Những người họ Ngô trong cuộc chiến phù Lê diệt Mạc

Thứ ba - 01/01/2019 17:04

Năm 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Cận thần nhà Lê nhiều người trung thành đã chạy vào Thanh Hóa, dương cao ngọn cờ Phù Lê diệt Mạc, lập căn cứ, tập hợp lực lượng chống lại Triều đình nhà Mạc. 
 
b
Từ Vũ - Thượng Đáp thờ TS Ngô Hoán, môt trong những trung thần nhà Lê ở xã Nam Hồng, huyện Nam Sách, Hải Dương

Thời vua Lê Chiêu Tông (1516-1522), nhà vua tin dùng Mạc Đăng Dung, giao cho trấn thủ Hải Dương. Trong triều có hai họ, họ Nguyễn làng Gia Miêu huyện Tông Sơn Thanh hoá và họ Trịnh ở xã Thuỷ Chú huyện Lôi Dương, có nhiều công lao trở thành hai họ quyền thần, tranh giành nhau quyền lực, chống nhau ngày càng quyết liệt, Chiêu Tông hoà giải mãi không xong. Nguyễn Hoằng Dụ đem quân đánh Trịnh Tuy, Trịnh Tuy thua phải chạy vào Lôi Dương. Con nuôi của Trịnh Tuy là Trần Chân đánh lại Nguyễn Hoằng Dụ, Hoằng Dụ thua chạy vào Tông Sơn. Trong triều chỉ còn lại Trần Chân nắm mọi quyền hành. Trần Chân liên kết với Mạc Đăng Dung, gả con gái cho Mạc Đăng Doanh, kết làm sui gia, cùng nhau âm mưu làm phản. Thuỵ Quận công Ngô Văn Bính khuyên Chiêu Tông sớm trừ Trần Chân  để phòng hậu họa. Sau ngày Trần Chân bị giết, Mạc Đăng Dung thâm thù anh em Ngô Văn Bính.

Nguyễn Kinh, một tướng mạnh ở Sơn Tây là học trò Trần Chân kéo quân đánh vào Đông Kinh trả thù cho Trần Chân, kinh thành bị bức bách, Chiêu Tông triệu Mạc Đăng Dung đem quân Hảỉ Dương về cứu nguy. Đăng Dung đóng quân ngoài thành, giả vờ sai người đi thuyết phục Nguyễn Kinh, về tâu rằng: Nguyễn Kinh sẽ lui binh nếu nhà vua chịu giết ba người đại thù của Trần Chân là Chu Khải, Trịnh Hựu và Ngô Văn Bính, vì việc giết Trần Chân là do ba người dèm pha. Nhà vua nghe theo lời của Đàm Cử, nhưng bọn Kinh càng hoành hành dữ không chịu giải binh (Tuy nhiên theo phả cũ thì Ngô Văn Bính mất vào năm 1540, sau khi đánh chiếm huyện Lôi Dương, về thăm quê Đồng Phang bị bệnh mới từ trần, thọ 68 tuổi như nội dung chi tiết bên dưới). Vĩnh hưng Bá Trịnh Tuy thông đồng với Nguyễn Kinh lập Tỉnh tu Công “Lộc” tiếm xưng niên hiệu Thiên Đức, rồi truất bỏ Lộc, lập Lê Do tiếm xưng niên hiệu Thiên Hiền, đặt hành điện tại Từ Liêm.

Nguyễn Hoằng Dụ đem quân từ Tống Sơn ra, nhà vua sai Hoằng Dụ cùng Đăng Dung  chia đường tiến đánh Nguyễn Kinh, Hoằng Dụ thua to, đem quân xuống thuyền, liệu bề không đánh nổi, kéo về Tông Sơn, để một mình Đăng Dung chống nhau với địch. Mạc Đăng Dung lập mưu xin vua tha tội cho Nguyễn Kinh rồi thu làm tay chân. Đăng Dung một mình cậy công lộng quyền, tướng lĩnh các nơi không phục, chống lại. Đăng Dung cầm quân đi dánh dẹp, sau khi bắt được Trần Thăng ở Lang Nguyên, Lê Bá Hiếu ở Đông Ngàn, uy quyền càng thịnh, một mình nắm giữ binh quyền, riêng đạo quân của nhà vua thì yếu ớt, nên Dung càng lưu tâm tạo phản. Trong triều thì có Phạm Gia Mô, Lễ bộ Thương thư là sui gia, ngoài trấn thì có Vũ Hộ là em rể làm Đô đốc trấn thủ Sơn Tây cùng bè đảng, em là Mạc Quyết cầm đạo quân Túc vệ của nhà vua, con trai Mạc Đăng Doanh giữ chức Trực Kim quang điện, tìm cách giết hết những người tâm phúc của nhà vua như Nguyễn Thọ, Đàm Cừ, Nguyễn Cầu, tự do ra vào nơi cung cấm, đi đâu thì dùng thuyền rồng, cờ long phụng.

