Ngày 7/12/2017 ngotoc.vn đã đăng bài “Về câu đối trang bìa Phả hệ Họ Ngô Việt Nam” của tác giả Ngô Vui, kể lại những khó khăn trong thời kỳ đầu hoạt động của Ban Liên lạc họ Ngô Việt Nam, quá trình đưa câu đối của Tiến sỹ Ngô Trần Thực vào cuốn Phả hệ, đồng thời tóm tắt giới thiệu thân thế của tác giả câu đối. Đây là một bài viết chi tiết và rất hay, giúp chúng ta hình dung được những ngày đầu mới phôi thai, hình thành, các thành viên Ban Liên lạc họ Ngô Việt Nam (nay là Hội đồng họ Ngô VN) đã phải họat động trong điều kiện khó khăn như thế nào, qua đó thấy càng khâm phục những nỗ lực lớn lao và trân trọng thái độ làm việc nghiêm túc, cẩn trọng của các bác trong Ban Liên lạc thời kỳ đó.
Về câu đối của Tiến sỹ Ngô Trần Thực, mỗi lần giở cuốn Phả hệ nhìn đọc tôi lại có suy nghĩ phải hiểu thế nào cho đúng ý nghĩa của hai vế đối cũng như đúng với ý tưởng của tác giả. Có thể nói đây là một câu đối hay nhưng rất khó dịch. Tác giả dùng một số từ ngữ có xuất xứ từ các tích cổ, nghĩa bóng rộng nên để hiểu và dịch cho đúng, cho sát nghĩa đã khó, dịch cho hay lại càng không dễ gì. Qua bài giới thiệu của bác Ngô Vui mới được biết trước đây đã nhiều người thử sức dịch nhưng sau khi có lời dịch của ông Dương Văn Vượng thì không ai "dám" dịch thêm nữa. Đây cũng là điều dễ hiểu.
Ở đây tôi xin được mạo muội luận bàn đôi chút về câu đối này như sau:
Vế đầu: Càn khôn chính khí vô kim cổ (乾 坤 正 氣 無 今 古)
Chính khí là trạng thái trong sáng, tốt lành của không gian trời đất, là biểu hiện sự quang minh chính đại của con người. Nghĩa của vế đối là: Chính khí của trời đất không cần phân kim cổ, tức xưa nay như nhau, không có gì khác biệt, không phân biệt thời điểm và thời gian tồn tại.
Vế sau: Phiệt duyệt hoa tông hữu khoán thư (閥 閱 華 宗 有 券 書).
Phiệt duyệt là gia đình công danh quyền quý. Thời xưa các bậc công thần ai có công trạng thì được viết công trạng đó dán vào cửa nhà, ở phía trái gọi là Phiệt, phía phải gọi là Duyệt (vì thế về tự hình 2 chữ Phiệt, Duyệt đều có bộ môn là cửa bao ngoài). Sau phiệt duyệt được ghép lại thành từ kép, dùng với ý nghĩa trên. Hoa là tinh hoa, tinh túy. Hoa tông là dòng tộc tinh hoa. Phiệt duyệt hoa tông là dòng dõi công danh, trâm anh thế phiệt.
Khoán thư là khế ước, là tờ giấy hẹn. Từ này có trong thành ngữ “Thiết khoán đan thư”. Xưa người có công lớn với quốc gia được ghi công danh vào cuốn sách đỏ son (gọi là đan thư), và khắc tên tuổi vào phiến sắt mỏng (gọi là thiết khoán) để lưu danh. Sau này khoán thư mang ý nghĩa là giấy tờ, tài liệu làm bằng chứng. Ở đây, bằng chứng đó chính là muốn nói tới phả ký, sử xanh.
Ý nghĩa của cả câu đối này là: Chính khí của đất trời xưa nay như nhau, không có gì khác biệt, (còn) dòng dõi công danh quyền quý phải có gia phả, sử sách ghi chép, lưu lại làm bằng.
Trong câu đối này tác giả có ý tự hào về họ tộc mình thuộc dòng quyền quý, thế phiệt trâm anh. Mặt khác, việc sử dụng lối đối tương phản, dùng chữ Hữu (có) ở vế dưới đối với chữ Vô (không) ở vế trên là có ý nhấn mạnh vai trò của gia phả trong việc ghi chép và bảo tồn các giá trị của dòng họ như một bằng chứng lưu danh (khoán thư), nhất là khi câu đối được đặt trong gia phả của họ tộc.
Nhân đây tôi cũng xin được góp thêm một lời dịch khác để bạn đoc và bà con tham khảo:
Chính khí đất trời xưa nay không khác biệt
Dõi dòng thế phiệt phả sử sẽ lưu danh.
Chắc trong Họ cũng như ngoài Họ còn nhiều bậc cao minh thuộc hàng chuyên gia và bậc thày ở lĩnh vực này, rất mong được chỉ giáo.
Ngô Văn Xuân
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn