Xu thế nguy hiểm ở các gia đình thành thị Việt Nam
Chủ nhật - 23/06/2019 18:04
Trong sự phát triển mạnh mẽ phong trào hiện đại hóa cuộc sống muôn mặt, toàn đất nước, nhất là khu vực thành phố, có nhiều biến đổi tích cực. Đó là một sự thật lớn ai cũng thấy rõ. Xong cũng lại có một sự thật khác xuất hiện làm không ít người lo ngại; đó là một số nhân tố truyền thống vốn có trong dân ta đang bị phá vỡ hoặc bào mòn nghiêm trọng.
1. Một số kỷ cương nền nếp gia phong đang bị mất dần
Ai đi đâu cả nhà chẳng hay, chuyện thưa báo của con cái cháu chắt đối với cha mẹ, ông bà không còn giữ vững như trước, mỗi khi đi về. Ý kiến của người già, người lớn trong gia đình không còn được coi trọng. Phong cách sống tự do quá trớn đang thao túng nhiều người, hình thành một nếp sống vô tổ chức, không ai bảo được ai.
Có một quan niệm đang chi phối lớp trẻ ở những gia đình giàu có là muốn thoát khỏi sự ràng buộc của bố mẹ và coi đó là cách tốt nhất để tự giải phóng mình, từ bỏ những ảnh hưởng của những tư tưởng lạc hậu, lỗi thời. Trong lúc đó, thì chúng vẫn tận hưởng những đồng tiền ưu ái của bố mẹ để sống thoải mái với người yêu, bạn bè. Ngay cả những gia đình không giàu, những cách sống phóng khoáng vượt ra ngoài những điều kiện cho phép. Buổi sáng, mỗi người điểm tâm một kiểu. Buổi trưa thì càng tùy tiện, ai nấy đều ăn tự do ở gần cơ quan mình hoặc gần nhà trường mình học. Buổi chiều may ra mới có khả năng ăn tập trung nhưng lại xảy ra hiện tượng về lỗ mỗ không cùng một lúc, phải ăn làm nhiều lần, thức ăn phải chia ba sẻ bốn, thật nhiêu khê, phiền toái. Muốn tổ chức một buổi sinh hoạt tập trung toàn gia đình lớn thật rất khó. Nhiều lúc muốn trao đổi giải quyết một vấn đề chung lại phải giải quyết bằng điện thoại di động với từng người.
Những cuộc cãi cọ giữa bố mẹ với con cái, giữa anh chị em với nhau thường diễn ra gay gắt. Lớp trẻ hay cho mình mới thức thời, nắm thời cuộc còn người nhiều tuổi là cũ kỹ, bảo thủ nên có thái độ xấc xược căng thẳng, không giữ được tôn ti trật tự. Người già ở thành thị thường được chăm sóc chu đáo hơn về vật chất nhưng đa số thường vẫn cảm thấy cô đơn lạnh lẽo, vẫn thấy tủi thân, luôn không hài lòng. Khái niệm về mái ấm gia đình đang bị mờ dần.
Việc yêu thương và kết hôn bây giờ dĩ nhiên là tự do hơn, nhưng điều đáng nói là quá thoáng, bất chấp mọi định hướng chỉ giáo của cha mẹ, bất chấp cả mọi tiêu chí thông thường. Họ yêu nhau, lấy nhau dễ dàng và do đó cũng ly thân, ly dị dễ dàng.
Cuộc sống tự do đã làm cho quy mô từng hộ gia đình bé lại. Nhiều người thích sống riêng, ở riêng. Quy mô sống chung gia đình ba, bốn thế hệ ít dần; cấu trúc nhỏ hơn nhưng lại lỏng lẻo hơn, thiếu sự bền chặt cần thiết.
2. Học tập, đọc sách kém đi; giải trí quá nhiều; lao động lười biếng
Từ ngày có máy vi tính và công nghệ thông tin, cuộc sống tinh thần của người dân, nhất là thanh thiếu niên được nâng cao hẳn. Song không ít trong lớp trẻ đã không tận dụng hết mọi ưu thế của nó mà bị các hình thức giải trí kéo sa đà tạo nên nhiều hậu quả tai hại. Ngay cả truyền hình, video cũng vậy, nhiều em đã bị mặt trái của nó quật lại.
Các trò chơi thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… nhưng nhiều em đã không dừng lại đúng mức để cho nó tiêu hoa hết thời gian, sức lực làm ảnh hưởng xấu, rất xấu đến kết quả học tập, đọc sách, nghiên cứu trong thanh thiếu niên giai đoạn này sa sút hẳn.
Đã có một tờ báo kêu lên: “Hãy cứu văn hóa đọc”. Đã có một cuộc điều tra ở một khu tập thể về tình trạng đọc sách và tự học của lứa tuổi từ 15 đến hết 18 trong một tháng: 98% không đọc một cuốn sách nào, 70% không học và làm hết bài tập.
Còn về mặt lao động thì thật thảm hại. Thanh thiếu niên ở thành phố, nhất là con nhà tương đối khá giả trở lên thì hầu như không ưa và không biết lao động. Mọi thứ lao động chân tay, lao động kỹ thuật trong cuộc sống gia đình đều được bao thầu.
Hệ thống các công ty, các nhà hàng dịch vụ, hệ thống lao động tự do đã phát triển nhanh chóng chưa từng thấy. Có tiền là có hết, là mọi việc sẽ được hoàn tất. Ở trong nhà thì đã có Osin làm đủ mọi việc. Ngay khi đang ngồi ăn, cần cái gì, đôi đũa hay cái thìa, cũng đã có người lấy giúp, không cần phải tự mình đứng dậy. Các em không có việc gì để làm. Do đó, các em ngại lao động, ngại khó, ngại khổ, hầu hết trở thành cô chiêu cậu ấm là điều dễ hiểu.
3. Hoang phí, khái niệm tiết kiệm ít được nhắc tới
Do điều kiện sống được nâng cao, mức thu nhập của nhiều hộ gia đình ở thành thị tăng lên rõ rệt, nhưng việc giáo dục ý thức tiết kiệm và văn hóa tiêu tiền thì lại thiếu quan tâm nên để xảy ra tình trạng lãng phí nặng nề, tiêu tiền xả láng.
Áo quần và những đồ dùng khác hơi cũ, hơi lạc mốt là liền thải ra, chất đống. Thấy cái gì mới hay là mua, bất chấp giá cả. Nhiều vật dụng thừa thãi, lắm thứ cùng một chức năng. Thức ăn ngày nào cũng để thừa bứa, phải đổ đi.
Không chỉ ở lớp trẻ mà cả ở những thành phần trung niên trong nhà cũng mắc bênh hoang phí, kể cả hoang phí về thời gian. Thời giờ chơi bời của họ thường nối liền sau lúc đi làm, đi họp hoặc đi học nên thời gian vắng nhà của họ là dài dằng dặc. Hiện tượng đi chơi lang thang, nhậu nhẹt lai rai, nồi tập trung tán ngẫu cứ diễn ra triền miên. Đường phố, siêu thị, các cửa hàng, CLB, sân vận động, công viên, rạp hát, vũ trường là nơi tụ hội của họ. Nhiều khi chẳng có chuyện gì để nói, trò gì để chơi họ cũng đến với nhau. Phong cách sống thoải mái về thời gian như thế trở thành thói quen, kéo dài cho đến khi đã có gia đình, đã làm bố, làm mẹ, đã là ông chủ lớn, đã có cả một gia thất. Thời gian trôi đi không bao giờ trở lại, lãng phí thời gian là lãng phí tuyệt đối.
Từ cuộc sống hoang phí, không kiểm soát được việc tiêu tiền, không kiểm soát được thời gian buộc lòng những người chủ chốt lo việc kiếm tiền phải kiếm cho được tiền ngày càng nhiều với bất cứ cách nào, lúc nào. Từ đó sinh ra nhiều điều phức tạp xảy ra đối với an ninh xã hội, với phẩm cách con người, với hạnh phúc bền vững của gia đình.
Thực trạng trên đã làm cho những người có lương tri lo lắng, đáng báo động. Song cũng có không ít người tỏ thái độ mặc kệ nó hơi đâu mà lo, cuộc sống sẽ tự điều chỉnh.
Nếu không có kế hoạch toàn dân, kiềm chế và xóa bỏ mặt trái của sự phát triển nảy sinh thì bánh xe tiến hóa của lịch sử chậm lại, ta không thể làm chủ được tương lai.