Chiêu Tông thấy tình thế ngày càng nguy ngập, bèn bàn ngầm bỏ kinh thành đi ra ngoài, để hiệu triệu các trấn đưa quân về cứu nguy, lại sai người mang mật chiếu vào Tây Kinh triệu cựu thần Trịnh Tuy ra giúp.

Mùa thu, đêm 23 tháng 7 (1522) Nguyễn Hiền, Phạm Thứ vào cung ăn yến, lén đón vua đi đến Hoa Mộng Sơn huyện Minh Nghĩa (tức huyện Tùng Thiện tỉnh Sơn Tây sau này), không kịp thông báo cho Thái hậu và em biết. Ngày hôm sau Đăng Dung mới biết, sai Hoàng Duy Nhạc dẫn quân đuổi kịp nhà vua ở Thạch Thất, quân nhà vua chống đánh, giết chết Hoàng Duy Nhạc.

Mạc Đăng Dung lập Hoàng Đệ Xuân làm vua, rước về Hồng Thị làm nơi hành điện (thuộc Hải Dương), đắp luỹ Cẩm Giàng để phòng thủ.

Ít lâu sau Chiêu Tông huy động được lực lượng khá lớn, từ Hoa Mộng Sơn trở về Điện Thuỵ Quang, trăm quan tới chầu, các nơi xa gần hưởng ứng, bèn sai bốn tướng đi đánh Mạc Đăng Dung, đánh gần một tháng chưa phân thắng bại, đang đêm bất ngờ Đăng Dung dùng thuỷ quân đánh úp phá được dinh trại quân nhà vua, dẫn quân sang sông, quân nhà vua thua chạy. Có bốn tên lính từ phường Phục Cổ xông vào Điện Thuỷ Quang, quân hộ vệ cản được, nhà vua hốt hoảng chạy đến làng Nhân Mục, trăm quan tản mát, mấy ngày sau mới tụ hội được một số, tháng 9 lại đem quân về Kinh Đô.

Mùa đông năm ấy Trịnh Tuy đem toàn bộ quân Tam phủ từ Tây Đô ra cứu. Vì nghe lời ly gián sinh nghi ngờ, Trịnh Tuy giải tán hết các đạo binh của nhà vua, ép vua bỏ Đông Kinh lui về Tây Kinh.

Đông các Đại học sỹ Vũ Duệ, Lễ bộ Thượng thư Hòang giáp Ngô Hóan cùng với môn đồ thống suất hương binh đi theo Vua Lê Chiêu Tông đến Thanh Hóa, mất liên lạc, không biết Nhà vua ở đâu. Họ đều hướng về Lăng tẩm Lam Sơn, bái vọng rồi tự vẫn cả.
Anh em Ngô Khắc Cung, Ngô Thế Bang dẫn quân bản bộ về Yên Định.

Năm Thống Nguyên thứ 2 (1523) Mạc Đăng Dung sai em là Mạc Quyết đem quân vào đánh Trịnh Tuy. Tháng 7, mạo chiếu Cung  Đế phế Chiêu Tông làm Đà dương Công.

Năm Thống Nguyên thứ 3 (1524) lại sai Mạc Quyết dẫn quân vào Thanh Hoá đánh chiếm hết các huyện quận đầu nguồn Tây Đô, cùng năm ẩy Trịnh Tuy lâm bệnh chết.

Năm Thống Nguyên thứ tư (1525), tháng tư, Mạc đăng Dung tự làm Đô tướng, dẫn cả thuỷ bộ binh mã vào Thanh hoá, Lê chiêu Tông bị bức bách chạy vào động An nhàn, núi Cao trị châu Lang chánh, Đăng Dung tìm đến cướp được vua, giết hết các quan tuỳ tòng không chịu theo hàng họ Mạc, đưa vua về Thăng Long. Được tin này các đạo quân cần vương ở Bắc Giang cũng nhanh chóng tan rã. Đến tháng chạp năm Thống Nguyên thứ 5 (1526) Đăng Dung sai Phạm kim Bảng bí mật giết Lê Chiêu Tông ở phường Đông hà (Hàng chiếu ngày nay).

