Hôi thảo lần này đã kết luận rõ ràng 2 vấn đề: Vị trí của Ngô Quyền được khẳng đinh chỉ sau các Vua Hùng có công dựng nước; và đền đài tưởng niệm sẽ được xây dựng tại Khu Di tích đặc biệt Cổ Loa.
Như tin đã đưa, ngày 25/3/2019 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học: Ngô Quyền và sự nghiệp trung hưng đất nước. Tham luận của các nhà khoa học và các vị đại biểu đã được in thành tập Kỷ yếu Hội thảo. Sau khi đọc toàn bộ tập Kỷ yếu, ông Ngô Vui, Chủ tịch Hội đồng Họ Ngô Việt nam đã có nhận xét sơ bộ về hình thức và nội dung cuốn sách, đồng thời tham gia ý kiến đối với một số nội dung bài viết.
Dưới đây xin giới thiệu toàn bộ nội dung góp ý của ông Ngô Vui.
GÓP Ý VỀ TẬP KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC
NHÂN KỶ NIỆM 1080 NĂM NGÔ QUYỀN XƯNG VƯƠNG
ĐỊNH ĐÔ TẠI CỔ LOA (939-2019)
NGÔ QUYỀN VÀ SỰ NGHIỆP TRUNG HƯNG ĐẤT NƯỚC
Kính gửi: Ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội
Hưởng ứng lời kêu gọi của ông: “Bên cạnh các tham luận đã gửi Ban Tổ chức, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các vị đại biểu xung quanh chủ đề của Hội thảo khoa học”, nên chúng tôi có bài viết sau đây gửi đến ông.
Tôi, Ngô Vui, Chủ tịch Hội đồng họ Ngô Việt Nam vô cùng biết ơn Trung tâm và ông Giám đốc cùng đội ngũ cán bộ của Trung tâm chỉ trong một thời gian ngắn chuẩn bị đã tổ chức thành công Hội thảo Khoa học quan trọng bậc nhất này để khẳng định vị trí của người Anh hùng dân tộc, vị Tổ Trung hưng đất nước, chỉ sau các vị Tổ Dựng nước là các Vua Hùng; vị vua mưu tài đánh giỏi làm nên công tái tạo, đứng đầu các vua, mà xưa nay chưa được ghi nhận thỏa đáng.
Hội thảo khoa học lần này đã khẳng định đúng vai trò của Ngô Quyền trong tiến trình Lịch sử hơn một ngàn năm của dân tộc Việt ta. Đã loại bỏ tham vọng dựng Đinh Tiên Hoàng là vĩ nhân đứng trên Ngô Quyền của Ninh Bình.
Tham dự Hội thảo, được nghe các nhà Khoa học đầu ngành về Sử học, Khảo cổ học, Bảo tồn bảo tàng, các nhà nghiên cứu Văn hóa v.v… chúng tôi vô cùng phấn khởi vì ý kiến của các vị và kết luận của Hội thảo Khoa học lần này đã giải tỏa được nỗi bức xúc của con cháu dòng họ Ngô bấy lâu nay về vị trí lịch sử của Ngô Quyền, về công trình tưởng niệm, như Anh hùng Lao động, Nhà Văn hóa Việt Nam, Giải thưởng Hồ Chí Minh Vũ Khiêu đã từng viết trong Lời giới thiệu Phả hệ Họ Ngô Việt Nam năm 2003: “Như với Ngô Quyền, chúng ta chưa đặt được vào một vị trí lịch sử xứng đáng hơn, chưa làm nổi bật lên vai trò của người anh hùng dân tộc đã chính thức kết thúc một ngàn năm sống và chiến đấu gian khổ của dân tộc dưới ách thống trị của phương Bắc, người đã với chiến công oanh liệt của mình, mở đầu cho thời kỳ độc lập tự cường của dân tộc. Về mặt tưởng niệm cũng chưa có những công trình nào đáng kể về xây dựng đền đài, lăng miếu ngang tầm với danh nhân khác.”.
Hội thảo Khoa học lần này, tuy thời gian ngắn chỉ một buổi, nhưng qua công tác chuẩn bị công phu, chu đáo, Hôi thảo đã kết luận rõ ràng 2 vấn đề không chỉ con cháu dòng họ Ngô mà cả GS. Vũ Khiêu đã trăn trở bấy lâu nay: Vị trí của Ngô Quyền được khẳng đinh chỉ sau các Vua Hùng có công dựng nước. Về đền đài tưởng niệm: sẽ được xây dựng tại Khu Di tích đặc biệt Cổ Loa.
Một lần nữa xin tri ân Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội.
Sau đây, chúng tôi xin tham gia một số ý kiến về tập Kỷ yếu.
Về Nội dung: phân bố các bài tham luận đều cho cả 3 phần.
Các bài viết đều có chất lượng, đặc biệt là của các tác giả là các nhà khoa học đầu ngành.
Về hình thức: trình bày và in ấn đẹp. Tập kỷ yếu lịch sự, bắt mắt, kích thích người đọc.
Sau đây là những góp ý cụ thể:
1). Về quê hương Ngô Quyền. Ông tổ 6 đời Ngô Quyền quê Thanh Hóa, cha ông là Ngô Mân sinh ra ở Thanh Hóa, đã làm quan ở quê hương Thanh Hóa, sau được điều ra làm quan ở Sơn Tây, thì mặc nhiên quê gốc Ngô Quyền là Thanh Hóa, sinh quán là Đường Lâm, Sơn Tây, đâu cần phải tranh luận dài dòng. Các vị tham dự Hội thảo về xem lại lý lịch các vị và con các vị khai quê quán thế nào thì chắc sẽ rõ?
2). Về năm sinh Ngô Quyền, Toàn thư không ghi mà chỉ viết: 前吳王在位六年夀四十七 (Tiền Ngô Vương ở ngôi 6 năm thọ 47 tuổi). Người dịch Toàn thư đã căn cứ vào năm mất 944, trừ đi 6 thành 938. Đây là cách tính tuổi thọ theo “tuổi dương” là không đúng vớí cách tính tuổi thọ của Á Đông là tuổi thọ phải cộng thêm 1 năm khi thai nhi nằm trong bụng mẹ. Như vậy khi tính năm sinh Ngô Quyền phải lấy năm dương 938 trừ đi 1 thành 937, đúng là năm sinh của Ngô Quyền chép trong phả của họ Ngô là năm Đinh Tỵ
Ngoài Ngô Quyền, người dịch Toàn thư cũng tính sai tuổi thọ của Lê Hoàn. Khác với Ngô Quyên, Lê Hoàn có năm sinh là năm Thiên Phúc thứ 6 thời Tấn (941). Người dịch Toàn thư đã tính năm mất của Lê Hoàn khi thì theo “tuổi dương”; khi thì theo “tuổi âm” nên tự mâu thuẫn:
Tại trang 220.T1/1993: “Lê Hoàn ở ngôi 24 năm thọ 65 tuổi (941-1006)”, nhưng đến tr.231 thì viết: “Ất Tỵ Ứng Thiên thứ 12 (1005), mùa xuân, tháng 3 vua băng ở điện Trường Xuân…” .
Nói riêng các vị vua thì còn có 2 vị sau đây Toàn thư chép sai tuổi thọ: Lý Nhân Tông (1066 - 1127) thọ 63 tuổi là sai (đúng thì chỉ có 62 tuổi) và Lê Thái Tổ (1385 - 1433) thọ 51 tuổi là sai (đúng chỉ có 49).
Tôi đã để tâm nghiên cứu vấn đề “tuổi âm, tuổi dương” từ lâu và đã phát hiện khá nhiều nhân vật lịch sử có 2 năm sinh hoặc 2 năm mất do người thì tính theo “tuổi âm”, người thì tính theo “tuổi dương”, như: Dương Văn An (1513/14-1591); Trần Danh Án (1754/55-1794); Phạm Nguyễn Du (1739/40 - 1787/86); Hồ Sĩ Dương (1621/22 - 1681); Nguyễn Đức Đạt (1823/24 - 1887) v.v… có hàng trăm vị như thế.
3). Một số ý kiến chung về các bài viết của các vị ‘cao danh’, tôi không dám bình phẩm mà chỉ nêu ra vài sai sót trong các bài viết ấy.
3-1) Bài “Ngô Quyền - vua đứng đầu các vua” của TS. Nguyễn Viết Chức dẫn Việt Nam quốc sử diễn ca của Hồ Chí Minh viết về Ngô Quyền:
“Ngô Quyền quê ở Đường Lâm/ Cứu dân ra khỏi cát lầm ngàn năm”
thì chữ "quê" không đúng mà là chữ "người" (HCM Toàn tập, T3, tr.222, dòng 17-18)
Tức là: Ngô Quyền người ở Đường Lâm
Cứu dân ra khỏi cát lầm ngàn năm.
3-2) Bài “Ngô Quyền và sự nghiệp mở nước xưng vương” của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc đã dẫn sai câu đối duy nhất cho thấy sự hiện diện của Ngô Quyền ở Cổ Loa:
Thục quốc sơn hà nguyên cổ Việt
Loa thành cung cấm tự tiền Ngô.
Ở đây, vế thứ 2 sai 2 từ: “cấm” và “tự”.
Câu đối đúng như sau: Thục quốc sơn hà nguyên cổ Việt
Loa Thành cung tẩm xướng Tiền Ngô
Nguyên văn chữ Hán: 蜀 國山河原古越
螺城宮寑倡前吳
3-3) Bài “Khảo cổ học với việc tìm hiểu các di tích thời Ngô Quyền ở Cổ Loa” của PGS.TS Tống Trung Tín cũng dẫn câu đối đúng y như câu đối trong bài của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc ở trên. Nhưng trong chú giải có dẫn sách “Lịch sử Việt Nam tập I. Nxb Giáo dục Việt Nam, H, tr.476.
Như vậy cái sai của PGS.TS Tống Trung Tín lại xuất ra từ GS.TS Phan Huy Lê!
(Trong bài của ThS Nguyễn Quang Hà dùng chữ “xướng” 唱 là không đúng nguyên bản)
3-4) Bài “Sử liệu chữ viết về Ngô Quyền và triều đại Ngô Vương tại Cổ Loa” cua ThS. Nguyễn Quang Hà là một bài viết công phu, nhưng cũng xin nói lại một số điểm cho rõ:
a). Tác giả viết: “Ngọc phả của xã Lương Xâm do Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và sao lại năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1737) ghi thân phụ ông là Ngô Côn thân mẫu là người họ Phạm. Còn các sử liệu thư tịch trong sử cũ lại ghi thân phụ ông là Ngô Mân có lẽ nhầm lẫn chữ “Côn” 昆 và chữ “Mân” 旻 tự hình gần giống nhau?. Tác giả cho biết nguồn từ bài viết của Nguyễn Hữu Mùi trong sách Ngô Quyền với Cổ Loa. Rõ ràng về tự dạng 2 chữ nói trên không thễ lẫn lộn nhau được. Cha Ngô Quyền là Ngô Côn hay Ngô Mân là ở trong hai nguồn tài liệu khác nhau. Cha Ngô Quyền là Ngô Côn lấy từ Thần tích đền Cấm và An Trì thì tiên tổ Ngô Quyền tên là Tùng, vốn người Bắc quốc, cuối thời Đông Hán vì loạn to (…) , lánh sang nước Nam, lấy vợ ở Đường Lâm người họ Đỗ sinh 3 trai là Tương, Lý, Đỗ. Tương sinh Vinh. Vinh sinh 6 trai trưởng là Xuân. Xuân giúp Triệu Quang Phục chống đô hộ. Xuân sinh Hoa. Hoa sinh Côn, Côn lấy vợ người họ Phạm ở Đường Lâm, sinh 2 trai, 1 gái, trưởng là Ngô Quyền”.
Bản thần tích này chúng tôi có chép trong Phả hệ họ Ngô Việt Nam/2003 và 2011 với lời bình: Từ Tùng sang Việt Nam cuối thời Đông Hán (25-220), đến đời thứ 7 là Ngô Quyền (…) tính ra mỗi đời gần 100 năm là điều không thể có được (sđd. tr.20-21/2003 và tr17/2011).
Còn cha Ngô Quyền là Ngô Mân là lấy từ phả Hán Quốc công Ngô Lan soạn năm 1477.Tiên tổ Ngô Quyền là Ngô Nhật Đai (tham gia khởi nghia Mai Thúc Loan 722). Đại sinh Dụ. Dụ sinh Hạo. Hạo sinh Thực. Thực sinh Mân. Mân sinh Quyền.
