Đã có lời giải 'câu đố' Đinh Lễ gọi vua bằng cậu
Thứ bảy - 30/03/2019 18:04
Đọc phả, sử thấy một số chi tiết liên quan mối quan hệ gia đình có điều bất ổn khiến chúng tôi phải để tâm tìm hiểu xem mối quan hệ đó thực sự thế nào. Trong quá trình gian nam kiếm tìm lời giải, chúng tôi đã phát hiện ra những sai sót, tuy không liên quan đến lời giải bài toán, nhưng cũng cần được nêu ra để nói lại cho đúng.
- Theo Ngô gia thế biên thì Ngô Từ là con rể Đinh Lễ (?).
- Lúc sinh thời, TS. Đinh Công Vĩ cho tôi biết theo phả họ Đinh thì Ngô Từ là anh rể Đinh Lễ
- Theo quốc sử thì Đinh Lễ là cháu gọi Vua bằng cậu.
Chi tiết này tuy không mấy quan trọng, nhưng cứ thấy áy náy trong lòng, vì Lê Lợi kém Ngô Từ 15 tuổi, thì sao lại có thể là cậu của Đinh Lễ?
Đo đó chúng tôi đã để tâm tìm hiểu xem mối quan hệ đó thực ra thế nào?
Trong quá trình tìm kiếm gian nan cho lời giải ‘câu đố’ đó, chúng tôi đã phát hiện ra những sai sót, tuy không liên quan đến lời giải bài toán, nhưng cũng cần được nêu ra để nói lại cho đúng.
Đọc Đất Lam Sơn, thấy giáo sư Vũ Ngọc Khánh viết “cháu ngoại của bố vợ Lê Lợi là Đinh Lễ”, tức vợ Lê Lợi và mẹ Đinh Lễ là hai chị em ruột, nhưng không thấy tác giả trình bày cụ thể mối quan hệ đó là thế nào.
Nhưng điều này là không đúng vì mẹ Đinh Lễ là vợ Công Hoằng, Công Hoằng thông gia với Ngô Kinh, Ngô Kinh là cha Ngô Từ. Cháu nội Ngô Kinh lấy cháu nội Lê Khoáng (cha Lê Lợi). Như vậy: Lễ-Từ-Lợi cùng hàng, vì vậy vợ Lê Lợi chỉ có thể là chị em với vợ Đinh Lễ, tức vợ Lê Lợi là con gái Bùi Quốc Hưng. Con cả Bùi Quốc Hưng là Bùi Đình Nghĩa sinh 1387; Lê Lợi sinh 1385. Bùi Đình Nghĩa sinh Bùi Thị Hý (1420) và Bùi Đình Khởi (1423). Em Bùi Đình Nghĩa là Bùi Bị, con Bị là Ban, Ban lấy con Ngô Từ (1370) là Ngọc Đức, chị Ngọc Đức là Ngọc Dao (1421), Ngọc Dao lấy Thái Tông. Như thế về niên biểu là phù hợp.
Kết luận: Lê Lợi là con rể Bùi Quốc Hưng.
Vũ Ngọc Khánh còn viết “vợ Lê Lợi còn có bà công chúa Huy Chân, vốn là con gái của Trần Duệ Tông, tránh nạn mà chạy vào Nghệ An...”.
Điều đó là không đúng vì Trần Minh Tông đã có con gái là Huy Chân rồi, nếu Duệ Tông lại có con Huy Chân thì bà cháu cùng tên nhau là không thể được. Lại vì Duệ Tông có 2 con gái lấy chồng năm 1375, trước khi Lê Lợi ra đời 10 năm thì Duệ Tông không còn con gái để gả cho Lê Lợi.
Tác giả còn cho biết vợ Bùi Quốc Hưng là Lê Thị Ngọc Trinh, vợ Đinh Lễ là Bùi Thị Liễu, vợ Bùi Bị là Lê Thị Ngọc Khiết và cả nhà Bùi Quốc Hưng đều ứng nghĩa Lam Sơn gồm: bản thân Bùi Quốc Hưng, hai con trai là Bùi Bị, Bùi Thụ, con gái là Bùi Thị Liễu; con rể là Đinh Lễ (chồng bà Liễu), con dâu là Lê Thị Ngọc Khiết (con gái Lê Văn An, vợ Bùi Bị).
Vợ Bùi Quốc Hưng là Nguyễn Thị Ngọc Mỵ, con gái Tĩnh Quận công Nguyễn Kỳ, người xã Vĩnh Lãng huyện Tống Sơn; còn Lê Thị Ngọc Trinh, con gái Lê Văn Thịnh là vợ Bùi Mộc Đức, mẹ Bùi Quốc Hưng (chứ không phải là vợ Bùi Quốc Hưng như giáo sư Khánh viết).
Cũng trong thời gian đi tìm lời giải cho ‘câu đố’nói trên, chúng tôi còn đọc được bài viết của tiến sĩ Mai Hồng trong Cội nguồn 4, NXB Văn hoá dân tộc/2001. Tác gỉa cho biết, ông đã khai thác từ 3 quyển phả họ Đinh: Phả Y Đún-Đô Kỳ (Hưng Hà, Thái Bình), Đinh gia thế phả và Đinh gia ngọc phả Đống Cao-Thanh Hà (Nông Cống, Thanh Hoá), và viết một bài giới thiệu về 3 quyển phả, về các di tích, rồi nhận xét “Có thể nói một câu đại đồng, tiểu dị là đủ”.
Chúng tôi cho rằng nhận xét đó là không thoả đáng, nó mới chỉ lướt qua bên ngoài chứ chưa đi vào bản chất bên trong. Bản chất bên trong chứa trong các mối quan hệ sau đây:
- Về quan hệ giữa Lê Lợi và Đinh Lễ.
Tác giả Mai Hồng cho biết, ông nội Đinh Lễ là Đinh Thỉnh từ sách Mỹ Lâm (Thuỵ Nguyên, Thanh Hoá) ra làng Đún Ngoại (Thần Khê, Thái Bình), làm gia sư cho phú ông họ Phạm, lấy con gái nuôi nhà ấy là Phạm Thị Gái, sinh ra Đinh Tôn Nhân. Khi Đinh Tôn Nhân đã lớn, hai cha con ông Đinh Thỉnh dắt nhau về quê nội Thanh Hoá tham gia phong trào Trần Quí Khoáng. Việc không thành, hai cha con ông lại tìm đến gia đình ông Lê Khoáng (bố Lê Lợi), xin làm quản gia. Lê Lợi xin cha gả em gái mình cho Đinh Tôn Nhân, Đinh Tôn Nhân sinh ra ba người con trai là Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt...
Thế thì đúng Lê Lợi là cậu Đinh Lễ rồi! Nhưng đáng tiếc, đó chỉ là sự phụ họa theo những điều không chuẩn xác trong Toàn thư mà thôi!
Ta biết, nhà Hậu Trần mất năm 1413, sớm nhất là vào năm này, cha con Đinh Tôn Nhân mới đến nhà Lê Khoáng, 5 năm sau đó, anh em nhà Đinh Lễ đã đứng dưới cờ nghĩa Lam Sơn rồi, thì làm sao 3 chàng trai họ Đinh đó lại là con của bà em gái Lê Lợi được?
- Về tổ ngoại họ Đinh.
Tiến sĩ Mai Hồng cho biết, theo phả Hưng Hà (Thái Bình), thì bà nội Đinh Lễ là Phạm Thị Gái (con nuôi phú ông họ Phạm); mẹ đẻ bà Gái là Bà Xang, nghèo khổ đến mức “đi cấy thuê giữa mùa đông giá lạnh, bụng đói, cật rét, rồi chết cóng trên một gò đất giữa đồng...”. Còn theo phả Nông Cống (Thanh Hoá) thì ông nội Đinh Lễ là Đinh Thỉnh “làm quan Thái uý-dự ban, Phò mã triều Trần”, tức bà nội Đinh Lễ là con gái tôn thất nhà Trần!
Vậy mà Tiến sĩ Mai Hồng cho là “tiểu dị”, không biết như thế nào thì mới được coi là “đại dị”?
- Đinh Tôn Nhân có phải là bố Đinh Lễ không?
Ba quyển phả họ Đinh nói trên (qua bài viết của tiến sĩ Mai Hồng) thống nhất nhau ở một điểm: Đó là bố của Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt là Đinh Tôn Nhân, nhưng đều không chép chức tước của ông này. Riêng bia ở từ đường họ Đinh tại cụm Di tích Sáo Đền (xã Song An huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) thì chép chức tước của Đinh Tôn Nhân là Thái uý, Hùng Quốc công. Nhưng Thái uý Hùng Quốc công lại là chức tước của một vị họ Đinh (Đinh công) làm quan vào đầu thời Lê Trung hưng (Trang Tông và Trung Tông), mất vào năm Chính Trị 5(1562) (TT, các tr.119,124,128,135/III).
Nếu Đinh công là Đinh Tôn Nhân, thì Đinh Tôn Nhân phải là cháu chắt Đinh Lễ, chứ không thể là bố Đinh Lễ được.
Những điều vừa dẫn ra ở trên không thể coi là “tiểu dị” .
Cần nói thêm rằng, suốt 180 năm nhà Trần, không có một ông họ Đinh nào là Thái uý Hùng Quốc công cả, chỉ có duy nhất một người có thể nói là làm quan to, đó là Đinh Củng Viên. Đinh Củng Viên làm quan đồng triều với Trần Nhật Duật, vào thời Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông, năm 1294 ông mất, được truy tặng Thiếu phó. Có thể ông này đã làm thông gia với Trần Nhật Duật.
Theo bia Sơn Lăng ở mộ bà Ngô Thị Ngọc Dao tại Lam Kinh, thì bà nội Đinh Lễ là Trần Thị Ngọc Huy, con gái thứ 3 của Trần triều Tá thánh Thái sư Chiêu văn đại vương Trần Nhật Duật. Theo phả họ Ngô, thì chồng bà Trần Thị Ngọc Huy là Đinh Thế Bỉnh, Thế Bỉnh sinh ra Công Hoằng, như vậy Đinh Công Hoằng mới là bố Đinh Lễ.
Chúng tôi phải mất nhiều năm cố tìm cách giải ‘câu đố’ hóc búa nói trên, nhưng không thể nào tìm ra lời giải.
Để thoát khỏi bế tắt, chúng tôi tìm đọc bản gốc sách Toàn thư thì thấy đoạn sau đây liên quan đến ‘bài ‘toán’ bí hiểm nói trên:
五 月 帝 遣 司 空 黎 禮 禮 帝 甥 本 姓 丁 賜 姓 黎
Ngũ nguyệt Đế khiển tư không Lê Lễ, Lễ Đế sanh bản tính Đinh tứ tính Lê - Tháng 5, vua sai Tư không Lê Lễ, Lễ là cháu gọi Vua bằng cậu, vốn họ Đinh được ban họ Lê (Bản kỷ Toàn thư Quyển X tờ 17a).
* Các cột từ trái sang phải chỉ quan hệ cha-con.
* Mũi tên kép chỉ quan hệ vợ -chồng
Tra Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, thấy chữ “sanh” có 2 nghĩa là cậu và con rể. Tôi dùng nghĩa 2 thì giải được bài toán. Kết quả như trong bảng ở trên. Niên biểu ở 2 cột cuối cùng nói lên sự kết nối trên là chính xác.
Qua một vài chi tiết được trình bày trên, cho thấy, việc đối chiếu niên đại là cực kỳ quan trọng, không chỉ trong khi biên soạn phả ký của một chi họ, mà ngay trong việc biên soạn sách cho dù đó là về Lịch sử hay chuyên khảo, tham khảo.
Và người dịch sách có trách nhiệm thì xin đừng dấu thông tin hay nói cách khác là đừng áp đặt cách hiểu của mình lên bạn đọc.
Ngô Vui