Sáng ngày 20/3/2019 (tức 15 tháng 2 năm Kỷ Hợi), tại Thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, họ Ngô Tam Sơn đã long trọng tổ chức Lễ giỗ Tổ & Khánh thành Đền thờ Ngô Tam khôi.
Tham dự buổi Lễ có đại diện lãnh đạo thị xã Từ Sơn, một số ban, ngành đoàn thể, đại diện các cấp chính quyền một số địa phương lân cận trong Thị xã, cùng hàng trăm con cháu họ Ngô đến từ các chi Tam Sơn, Nam Hồng, Hồi Quan, Viên Nội, Tráng Quáng, Tân Dĩnh, Đồng Kỵ, Hiệp Hòa… và gia tộc họ Ngô địa phương. Đoàn Hội đồng họ Ngô Việt Nam do cụ Ngô Vui (Chủ tịch Hội đồng) làm trưởng đoàn cũng về tham dự buổi Lễ.
Mở đầu chương trình là các tiết mục văn nghệ đặc sắc do các liền anh, liền chị vùng đất quan họ tham gia biểu diễn, đây là nét đặc trưng văn hóa không thể thiếu của miền Kinh Bắc trong mỗi dịp lễ hội địa phương.
Tiếp theo chương trình, ông Ngô Phú Huệ thay mặt Ban tổ chức đã khái quát sơ lược về quá trình lên ý tưởng và xây dựng Đền thờ. Theo đó, bằng sự quyết tâm của các thành viên trong dòng họ và sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là sự tham gia hỗ trợ, đóng góp tích cực của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn, công trình Đền thờ Ngô Tam Khôi đã huy động được gần 2 tỉ đồng và hoàn thành đưa vào sử dụng sau 6 tháng thi công theo đúng kế hoạch đề ra. Tiếp đó, cụ Ngô Vui thay mặt Hội đồng họ Ngô Việt Nam cũng đã có bài phát biểu tâm huyết về quá trình tìm hiểu và kết nối dòng họ, đồng thời chúc mừng họ Ngô Tam Sơn.
Đền thờ Ngô Tam Khôi ở Tam Sơn được biết đến như là nơi thờ tự Ngô Miễn Thiệu, ông là người họ Ngô duy nhất đỗ Trạng nguyên (danh hiệu người đỗ đạt cao nhất trong các kỳ thi tuyển chọn quan lại trong thời kỳ phong kiến). Danh hiệu “Tam Khôi” là để chỉ 3 vị trí cao nhất của bậc Tiến sĩ trong kỳ thi “Đình” là “Trạng Nguyên - Bảng nhãn – Thám hoa”. Tam Sơn là một miền quê văn hiến, nổi tiếng khoa bảng và là một trong số ít các làng có đủ Tam Khôi.
Theo gia phả họ Ngô Việt Nam hiện nay, thì Thủy Tổ họ Ngô Tam Sơn là cụ Ngô Quân Hiên (đời thứ 22) có gốc tích từ Đồng Phang (Thanh Hóa), ông là con trai thứ của Thanh Quốc công Ngô Khế. Giữa thế kỷ thứ XV, Ngô Quân Hiên lánh về và định cư tại Tam Sơn và sinh được 2 người con là Ngô Luân và Ngô Thầm.
Ngô Luân đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (năm 1475) làm tới chức Thượng thư (Đông các Đại học sĩ, thành viên Hội Tao đàn), dòng trưởng Ngô Luân định cư ở Hải Dương (Phù Vệ, Đường Hào…) nên việc phụng sự từ đường phó thác cho dòng thứ, bởi vậy mà còn nảy sinh nhiều bất cập cho đến hiện nay. Ngô Thầm đỗ Bảng nhãn khoa Qúi Sửu năm 1493 (Hàn lâm viện thị thư, thái bảo, thành viên Hội Tao đàn) sinh một con trai là Ngô Miễn Thiệu. Ngô Miễn Thiệu đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Thìn (năm 1518). Trải qua hơn 500 năm lịch sử, cho đến nay nơi đây đã phát triển thành một dòng họ Ngô lớn.
Bắc Ninh là vùng đất nghìn năm văn hiến, hiếu học và là trung tâm của xứ Kinh Bắc cổ xưa. Ngày nay, với sự phát triển thần kỳ trong những năm qua đã đưa kinh tế Bắc Ninh vượt lên đứng thứ 4/63 Tỉnh/TP về tổng sản phẩm GDP. Cùng với các dòng họ lớn khác ở Bắc Ninh, họ Ngô đã và đang góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa và xây dựng quê hương Bắc Ninh ngày càng giàu đẹp.
Bài thơ: NHỚ NGOẠI TỔ (Họ Ngô Nguyễn Tam Sơn kính tặng nhân dịp 500 năm trạng nguyên Ngô Miễn thiệu đăng khoa)
Cha bảng nhãn, con lại Trạng Nguyên Danh gia độc nhất mãi lưu truyền Tuổi mười xướng họa lầu kinh sử Nhị thập thi đình đậu trạng nguyên Quốc nhục xin đành phò kẻ nghịch Nòi vinh cho được phá câu nguyền Làm thơ đuổi giặc xưa nay hiếm Tránh cuộc đao binh đất nước yên.