b). Tác giả viết: “Tuy nhiên gần đây trong phần viết: “ Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng năm 938” in trong Lịch sử văn hóa Việt Nam tiếp cận bộ phận GS. Phan Huy Lê đã dựa vào Việt Nam quốc sử diễn ca và bản thần tích của đền Yên Nhân (Chương Mỹ, Hà Nội) nêu ra dẫn chứng Ngô Quyền lấy vợ trước khi vào Thanh Hóa theo Dương Đình Nghệ: “Trong số phụ nữ tham gia cuộc kháng chiến có tên tuổi Dương Phương Lan là người bạn đời của Ngô Quyền từ trước khi vào Thanh Hóa theo Dương Đình Nghệ và trở thành con rể họ Dương…”
Về bà Dương Phương Lan này, ban đầu chúng tôi cũng tưởng là vợ Ngô Quyền thật nên bản thân cũng như Ban Khoa học của Hội đồng Họ Ngô Việt Nam đã nhiều lần về đây điền dã tìm hiểu và xin được chụp toàn bộ sắc phong của đình làng Yên Nhân. Khi về nhà đọc kỹ các sắc phong thì hóa ra không phải vậy. Chúng tôi chỉ nêu vắn tắt 3 lí do dẫn đến kết luận trên: Một là Bà Dương Phương Lan này là con gái ông Dương Công Đính (chứ không phải Dương Đình Nghệ). Hai là bà chết 10/10 ngay tại làng và ngày này là ngày lễ trọng của dân làng Yên Nhân chứ không hề tham gia đánh trận Bạch Đằng và hi sinh, đươc Ngô Quyền đưa về Yên Nhân mai táng; trong khi trận chiến Bạch Đằng diễn ra vào mùa đông, tháng chạp năm Mậu Tuất. Ba là Bà Dương Phương Lan là sản phẩm của Thiên Nam ngữ lục, thần tích do người làng biên soạn dựa vào đó.
NNC Nguyễn Văn Chiến có bài “Niên đại cổ tự, cổ vật chạm khắc di tích xác định Dương Phương Lan không phải Hoàng hậu Ngô Quyền” và là người sống sau Ngô Quyền chừng 700 năm, như bà Đào/ Đỗ Thị Sa ở Dục Tú vậy.
Tác giả bài viết còn cho biết, năm 1999 khi biên soạn giáo trình Đại cương Lịch sử Việt Nam tập I, GS. Trương Hữu Quýnh khẳng định vợ Ngô Quyền là Dương Phương Lan.
Tất cả các tác gia nêu trên viết về vợ Ngô Quyền là Dương Phương Lan, hay thứ phi Đào/Đỗ Thị Sa chỉ dựa và Thiên Nam ngữ lục và thần tích thần phả mà biên soạn thì sai lầm là điều khó tránh, vì khi ấy nguồn tư liệu chỉ có vậy mà thôi; nhưng nay đã có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, đặc biệt là của Hội đồng họ Ngô Việt Nam, thì từ bây giờ khi viết về Ngô Quyền mong các nhà chép sử cần đọc kỹ các nghiên cứu của chúng tôi (đều công bố trên ngotoc.vn); nếu cần hai bên sẽ tổ chức hội thảo để tranh biện.
3-5) Trong tập Kỷ yếu có 2 tác giả Nguyễn Quang Hà và Nguyễn Thị Hạnh đề cập đến giai thoại một số nhân vật có danh nào đó trong lịch sử tình cờ gặp nhau, đối đáp với nhau bằng câu hát TAY CẦM BÁN NGUYỆT XÊNH XANG, thế rồi ‘phải lòng’ nhau đi tới hôn nhân.
Nguyễn Quang Hà viết: “Mô típ trên giống hệt với truyền thuyết về Ỷ Lan thời Lý với vua Lý”. Có lẽ Nguyễn Quang Hà đã lấy thông tin trên từ cố PGS Chu Quang Trứ khi viết về bà Chúa Mía đăng trên Tạp chí kiến trúc số 3-1997. Ông Trứ có viết như thế nhưng không cho biết hoàn cảnh cụ thể thế nào và đối đáp ra sao.
Chúng tôi đã tập hợp được 5 trường hợp, theo trình tự thời gian cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Là trường hợp bà Nhị Phi Nữ Hoằng của vua Lê Thánh Tông.
Nữ Hoằng đáp: Lòng em cũng muốn mở mang cơ đồ.
Trường hợp 2: Là trường hợp bà Chúa Mía với chúa Trịnh Tráng.
Bà chúa Mía đáp: Nửa lo việc nước nửa toan việc nhà.
Trường hợp 3: Là trường hợp bà Hoàng Phi người Quả Cảm của chúa Trịnh Căn.
Bà Phi Quả Cảm đáp: Nửa lo việc nước nửa toan việc nhà.
Trường hợp 4: Là trường hợp bà Trương Thị Ngọc Chử của Tấn Quang vương Trịnh Bính.
Bà Trương Thị Ngọc Chử đáp: Một trăm thức cỏ lai hàng tay ta.
Trường hợp 5: Là trường hợp Hoàng phi Nguyễn Thị Kim với vua Lê Chiêu Thống.
Bà Hoàng phi Nguyễn Thị Kim đáp: Trăm ngàn lá cỏ lai hàng tay ta
Nguyễn Thị Hạnh giới thiệu một trường hợp nữa liên quan đến Bà Đào/Đỗ Thị Sa với Ngô Quyền. Nhưng bà Sa là CUNG PHI VƯƠNG PHỦ, tức là phi của một vị chúa Trịnh nào đó sống sau Ngô Quyền 700 năm, vì thế chúng tôi cho rằng giai thoại đó là sản phẩm của trí tưởng tượng của ai đó muốn kéo bà Cung phi Vương phủ quê Dục Tú qua quãng thời gian 700 năm để đến với Ngô Quyền. Do vậy mà đã không liệt kê vào danh sách trên.
3-5) Bài “Từ những dấu tích về Ngô Vương đến việc vinh danh tên tuổi Ngô Vương trên Mảnh đất Cổ Loa lịch sử” của Nguyễn Thị Hạnh (Phòng VHTT huyện Đông Anh).
Đây là bài viết đáng thất vọng của bà Hạnh. Chính bà đã từng cùng với NNC Nguyễn Văn Chiến và Ngô Minh đi tổ chức thẩm định gia phả họ Đỗ của bà Đào/Đỗ Thị Sa, đi dập bia về bà Sa thì hẳn bà Hạnh không thể không biết đến kết quả nghiên cứu của ông Chiến và ông Minh. Lại nữa, sau khi tổ chức biên tập Kỷ Yếu Hội thảo Khoa học Ngô Quyền với Cổ Loa/2014, Hội đồng Họ Ngô Việt Nam đã cho in thành sách, mang đến tận UBND huyện Đông Anh tặng cho địa phương 30 quyển; trong đó có đăng bài viết của bà Hạnh và bài của 2 ông Chiến, Minh. Chẳng lẽ bà Hạnh không hề biết và không hề đọc quyển sách đó. Tôi không tin điều đó. Thế thì tại sao, trong bài viết của mình lần này, bà Hạnh vẫn viết lại nguyên si những gì bà đã viết lần trước về truyền thuyết bà Đào/Đỗ Thị Sa là phi của Ngô Quyền, về phần mộ Đức Bà (tức bà Sa)...
Phải chăng là bà Hạnh muốn níu kéo những truyền thuyết đẹp ấy lại cho quê hương mình, dù biết nó không đúng?.
Theo chúng tôi, văn hóa không thể tách rời lịch sử; nếu văn hóa mâu thuẫn với lịch sử thì phải kiên quyết cắt bỏ, dù điều đó là không dễ. Nếu văn hóa không gắn với lịch sử, là một thứ văn hóa vô thưởng vô phạt, thuần túy chỉ là để mua vui, giải trí thì thứ văn hóa đó chẳng đáng phải quan tâm bàn thảo.
3-6) Bài “Ngô Quyền: Chiến thắng Bạch Đằng, Định đô Cổ Loa, Xưng Vương dựng triều đại nhà Ngô, mở ra kỷ nguyên mới quốc gia độc lập phát triển” của 2 tác giả Nguyễn Văn Chiến và Ngô Minh. Hai tác giả cho biết đã căn cứ vào sách Thiên Nam ngữ lục (Thế kỷ XVII) và Đại Nam Quốc sử diễn ca (Thế kỷ XIX) đều nói: “Nam Hưng là tên cha của Ngô Quyền và Càn Hưng là tên Ngô Quyền”. Không rõ vì lý do gì mà 2 tác giả bài viết lại nêu ra điều đó. Chúng tôi đa cẩn thận kiểm tra Đại Nam Quốc sử diễn ca thì không có câu nào cho biết Ngô Hưng là cha Ngô Quyền; còn Càn Hưng chính là Ngô Quyền. Chúng tôi cũng kiểm tra Thiên Nam ngữ lục thì tìm thấy câu 3154 viết: “Ngô Hưng nhân loạn lỡ làng bỏ con”. Ta có thể hiểu Ngô Hưng là cha Ngô Quyền; còn không có câu nào nói Càn Hưng chính là Ngô Quyền. Đó là nói cho cùng kỳ lý, chứ thực ra cả Toàn thư lẫn Việt sử lược đều cho biết Nam Hưng và Càn Hưng là con thứ Ngô Quyền, em Ngô Xương Văn, đúng như trong Phả hệ Họ Ngô Việt Nam (Toàn thư: tr.206 T1/1993; Việt sử lược tr.42 NXB Văn Sử Địa/1960).