Các nhân vật trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (Kỳ I)

Thứ ba - 21/05/2019 18:04

Trần Văn Giáp (1898-1973) là một nhà khoa học xã hội và nhân văn, nhà thư tịch học xuất sắc của Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tập “Tìm hiểu kho sách Hán Nôm” của ông là một bộ thư mục, giới thiệu trên 300 tác giả Việt Nam với tiểu sử rõ ràng và 470 bộ sách Hán Nôm được chọn lọc, tổng hợp, hồi cố, có phân tích kỹ lưỡng, nó như một tấm gương phản ánh kho tàng sách phong phú của dân tộc Việt Nam. HNVN xin trân trọng giới thiệu phần tổng hợp của tác giả Ngô Vui về các nhân vật trong bộ sách này để bà con và độc giả tham khảo.
 
c

1. Chu An 朱安 (?-1370) tự Linh Triệt hiệu Tiều Ẩn, thụy Văn Trinh, tôn hiệu Khang Tiết tiên sinh, người xóm Văn Thôn làng Quang Liệt huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đậu Thái học sinh triều Trần, không ra làm quan ở nhà dạy học, gần xa nức tiếng. Trần Minh Tông mời ông ra giữ chức QTG tư nghiệp. Đời Dụ Tông chính trị đổ nát, gian thần lộng quyền. Trong khoảng năm 1341-1369 ông dâng sớ xin chém 7 kẻ  nịnh thần, không được vua trả lời, ông xin từ chức lui về ở ẩn ở núi Kiệt Đặc (tức núi Phượng Hoàng huyện Chí Linh). Sau khi ông mất (tháng 12 năm 1370) được đưa vào thờ ở Văn Miếu. Có Tứ thư thuyết ước, vv (tr.220 T2).

2. Dương Văn An 楊文安(1513-?) tự Tỉnh Phủ, người làng Tuy Lộc (Tuy Phúc) huyện Lệ Thủy, Quảng Bình thiên cư ra làng Phú Diễn huyện Từ Liêm. Khoa Đinh Mùi Vĩnh Định 1 (1547) đời Mạc Phúc Nguyên đậu đồng tiến sĩ. Làm quan nhà Mạc từ Lại khoa cấp sự trung thăng đến Lại bộ tả thị lang rồi Thượng thư, tước Sùng Nham hầu, khi mất được tặng Tuấn Quận công. Có Ô Châu cận lục (tr.354 T1).

3. Trần Danh Án 陳名案 (?-1794) hiệu Liễu Am, người làng Bảo Triện huyện Gia Bình, Bắc Ninh. Đậu HG năm 1787 Đinh Mùi Chiêu Thống 1. Năm 1789  Chiêu Thống chạy sang Tàu, ông bị ốm không theo được, trốn về quê. Tây Sơn vời ra làm quan, ông không ra. Ông cùng với Trần Quang Châu, Dương Đình Tuấn khởi binh chống lại Tây Sơn. Sau khi nghe tin Chiêu Thống mất, ông quay mặt về phương Bắc kêu gào rồi chết. Có đến 6 tác phẩm trong đó có Liễu Am thi tập (tr.200 T2).

4. Vương Sư Bá 王師霸 (TK XV) tự Trọng Khuông hiệu Nham Khê, người xã Đông Yên huyện Khoái Châu, Hưng Yên, làm tri phủ trong khoảng Diên Ninh (1454-1459) và Quang Thuận (1460-1469). Có Nam Khê thi tập (tr.83 T2).

5. Đặng Xuân Bảng 鄧春榜 (1828-?) [1828-1919], hành trạng Đặng Xuân Bảng do con rể ông là Nguyễn Xuân Chúc soạn từ khi sinh cho đến 70 tuổi Đinh Dậu Thành Thái 9 (1897), do vậy không có năm mất. Ông đậu tú tài 1846, 1848, đậu cử nhân 1852, đậu tiến sĩ 1856 cùng khoa với Ngụy Khắc Đản đậu Đình nguyên thám hoa, làm quan từ giáo thụ đến tuần phủ. Ông là người thích sách và thích đọc sách đủ các thể loại, đọc đến cả thiên văn, địa lý, bói toán và biên khảo hơn chục đầu sách, trong đó có 2 quyển in năm 1895, 1896(tr.290 T1).

6. Nguyễn Bảo 阮保 (TK XV) hiệu Châu Khê người làng Phương Lai (Phúc Lạc) huyện Vũ Tiên, Thái Bình. Năm 1472, Hồng Đức 3, đậu TS, Đông các giữ chức Xuân phường tả tư giảng, dạy thái tử học. Đời vua Hiến Tông (1497-1504) giữ chức thượng thư bộ Lễ. Có Châu Khê thi tập và soạn văn bia am Hiển Thụy ở núi Phật Tích (Sài Sơn) (tr.75 T2).

7. Quách Đình Bảo 郭廷宝 [1440-?] người xã Phúc Khê, huyện Thanh Lan (nay thuộc Thái Bình). Năm 24 tuổi đậu Hội nguyên khoa Quý Mùi Quang Thuận 4 (1463), thi đình đậu Thám Hoa. Mới làm quan trong triều được bổ ngay chức Hàn lâm trực học sĩ. Năm Hồng Đức Canh Dần (1470) được cử sang sứ Trung Quốc trình bày mọi việc. Khi về được thiên Đông các hiệu thư thăng phó đô ngự sử kiêm Tả xuân phường Tả trung doãn. Năm Hồng Đức Quý Mão (1483) được cử cùng Thân Nhân Trung soạn sách Thiên Nam  dư hạ tập và sách Thân chinh ký sự rồi thăng Thượng thư bộ Lễ. Năm Hồng Đức Giáp Thìn (1484) được giao xét kỹ các tên trong bảng tiến sĩ từ khoa Đại Bảo Nhâm Tuất (1442) đến khoa Giáp Thìn (1484), khắc bia đá dựng ở nhà thái học. Sau ông được thiên Thượng thư bộ Hình rồi mất, không rõ năm nào (tr.215 T1).

8. Bùi Huy Bích 裴輝壁(1744-1818) tự Hy Chương hay Ảm Chương, hiệu Tồn Am, Tồn Am lệnh tẩu hay Tồn Ông, tước Kế Lược hầu, người làng Định Công sang ở làng Thịnh Liệt huyện Thanh Trì. Năm 9 tuổi theo cha là Bùi Dụng Tân đi dạy học ở làng An Lâu, huyện Thanh Miện, Hải Dương. Năm 17 tuổi theo học Nguyễn Bá Chữ, người làng Linh Đường (TS Cảnh Hưng Giáp Tuất (1754)). Năm 19 tuổi đậu Á nguyên trường Sơn Nam năm Cảnh Hưng Mậu Ngọ (1762), rồi theo học Bảng nhãn Lê Quý Đôn, được Lê Quý Đôn giúp đỡ về vật chất và học hành. Năm Kỷ Sửu Cảnh Hưng 30 (1769) đậu Đình nguyên chánh tiến sĩ (HG). Khoảng năm 1777 đến 1781, làm đốc đồng Nghệ An sau làm hành Tham tụng. Năm 1786 ra làm giám quân. Sau hồi loạn lạc, vì đau yếu cáo hưu rút lui về Sơn Tây và Hải Dương. Ông có dạy học, nhưng học trò không quá 20 người, toàn là những bậc danh tài như Hà Tông Quyền, Lê Tông Quang, Doãn Uẩn. Khi về già ông sai các con biên tập thơ văn của ông thành tập có đến gần chục tập trong đó có Thoát Hiên văn tập, Hoàng Việt thi tuyển,v v. Năm 1802 ông trở về Hà Nội nhưng không ra làm quan với Gia Long rồi mất (tr.222 T1).

9. Lương Ngọc Can 粱玉玕 (1854-1927) tự Ôn Như hiệu Sơn Lão người làng Nhị Khê huyện Thường Tín, Hà Nội. Năm 17 tuổi đã dự thi hương vào tam trường, năm Quý Dậu, gặp lúc Pháp đánh Hà Thành phải hoãn thi, đến năm sau 1874 Giáp Tuất Tự Đức đậu cử nhân. Con cả Lương Trúc Đàm 25 tuổi đậu cử nhân, con thứ Ngọc Nhiễm 15 tuổi đậu tú tài con thứ 3 Ngọc Quyến. Năm 1907, Quyến và Nhiễm trốn ra nước ngoài qua TQ rồi sang Nhật, Quyến bị Nguyễn Bá Trác thông mưu với Pháp bắt về Hà Nội tra hỏi đồng đảng không được bị giam ở ngục tỉnh Thái Nguyên, trong ngục, Quyến vận động phá tỉnh đánh giết quân Pháp được vài tháng thì tử trận. Ngọc Nhiễm ở Nhật sang Cao Miên bị ốm chết, Lương Ngọc Can ở Hà Thành cùng các đồng chí mở ra trường Đông Kinh nghĩa thục dạy tân học, sau vài tháng thì bị cấm. Năm 1902 vụ Hà Thành đầu độc, ông bị án 10 năm biệt xứ ở Nam Vang, sau được giảm án đến 1921 được tha về nước đến 13 tháng 5 Đinh Mão thì mất. Có Quốc sự phạm lịch sử, vv (tr.312 T1).

10. Trần Cảnh 陳璟 (1683-1757) người làng Điền Trì tổng Đột Lĩnh huyện Chí Linh, Hải Dương, đậu đồng tiến sĩ khoa Mậu Tuất Vĩnh Thịnh 14 (1718), làm quan dưới triều Cảnh Hưng. Tuy là văn quan nhưng ông am hiểu binh pháp có nhiều mưu lược được chúa Trịnh Doanh tin dùng, tham gia tích cực trong việc dẹp yên các cuộc khởi nghĩa Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Nguyễn Hữu Cầu. Ông làm quan đến Lễ bộ Thượng thư, tước Diệu Quận công, đã về hưu lại được mời ra làm khuyến nông sứ 2 huyện Nam Sách và Kinh Môn. Ông là người cương trực thanh liêm. Làm quan suốt 10 năm, khi mất vẫn ở túp nhà tranh vách đất, không có ruộng đất của cải riêng. Có Minh nông phả (tr.388 T1). Con ông là Trần Tiến cũng đỗ TS khoa Mậu Thìn 1748 làm quan đến phó đô ngự sử.

11. Đỗ Cận 杜覲(1433-?) tự Hữu Khác hiệu Phổ Sơn, người làng Thống Thượng huyện Phổ Yên, Thái Nguyên. Nguyên tên thực là Đỗ Viễn, sau khi thi đậu làm quan được vua Lê Thánh Tông đổi tên là Đỗ Cận. Năm 45 tuổi đỗ đồng tiến sĩ khoa Mậu Tuất Hồng Đức 9 (1478). Sau khi thi đỗ ông làm quan trong triều rồi bổ làm tham nghị xứ Quảng Nam. Năm Quý Mão Hồng Đức 14 (1483) được cử làm phó sứ tuế cống triều Minh. Trong khi đi sứ ông có làm sách Kim Lăng ký bằng quốc âm được nhiều người truyền tụng (tr.355 T1).

12. Vũ Cận 武菫 (1527-?) tự Thuần Phủ người làng Lương Xá huyện Lang Tài, đậu TS năm1556 Quang Bảo 3 đời Mạc Phúc Nguyên. Năm 1581 Diên Thành 3 đời Mạc Mậu Hợp làm Phó sứ sang tuế cống nhà Minh. Khi về được thăng Thượng thư bộ Hộ tước Xuân Giang hầu. Năm 1593, nhà Mạc chạy lên Cao Bằng ông về với nhà Lê vẫn được chức tước cũ trong triều mới. Có Tinh Thiều kỷ hành (tr.88 T2).