Tháng 6 năm sau Mạc đăng Dung vào cung ép Hoàng Đệ Xuân nhường ngôi cho mình, bắt vua và Thái hậu giam vào biệt cung, cắt khẩu phần cơm, để cho chết đói.

An thanh Hầu Nguyễn Kim nghe tin trong triều có biến, chạy ra cửa Đoan môn hô to: ”Việc nước như thế, ta thà làm một ông già ở đất Tông sơn, không thể uốn gối nơi thềm rồng thờ lũ nghịch tặc, các ông là thần hạ nhà Lê, có ai theo ta không?” Mọi người nghe lời biết Nguyễn Kim có chí thủ nghĩa, theo hơn mươi người, đều là người Thanh hoá. Nguyễn Kim dẫn quân bản bộ về Thanh hoá, chiếm cứ vùng Cẩm thuỷ, mưu việc dấy nghĩa phù Lê.

Nguyễn Kim đến huyện Yên định, tìm gặp Ngô thế Bang, khóc nói: ”Ngày nay cơ sự đã đến như thế này, chỉ có họ Ngô và họ Nguyễn chúng ta, đời đời khó nhọc giúp rập nhà Lê, thời vua Tương Dực cụ Thanh Quốc công và ông cụ nhà tôi lo việc phế lập, xã tắc mới yên. Nay đến nhường này, tôi tuy làm việc nước, nhưng trong tay không có một tấc sắt, không có một người lính, Tướng công bình sinh là người có đảm lược, được mọi người mến phục, nên đứng ra đương đầu cuộc đại nghĩa này, không nên để cho người khác ra roi trước”.

Ngô thế Bang nói: ”Cá anh tôi Ngô khắc Cung, Ngô văn Bính đã dự đoán trước sự việc tất phải đến như ngày nay, nên đã có sẵn trong tay 3000 quân tinh nhuệ, ruộng tự điền các vị tiên tổ có trên vạn mẫu, đã dự trữ được vài trăm vạn hộc thóc, năm ngoái tôi đã tính việc đưa Hoàng tử Lê duy Ninh lên đất Ai Lao giao cho Lê Lan tìm nơi kín đáo, không có vết chân người qua lại ẩn náu, phòng có người nối nghiệp chính thống sau này. Cháu của tướng Lê Chí là Lê Ý là cháu cô cháu cậu với tôi, là một người trung dũng có đảm lược, có thể đảm đương việc lớn. Những nhà cô gia vọng tộc nhân gia với nhà tôi, không thiếu gì người dám đem thân minh đền nợ nước, vậy xin trước hết hãy bàn bạc với hai anh tôi”.

Nguyễn Kim vào núi tìm gặp Ngô khắc Cung, Ngô văn Bính. Nguyễn Kim hỏi: Quân Mạc mạnh như thế, đánh như thế nào”. Ngô văn Bính nói: Bọn tôi lấy trung nghĩa mà đánh bọn hung tàn, tất bọn Mạc sẽ bị diệt. Anh em tôi có vài ngàn thân binh, các tướng trung dũng có thể đánh Mạc được có trên vài mươi người, hơn nữa người ta căm giận họ Mạc đến tận xương tuỷ, mong chờ nhà Lê như mong được mùa, tướng quân có gì đáng lo ngại. Hôm qua tôi nằm mộng thấy cuộc họp trên thiên đình, Thượng Đế đã uỷ thác việc này cho tướng quân, có vị đại thần xuất ban tâu rằng: Nếu diệt được Mạc này, lai sinh Mạc khác thì sao? Thượng Đế trầm ngâm hồi lâu rồi nói: Vua Lê suy yếu, đời có tôi mạnh, sao khỏi làm loạn. Nguyễn Kim nói số trời đã như vậy, chỉ nên nghĩ đến việc ngày nay là hơn cả.

Sau ngày Mạc đăng Dung cướp ngôi, một số cựu thần nhà Lê trốn tránh đi các nơi, một số sang Trung quốc tố cáo họ Mạc, một số khác chiêu mộ quân mưu khôi phục nhà Lê. Năm 1528 anh em Trịnh Ngung, Trịnh Ngang khởi nghĩa thất bại ở Thái nguyên. Bích khê Hầu Lê công Uyên cùng Nguyễn thọ Trường khởi binh đánh vào Đông kinh thất bại, chạy vào Thanh hoá chia nhau chiếm đóng các huyện, tự xưng quân nhà Lê, Lê công Uyên dựng cờ chiêu an, nhưng ra quân không có niên hiệu, quân lính ô hợp, khi quân Mạc vào đánh, Dực nghĩa Hầu Lê Thiều sai bộ hạ giết chết Lê công Uyên, các tướng Vân sơn Bá, Thái sơn Bá đều tan vỡ, Thanh Nghệ bị nạn binh lửa mấy năm liền, nhân dân lưu tán, vườn ruộng bỏ hoang.

