Các nhân vật trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (Kỳ III)
Thứ bảy - 01/06/2019 18:04
HNVN xin giới thiệu phần cuối bài tổng hợp các nhân vật trong tập sách Tìm hiểu kho sách Hán Nôm của Trần Văn Giáp.
132. Lê Tân 黎賓(?-1503) con thứ 5 Lê Thánh Tông. Ông mất tháng chạp Cảnh Thống 5. Con ông là Lê Tương Dực. Có Lạc Uyển thư nhàn (tr.82 T2).
133. Lý Tử Tấn 李子晋 (1378-?) nguyên họ Lý, sang đời Trần do kỵ húy nên có sách ghi ông họ Nguyễn, Tử Tấn vốn là tên tự sau lấy làm tên, hiệu Chuyết Am, người làng Triều Lật huyện Thượng Phúc (Thường Tín), Hà Nội. Ông là người đồng quê, đồng khoa Thái học sinh với Nguyễn Trãi năm 1400 triều Hồ. Sau vào Lam Sơn theo Lê Lợi. Làm quan trải 3 đời vua Lê; đến đời thứ 3 Nhân Tông làm HLV học sĩ ở điện Kinh diên, năm 1449 trí sĩ. Có Chuyết trai văn tập, vv (tr.29 T2).
134. Phùng Thạc馮碩 (TK XVI) tự Hoành Phủ người huyện La Giang (La Sơn) nay là Đức Thọ Hà Tĩnh, giữ chức Chủ bạ ở phủ của Kiến Vương Tân. Ông còn một bài thơ Đề minh nhạn đồ (đề bức tranh chim nhạn kêu) được chép trong Hoàng Việt thi tuyển (tr.82 T2).
135. Ngô Đình Thái吳廷泰 (TK XIX) tự Hạo Phu, trước tên là Ngô Thế Mỹ hiệu Tùng Hiên, người làng Bái Dương huyện Nam Trực, Nam Định. Đậu thủ khoa khoa thi hương năm Kỷ Mão 1819 Gia Long 18, làm tri phủ Thường Tín, bị cách về dạy học ở vùng Bắc Ninh. Là anh ruột TS Ngô Thế Vinh. Có Tùng Hiên trường sách văn và một số tác phẩm biên tập và sáng tác khác, chủ yếu là biên tập phục vụ cho việc dạy học (tr.201 T2).
136. Phạm Thanh 范清 (1821-?) tự Di Khanh hiệu Đạm Trai và Nghị Trai người làng Trương Xá huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Đậu Bảng nhãn năm Tân Hợi 1851 Tự Đức 4, làm quan đến Tham tri bộ Hộ. Có Phạm Nghi Trai thi tập,vv. (tr.159 T2)
137. Trình Thanh 程清 (1413-1463) tự Trực Khanh, nguyên họ Hoàng, gốc người làng Lương Xá huyện Ứng Hòa di cư ra làng Trung Thanh Oai, thi đậu kỳ thi ngự thí năm Thuận Thiên 4 (1431). Hai lần làm Phó sứ sang TQ (1443,1459). Năm Quang Thuận thứ 3 (1462) được giữ chức Môn hạ tỉnh hữu tư lang trung. Có Trúc Khê tập, vv (tr.69 T2).
138. Nguyễn Giản Thanh 阮簡清 (1481-?) người làng Ông Mặc (Hương Mạc) Từ Sơn, Bắc Ninh. Đậu Trạng nguyên năm 1508 Đoan Khánh 4. Theo Đăng khoa bị khảo thì trong khoa thi ấy bài thi hội của Hứa Tam Tỉnh hay hơn bài của Nguyễn Giản Thanh, nhưng khi vào thi đình thì bài phú Phụng thành xuân sắc của Nguyễn Giản Thanh lại hay hơn bài của Hứa Tam Tỉnh, nên được lấy đỗ Trạng nguyên. Do vậy dân gian mới có câu “Trạng Me đè Trạng Ngọt”. Sau Nguyễn Giản Thanh làm quan với nhà Mạc, đi sứ sang nhà Minh, làm quan đến Thượng thư bộ Lễ, Chưởng HLV thị độc tước Trung Phụ bá. Có Thương côn châu ngọc tập (tr.84 T2).
139. Hoàng Đạo Thành 黄道成nguyên tên Cung Đạo Thành 恭道成 khi đi thi hương thì đổi theo họ Hoàng tự Cúc Lữ, người làng Kim Lũ huyện Thanh Trì. Năm Kiến Phúc 1 (1884) đậu cử nhân làm quan đến đồng tri phủ, xin cáo về. Khi về cùng Đào Nguyên Phổ và các chí sĩ khác hoạt động phong trào duy tân. Có Việt sử tân ước tiền biên (tr.256 T1).
140. Nguyễn Miên Thẩm 阮綿審 (1819-1870) là con thứ 10 của Minh Mạng tự Trọng Uyên và Thận Minh hiệu Thương Sơn và Bạch Hào Tử được phong tước Tùng Thiện quận vương. Ông có tài làm thơ. Khoảng năm 1842, hỗ giá Thiệu Trị ra Bắc có làm bài Bắc hành ca và Hà thượng tập nổi tiếng bấy giờ. Cùng xướng họa với em là Tuy Lý vương, Cao Bá Quát, Phạm Phú Thứ, Phan Thanh Giản ,vv. Có hàng chục tập thơ (tr.155 T2).
141. Phạm Quý Thích 范貴適 (1760-1825) tự Dữ Đạo, hiệu Lập Trai, biệt hiệu Thảo Đường, người làng Hoa Đường huyện Đường An, sau là xã Lương Ngọc huyện Bình Giang, Hải Dương, trú quán phường Báo Thiên huyện Thọ Xương, Thăng Long. Đậu TS năm 1779 Cảnh Hưng 40, được bổ Đông các hiệu thư. Tây Sơn ra Bắc ông đi ở ẩn, sau ra làm quan với nhà Nguyễn chức Thị trung học sĩ tước Thích An hầu. Có Thảo Đường thi nguyên tập, vv. (tr.128 T2).
142. Nguyễn Thiếp 阮浹 (1723-1804) tự Khải Chuyên hiệu Lạp Phương cư sĩ, Hạnh Am. Đậu hương cống năm 1743 Quý Hợi Cảnh Hưng 4, được bổ huấn đạo rồi tri huyện Thanh Chương sau từ quan về ở ẩn ở trai Bùi Phong dưới chân núi Thiên Nhẫn. Năm 1788, Quang Trung Nguyễn Huệ có cho mời ông đến hỏi việc nước, sau lại cho người mang thư và lễ vật mời ông ra làm quan, ông không chịu nhận. Vua Quang Trung xuống chiếu giao cho ông giữ chức Viện trưởng Sùng Chính thư viện (lập ngay nơi cụ ở ẩn). Sùng Chính thư viện được giao việc dịch Nôm và giải nghĩa một số sách để làm tài liệu giáo khoa, hiện nay còn giữ được bộ Thi kinh giải âm. Sau khi vua Quang Trung mất (9-1792), ông cáo quan trở lại cuộc đời ẩn dật rồi mất thọ 81 tuổi. Có La Sơn tiên sinh thi tập, vv (121 T2).
143. Phạm Thiệu 范紹 (1511-?) người làng Châu Khê huyện Quế Dương, nay là Quế Võ, Bắc Ninh, nhưng nhà ở làng Dũng Liệt huyện Yên Phong. Đậu TS năm Cảnh Lịch 6 (1553) làm quan đến chức thượng thư triều Mạc. Có đi sứ, khi về giữ chức thượng thư bộ Công, tước Châu Khê hầu. Có Thi vận tập yếu (tr.13 T2).
144. Nguyễn Thông 阮通 (1827-1894) tự Hi Phần hiệu Kỳ Xuyên, biệt hiệu Độn Am, người làng Tân Bình huyện Tân Bình tỉnh Gia Định. Đậu cử nhân 1849, làm quan đến Bố chánh, có dự vào việc khảo duyệt bộ sử Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Có Việt sử cương giám khảo lược (tr.155 T1).
145. Nguyễn Thu 阮 收 (1799-1855) trước tên là BẢO tự Định Phủ, đến 1841 đổi là THU tự Tỉnh Quất hiệu Cửu Chân tĩnh sơn, người làng Hương Khê huyện Nông Cống, đỗ Cử nhân năm 1821, biên tập nhiều sách có “Việt thi tục biên”, “Lê quý kỷ sự”.. (tr.55 T2).
146. Thái Thuận 蔡順 (1441-?) tự Nghĩa Hòa hiệu Lục Khê biệt hiệu Lã Đường, người làng Liễu Lâm huyện Siêu Loại (Thuận Thành), Bắc Ninh. Từng làm việc dạy voi trong triều. Năm 1475 Hồng Đức 6 đỗ TS, được bổ chức HLV hiệu lý kiêm Tham chính Hải Dương. Tao đàn sái phu, phó nguyên súy. Có tài, đạo đức thơ hay được đương thời kính trọng. Có Lã Đường thi tập (tr76 T2).
147. Đoàn Nguyễn Thục 段阮俶 (1718-1775), tổ tiên ở làng Đại Hạnh huyện Văn Giang sau di cư sang làng Hải An huyện Quỳnh Côi, Thái Bình. Đậu HG năm 1752 Nhâm Thân Cảnh Hưng 13. Ông vốn tên Duy Tĩnh do kị húy Tĩnh vương Trịnh Sâm mới đổi Nguyễn Thục. Làm quan Đông các hiệu thư hành Ngự sử. Năm 1769 giúp Trịnh Sâm đàn áp cuộc khởi nghĩa Hoàng Công Chất ở Ninh Biên và khởi nghĩa Lê Duy Mật ở Trấn Ninh, năm 1770 được thăng Ngự sử. Làm Chánh sứ sang triều cống nhà Thanh năm 1771 Cảnh Hưng 32, khi về được thăng Đô ngự sử tước Quỳnh Xuyên bá. Năm 1774 làm Đốc thị Nghệ An, vì không hợp với nội thần là Thiều Quận công nên xin về nghỉ, một năm sau thì mất. Có Đoàn Hoàng giáp phụng sứ tập (tr.107 T2).
148. Nguyễn Thuyên 阮詮(TK.XIII) cũng gọi là Hàn Thuyên, người Thạch Lâm phủ Nam Sách tỉnh Hải Dương (có tài liệu chép ông người làng Vụ Cầu huyện Hạ Hòa tỉnh Phú Thọ). Năm 1247-Thiên Ứng Chính Bình đời Trần Thái Tông ông đậu Thái học sinh, làm quan đến chức thượng thư bộ Hình và bộ Công. Tác phẩm có Phi sa tập (tr.57.T2).
149. Phạm Phú Thứ 范富庶 (1820-1882) trước tên là Hào tự Thúc Minh, khi thi đậu TS, Thiệu Trị đổi tên là Phú Thứ, tự Giáo Chi hiệu Trúc Đường biệt hiệu Giá Viên và Trúc Ẩn, khi mất được ban thụy Văn Ý công. Ông quê xã Đông Bàn huyện Diên Phước tỉnh Quảng Nam. Đậu Hội nguyên TS năm 1843 Thiệu Trị 3, làm quan đến Thượng thư bộ Lại, tổng đốc Hải An, sung Thương chính đại thần, sau bị giáng xuống Tham tri bộ Binh, khi mất được tặng Hiệp biện đại học sĩ. Phó sứ trong sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp và Tây Ban Nha (1863), khi về xin Tự Đức cải cách việc học và phát triển công nghiệp. Lúc làm Tổng đốc Hải An, ông lo việc khẩn hoang ở vùng Nam Sách, Đông Triều có kết quả tốt. Ông giỏi thơ văn, nghiên cứu quốc ngữ, giao thiệp với thi nhân có tiếng đương thời như Tùng Thiện vương, Phan Thanh Giản, Trương Đăng Quế, Nguyễn Thông, Bùi Văn Dị, vv. Có Giá Viên toàn tâp và hàng chục tác phẩm thơ văn và biên khảo (tr.157 T2).
150. Phan Huy Thực 潘輝湜 (1778-1844) tự Vị Chỉ hiệu Khuê Nhạc. Năm Gia Long 12 (1813) được vời ra làm quan đến 1817 sung làm phó sứ sang triều Thanh, năm 1820 làm hiệp trấn Lạng Sơn. Trước sau 3 lần làm Thượng thư bộ Lễ, năm 1841 được nghỉ. Có Tỳ bà hành diễn âm, vv (tr.300 T1).
151. Trần Huy Tích 陳輝积 (1828-?) hiệu Thạch Am, người phường Dũng Thọ huyện Thọ Xương, đậu cử nhân năm 1850, khi 24 tuổi, sống cô độc ít giao lưu, hiệu đính sách Lê sử toản yếu (tr.141 T1).
152. Bùi Nhữ Tích 裴汝錫 (cuối TK XVIII) người làng Thịnh Liệt huyện Thanh Trì, Hà Nội, tự Chi Phúc hiệu Khắc Trai cư sĩ. Năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh ra Bắc Hà, ông dâng sớ chúc mừng và tâu bày công việc, năm 1804 được bổ tri huyện từng nhậm chức ở các huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc, Minh Nghĩa rồi mất tại chức. Con ông là Bùi Ngạn Cơ. Có Minh đô thị vựng (tr.50 T2).
153. Đào Sư Tích 陶师錫 (Thế kỷ XIV) người làng Cổ Lễ huyện Nam Chân (Nam Trực), Nam Định sinh sống ở xã Lý Hải huyện Yên Lãng (Vĩnh Phúc). Năm Giáp Dần Long Khánh 2 (1374) đậu Trạng nguyên, từ thi hương, thi hội thi đình đều đỗ đầu, làm quan đến chức Nhập nội hành khiển. Sau vì không hợp với Hồ Quý Ly ông bị giáng xuống chức Trung thư thị lang tri thẩm hình viện sự. Sau khi ông mất dân Cổ Lễ thờ làm thành hoàng. Có Mộng Ký (tr.250 T1).
154. Nguyễn Thiên Tích 阮天錫 (TK XV) tự Huyền Khuê hiệu Tiên Sơn, người làng Nội Duệ huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Đậu khoa hoành từ năm 1434 Giáp Dần Thiệu Bình 1 đời Lê Thái Tổ, được bổ Ngự tiền học sĩ, sung Phó sứ sang nhà Minh, khi về thăng thị ngự sử. Năm Đinh Tỵ 1437 xét việc ngục tụng của Trịnh Khắc Phục và Lê Trung Xích, không thấy vua trả lời, ông xin từ quan. Sau Lê Thái Tông triệu ông ra làm chức cũ, ông hặc Lê Sát chuyên quyền, sau Lê Sát bị tội. Năm Mậu Ngọ 1438, được làm Phó sứ sang nhà Minh lần 2, khi về thăng HLV thị độc. Có Tiên Sơn tập (tr.69 T2).
155. Mạc Thiên Tích 莫天錫 (1710-?) con Mạc Cửu gốc người Lôi Châu, Quảng Đông, TQ, nhưng sinh ra ở Hà Tiên. Trước tên Mạc Tông sau đổi Mạc Tứ, sau khi quy thuận chúa Nguyễn mới đổi Mạc Thiên Tích. Chúa Nguyễn phong làm Tổng binh đại đô đốc trấn thủ Hà Tiên. Có công trong việc khai phá 4 huyện ở phía Nam Hà Tiên, giữ yên biên giới. Ông cũng chú trọng mở trường dạy học mở mang văn hóa. Có Hà Tiên thập vịnh (tr.120 T2).
156. Phan Phu Tiên 潘孚先 (TK XV) tự Tín Thần hiệu Mặc Hiên, người làng Đông Ngạc huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đậu Thái học sinh năm 1396, Quang Hưng thứ 7 đời Trần Thuận Tông. Năm 1429 Thuận Thiên 2 đời Lê Thái Tổ, ông thi đậu khoa Minh kinh bác học được bổ làm đồng tu sử ở Viện quốc sử. Sau đó được cử làm An phủ sứ phủ Thiên Trường (Xuân Trường), Nam Định. Năm Diên Ninh 2 (1455) vua Lê Nhân Tông sai ông soạn sách Sử ký tục biên chép việc từ Trần Thái Tông đến khi quân Minh thua trận phải về nước. Có Việt âm thi tập, Sử ký tục biên, vv (tr.29 T2).
157. Tuệ Tĩnh thiền sư 慧靖禪师Tuệ Tĩnh là 1 vị thiền sư tu ở chùa Hộ Xá huyện Giao Thủy, Nam Định dưới triều Lê sống vào giữa thế kỷ XVII. Tuệ Tĩnh thiền sư tự Vô Dật hiệu Thận Trai. Tuệ Tĩnh là pháp hiệu. Người làng Nghĩa Phú tổng Văn Thai huyện Cẩm Giàng, Hải Dương,. Hiện nay còn đền thờ ông ở nguyên quán. Có Nam dược thần hiệu, giải thích sách Thiền tông khóa hư lục của Trần Thái Tông (tr.395 T1).
158. Nguyễn Năng Tĩnh 阮能靜 đầu thế kỷ 19, tên tự là Phương Đình, hiệu Mai Hoa đường, người làng Thịnh Đường huyện Chân Phúc, Nghệ An, đậu cử nhân Kỷ Mão Gia Long (1819), làm quan đến Ngự sử rồi cáo về. Ông cùng với Ngô Thế Vinh đề tựa sách Ức Trai di tập do Dương Bá Cung biên soạn. Tác phẩm của ông có những gì chưa rõ (tr.60 T1).
159. Nhữ Dình Toản 汝廷瓚 (1701-1774), nguyên trước tên là Nhữ Công Toản, sau khi thi đỗ mới đổi tên Nhữ Đình Toản, tự Thượng Châu, hiệu Trạch Hải, người làng Hoạch Trạch huyện Bình Giang Hải Dương. Đậu TS khoa Bính Thìn Vĩnh Hựu 2 (1736). Học giỏi có tài thao lược, làm quan đến Tham tụng, Binh bộ Thượng thư, xin đổi sang hàng quan võ, chức Hiệu hữu kiểm tước Trung Phái hầu. Khi về trí sĩ được tặng danh hiệu Quốc lão. Có Hoạch Trạch Nhữ tộc phả, vv (tr.221 T1).
160. Ninh Tốn 宁逊 (1734-?), hiệu Chuyết Am và Chuyết Sơn, người làng Côi Trì huyện Yên Mô, Ninh Bình. Khoa Mậu Tuất Cảnh Hưng 39 (1778) đậu TS, thừa chính sứ. Năm 1788 thời Lê Chiêu Thống làm Công bộ hữu thị lang kiêm Lễ bộ, tước Trường Nguyên bá. Nhà Lê mất ông làm quan với nhà Tây Sơn đến thượng thư bộ Binh, tước hầu. Có Chuyết Sơn thi tập (tr.100 T1).
161. Trần Nghệ Tông 陳藝宗 (1320-1394) tên thật là Trần Phủ con thứ 3 Trần Minh Tông và Minh Từ hoàng thái phi. Dưới thời Dụ Tông ông giữ chức Tể tướng tước Cung Định vương. Khi Dương Nhật Lễ tiếm ngôi, ông phải chạy lên vùng Đà Giang. Năm Canh Tuất (1730), triều đình đem quân vào Kinh bắt Dương Nhật Lễ và đón ông về lên ngôi vua được 3 năm thì nhường ngôi cho em là Duệ Tông. Có Trần Nghệ Tông thi tập (tr.65 T2).
162. Trần Nhân Tông 陳仁宗(1258-1308) tên thật là Trần Khâm con vua Trần Thánh Tông và bà Thiên Cảm hoàng hậu. Trong thời gian ông làm vua (1279-1293) quân Nguyên hai lần sang xâm lược nước ta. Nhờ được toàn dân một lòng ủng hộ lại có tướng giỏi là Trần Hưng Đạo cầm quân, nên 2 lần kháng chiến đều thắng lợi vẻ vang đập tan ý chí xâm lược của nhà Nguyên. Sau năm 1293, ông xuất gia tu phật ở chùa trên núi Yên Tử, Pháp hiệu là Trúc Lâm đầu đà. Ông là người nghiên cứu Phật giáo sâu sắc, mở ra môn phái Trúc Lâm trong Phật giáo Việt Nam, vì vậy người ta tôn ông là Trúc Lâm đệ nhất tổ. Tác phẩm có Trung hưng thực lục, Trần Nhân Tông thi tập, vv (tr.61 T2).
163. Lê Thánh Tông 黎聖宗 (1442-1497) tên thực là Lê Tư Thành, còn có tên là Hạo, miếu hiệu Thánh Tông Thuần Hoàng đế, mất ngày 10 tháng Giêng (3-3-1497), là con Lê Thái Tông và bà Ngô Thị Ngọc Dao. Năm 1459 Diên Ninh 6, Lê Nghi Dân giết em là Lê Nhân Tông, cướp ngôi, các đại thần là bọn Lê Xí trừ được Nghi Dân và đem ông lên ngôi vua năm 1460 (Quang Thuận 1), làm vua được 38 năm thọ 56 tuổi, là người thông minh và chăm học. Các sách thuộc loại kinh, sử, từ, tập, luật, lịch, y, thư họa, thi ca…ông đều tinh thông. Không những thế, khi trẻ tuổi, ông bị trong cung nghi kỵ, ra sống cùng nhân dân, nên ông hiểu thấu tình hình sinh hoạt của quần chúng hơn các vua khác. Về chính sự, ông chế ra lễ nhạc, đặt ra pháp luật, chuộng văn, trọng võ, mở mang bờ cõi, làm cho xã hội Việt Nam thời đó được thịnh vượng, tập quyền trung ương được vững vàng. Ông là người hoàn thành những cải cách kinh tế, chính trị, văn hóa mà Lê Lợi và Nguyễn Trãi chưa làm được. Ông tự xưng là Thiên Nam động chủ, Đạo am chủ nhân, lập ra Tao đàn nhị thập bát tú, xưng là Tao đàn đô nguyên soái.
Theo Toàn thư (q.18, tờ 71) và Cương mục (q.24, tờ 17-18) thì danh sách như sau:
1-Thân Nhân Trung 申仁忠 (TS 1469 Quang Thuận 10)
2-Đỗ Nhuận 杜润 (TS 1466 Quang Thuận 7)
3-Nguyễn Xung Xác 阮冲愨(TS 1469 Quang Thuận 10)
4-Ngô Luân 吳綸(TS 1475 Hồng Đức 6)
5-Lưu Hưng Hiếu 刘兴孝(BN 1481 Hồng Đức 12)
6-Nguyễn Nhân Bị 阮仁被 (TS 1481 Hồng Đức 12)
7-Ngô Văn Cảnh 吳文景(HG 1481 Hồng Đức 12)
8-Nguyễn Tôn Mậu[Miệt] 阮孙茂[蔑] (TS 1481 Hồng Đức 12)
9-Phạm Trí Khiêm 范 智謙 (HG 1484 Hồng Đức15)
10-Nguyễn Quang Bật 阮光弼 (TN 1484 Hồng Đức 15)
11-Phạm Cẩn Trực 阮謹直(TS 1484 Hồng Đức 15)
12-Nguyễn Ích Tốn 阮益逊 (TS 1484 Hồng Đức 15)
13-Ngô Hoan 吳驩(HG 1487 Hồng Đức 18)
14-Phạm Nhu Huệ 范 柔惠(?Hồng Đức 18 (1487)
15-Nguyễn Đức Huấn 阮德訓 (BN 1487 Hồng Đức 18)
16-Nguyễn Bảo Khuê 阮宝珪 (HG 1478 Hồng Đức 18)
17-Bùi Phổ 裴溥(HG 1487 Hồng Đức 18)
18-Đỗ Thuần Thứ 杜純恕 (?Hồng Đức 18 (1478)
19-Lưu Thư Ngạn 刘 舒彥(TH 1490 Hồng Đức 21)
20-Ngô Hoán 吳焕(BN 1490 Hồng Đức 21)
21-Lưu Dịch 刘懌(TS 1490 Hồng Đức 21)
22-Đàm Thận Huy 罈慎徽(TS 1490 Hồng Đức 21)
23-Phạm Đạo Phú 范道富(TS 1490 Hồng Đức 21)
24-Dương Trực Nguyên 楊直源(HG1490 Hồng Đức 21)
25-Võ Dương 武暘(TN 1493 Hồng Đức 24)
26-Ngô Thầm 吳忱(BN 1493 Hồng Đức 24)
27-Châu Hoản 周睆[Nguyễn Hoản 阮 睆](HG 1493 Hồng Đức 24)
28-Chu Huyên [Huân]朱 壎 (TS 1493 Hồng Đức 24)
(Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận là phó nguyên soái)
Có sách còn chép thêm:
1). Lương Thế Vinh (TN 1463 Quang Thuận 4)
2). Phạm Phúc Chiêu (HG 1472 Hồng Đức 3)
3). Lê Tuấn Ngạn (TS 1474 Hồng Đức 5)
4). Nguyễn Trực (TN 1442 Đại Bảo 43)
(tr.213 T1)
164. Nguyễn Bá Trác 阮伯卓 (?-1945) [1880-1945] tự Tiêu Đẩu, người Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam [đúng ra ông là người Tiên Phước]. Năm Thành Thái Bính Ngọ (1906) đậu cử nhân. Năm 1908 hưởng ứng phong trào Đông du, ông sang Nhật du học, sau bị trục xuất, ông sang Trung Quốc xin vào học lớp cán bộ quân sự. Nhưng Trác ngấm ngầm làm mật thám cho Pháp, dẫn Pháp bắt Lương Ngọc Quyến. Về sau làm tuần phủ Quảng Ngãi, tổng đốc Thanh Hóa. Năm 1945, Trác phải đền tội. Có Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu (tr.163 T1).
165. Lê Hữu Trác黎有倬(1724-1791), còn có tên Lê Hữu Huân. Ông là con thứ 7 Lê Hữu Mưu nên còn gọi là Chiêu Bảy, quê làng Liêu Xá huyện Đường Hào, nay là huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên, nhưng sinh ở quê mẹ sau lại về ở quê mẹ là xứ Bầu Thượng xã Tinh Diễm huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, tự đặt tên hiệu Lãn Ông hay Hải Thượng Lãn Ông. Sau hơn 10 năm nghiền ngẫm cẩm nang của Phùng thi và thực hành, ông đem những điều thu hoạch được chép thành sách Lãn Ông tâm lĩnh có 28 tập gồm 66 quyển, trong đó có 3 điều cốt yếu:
- Giải thích rõ chân lý y học VN khác với y học Bắc phương
- Nghiên cứu cây thuốc và phép chữa bệnh bằng thuốc Nam
- Chép lại những bệnh khóa khăn mà ông đá chữa được.
166. Nguyễn Trãi 阮廌(1380-1442) hiệu Ức Trai, người làng Nhị Khê huyện Thượng Phúc (Thường Tín). Ông là con Nguyễn Phi Khanh, cháu ngoại Trần Nguyên Đán, tôn thất nhà Trần. Năm Thành Nguyên 1 (Nhà Hồ,1400) đậu Thái học sinh, làm quan Ngự sử đài chính chưởng. Năm 1407, nhà Hồ mất, cha ông bị quân Minh bắt giải về Kim Lăng, ông đã theo đến Nam Quan gặp cha, cha bảo “hãy trở về báo thù cho cha rửa hận cho nước. Ở Nam Quan về ông bị giặc Minh giam lỏng ở Đông Quan (Hà Nội). Có Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, v v (tr.230 T1).
167. Thanh Oai Ngô gia thế phả là bản chép lại một bản gốc ở Viện Đông phương Bác cổ A 648, nay đã mất. Chính tên của sách này Ngô gia thế phả thực lục, tác giả Ngô Giáp Đậu đời 16 kể từ Triệu tổ, nhưng trên đầu sách, tác giả chép bài: Ngô gia thế phả tổng thốn truyền văn ký của cụ tằng tổ thúc là Trưng Phủ tức Ngô Thì Du viết năm Mậu Tý Minh Mạng (1828). Bài Thế phả tổng tự của Cao tổ Ngọ Phong công tức Ngô Thì Sĩ, đề năm Ất Hợi Cảnh Hưng 16 (1755). Trước quyển này đã có 2 quyển: 1-Gia phả họ Ngô do Ngọ Phong công (Ngô Thì Sĩ) chép từ đầu đến Tuyết Trai công Ngô Thì Ức. 2-Gia phả họ Ngô do Tĩnh Trai công Ngô Thì Điển chép nối đến đời tác giả. Sau nữa có đến tập Sùng ân quảng ký lược ghi phả hệ các nhà họ ngoại 6 đời (tr.303 T1)
168. Ngô Trân 吳珍(1679-1760) tự Khiêm Văn, tự hiệu Đan Nhạc. Ông trước là học trò Ngô Vi Thực đậu HG người cùng làng. Sau theo học Vũ Thạnh là thám hoa người Đan Luân. Cụ học nhiều, nghĩa lý uyên sâu, văn chương uyển nhã, giỏi thơ, kết bạn với 6 vị cùng học nổi tiếng thời đó gọi là thất hổ, nhưng không nói rõ là những người nào. Ông năm 36 tuổi đậu hương tiến, năm 79 tuổi đậu khoa hoành từ được coi là ưu lão thăng đại lý tự tự thừa. Ông từ nhỏ thích nghề dạy học, học trò có đến bốn năm trăm người, được 5 người đậu đại khoa. Có Ngọ Phong văn tập, v v (tr.303 T1).
169. Trần Quang Triều 陳光朝 (1286-1325) hiệu Cúc Đường biệt hiệu Vô Sơn Ông, cháu nội Trần Hưng Đạo. Năm 1301 được Trần Anh Tông phong Văn Huệ vương. Năm Khai Thái 2 (1324) giữ chức Kiểm hiệu tư đồ phụ chính. Có Cúc Đường di thảo (tr.63 T2).
170. Vương Duy Trinh 王維楨 (TK 19) tự Tử Cán hiệu Đạm Trai và Hương Trì, người làng Phú Diễn huyện Từ Liêm. Năm Tự Đức Canh Ngọ 1870 đậu cử nhân, làm bố chính sau thăng đến tổng đốc Thanh Hóa. Có Thanh Hóa kỷ thắng vv (tr.189 T1).
171. Chu Mạnh Trinh 朱孟楨 (1862-1905) tự Cán Thần hiệu Trúc Vân, người làng Phú Thị huyện Đông Yên, nay là Châu Giang Hải Hưng [Gia Lâm, Hà Nội]. Ông là người tài hoa phong nhã thích ngao du sơn thủy đề vịnh và xướng họa. Đậu TS năm 1892 Thành Thái 4, làm quan đến Án sát Thái Nguyên, bị bệnh cáo về. Có Trúc Vân thi tập, vv (tr.149 T2).
172. Nguyễn Miên Trinh 阮綿貞(1820-1897) con thứ 11 của Minh Mạng tự Khôn Chương, biệt tự Quý Trọng hiệu Tĩnh Phố biệt hiệu Vi Dã tước Tuy Lý vương. Năm 1851 ông trông coi trường tôn học đường dành cho các công tử công tôn. Cũng có tài văn chương như anh là Tùng Thiện vương. Đương thờ khen “Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường” tức thơ ông Tùng ông Tuy làm mất hẳn tiếng thơ hay của thời thịnh Đường. Có Vĩ Dã hợp tập , vv (tr.156 T2).
173. Vũ Trinh 武楨 (?-1828) hiệu Lai Sơn, biệt hiệu Lan Trì ngư giả, người huyện Lang Tài tỉnh Bắc Ninh. Đậu hương cống thời Lê. Năm 1787 khi Lê Chiêu Thống chạy sang Kinh Bắc, ông dốc hết sản nghiệp giúp việc quân. Năm 1789, Lê Chiêu Thống chạy sang TQ, ông theo không kịp lui về ẩn náu ở quê nhà. Năm 1802, bị Gia Long triệu ra làm quan cùng Phạm Quý Thích, Lê Duy Đản, Bùi Dương Lịch v v. Ông được bổ chức Thị trung học sĩ, nhưng khi hài cốt Lê Chiêu Thống được đưa về nước, ông xin từ quan về nhà dạy học. Năm 1807, ông lại được vời ra để đi sứ triều Thanh. Lúc về được lệnh cùng soạn bộ Hoàng Việt luật lệ với Nguyễn Văn Thành. Khi Thành bị mắc nạn “ngục văn tự”, ông bị liên can và khép tội đi đày. Năm 1828 được tha về thì chết ngay năm đó ở quê Có Ngô tộc truy viễn đàn ký cho họ Ngô Thì Tả Thanh Oai (tr.149 T2).
174. Thân Nhân Trung 申仁忠 (1418-1499) tự, Hậu Phủ, người làng Yên Ninh huyện Yên Dũng. Đậu hội nguyên TS khoa Quang Thuận 10 (1469), được bổ thị độc thăng Hàn lâm thừa chỉ kiêm Đông các đại học sĩ và kiêm Quốc tử giám tế tửu. Năm 1483, cùng các ông Đỗ Nhuận, Quách Đình Bảo, Đào Cử, Đàm Văn Lễ soạn bộ Thiên Nam dư hạ tập, ông được đặc cách làm phó nguyên súy trong Tao đàn nhị thập bát tú. Ông lại được cử cùng Đỗ Nhuận bình thơ, họa các bài thơ trong Quỳnh Uyển cửu ca và các tập thơ khác của Lê Thánh Tông. Đời Cảnh Thống được cử cùng với Đàm Văn Lễ soạn bài văn bia Chiêu lăng ở Lam Sơn, tức lăng Lê Thánh Tông. Dưới thời Cảnh Thống, ông được thăng Lại bộ thượng thư kiêm Hàn lâm viện nhập thị nội phụ chính kiêm Đông các đại học sĩ như cũ. Có Thiên Nam dư hạ tập soạn chung (tr.215 T1).
175. Phạm Công Trứ 范公著(1599-1675), người làng Liêu Xuyên huyện Đường Hào nay Mỹ Hào, Hải Dương. Năm Mậu Thìn Vĩnh Tộ 10 (1628) đậu TS, làm quan Hàn lâm hiệu thảo. Nhân việc Trịnh Sầm nổi loạn (1645), ông cùng Nguyễn Duy Thì đánh tan được phong phó Đô ngự sử tước Khánh Yên bá. Sau được thăng Lại bộ thượng thư, năm Cảnh Trị 6 (1668) được về trí sĩ thăng Thái bảo quốc lão, tước Yến Quận công. Đến sau vua lại mời ông ra làm tể tướng, coi việc cả 6 bộ. Khi mất được tặng Thái tể. Có Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ thực lục và Bản kỷ tục biên (tr.88 T1).
176. Nguyễn Trực (1417-1473) tự Công Đĩnh, hiệu Hu Liêu tiên sinh, người làng Bối Khê huyện Thanh Oai, sống ở làng Nghĩa Na huyện Yên Sơn (Quốc Oai). Năm 18 tuổi đậu hương tiến, đậu Trạng nguyên năm Đại Bảo 3 (1442). Năm Thái Hòa 3 (1445) đi sứ triều Minh (Toàn thư không chép). Năm 1459, sau khi Nhân Tông bị giết, ông lấy cớ ốm đau không ra làm quan. Lê Thánh Tông lên ngôi, năm Quang Thuận Bính Tuất (1466) cho ông làm HLV thừa chỉ kiêm QTG Tế tửu. Sinh thời ông có sai học trò thu thập các bài thơ văn của ông làm thành 4 tập: Ngu nhàn tập, Bối Khê tập, vv Bản kỷ thực lục và Bản kỷ tục biên (tr.216 T1).
177. Hồ Nguyên Trừng 胡元澄 tác giả ghi trên sách là Lê Trừng, soạn Nam Ông mộng lục có 28 đề mục. Trước 28 đề mục nói trên có các bài tựa của Hồ Huỳnh, một quan thượng thư đồng triều với Lê Trừng viết năm Chính Thống 5 (1440); thứ đến là bài tựa của tác giả đề năm Chính Thống 3 (1438), đề rõ Giao Nam Lê Trừng Mạnh Nguyên. Cuối sách có bài hậu tự của Tống Chương người Việt Nam làm quan triều Minh, viết năm Chính Thống thứ 7 (1442) cũng đề rõ Giao Nam Tống Chương thư. Sau cùng là bài bạt của Tôn Dục Tú, viết năm Canh Thân (1920) nói về việc xuất bản sách này (Chính Thống là niên hiệu của vua Tống Anh Tông (1435-1449).
Theo sách Nam Ông mộng lục và các bài tựa, Lê Trừng tự Mạnh Nguyên, biệt hiệu Nam Ông, người Việt Nam, làm quan triều Minh đến Công bộ tả thị lang. Tên thực của Lê Trừng là Hồ Nguyên Trừng, con cả Hồ Quý Ly.
Khi cha con Hồ Quý Ly bị bắt về Kim Lăng, cả nhà bị ghép tội phản nghịch, đều đem xử cực hình, chỉ có Trừng và Nhuế vì có tài năng nên được ân xá. Sau do Trừng chế được sung thần công nên lại được làm quan ở bộ Công, thăng chức đến tả thị lang. Tuy làm quan to lộc hậu, nhưng Trừng vẫn không quên tổ quốc. Tên sách Nam Ông mộng lục, nghĩa là Tập sách tưởng nhớ quê hương của Nam Ông.
[Trên báo Thời nay số 1 ra ngày 4-1-2010 có bài “Hành trình tìm mộ nhà bác học Hồ Nguyên Trừng” của Lưu Phương Mai, cho biết nhóm bạn Trần Quang Đức, Nguyễn Trần Bảo Châu, Nguyễn Tăng Nghị, Trần Phước Sanh và Phó Đức Dương đang là NCS và sinh viên học một trường tại quận Hải Điện, cách sườn núi phía Tây, nơi được cho là có mộ của Hồ Nguyên Trừng, hơn 1 giờ xe bus, họ đã cất công tìm kiếm trong điều kiện thông tin ít ỏi. Thông tin hiếm hoi về Hồ Nguyên Trừng mà nhóm tìm được là những trích đoạn của học giả Trương Tú Dân có nhiều công trình nghiên cứu về những người An Nam thời Minh trong đó có nhắc đến việc Hồ Nguyên Trừng (đã đổi tên là Lê Trừng) sau khi mất đã chôn cất ở núi phía Tây, ngoại thành Bắc Kinh. Dù thông tin ít ỏi và mơ hồ, nhưng cả nhóm vẫn quyết tâm tìm kiếm, không nản chí. Sự quyết tâm của họ cũng được đền đáp một phần. Mộ Hồ Nguyên Trừng chưa tìm được, nhưng đã tìm thấy ngôi chùa Tú Phong mà văn bia của chùa do Hồ Nguyên Trừng soạn. Mấy dòng lạc khoản của văn bia cho biết chức tước của Hồ Nguyên Trừng là “Chính nghị đại phu Tư trị doãn Tả thị lang bộ Công, người Giao Nam Lê Trừng soạn”. Bài báo cho biết Hồ Nguyên Trừng sinh năm 1374, mất năm 1446].
178. Nguyễn Mộng Tuân 阮夢荀(TK.XV) tự Văn Nhược hiệu Cúc Pha, người làng Viên Khê huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa đậu Thái học sinh năm Thánh Nguyên 1 (1400) về sau đến Lam Sơn tham gia khởi nghĩa được Lê Lợi trọng dụng. Dưới triều Lê Thái Tông, ông giữ chức đô úy trung thư lệnh; đời Lê Nhân Tông ông cùng Lê Thụ đi đánh Chiêm Thành. Có Cúc Pha tập, vv (tr.68 T2).
179. Ngụy Khắc Tuần 魏克循 (1789-?) hiệu Thiện Phủ người làng Xuân Viên huyện Nghi Xuân. Năm Minh Mạng 7 (1828) đậu tiến sĩ, sau làm quan đến Thượng thư bộ Hộ, hiệp biên đại học sĩ có đi sứ Pháp. Có Xuân Viên thi tập, vv (tr.288 T1).
180. Trần Quốc Tuấn 陳國峻 (1226-1300) tôn thất nhà Trần sinh tại làng Tức Mặc huyện Mỹ Lộc, nay thuộc TP. Nam Định. Ông là con Trần Liễu và cháu vua Trần Thái Tông. Khi quân Nguyên xâm lược nước ta vào các năm 1284, 1285, 1287, 1288, ông được Trần Nhân Tông phong làm Tiết chế thủy bộ chư quân. Thế giặc lúc mới sang rất mạnh, ông phải cho quân sĩ tạm thời rút lui. Vua Nhân Tông lo sợ bàn với ông “Tạm hàng để cứu muôn dân”. Ông khảng khái trả lời “Bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu tôi đi đã”. Để động viên và thúc đẩy tinh thần binh sĩ, Trần Quốc Tuấn soạn sách Binh thư yếu lược, kèm theo một bài Hịch tướng sĩ để phát cho tướng sĩ học tập. Có người lấy mực thích vào cánh tay 2 chữ Sát Thát (tức giết giặc Thát tức giặc Nguyên) để tỏ lòng căm thù và quyết chiến. Dưới sự lãnh đạo tài tình của ông, lại được nhân dân cả nước ủng hộ, quân ta đã phá được giặc Nguyên, đuổi chúng ra khỏi bờ cõi. Ông được phong tới chức Hưng Đạo đại vương, nên người đời thường gọi ông là Trần Hưng Đạo. Có Binh thư yếu lược, Hịch tướng sĩ văn Vạn Kiếp tôn bia truyền thư (tr.238 T1).
181. Lê Tung 黎嵩(1451-?) nguyên tên là Dương Bang Bản 楊邦本 người làng Yên Lạc sau đổi Yên Cừ huyện Thanh Liêm, nay là Hà Nam [nay là thôn Chảy xã Liêm Thuận huyện Thanh Liêm]. Sau khi đỗ HG năm 1484, được Lê Thánh Tông ban quốc tính và đổi tên là Tung. Năm Hồng Đức 24 (1493) làm phó sứ sang nhà Minh mừng việc lập thái tử. Năm Cảnh Thống 2 (1499) được cử đi đón sứ Trung Quốc, năm Đoan Khánh 1 (1505) được bổ thừa tuyên xứ Thanh Hóa. Năm Đoan Khánh 3 (1507) làm Chánh sứ sang nhà Minh. Tham dự việc Lê Tương Dực khởi binh ở Tây Đô, được bổ Thượng thư bộ Lại, phong Đôn Thư bá, kiêm Quốc tử giám Tế tửu. Năm Hồng Thuận Quý Dậu (1513) được cử soạn văn bia tiến sĩ khoa Tân Mùi (1511). Năm sau được sai tóm tắt bộ sử của Vũ Quỳnh và bộ Việt giám thông khảo, soạn thành bài Tổng luận rất nổi tiếng (tr.64 T1).
182. Đặng Đình Tướng 鄧廷相(1649-1735), ông nguyên tên Đặng Thụy tự Đình Tướng, sau lấy tên tự làm tên, hiệu Chúc Trai còn gọi Chúc Ông người làng Lương Xá huyện Chương Đức (Chương Mỹ). Năm Cảnh Trị 8 (1670), đậu TS. Năm Chính Hòa 4 (1683) được cử làm phó sứ sang cống nhà Thanh (Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo làm chánh sứ). Sau vì ông theo nghề võ, Khang vương Trịnh Căn đổi ông làm đốc trấn Sơn Nam. Năm 1718 thăng đến Thái phó Quốc lão rồi về hưu. Sau lại được triệu ra làm Chưởng phủ sự, năm 80 tuổi mới thật về hưu gia tặng đại tư mã, khi mất được truy tặng đại từ đồ Ứng Quận công phong làm phúc thần. Có Chúc Ông phụng sứ tập, vv (tr.251 T1).
183. Doãn Uẩn 允蘊 (1795-1849), trước khi thi đỗ có
tên Doãn Ôn tự Ôn Phủ hiệu Xương Phái, người làng Ngoại Lãng huyện Thư Trì, Thái Bình. Năm Minh Mạng 9 (1828) đậu cử nhân, làm quan kiêm cả văn lẫn võ đến Trí dũng tướng quân và Hiệp biện đại học sĩ, tước Tuy Tĩnh tử. Trong khi đi đánh dẹp các nơi luôn ghi chép lại rồi biên tập thành sách như Doãn Tướng công hoạn tích, vv (tr.284 T1).
184. Trần Củng Uyên 陳鞏渊 (TK XV) người làng Ngoại lãng huyện Thư Trì, Thái Bình đậu TS 1496 Hồng Đức 27, làm quan đến chức hiến sát sứ. Ông là học trò Nguyễn Bảo có công biên tập thơ thầy thành Châu Khê thi tập (tr.75 T2).
185. Đỗ Huy Uyển 杜輝琬 (TK XIX) hiệu Tân Giang tự Viên Khuê, người làng La Ngạn huyện Đại An, Nam Định, đậu Phó bảng năm 1841 Thiệu Trị 1, sung biện lý bộ Hộ. Có Tự học cầu tinh ca (tr.20 T2).
186. Ngô Thì Ức 吳时亿 (1709-1736) tự Tuyết Trai tiên sinh, thuở nhỏ học cụ Đan Nhạc, lớn lên học tiến sĩ Vũ Huy là em Vũ Thạnh ở Đan Loan và Bùi Sĩ Tiêm. Ông học rộng cả bách gia chư tử, giỏi đàn, giỏi thuốc, năm 24 tuổi đậu hương tiến, trứ thuật khá nhiều, được phong Phong Trạch bá. Nay chỉ còn Nghi vịnh thi tập (tr.303 T1) và Tuyết trai thi tập (tr.93. T2).
187. Trần Văn Vi 陳文为 tự Thành Tư, hiệu Hoài Đông, người phường Đông Các, h. Thọ Xương, đậu cử nhân đồng khoa với Nguyễn Siêu, làm tri phủ Anh Sơn (1843), chính năm này ông soạn Quốc sử tập biên toản yếu đến năm 1848 thì làm xong. Khoảng năm1856 làm Sử quán toản tu, sau thăng hàm Thái bộc tự khanh thì mất, không rõ năm nào (tr.141 T1).
188. Đặng Xuân Viện 鄧春援(1880-1958) tự Phục Ba, tục danh Bốn Đễ, người làng Hành Thiện huyện Giao Thủy tỉnh Nam Định, con Đặng Xuân Bảng đậu TS khoa Tự Đức Bính Thìn (1856). Đặng Xuân Viện vốn dòng giõi nho học, chịu ảnh hưởng tân học Khang, Lương không chuyên về cử nghiệp, thiên về tân học chuyển sang nghiên cứu Việt văn, Việt sử đề cao tinh thần dân tộc. Khi Đặng Xuân Bảng mất, ông có câu đối:
Cực chi trời, cây lặng gió chẳng đừng, công thư kiếm chưa đền, ai rước cha đi vội mấy!
Tưởng đến đất, tre già măng lại mọc, gánh giang sơn còn đó, hội này con biết tính sao?(tr.382 T1)
189. Lương Thế Vinh 粱世荣(1441-?)tự Cảnh Nghị hiệu Thụy Hiên, người làng Cao Hương huyện Thiên Bản (Vụ Bản). Năm Quý Mùi Quang Thuận 4 (1463) đậu Trạng nguyên làm quan đến HLV thị thư kiêm Văn quán tú lâm cục tư huấn, dự Tao đàn sái phu. Ông được giao Hàn lâm chưởng viện sự lo nghĩ soạn giấy tờ bang giao với nhà Minh, được người Minh khen. Có Đại thành toán pháp, v v (tr.386 T1).
190. Ngô Thế Vinh 呉世荣 (1802-1856), ông còn có tên Trọng Phu, Trọng Nhượng và Trọng Dự, hiệu Trúc Đường, Khúc Giang, Dương Đình, người làng Bái Dương huyện Nam Trực tỉnh Nam Định, là em ruột Ngô Đình Thái. Năm Minh Mạng 10 (1929) đậu tiến sĩ làm quan đến Lễ bộ lang trung, bị cách chức, về nhà dạy học nhiều học trò đỗ đạt nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc . Có Trúc Đường khóa sách, [là tài liệu giảng học] và hơn chục tác phẩm khác (tr.61 T1).
191. Phạm Vọng (Thế kỷ XIX) tên tự Phục Trai hiệu Kim Giang, người làng Kim Đô huyện Võ Giàng, Bắc Ninh. Năm Thiệu Trị Tân Sửu (1841) đậu cử nhân. Có Khải đồng thuyết ước. Không rõ năm sinh năm mất (tr.255 T1).
Ngô Vui