13. Phan Huy Cận 潘輝馑1722-1789) sau đổi là Áng hiệu Thận Trai. Thi hương đậu giải nguyên khoa Cảnh Hưng Đinh Mão (1747), điện thí đậu Hội nguyên (đồng tiến sĩ (1754) làm quan đến chức bồi tụng rồi về hưu. Chiêu Thống lên làm vua lại được triệu ra làm quan ở tòa kinh diên chức Bình diên sự nhập thị tham tụng, Quốc sử tổng tài, Lễ bộ tả thị lang, tước Khuê Phong hầu. Sau khi nhà Lê mất, ông nhập tịch ở Thụy Khuê, tức là thủy tổ họ Phan ở Sài Sơn (tr.298 T1).

14. Trần Văn Cận 陳文近 (1858-1938) tự Nghiễn Nông hiệu Hải Miện, người làng Từ Ô huyện Thanh Miện tỉnh Hải Dương, dòng dõi Trần Văn Trứ, TS triều Lê. Ông đậu cử nhân khoa Giáp Ngọ (1894) không ra làm quan ở nhà dạy học. Ông có bút danh Trần Trọng Bỉnh tự Hổ Văn hiệu Nguyệt Phường. Tác phẩm: Nam bang thảo mộc. Thúy sơn thi tập, Quốc triều thi lục,vv (là cha Trần Văn Giáp) (tr.56.T2)

15. Lê Chất 黎质 (Thế kỷ XIX) [1769-1826] người Phù Mỹ tỉnh Bình Định. Nguyên ông là tướng Tây Sơn, sau vì nội bộ triều Cảnh Thịnh lục đục, ông theo Nguyễn Ánh, lập nhiều chiến công. Dưới triều Minh Mạng (1820-1840), ông làm tổng trấn Bắc Thành, sau khi chết bị đình nghị luận tội, san phẳng phần mộ, dựng bia khắc chữ “chỗ này là nơi Lê Chất phục pháp” vợ con đều bị trảm giam hậu. Đời Tự Đức (1848-1883) mới được ân xá và truy tặng nguyên hàm. Trong khi làm Tổng trấn Bắc Thành, ông tập hợp nhiều học giả soạn bộ Bắc Thành dư địa chí. Đến năm Thiệu Trị 5 (1845), Nguyễn Văn Lý mới đem bộ sách ấy ra hiệu đính và bổ sung và có đề tựa nói rõ lai lịch bộ sách ấy (tr.376 T1).

16. Đặng Công Chất 邓公質 (1621-1683), người làng Phù Đổng huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Nguyên gốc người làng Thái Bạt, Sơn Tây con cháu Trần Văn Huy. Năm Vĩnh Thọ 4 khoa Tân Sửu (1661) ông đậu nhất giáp tiến sĩ (Trạng nguyên), được bổ đốc trấn Cao Bằng. Năm Chính Hòa Nhâm Tuất (1682) làm Chánh sứ sang triều Thanh, khi về được thăng thượng thư bộ Hình, năm sau thăng thượng thư bộ Binh vào tham tụng được ít lâu thì chết, thăng thượng thư bộ Lại, hàm Thiếu bảo Có Trùng san Lam Sơn thực lục (soạn chung). (tr.45 T1). 

17. Phan Bội Châu 潘佩珠 (1867-1910) biệt hiệu Sào Nam. Cụ là người tiêu biểu nhất cho phong trào võ trang chống thực dân Pháp. Trước tác của cụ rất nhiều. Năm 17 tuổi đã làm Bình tây thu bắc ca ngợi Cần Vương Nghệ Tĩnh. Hồi mới xuất dương cụ làm Việt Nam vong quốc sử tố cáo sự thống trị tàn bạo của thực dân Pháp đối với nước ta (tr.182 T1).

18. Lê Quảng Chí 黎廣志 hiệu Hoành Sơn, người làng Thần đầu huyện Kỳ Hoa (Kỳ Anh) Hà Tĩnh. Đậu Bảng nhãn  năm 1478 Hồng Đức 9 được bổ Đông các đại học sĩ. Có 5 bài thơ trong Toàn Việt thi lục (tr.73 T2)

19. Ngô Thì Chí 吳时志 (cuối TK XVIII) [1753-1788] tự Học Tốn hiệu Uyên Mật, người làng Tả Thanh Oai. Đậu tam trường, có làm quan triều Lê. Khi nhà Lê sụp đổ ông theo Lê Chiêu Thống nhưng không theo kịp, bị Tây Sơn truy nã, lẩn lút ở vùng Kinh Bắc, mất ở Gia Định (Gia Bình) Bắc Ninh. Ông viết 7 hồi đầu sách Hoàng Lê nhất thống chí và 2 tập sách Học phi thi, văn tập tr.126 T2).

20. Viên Chiếu thiền sư 員照禪師(998-1091), tên họ thực là Mai Trực. Ông là cháu Linh Cảm hoàng hậu triều Lý quê Phúc Đường, Long Đàm. Ông nghe lời vị thiền sư chùa Mật Nghiêm nên đi tu thụ giới sư Định Hương ở chùa Tiêu Sơn, Bắc Ninh, về sau ông trụ trì ở Kinh đô, có soạn bộ Dược sư thập nhị nguyện văn được vua tôi Tống Triết Tông [1085-1100] hết sức khen ngợi (tr.217 T2).

21. Hoàng Bình Chính 黄平政(1736-?) tự  Xuân Như hiệu Liên Phong, người Thổ Hoàng huyện Thiên Thi (Ân Thi) Hải Dương, khoa Cảnh Hưng Ất Mùi (1775) đậu tiến sĩ. Sau khi đỗ đổi tên Hoàng Trọng Chính, năm Quý Mão (1783) được bổ HLV hiệu lý và được cử đi sứ, năm Ất Tị (1785) trở về đến nhà thì mất, được truy tặng Đông các đại học sĩ tước Kim Xuyên bá. Ngoài bộ Hưng Hóa phong thổ lục, ông còn cùng Phan Huy Ôn sưu tập bộ Giới Hiên thi tập của Nguyễn Trung Ngạn, là người cùng huyện với ông và đề tựa cho tập thơ ấy  (tr.368 T1).

22. Đào Công Chính 陶公正 (1638-?) người làng Hội Am huyện Vĩnh Lại nay thuộc Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Thuở nhỏ nổi tiếng thần đồng, năm 13 tuổi đã đậu Hương cống. Năm Vĩnh Thọ 4 (1661), ông đậu thứ 2, nhất giáp tiến sĩ tức Bảng nhãn, được cử làm Phó sứ sang nhà Minh, khi về làm quan đến Lại bộ hữu thị lang vào dự kinh diên được phong tước Nam. Có Bảo sinh diên thọ toản yếu (tr.45 T1).

23. Nguyễn Cư Chính 阮居正 (TK XVIII) là con HG Nguyễn Tông Quai người làng Phúc Khê huyện Ngự Thiện (Thanh Quan, nay là Hưng Nhân) Thái Bình. Năm 1747 được tập ấm bổ chức Tư vụ ở bộ Binh, là bạn Ngô Thì Sĩ. Hai người được sai chấm thi trường Kinh Bắc năm Canh Ngọ [1750]. Có Mỹ Đình thi tập (tr.114 T2). 

24. Phan Huy Chú 潘輝注(1782-1840) tự Lâm Khanh hiệu Mai Phong tước Mai Phong hầu, thuở trẻ kết nghĩa với Ngô Thế Mỹ họ La Khê. Năm Gia Long Đinh Mão và Kỷ Mão (1807, 1819) thi hương trúng tú tài, năm Tân Tị Minh Mạng 2 (1821) được triệu về Huế bổ chức HLV biên tu, năm 1825 được sung sứ bộ sang TQ, năm 1828 được thăng chức phủ thừa Thừa Thiên, năm 1829  hiệp trấn Quảng Nam. Năm 1831 lại được đi sứ sang nhà Thanh. Sau bị can lỗi phải đi hiệu lực sang Nam Dương. Đến 1834 được khai phục chức tư vụ bộ Công, xin về hưu dạy học ở làng Thanh Mai huyện Tiên Phong (Sơn Tây). (tr.301 T1).
Trước tên là Hạo, kỵ húy thời Minh Mạng đổi là Chú. Quê gốc ở Can Lộc, Hà Tĩnh, dời ra lập quê ở làng Sài Sơn huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ông là con Phan Huy Ích (1750-1822), cháu Phan Huy Ôn (1754-1786) đều là TS triều Lê. Năm 1821, Minh Mạng 2, ông dâng bộ Lịch triều hiến chương loại chí sau 10 năm biên tập. Ngoài Lịch triều hiến chương loại chí còn có 5-6 tác phẩm khác (tr.248 T2).

25. Trịnh Xuân Chú 鄭春澍 (1704-1763) tự Tác Lâm hiệu Đạm Hiên người làng Hoa Lâm (Danh Lâm) huyện Đông Ngàn [nay thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội]. Đậu TS năm 1748 Mậu Thìn Cảnh Hưng 9. Năm 1760 Phó sứ (Chánh sứ Lê Quý Đôn) sang tuế cống nhà Thanh. Năm 1762 về làm Đông các đại học sĩ, năm sau làm Hiệp trấn Hải Dương. Khi mất được tặng  Đại lý tự khanh tước Hội Phương hầu. Có Sứ Hoa học bộ thu tập (tr.104 T2).

26. Bùi Ngạn Cơ 裴彥基 tự Cơ Phủ và Ôn Như hiệu Liên Khê cư sĩ là con Bùi Nhữ Tích. Sau khi cha mất, ông thu thập di cảo hiệu đính hoàn chỉnh bộ Minh đô thi vựng do thân phụ ông biên tập từ trước.

27. Dương Bá Cung 楊伯恭 (1794-1818) hiệu Cấn Đình, người làng Nhị Khê huyện Thượng Phúc (nay là Thường Tín). Năm Tân Tỵ Minh Mạng (1821) đậu cử nhân, làm quan đến đốc học. Người cùng làng với Nguyễn Trãi, ông đã hết lòng sưu tầm thơ văn của Nguyễn Trãi suốt từ Bắc chí Nam biên soạn thành sách Ức Trai di tập (tr.60 T1).

28. Nguyễn Hựu Cung 阮佑恭 nguyên tên là Bế Hựu Cung. Ông người làng Bắc Khê, châu Thạch Lâm tỉnh Cao Bằng, sống khoảng đầu Thế kỷ XIX. Năm 1789, triều Lê cho ông làm chức đô ngự sử đài hữu thiêm đô ngự sử, lĩnh việc đốc trấn Cao Bằng. Khi Tây Sơn đánh tan quân Tôn Sĩ Nghị đuổi hết quân xâm lược Mãn Thanh ra khỏi đất nước, Bế Hựu Cung đem cả nhà theo Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, bị an trí ở huyện Thượng Nguyên phủ Giang Ninh tỉnh Giang Nam, đến năm Giáp Tý Gia Long 3 (1804) mới được về nước. Trong khi Hựu Cung ở Trung Quốc, con là Hựu Nhân cùng đi học với học sinh Trung Quốc, có làm tập thơ Lạc Sơn thi tập đã có bản in khắc gỗ và lưu hành ở TQ. Sau khi Bế Hựu Cung về nước, được triều Nguyễn ban cho ‘công tính’ họ Nguyễn, bổ làm quan ở Cao Bằng, rồi làm hiệp trấn Hải Dương. Có Cao Bằng thực lục (tr.363 T1).

29. Đào Cử 陶举(1449-?) người xã Thuần Khang huyện Siêu Loại (nay là thôn Yên Mỹ huyện Gia Lương, Bắc Ninh). Khoa Quang Thuận Bính Tuất (1466) đỗ tiến sĩ, sau đổi tên là Đào Thuấn Cử. Năm 1467 đương chức tri huyện thi đỗ khoa Hoành từ được vào đọc sách ở Bí thư giám, thăng dần HLV đãi chế đến Đông các hiệu thư. Năm 1482, hỗ giá Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, khi về thăng Thị độc học sĩ. Tham dự biên soạn Thiên Nam dư hạ tập và Thân chinh ký sự (cùng Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận). Sau thăng Thượng thư bộ Hộ kiêm Sùng văn quán, tú lâm cục (tr.216 T1).

30. Bùi Văn Dị 裴文異 (1832-?) tự Ân Niên hiệu Tồn Am, Do Hiên, Hải Nông, Châu Giang, người làng Châu Cầu huyện Kim Bảng, Hà Nam. Đậu Phó bảng năm Ất Sửu 1865 Tự Đức 18, đến năm  1890 Thành Thái 2 khi đang làm Sử quán Phó tổng tài đi thi đậu TS, làm Hàn các phó đô ngự sử, sung Chánh sứ sang nhà Thanh, khi về giữ chức Kinh lược phó sứ, thượng thư bộ Lại và bộ Lễ phụ chính đại thần, Quốc sử quán phó tổng tài. Có Tồn Am thi sao và 5 tác phẩm khác (tr.161 T2).

31. Lê Thiếu Dĩnh 黎少頴 (TK XV) tự Tử Kỳ hiệu Tiết Trai và Trạch Thôn. Tổ tiên ở làng Lão Lạt huyện Thuần Lộc, Thanh Hóa sau di cư ra làng Mộ Trạch huyện Đường An (nay là Bình Giang), Hải Dương. Ông là con thứ Lê Cảnh Tuân đời Trần. Đời Lê Thái Tổ ông làm tri thẩm hình viện sự. Năm 1427, được thăng HLV thị chế và được cử sang sứ nhà Minh trình bày về việc cầu phong cho Trần Cảo. Có Tiết Trai tập (tr70 T2).

32. Trịnh Doanh 鄭楹 (1720-1767) con thứ 3 Trịnh Cương. Năm 1736 đời Lê Ý Tông được phong Ân Quốc công, đến đời Lê Hiển Tông tự xưng Minh Đô vương thay Trịnh Giang làm chúa từ năm 1740 đến tháng giêng  năm 1767 Cảnh Hưng 28. Sau khi mất được tôn xưng Nghị tổ Ân vương. Có Minh Đô vương thi tập, vv (tr.103 T2).

33. Nguyễn Du 阮攸 (1766-1820) tự Tố Như hiệu Hồng Sơn Liệp hộ, người làng Tiên Điền huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông là con thứ 7 Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, mẹ ông là Trần Thị Tần, người làng Hoa Thiều nay là thôn Kim Thiều xã Minh Đức [nay thuộc xã Hương Mạc TX Từ Sơn], Bắc Ninh. Năm 19 tuổi thi hương đỗ tam trường, sau đó đi làm con nuôi vị quan võ họ Hà, khi cha nuôi mất ông theo nghiệp võ. Năm Kỷ dậu 1789, vua Chiêu Thống chạy sang TQ, ông theo không kịp trốn về quê vợ ở nhà Đoàn Nguyễn Thục, rồi trở về quê nhà. Năm 1796 bị trấn tướng Tây Sơn ở Nghệ An là Nguyễn Thận bắt giam. Tháng 6 Nhâm Tuất (1802), Gia Long kéo quân tới Nghệ An, ông ra đón và được đem thủ hạ theo xa giá ra Bắc. Tháng 8 năm ấy được bổ tri huyện Phù Dung (Phù Cừ), Hưng Yên thăng tri phủ Thường Tín. Năm 1803 đón sứ Thanh ở Nam Quan. Năm 1805 thăng Đông các đại học sĩ tước Du Đức hầu, năm 1813 thăng Cần Chánh điện học sĩ, làm Chánh sứ sang nhà Thanh. Khi về được thăng  Lễ bộ hữu tham tri. Năm Canh Thìn 1820 ông được cử sang sứ cầu phong, chưa kịp đi thì bị bệnh  và mất ở Huế (16-9-1820). Có Bắc hành tạp lục, vv nổi tiếng là Kim Vân Kiều truyện (tr.147 T2).

34. Ngô Thì Du 吳时悠 (1712-?) [1712-1840] hiệu Trưng Phủ có thi văn tập và tục biên sách  An Nam nhất thống chí 7 hồi (tr.305 T1). 
Tên tự Trưng Phủ, hiệu Văn Bác là con Ngô Thì Thọ (s) [Ngô Tưởng Đạo] hiệu Ôn Nghị (?) là đồng tông với Ngô Thì Nhậm. Ông có ra làm quan với triều Nguyễn  đến chức Đốc học Hải Dương (tr.126 T2).

35. Phạm Nguyễn Du 范阮攸 (1739-1787) nguyên tên Phạm Vỉ Khiêm tên tự Hiếu Đức và Dưỡng Hiên, tên hiệu Thạch Động, người làng Đặng Điền huyện Chân Phúc, Nghệ An. Học giỏi có tiếng hay chữ, năm Cảnh Hưng 40 (1779) mới đậu HG. Làm quan Đông các đại học sĩ, khoảng năm 1786-1787 làm đốc đồng Nghệ An, nghe tin quân Tây Sơn đã chiếm được thành Phú Xuân, ông chạy lên Thanh Chương, Nam Đàn chiêu mộ quân sĩ để giữ Nghệ An. Lên đó ông bị bệnh mất. Có Thạch Động tiên sinh thi tập và nhiều tác phẩm khác (tr.99 T1).

36. Cao Xuân Dục 高春育(1842-1923) tự Tử Phát hiệu Long Cương, người làng Thịnh Mỹ phủ Diễn Châu, Nghệ An. Là học trò Ngyễn Đức Đạt (thám hoa triều Tự Đức). Đậu cử nhân năm 1877, làm quan đến Học bộ Thượng thư, tước An Xuân tử. Trong khi làm quan ở Sử quán ông sưu tầm được nhiều sách cổ Việt Nam và trứ thuật biên toản được nhiều sách. Trứ thuật hàng mấy chục đầu sách  (tr.276 T1)

37. Phạm Thận Duật 范慎遹 [1825-1885] tự Quan Thành, người tỉnh Ninh Bình, khoa Tự Đức Nhâm Tý (1852) đậu cử nhân, làm quan đến Hộ bộ thượng thư kiêm Quốc tử giám, năm 1881 được cử làm Sử quán phó tổng tài kiêm duyệt bộ sách Việt sử thông giám cương mục. Ông còn trứ tác nhiều sách khác (tr.373 T1).

38. Phạm Đình Dục 范廷煜 (TK XIX) tự Mộng Phủng hiệu Trúc Đạo Nhân và Văn Sử Thị, người làng Đan Loan phủ Bình Giang (Thanh Miện) Hải Dương là dòng dõi Phạm Đình Hổ. Đậu tú tài 1876. Có Vân nang tiểu sử (tr.198 T2).

39. Nguyễn Dữ 阮嶼 (TK XVI), người làng Đỗ Tùng (Đỗ Lâm), Tứ Lộc [có thể nay thuộc huyện Thanh Miện]. Ông là con Nguyễn Tường Phiêu (TS 1496). Nguyễn Dữ là học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm, đậu hương tiến, làm tri huyện Thanh Toàn (?) [có thể là huyện Thanh Liêm, Hà Nam] rồi cáo quan về chăm mẹ. Truyền kỳ mạn lục được ông soạn trong thời gian đó (tr.193 T2).

40. Nguyễn Danh Dự 阮名 譽 (1657-1763) hiệu Chất Trai, người làng Dương Liễu huyện Đan Phượng, Hà Nội, 29 tuổi đậu Hội nguyên đồng TS, trải các chức Phó đốc thị Nghệ An, Hiến sát sứ Yên Quảng, Lễ bộ tả thị lang. Năm 1709 Vĩnh Thịnh 5 làm Phó sứ sang triều Thanh. Sau khi mất được tặng tước bá. Có Thi tự thanh ứng (tr.92 T2).

41. Lê Tương Dực 黎襄翼 (1495-1516) tên thực Lê Oánh, con Kiến vương Lê Tân và là cháu nội vua Lê Thánh Tông. Dưới triều Hiến Tông được phong Giản Tu công. Sau vì Lê Uy Mục tàn sát tôn thất nhà Lê ông cùng Nguyễn Văn Lang khởi binh ở Tây Đô (Thanh Hóa) đánh ra Thăng Long, trừ quân tàn bạo, lên ngôi vua năm 1509. Ông bị Trịnh Duy Sản giết chết năm 1516, làm vua được 8 năm. Có Trị bình bảo phạm, vv (tr.193 T1).

42. Nguyễn Đình Dương 阮廷揚 (1844-?) hiệu Thư Trai, người làng Lạc Nghiệp huyện Thạch Thất, Hà Nội. Đậu HG năm 1880 Canh Thìn Tự Đức 33, làm quan Án sát Hưng Hóa, rồi Bố chính Quảng Bình. Có Thư Trai thi, văn tập (tr.165 T2).

43. Hồ Sĩ Dương 胡士揚 (1621-1681) người làng Hoàn Hậu huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An-là dòng dõi Hồ Tông Thốc đời Trần. Năm Ất Dậu, Phúc Thái 3 (1645), ông đậu giải nguyên kỳ thi hương trường Nghệ An. Năm Mậu Tý (1648) vì đi thi hộ người khác nên bị cách thủ khoa cũ và đày đi làm lính. Đến khoa Tân Mão (1651) được ân xá ông được đi thi và lại đậu. Năm Nhâm Thìn, Khánh Đức thứ tư đời Lê Thần Tông ông đậu tam giáp đồng tiến sĩ, đến năm Kỷ Hợi (1659) ông lại đậu khoa Đông Các, được bổ chức Lại khoa đô cấp sự trung, tước Duệ Nhuận nam thăng Đông các đại học sĩ. 5 lần được cử lên biên giới tranh biện với quan nhà Thanh đều giành thắng lợi được tiến chức Binh bộ tả thị lang, thăng tước bá. Năm Dương Đức 2 (1673) ông được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh, khi về được thăng Duệ Quận công. Năm Vĩnh Trị Bính Thìn được sai giám tu quốc sử, vào làm tham tụng, thượng thư bộ Hình kiêm Đông các đại học sĩ. Ông mất năm 1681 (Chính Hòa 2) được tặng thượng thư bộ Hộ, thiếu bảo Duệ Quận công. Có Hoan Châu phong thổ ký, v v (tr.44 T1).

44. Lương Trúc Đàm 粱竹潭(1879-1908) húy là Liệu hiệu Trúc Đàm người làng Nhị Khê huyện Thường Tín. Ông là con cả cụ Cử Can, năm 25 tuổi đậu cử nhân (1903) khoa Quý Mão. Ông có tư tưởng mới, mật cho 2 em là Ba Quyến, Tư Nhiễm xuất dương học tập và vận động người khác cùng đi. Bản thân ông ở trong nước đi diễn thuyết cổ động tân học, giúp cụ Cử lập trường Nghĩa Thục. Sau quan tỉnh Hà Đông  triệu ông ra làm hậu bổ tỉnh, tiếp tục vận động tân học. Năm Mậu Thân (1908) ông bị bệnh nặng mất ở quê nhà. Khi ông mất, song thân vẫn còn, có một bài thơ viếng: Em vắng ngóng trông đau tấc dạ/ Cha già mong cậy mất bên tay.  Có Nam quốc địa dư, v v (tr.257 T1).