Năm 1530 Lê Ý khởi binh ở châu Quan gia (Quan hoá ngày nay), lấy niên hiệu Quang Thiệu (niên hiệu cuối thời Lê Chiêu Tông) mọi nơi hưởng ứng, kéo về theo rất đông, quân số lên hàng vạn người, lập doanh trại ở thượng lưu sông Mã. Lê Ý truyền hịch khắp Thanh Nghệ kêu gọi nhân dân và cựu thần nhà Lê hưởng ứng phù Lê diệt Mạc. Lê Ý là cháu ngoại vua Lê. Nguyên xưa Đô đốc phủ Tả Đô đốc Bình giang Hầu Lê Tung  người hương Lam Sơn huyện Thuỵ Nguyên lấy  Ngô Thị Ngọc Vỹ con gái Dụ vương Ngô Từ, sinh Lê Lan, Lê Sử. Lê Sử lấy Nguyễn Thị Ngọc sinh Lê Huỳnh, Huỳnh lấy Công chúa An Thái sinh Lê Ý, lại lấy Trần Thị Giảng sinh Lê Thị Ngọc Dung, Lê thị Ngọc Phiến. Lê thị Ngọc Phiến lấy Nam Quận công Ngô Khắc Cung phong Thái Bình Trường quốc Công chúa.

Tháng tư âm lịch năm ấy Mạc Đăng Dung kéo quân vào đánh, Lê Ý đón đánh quân Mạc trên sông Mã, Đăng Dung đại bại phải rút quân, để Mạc Quốc Trinh đóng quân lại ở Hà Trung. Tháng 8 cùng năm Mạc Đăng Doanh lại cất quân vào đánh, chia làm hai đường thuỷ bộ tiến quân, Mạc Quốc Trinh dẫn 200 chiến thuyền theo đường sông đi trước, Đăng Doanh chỉ huy bộ binh tiến sau. Thuỷ quân Mạc Quốc Trinh theo đường sông vào Yên Định, đổ quân lên càn quét Đồng Phang, bắt được cô gái Lê Thị Ngọc Dung, bị trúng ngụy kế của Ngọc Dung, bị Lê Ý tập kích bất ngờ, thuỷ quân tan vỡ, thu thập tàn quân chạy về Hà Trung. Không lâu bộ binh do Mạc Đăng Doanh thống lĩnh đến Yên Định, khí thế khá mạnh.

Ngô Thế Bang đề xuất  kế phá quân Mạc: Thế giặc đang mạnh, ta nên lấy mưu mà thắng, không nên lấy sức mà chọi, ngày mai giao chiến trận đầu hai anh giả thua chạy, em cũng rút lui, sai người mạo biên thơ nói rằng đã bắt được ông ấy, ông ấy… đưa đến viên môn đợi lệnh, xin theo đánh dẹp bọn nhà Lê lập chút công mọn. Nếu bọn chúng nhận hàng thì anh Cung trà trộn trong quân làm nội ứng, quân Mạc dần dần lỏng lẻo, anh Bính đem quân đánh mạnh phía trước, anh Cung và em phá cũi đánh từ trong ra, quân Mạc trong ngoài bị đánh, có thể một trận mà thành công. Ngô Khắc Cung khen là diệu kế, bèn chọn Ngô Hoán, Ngô Chi, Ngô Tùng, Ngô Thái, Ngô Khê, những người có đảm lược lại khéo ăn nói cải trang, đổi tên họ, dẫn ngàn quân đầy đủ khí giới lương thực đến doanh trại quân Mạc xin đầu hàng. Vài ngày sau Lê Ý đem quân đến khiêu chiến, Ngô Hoán xin đi lập công, Đăng Doanh cho đi. Anh em họ Ngô ra trận Lê Ý giả thua bỏ chạy. Một bộ tướng của Lê Ý dẫn hơn ngàn quân đến doanh trại Mạc xin đầu hàng, Mạc Đăng Doanh nhận cho hàng. Vài ngày sau Ngô Thế Bang dẫn quân đến khiêu chiến, Bộ tướng của Lê Ý vừa về hàng xin đi lập công, lại thắng một trận to, Mạc đăng Doanh càng chủ quan coi thường. Ngô Hoán đề xuất ý kiến: Các tướng giỏi của nhà Lê chỉ có Bang, nếu bắt được người ấy thì coi như thiên hạ bình định, thần xin lập kế sai người bắt, Điện hạ nghĩ thế nào. Mạc Đăng Doanh chấp thuận nói: Công ấy lớn lắm, nhà ngươi thực hiện đi.

Mấy ngày sau có tin ông Nguyễn nào đó dẫn ngàn quân đến xin đầu hàng, có dẫn theo Ngô thế Bang vừa bắt được đến nạp làm lễ tiến kiến. Mạc Đăng Doanh sai Ngô Hoán cùng vài tướng ra xem xét rõ thực hư, rồi nhận hàng, đưa Ngô thế Bang ra giữ ở trại sau, chờ đưa về Đông Kinh, sai bày tiệc khoản đãi binh sỹ của ông Nguyễn. Đang giữa bữa tiệc, quân Lê Ý và Ngô Văn Bính tiến công mạnh mặt trước, Ngô Khắc Cung (ông Nguyễn giả trang) phá cũi cho Ngô thế Bang, cùng mấy ngàn quân trá hàng trước, đánh loạn ẩu từ trong ra, quân Mạc rối loạn vì quá bất ngờ, bị chém chết không biết bao nhiêu mà kể, Mạc Đăng Doanh đại bại, vội vàng thu quân về bắc, để Mạc Quốc Trinh lại giữ Hà Trung.

Nhân đà thắng Lê Ý chiếm Tây Đô, cuối năm vì hết lương, phải đem quân về châu Quan Gia. Thắng luôn mấy trận, Lê Ý sinh chủ quan khinh địch, hàng ngày cho quân lính vào núi vận lương, doanh trại bỏ trống, phòng bị sơ sài.

Ở Hà Trung, Mạc Quốc Trinh nắm rõ tình hình, kéo quân tập kích, Lê Ý bị bắt sống đưa về Đông Kinh, quân sỹ tan vỡ, số lớn trở về quê làm ruộng, một số chạy sang với Nguyễn Kim. Lực lượng Nguyễn Kim được tăng nhanh, đem quân sang đóng nhờ đất Ai Lao, vua Sạ Đẩu Ai Lao cho đóng quân ở Sầm Nưa, lúc này Nguyễn Kim đã có hơn 3000 quân, 300 ngựa, 30 thớt voi…

Anh em Ngô Khắc Cung cùng  đem quân sang Ai Lao hợp với quân Nguyễn Kim, tìm Hoàng tử Lê duy Ninh tôn lập làm vua, lấy niên hiệu Nguyên Hoà năm thứ nhất (1533), Nguyễn Kim làm Thái sư Hưng quốc Công, phát tang vua Lê Chiêu Tông. Sau ngày tôn lập vua mới, Nguyễn Kim dẫn quân theo dòng sông Chu về đánh chiếm huyện Lôi Dương, tiến chiếm huyện Đông Sơn. Mùa thu năm sau (1534) quân Mạc vào đánh, Nguyễn Kim thua, phải rút quân về Sầm Nưa.

Đầu năm 1539, vua Lê phong Trịnh Kiểm, Ngô Khắc Cung, Ngô Văn Bính, Ngô Thế Bang đều làm Đô tướng, trao ấn tín, cùng nhau kéo quân về đánh chiếm được huyện Lôi Dương.

Ở Lôi Dương Nguyễn Văn Bính nhớ quê hương trước đây bị quân Mạc tàn phá, về thăm, nhiễm bệnh từ trần ở Đồng Phang, thọ 68 tuổi. Cuối năm sau (1541) Ngô Khắc Cung cũng từ trần. Cuối năm 1543 Nguyễn Kim ở Ai Lao kéo quân về Nghệ An, rồi ra Thanh Hoá, quân Mạc thua liên tục. Cuối năm ấy Nguyễn Kim chiếm được Tây Đô, tướng Mạc trấn giữ Tây Đô là Dương Chấp Nhất đầu hàng. Từ đó đất Thanh Nghệ trở thành giang sơn riêng của vua Lê, thực chất là của Nguyễn Kim và sau này là của họ Trịnh và cũng từ đó hình thành Nam Bắc triều, một nước hai vua, hai triều đình, đánh nhau liên miên mấy chục năm liền.

Theo Lịch sử họ Ngô

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập100
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm93
  • Hôm nay33,140
  • Tháng hiện tại665,208
  • Tổng lượt truy cập47,390,316
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây