận công. Có Việt sử bị lãm, vv (tr.101 T1).
108. Dương Đức Nhan 楊德顏 người làng Hà Dương huyện Vĩnh Lại (nay thuộc Ninh Giang), Hải Dương. Đậu TS năm 1463 Quang Thuận 4 đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Hình bộ hữu thị lang, tước Dương Xuyên hầu. Có Tinh tuyển (tr.32 T2).
109. Đỗ Nhân 杜絪 (1474-1518) tự Đôn Chính hiệu Nghĩa Sơn, kị húy Tương Dực (Nhân Hải động chủ) nên đổi sang Đỗ Nhạc. Người Lại Ốc, Văn Giang đậu HG năm 1493 Hồng Đức 24, bổ HLV hiệu lý sau thăng Thị thư kiêm Tú lâm cục, từng Phó sứ sang Minh về được thăng Đông các hiệu thư rồi Phó đô ngự sử, Hộ bộ thượng thư. Năm 1527, ông cùng Ngự sử Nguyễn Dự tự sát. Có Vịnh sử thi tập (tr.81 T2).
110. Đỗ Nhuận 杜润 (1446-?) người làng Kim Hoa, huyện Kim Hoa. Đời Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận 7 (1466), đậu TS. Mùa thu Mậu Tý (1468), cùng Quách Đình Bảo hộ giá Lê Thánh Tông thăm Lam Kinh, vâng mệnh họa thơ trong tập thơ Anh hoa hiếu trị. Mùa đông năm Quý Mão (1483) được cử cùng Thân Nhân Trung và nhiều người khác soạn sách Thiên Nam dư hạ tập. Mùa thu Giáp Thìn (1484) bắt đầu dựng bia tiến sĩ, ông cùng Thân Nhân Trung vâng mệnh soạn các bài ký. Được cử làm phó nguyên súy hội Tao đàn cùng Thân Nhân Trung, họa thơ trong Quỳnh Uyển cửu ca…Có Thiên Nam dư hạ tập soạn chung (tr.215 T1).
111. Ngô Thì Nhiệm 吳时任 (1746-1803), thuở nhỏ tên Phó tự Hi Doãn hiệu Đạt Hiên tiên sinh, Tình Phái hầu, đậu TS khoa Ất Mùi Cảnh Hưng (1775), năm 11 tuổi theo học cụ nội Đan Nhạc, 15 tuổi theo học Ngọ Phong công, năm 20 tuổi cùng Lưu Hi Tái theo học quan tiền tham chính Thanh Hóa là người làng Đan Sĩ, 23 tuổi thi đậu thủ khoa, 24 tuổi thi sĩ vọng, năm Nhâm Thìn (1772) thi Quốc tử giám trúng ưu hạng. Năm đó làm xong sách Hải Dương chí lược, năm Ất Mùi (1775) đậu tiến sĩ. Được bổ Đông các hiệu thư, thăng chức Công bộ hữu thị lang, phạm lỗi bị cách chức. Sau vì có công với Trịnh Sâm trong việc phế Trịnh Khải lại được bổ dụng. Năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ sau khi lấy Phú Xuân kéo quân ra Bắc, vua Cảnh Hưng mất, Nguyễn Huệ lập Lê Chiêu Thống, ông về kinh thành để tang vua Lê Cảnh Hưng và được Lê Chiêu Thống chiếu lệ bổ làm Hộ bộ đô cấp sự trung rồi thăng lên hiệu thảo kiêm toản tu Quốc sử. Sau quan Tây Sơn là Trần Văn Kỷ, nhân có quen biết ông, tiến cử ông lên vua Quang Trung và được bổ Công bộ thị lang tước Tình Phái hầu, chuyên việc văn thư đi lại với triều Thanh. Khi ấy ông làm sách Bang giao tập, sau được thăng thượng thư, đại học sĩ. Năm Nhâm Tý (1792) kiêm chức Quốc sử thự tổng tài. Năm Cảnh Thịnh Quý Sửu (1793) được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh cầu phong. Năm ấy ông làm sách Hoa trình gia ấn thi tập. Năm Đinh Tỵ (1797) được lệnh giám san tu quốc sử, nhân đó ông đem sách Việt sử của Ngọ Phong ra khắc. Khi Gia Long lấy xong Bắc Thành, ông và Phan Huy Ích cùng ứng triệu, riêng ông vì tư thù, bị Đặng Trần Thường làm nhục, uất ức mà chết. Có Bang giao tập và nhiều công trình biên khảo khác (tr.304 T1).
112. Nguyễn Huy Oánh 阮輝瑩(1713-1798) tự Thư Hiên hiệu Thạc Đình, người làng Lai Thạch huyện La Sơn (Can Lộc) Hà Tĩnh. Ông là cha Nguyễn Huy Tự. Đậu Thám hoa năm Mậu Thìn 1748 Cảnh Hưng 9. Làm quan đến Đông các đại học sĩ, Lại bộ Tả thị Lang. Làm Chánh sứ sang cống nhà Thanh, khi về thăng tước bá, sau được phong Thạch Lĩnh hầu xin về trí sĩ. Sau ít lâu lại được vời ra làm Đô ngự sử. Có Phụng sứ Yên đài tổng ca, vv (tr.105 T2).
113. Phan Huy Ôn 潘輝温(1755-1786), gốc tích quê ở làng Thu Hoạch huyện Thiên Lộc (Can Lộc), trước tên Phan Huy Uông tự Trọng Dương hiệu Nhã Hiên, sau khi đậu tiến sĩ đổi Phan Huy Ôn tự Hòa Phủ hiệu Chỉ Am, trải làm các chức: Đốc đồng Sơn Tây và Thái Nguyên, VHL thị chế, tước Mỹ Xuyên hầu. Có Liệt huyện đăng khoa bị khảo, vv (tr.301 T1).
114. Nguyễn Xuân Ôn 阮春温 (1830-1889) hiệu Lương Giang biệt hiệu Hiến Đình, người làng Lương Diên huyện Đông Thành, nay là xã Diễn Thái, Diễn Châu, Nghệ An. Đậu Cử nhân năm Đinh Mão 1867, đậu TS năm Tân Mùi 1871 Tự Đức 24. Ông bị Tự Đức cách chức vì ông chủ trương kháng chiến chống Pháp trái với ý của vị vua này. Khi về quê nhà, ông chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa chống Pháp. Hàm Nghi lên ngôi (1885) sai người tới phong ông làm An Tĩnh Hiệp đốc quân vụ đại thần. Tháng 7 năm ấy Kinh thành Huế thất thủ, Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị xuống chiếu Cần Vương, ông ứng chiếu, sau phong trào thất bại, ông bị Pháp bắt năm 1886, sau đó lâm bệnh và qua đời. Có Ngọc Đường thi văn tập (tr.160 T2).
115. Phan Lê Phiên 潘黎藩(1734-1809) nguyên tên Phan Trọng Phiên người làng Đông Ngạc huyện Từ Liêm. Năm Đinh Sửu Cảnh Hưng 18 (1757) đậu TS sau làm quan đến Hộ bộ tả thị lang tước Tứ Xuyên hầu được chúa Trịnh Sâm tin cậy, giao cho dạy bảo con thứ 5 là Trịnh Bồng (s) [Trịnh Bồng là con Trịnh Giang]. Khi Trịnh Sâm chết, ông chịu cố mệnh lập Trịnh Cán; đến lúc quân tam phủ nổi biến bỏ Trịnh Cán, tôn phò Trịnh Khải, ông bị cách hết chức tước. Sau Chiêu Thống lên làm vua, vời ông ra làm quan thăng đến Binh bộ thượng thư tri Quốc tử giám. Năm Bính Ngọ (1786), Trịnh Bồng tự xưng Yến Đô vương, mời ông ra làm chức quan cũ, ông từ chối. Khi Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, ông không theo. Đời Gia Long không ra làm quan. Ngoài ra ông còn làm bài tựa cho sách Phan thị gia phả đề năm Cảnh Hưng 41 (1780). Có Ngọc Đường thi văn tập (tr.361 T1).
116. Đào Nguyên Phổ 陶元溥 (1860-?) [1861-1909] tự Hoành Hải hiệu Cần Giang, tên cũ là Đào Văn Mại người làng Thượng Phán huyện Quỳnh Côi, Thái Bình. Đậu Đình nguyên HG năm 1898 Thành Thái 10, làm thừa chỉ, sau làm chủ bút tờ Đồng văn nhật báo, rồi tờ Đại Việt công báo ở Hà Nội (tr.149 T2).
117. Kiều Phú 喬富(1447-?) tự Hiếu Lễ, người làng Lạp Hạ phủ Quốc Oai, Hà Nội. Đậu TS năm 1475 Ất Mùi Hồng Đức 6, làm quan Giám sát ngự sử Kinh Bắc rồi Tham chính. Có Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪 (hiệu chỉnh) (tr.192 T2).
118. Đặng Thái Phương (1674-?) người làng Uy Viễn huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Năm 20 tuổi đậu hương tiến, 22 tuổi đậu khoa Hoành từ rồi ra làm quan: Tri huyện Giáp Sơn (Hải Dương), thăng Hiệp trấn vùng Đông Hải (?), hiến sát sứ Thanh Hóa. Được mấy năm ông xin nghỉ ở nhà nghiên cứu Kinh dịch, làm thành sách Chu Dịch quốc âm giải nghĩa. Năm 1743, khi đã 70 tuổi được cử làm Tham nghị xứ Sơn Nam (tr.228 T2).
119. Nguyễn Tông Quai (1693-1767) người làng Phúc Khê huyện Ngự Thiện (Hưng Nhân) Thái Bình. Đậu Hội nguyên HG Tân Sửu Bảo Thái 2 1721. Đi sứ sang Thanh 2 lần 1741 (Phó sứ), 1748 (Chánh sứ). Khi về làm quan Hộ bộ tả thị lang tước Ngọ Đình hầu sau bị giáng xuống HLV thị giảng. Có Hoa sứ tùng vinh, vv (tr.100 T2).
120. Lý Trần Quán 李陳貫(1734-1786) người huyện Từ Liêm, gốc tích ở làng Thái Bạt huyện Bất Bạt, sang ở quê ngoại làng Hương Canh dòng dõi Trần Cận và cháu ngoại xa Đặng Công Toản, ở Thượng Yên Quyết, lấy họ Lý. Năm Bính Tuất Cảnh Hưng 27 (1766), đậu TS. Sau đổi tên là Toản, làm quan Đông các đại học sĩ, QTG Tư nghiệp. Năm 1786 làm tri binh phiên, được cử làm trấn thủ Tam Đái, đóng quân ở làng Hạ Lôi (Vĩnh Phúc). Nhân gặp khi Trịnh Khải thua quân Tây Sơn do Nguyễn Hữu Chỉnh thống suất, chạy trốn lên vùng ấy, ông sai học trò thân tín là Tuần Trang và Nho Nở cùng đưa Trịnh Khải chạy lên phía Tây, nửa đường bọn Trang bắt Khải nộp cho quân Tây Sơn. Lý Trần Quán nghe tin học trò mình làm việc đó, hối hận tự chôn mình tự sát (1788). Có Thiên Nam lịch khoa hội phú tuyển (tr.248 T1).
121. Huyền Quang (1254-1334) tên thật là Lý Đạo Tái 李道载 đạo hiệu là Huyền Quang tôn giả, người làng Vạn Tải huyện Gia Định (Gia Bình về sau) nay là huyện Gia Lương tỉnh Bắc Ninh. Năm 19 tuổi ông đậu khoa thi tam giáo rồi về đi tu ở chùa Quỳnh Lâm, được Trần Nhân Tông và Pháp Loa kính trọng, đem y bát truyền lại cho. Sau khi ông mất (23 tháng Giêng Khai Hựu thứ 6 đời Trần Hiến Tông, tức 27-2-1334) được suy tôn là Trúc Lâm đệ tam tổ [năm sinh chép trong Đăng Khoa lục, có thể chưa được chuẩn xác]. Tác phẩm: Ngọc tiên tập, Chư phầm bình,.. (tr.60 T2).
122. Hà Tông Quyền 何宗權 (1798-1839) tự Tốn Phủ hiệu Phương Trạch và Hải Ông là hậu duệ Hà Tông Huân quê Hà Tĩnh (s) [Thanh Hóa] sau di cư ra làng Cát Động huyện Thanh Oai, Hà Nội. Là học trò của Bùi Huy Bích và Phạm Quý Thích, cùng học với Nguyễn Văn Siêu, Lê Tông Quang, Ngô Thế Vinh. Đậu hương cống 1811 Tân Mùi Gia Long (s) [Hà Tông Quyền đỗ hương cống năm 1821 Minh Mạng 2 tại trường thi Sơn Nam]. Đậu Hội nguyên TS năm 1822 Minh Mạng 3, được bổ tri phủ sau được triệu vào nội các. Có thời gian bị đi hiệu lực ở Nam Dương, sau được phục chức. Ông tham dự nhiều việc chính trị và văn hóa thời Minh Mạng. Có Dương mộng tập vv (tr.153 T2).
123. Vũ Quỳnh 武敻(1452-1516) tự Thủ Phác và Yến Ôn hiệu Đốc Trai, Trạch Ổ, người làng Mộ Trạch huyện Đường An (Bình Giang) Hải Dương. Ông là cha Vũ Cán. Năm 1478 Hồng Đức 9 đậu HG làm quan đến chức thượng thư bộ Công, bộ Lễ, bộ Binh kiêm QTG tư nghiệp, Quốc sử tổng tài. Là học giả nhà thơ có tài. Có Việt giám thông khảo, vv (tr.76 T2).
124. Phan Huy Quýnh 潘輝 泂 (1775-1844) tự Viễn Khanh hiệu Tố Am. Không ra làm quan ở nhà dạy học và tự tay lược gọn các sách kinh, truyện, lịch sử làm thành sách riêng cho họ Phan. Có Lich đại điển yến, Phan gia thế phả rất nổi tiếng (tr.300 T1).
125. Nguyễn Văn San 阮文珊 (TK XIX) tự Hải Châu tử hiệu Văn Đa cư sĩ, sống vào khoảng giữa đời Tự Đức, người làng Đa Ngưu huyện Văn Giang, Hưng Yên, mở nhà in sách tên Văn Sơn đường. Có Đại Nam quóc sử, vv (tr.22 T2).
126. Phan Huy Sảng 潘輝? (1764-1811) là con Phan Huy Ôn đậu hương tiến năm 1780 tự Thanh Phủ hiệu Lễ Trai. Thị hội mãi cũng chỉ trúng tam trường, làm quan đến chức tự thừa coi việc cúng lễ. Sau khi nhà Lê mất ông dạy học ở các làng Yên Lãng, Cổ Nhuế. Dưới thời Tây Sơn làm quan quản lý huyện Thạch Thất đổi tên là Phan Huy Giám tự Thúc Minh. Sau khi Tây Sơn mất, ông lại trở về dạy học ở Cổ Nhuế, hiệu Phục Am. Có chỉnh lý Liệt truyện đăng khoa bị khảo (tr.302 T1).
127. Trịnh Sâm 鄭森 (1737-1782) con trưởng Trịnh Doanh, được lập làm Thế tử năm 1735 Cảnh Hưng 14 tước Tiết chế Thái úy Tĩnh Quốc công. 14 năm sau Trịnh Doanh chết, Trịnh Sâm lên ngôi chúa. Có tài cán mưu lược yêu thích thơ văn, hay đi thưởng ngoạn các nơi, đến đâu thường làm thơ đề vịnh. Sâm cũng là người đánh dẹp đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân. Có rất nhiều tập thơ (hơn 8 tập) (tr.110 T2).
128. Nhữ Bá Sĩ 汝伯仕 (1788-1867) tự Nguyên Lập hiệu Đạm Trai, người huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Năm Minh Mạng 2 (1821) được bổ tri huyện thăng Hình bộ viên ngoại lang, bị cách chức phải đi hiệu lực sang Quảng Đông. Sau được bổ huấn đạo thăng đốc học Thanh Hóa, phụng chỉ làm sách Thanh Hóa tỉnh chí, rồi xin về hưu và làm nhiều sách (tr.252 T1).
129. Ngô Thì Sĩ 吳时仕 (1726-1780) hiệu Ngọ Phong tiên sinh, đạo hiệu Nhị Thanh cư sĩ. Từ 7-11 tuổi theo học ông nội là Đan Nhạc, năm Mậu Ngọ đậu quận trường (tú tài), năm Quý Hợi (1743) đậu hương tiến (cử nhân), sang học 2 vị đại khoa Nghiêm Bá Đĩnh ở Tây Mỗ và Nhữ Đình Toản ở Hoạch Trạch. Năm Bính Tuất (1766) đậu Đình nguyên HG, trước đó đã làm quan rồi. Năm Đinh Tỵ (1767) thăng Đông các hiệu thư rồi đổi làm Hiến sát sứ Thanh Hóa. Sau vì mắc sai lầm trong thi cử, bị cách chức. Ít lâu sau, chúa Trịnh Sâm trọng dụng, năm Đinh Mùi được phục chức Hàn lâm hiệu lý, sau thăng Thự thiêm đô ngự sử. Năm Bính Thân (1776) được sai hiệu chỉnh quốc sử, năm sau được bổ Đốc trấn Lạng Sơn. Năm Canh Tý (1780), sau khi đi công cán về qua thăm động Nhị Thanh, ông bị đau rồi mất. Có Ngọ Phong văn tập và nhiều công trình nghiên cứu và biên khảo khác (tr.303 T1).
130.Trương Hán Siêu 張汉超(?-1354) tự Thăng Phủ, người làng Phúc Am huyện Yên Khánh (Gia Khánh), Ninh Bình. Thuở trẻ ông làm mạch khách cho Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn lập được nhiều công trạng trong 2 trận đánh giặc Nguyên. Đến đời Trần Anh Tông (1293-1314), năm Hưng Long 16 (1308) được thăng chức Hàn lâm học sĩ. Năm Thiệu Phong thứ hai (1342) làm Tham tri chính sự cho Trần Dụ Tông. Năm 1354 sau khi đi công cán ở Hóa Châu về thì mất. Ông là một học giả uyên thâm, hiểu thấu đạo nho, giàu lòng yêu nước được các vua Trần tôn quý như bậc thầy. Có Bạch Đằng Giang phú,vv (tr.226 T1).
131. Huệ Sinh tăng thống 惠生僧統 (?-1064) tên thật Lâm Xu gốc tích ở Trà Sơn, Vũ Yên (?), cha thiên cư về Thăng Long sinh ra tăng ở làng Đông Phù Liệt, Thanh Trì, Hà Nội. Đến 54 tuổi mới xuất gia, cùng với Pháp Thông ở Hạc Lâm làm môn đồ của Định Huệ thiền sư ở chùa Quang Hưng. Dưới triều Lý Thái Tông được phong Nội cung phụng tăng, rồi thăng Đô tăng lục, đến triều Lý Thánh Tông thăng Đô tăng thống trụ trì chùa Vạn Tuế trong kinh thành Thăng Long. Có Pháp sư trai nghi (tr.205 T2).