45. Hà Nhậm Đại 何任大 (1526-?) người làng Bình Sơn huyện Lập Thạch Vĩnh Phú. Đậu TS năm 1574 Sùng Khang 9 đời Mạc Mậu Hợp, làm quan Thượng thư bộ Lễ. Anh ông là Hà Nhậm [Sĩ] Vọng cũng đậu TS năm 1535. Có Khiếu vịnh thi tập (tr.89 T2).   

46. Nguyễn Đăng Đạo 阮登道 (1651-1719) người làng Hoài Bão huyện Tiên Du. Đậu TN năm 1683 Chính Hòa 4. Đến năm 1706 đổi tên là Nguyễn Đăng Liễn. Có đi sứ, làm quan Binh bộ thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ tước Thọ Lâm bá. Đang lúc giữ chức Tham tụng thì mất, được tặng Thọ Quận công. Người đời thường gọi ông là Trạng Bịu. Có Nguyễn Trạng nguyên phụng sứ tập (tr.91 T2).

47. Nguyễn Đức Đạt 阮德达 (1823-?) tự Khoát Như hiệu Nam Sơn Dưỡng tẩu, Nam Sơn chủ nhân, người làng Trung Cần  huyện Thanh Chương. Năm 1853 đậu Thám Hoa, làm quan đến Tuần phủ. Khi về hưu chỉ thích dạy học, ông soạn hàng chục đầu sách trong đó có Việt sử thặng bình (tr.160 T1).

48. Vũ Phương Đề 武芳提 (1697-?) tự Thuần Phủ người làng Mộ Trạch huyện Đường An (nay là Bình Giang, Hải Dương), là con Vũ Phương Nhạc. Năm Vĩnh Hựu 2 (1736) Lê Ý Tông đậu đồng tiến sĩ, làm quan đến Đông các học sĩ, không rõ ông mất năm nào. Có Công dư tiệp ký (tr.260 T1).

49. Đoàn Thị Điểm 段氏點 (1705-1748) hiệu Hồng Hà người làng Giai Phạm huyện Văn Giang Hưng Yên. Họ Đoàn của bà vốn họ Lê, đến đời cha bà mới đổi sang họ Đoàn (Đoàn Doãn Nghi đậu hương cống đời Lê, thi hội không đậu ở nhà dạy học và bốc thuốc sinh 2 con Đoàn Doãn Luân và bà). Năm 16 tuổi làm con nuôi Thượng thư Lê Anh Tuấn, cha nuôi định tiến bà vào phủ chúa, nhưng bà không chịu. Năm  1729, khi bà 25 tuổi thì cha mất, cả gia đình chuyển về làng Vô Ngại, Đường Hào (Mỹ Hào) là nơi anh bà đang dạy học. Sau đó anh bà mất, bà thay anh dạy học, bốc thuốc nuôi mẹ, chị dâu và các cháu nhỏ. Năm 37 tuổi bà mới kết duyên với TS Nguyễn Kiều, khi ấy đã góa vợ. Năm 1741-1742, Nguyễn Kiều làm Chánh sứ sang nhà Thanh, sau khi về, chồng bà lĩnh chức Tham thị ở Nghệ An. Bà theo chồng vào xứ Nghệ, vừa đến nơi thì cảm bệnh mà mất, khi 44 tuổi. Có Truyền kỳ tân phả, Chinh phụ ngâm khúc diễn âm (tr195 T2).

50. Lê Quang Định 黎光定 (1759-1813) tự Tri Chỉ, hiêu Tấn Trai và Chỉ Sơn người làng Phú Vinh tỉnh Thừa Thiên. Thuở nhỏ vào Sài Gòn học trường Võ Trường Toản kết bạn với Ngô Nhân Tĩnh  và Trịnh Hoài Đức lập ra Bình Dương thi xã. Khi Nguyễn Ánh lấy lại được Gia Định, ông cùng Trịnh Hoài Đức ra thi đều đậu và được bổ làm quan ở Viện hàn lâm rồi Đông cung thị giảng. Năm Gia Long 1 (1802) thăng Binh bộ thượng thư, được làm Chánh sứ cùng Lê Chính Lộ, Nguyễn Gia Cát sang triều Thanh cầu phong. Đi sứ về lại được nhận chức cũ ở viện hàn lâm cùng Trịnh Hoài Đức làm việc trứ tác. Có Hoàng Việt thống nhất địa dư chí  (tr.333 T1).

51. Nguyễn Như Đổ 阮如堵(1424-1526) tự Mạnh An, hiệu Khiêm Trai người làng Đại Lan Châu huyện Thanh Trì di cư sang xã Tả Dương,  phủ Thường Tín, đậu Bảng nhãn năm Đại Bảo 3 (1442) đời Lê Thái Tông, ban đầu làm HLV chế cáo, đi sứ TQ 3 lần 1442, 1450, 1459, sau thăng Thượng thư bộ Lại. Chỉ còn lại 6 bài thơ trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn  (tr.217 T1).

52. Trần Văn Đối 陳文對 (1758-?) tự Thủ Chuyết hiệu Giảo Thái Am, người làng Từ Ô huyện Thanh Miện  (nay là Từ Ô-Tân Trào-Thanh Miện) Hải Dương. Ông là cháu Trần Văn Trứ và là cậu ruột Nguyễn Án (tự Kính Phủ). Đậu Hương cống thời Cảnh Hưng, theo Lê Chiêu Thống sang Yên Kinh, bị lưu giữ ở đấy 16 năm, đến đầu đời Gia Long mới được về nước, ở ẩn không ra làm quan. Có Hồi trình ký lược khúc gồm 198 câu song thất lục bát kể quá trình tòng vong cùng Lê Chiêu Thống (tr.132 T2).

53. Lê Quý Đôn 黎貴惇 (1726-1784) tự Doãn Hậu hiệu Quế Đường, người Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ, nay là xã Phú Hiếu huyện Hưng Hà, Thái Bình (con thượng thư Lê Trọng Thứ), nổi tiếng thần đồng từ bé. Đậu tam nguyên trúng Bảng nhãn 1752 Cảnh Hưng 13, được bổ Thị thư ở VHL, 1754 làm Toản tu Quốc sử, năm 1756 đi liêm phóng trấn Sơn Nam phát giác 6, 7 viên quan ăn hối lộ, ngay năm ấy được  phái sang phủ chúa coi việc binh phiên. Năm 1757 thăng HLV thị giảng. Năm 1760 sang sứ nhà Thanh báo tang Lê Ý Tông và nộp cống. Khi về được thăng Thừa chỉ tước Dĩnh Thành bá, sau đó làm Đốc đồng Kinh Bắc, năm sau được bổ Tham chính Hải Dương, nhưng ông từ chối xin về nghỉ để biên soạn Toàn Việt thi lục. Năm 1767 ông lại được vời ra giữ chức Thị thư, tham gia biên tập Quốc sử kiêm Tư nghiệp QTG. Năm 1768 dâng bộ Toàn Việt thi lục. Năm 1770, làm Tán lý quân vụ đi dẹp Lê Duy Mật, năm 1776 làm Hiệp trấn Thuận Hóa. Trong 9 tháng ở Thuận Hóa, ông viết xong bộ Phủ biên tạp lục. Năm 1778 được bổ hành Tham tụng, ông từ chối xin chuyển sang võ ban được giữ chức hữu hiệu điểm quyền phủ sự tước Nghĩa Phái hầu. Năm 1781 làm Quốc sử quán Tổng tài. Năm 1783 giữ chức hiệp trấn xứ Nghệ An, ít lâu sau thì mất. Có hàng mấy chục tác phẩm có giá trị (tr.259 T2).

54. Hồ Sỹ Đống 胡士棟 (1739-1785) tự Long Phủ hiệu Dao Đình (sau đổi Hồ Sĩ Đồng tự Thông Phủ hiệu Trúc Hiên), người làng Hoàn Hậu huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, con cháu xa đời của Hồ Tông Thốc đời Trần. Đậu Hội nguyên, Đình nguyên HG năm Cảnh Hưng 33 (1772), năm 1777 làm Phó sứ sang nhà Thanh, được phong Ban Đình hầu, đốc thị Thuận Hóa, lại được điều về  Kinh giữ chức Đô chỉ huy trong phủ chúa Trịnh. Khi mất được tặng Công bộ Thượng thư tước Ban Quận công. Có Dao Đinh sứ tập, vv (tr114 T2).

55. Tự Đức 嗣德 (1829-1883) tên thật là Nguyễn Phúc Thì con thứ 2 của Thiệu Trị (Nguyễn Miên Tông), miếu hiệu Đức Tông, niên hiệu Tự Đức. Trước khi lên ngôi vua (1848) tên là Hồng Nhậm, là vua thứ 4 triều Nguyễn, ông là người thông minh hiếu học giỏi thơ văn nhưng không am hiểu thời cuộc, thi hành nhiều chính sách bảo thủ cố chấp. Thời gian ông làm vua thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Có Tự học giải nghĩa ca và 4,5 tác phẩm khác (tr.23 T2).

56. Trịnh Hoài Đức 鄭懷德 (1765-1825) trước tên là An tự Chỉ Sơn hiệu Cấn Trai, người Minh Hương Gia Định (gốc Phúc Kiến, cha đã làm quan với chúa Nguyễn), là học trò Võ Trường Toản, cùng học và kết thân với Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, lập ra Bình Dương thi xã. Năm 1788 khi Nguyễn Ánh lấy được Gia Định, ông cùng Lê Quang Định  được bổ chức hàn lâm. Tháng 5/1802 Chánh sứ sang nhà Thanh về việc dâng trả ấn sách trước đã ban cho Tây Sơn, năm 1820 được sung Sử quán Phó tổng tài, năm 1822 được cử làm chủ khảo kỳ thi ân khoa, sau thăng thượng thư bộ Lại rồi bộ Lễ. Có Gia Định thành thông chí và 3 tập thơ (tr.150 T2).

57. Nguyễn Quý Đức 阮貴德 (1646-1720) húy Tộ, tự Thể Nhân hiệu Đường Hiên người làng Thiên Mỗ (nay là Đại Mỗ) huyện Từ Liêm. Năm Bính Thìn Vĩnh Trị (1676) đậu thám hoa. Năm Chính Hòa 12 (1691) đi sứ TQ rồi làm thượng thư bộ Lại kiêm Đông các đại học sĩ tước Liêm Quận công, khi mất được tặng Thái tể phong phúc thần. Khoảng năm Chính Hòa 18 (1697) vua Lê Hy Tông sai cùng Lê Hy toản tu lại quốc sử và biên soạn sách Bản kỷ tục biên. Con ông là Nguyễn Quý Ân đậu Hoàng giáp hữu thị lang giảng dạy thế tử Trịnh Giang. Có Hoa trình thi tập, v v (tr.88 T1).

58. Ngô Thì Giai 吳时偕(1818-1881) tự Cường Phủ hiệu Văn Lâm cư sĩ, biệt hiệu Thanh Xuyên tiên sinh. Cuối tập gia phả sau bài bạt có hành trạng vợ và con cả tác giả Ngô Giáp Đậu (tr.305 T1).

Ngô Vui
(Còn tiếp)


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập54
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm44
  • Hôm nay15,282
  • Tháng hiện tại463,812
  • Tổng lượt truy cập40,300,974
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây